Mơ mơ, tỉnh tỉnh, bước chân du xuân mải lạc vào giữa thảm xanh trải rộng. Định thần nhận ra mình thật nhỏ bé giữa vùng chè nổi tiếng một thời - Nông trường Nghĩa Lộ. Bấy nhiêu năm, hình ảnh nông trường - một vùng nguyên liệu bao quanh các Nhà máy chè Trần Phú, Liên Sơn, Nghĩa Lộ không thể phai trong ký ức người dân.
Nhớ! Rồi bất chợt ùa về một cảm giác "bâng khuâng” khi thả bước trên đoạn đường bê tông nối liền những đồi chè. Chè ở đây đẹp tăm tắp, liền rảnh như vẽ - chẳng hổ danh "vùng chè đẹp nhất Yên Bái”.
Đẹp nhất Yên Bái cũng phải. Đẹp như tranh thì đã tận mắt trông thấy. Cái đẹp không nhìn thấy chính là mối quan hệ giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông đang duy trì ở đây.
Đó là việc Công ty hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy trình sản xuất, kinh doanh chè búp; hỗ trợ vật tư, phân bón, hướng dẫn và giám sát việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật… Đó là việc người dân thu hái đúng quy cách và bán búp tươi cho nhà máy của doanh nghiệp.
Không biết, sản phẩm chè bán đi đâu, lãi lỗ thế nào, nhưng chỉ nhìn vào vùng chè trải thảm tới trên 330 ha như thế, người ta có thể chắc chắn Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ và người dân làm chè ở đây hẳn đã gắn bó và "chơi đẹp” với nhau.
Có lẽ đã qua đi cái thời làm chè "chụp giật”. Doanh nghiệp thì tranh mua, tranh bán nguyên liệu. Người dân ồ ạt cắt liềm, cắt máy rồi "bón” thật lực vào lá để thu hoạch bán cho nhà máy, giải quyết thu nhập bữa sáng, bữa tối. "Trên đau dưới đói” là cụm từ chẳng hay ho gì khi nói đến "kinh nghiệm” thâm canh chè ở nhiều nơi của tỉnh Yên Bái.
Năng suất, chất lượng chè nguyên liệu suy giảm, nên dù có hái liềm, hái máy, công lao động của bà con vẫn thấp. Người làm chè đành tạm bỏ chè làm việc khác sinh nhai, cây chè không được quan tâm, thiếu chăm sóc đúng cách nên chết dần, chết mòn. Bức tranh vùng chè nhiều chỗ "đứt đoạn”, trở nên loang lổ do mất rảnh.
Tìm đâu số liệu thực về diện tích chè của huyện này, huyện kia là bao nhiêu héc - ta?. Một tỉnh có thời được coi là thủ phủ của chè với mười mấy ngàn héc - ta, giờ con số 8.500 ha, hay 6.000 ha?
Sao không "bâng khuâng” khi mà đứng ở đất chè để hình dung lại những thông tin có được tại Đại hội Các nhà sản xuất kinh doanh chè tỉnh Yên Bái lần thứ II tổ chức vào cuối vụ chè 2018.
Bấy lâu, dường như doanh nghiệp đã "thả nổi” vùng nguyên liệu nhưng tại Đại hội họ đều đề nghị các địa phương tạo điều kiện phân vùng nguyên liệu để doanh nghiệp cùng người dân đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu.
Không biết họ sẽ làm gì, khi mà sản phẩm các nhà máy của họ làm ra đi đến đích cuối cùng là ở đâu. Và can thiệp sao được khi chè đã giao cho dân làm chủ, bài toán làm thế nào để sinh lời là do chính người làm chè quyết định.
Cuộc sống của họ từng dựa vào những đồi chè, vậy mà họ phải để chè phát triển tự nhiên rồi đi làm thuê. Có nơi, chè của họ được thay thế bằng những thứ cây mới, hứa hẹn hiệu quả kinh tế cao cũng được coi là những lời giải ban đầu.
Vùng thâm canh chè ở thôn Trực Thanh, xã Hưng Khánh (Trấn Yên)
Chậm bước, dành một khoảng lặng để nghe từng búp chè mang trong mình bao nội chất, cựa quậy như muốn bung ra. Giờ này, chắc hẳn những nơi làm chè xanh người dân đã nhộn nhịp lắm.
Đã qua xã Hưng Khánh, xã Bảo Hưng (Trấn Yên), đến Hán Đà (Yên Bình)... mới thấy nghiệp chè đã gắn lấy người dân nên họ chưa bao giờ bỏ chè. Người làm chè ở những vùng quê này đã khá chủ động trong phát triển vùng nguyên liệu.
"Nếu cắt chè bán nguyên liệu cho nhà máy thì ba bốn mươi ngày mới thu hoạch. Hái tay và sao sấy chè xanh, chỉ mười lăm - hai mươi ngày lại được hái, việc làm quanh năm”. "Bâng khuâng” nhớ lời thôn nữ Khe Năm, xã Hưng Khánh khoe vậy.
Chăm sóc bài bản theo quy trình sản xuất chè an toàn, những cân chè ở Hưng Khánh, ở Bảo Hưng, ở Hán Đà và một số vườn chè khác chỉ đóng túi nilon, họa hoằn lắm đóng giấy bạc với tem nhãn đơn giản nhưng vẫn được người dùng chấp nhận.
Những thương lái đã đặt, đã gửi, thậm chí thu gom rất nhiều chè xanh do bà con ở đây sao sấy chuyển đi các tỉnh. Không nhãn mác, thương hiệu nên giá cả cũng ở mức độ, song người dân vẫn lấy sản xuất chè xanh làm con đường theo đuổi.
Chè xanh Yên Bái mới chỉ đứng nhãn hiệu với chè Suối Giàng - một đặc sản vùng cao chủ yếu làm quà biếu. Nhãn hiệu Chè Hương Lý của một ông chủ nhiệm hợp tác xã say sưa với nghiệp chè làm ra.
Chưa có cây trồng nào được tỉnh quan tâm như thứ cây này với hẳn một nghị quyết về phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất chế biến chè. Và đã có doanh nghiệp chuyên sản xuất chè đen bán thành phẩm nay quay ra làm chè xanh, mà còn xuất khẩu được đâu đó. Không biết thị trường sẽ ra sao?
Dự tính Yên Bái có khoảng 20 - 30% sản lượng là chè xanh, nếu tính toán căn cơ cùng lượng nguyên liệu chè xanh cho hiệu quả kinh tế hơn bởi giá chè đen "khá thấp”.
Trong khi ở Thái Nguyên, sản xuất chè xanh vẫn đang giữ sản lượng chủ đạo. Có lẽ danh tiếng chè Thái, chiến lược cho chuỗi sản phẩm hay việc nghiên cứu thị hiếu uống chè đã giúp họ tạo ra thị trường.
Chân bước "bâng khuâng” giữa những dải xanh đang ngàn ngạt. Chè - một thứ cây cũ đang cần hướng đi mới, cần một chiến lược bài bản, đột phá với cái nhìn dài hơi…
Nắng bừng lên. Từng giọt nắng nhảy múa làm tan sương đêm trong kẽ lá. Nắng sẽ xóa đi cái mờ mờ, ảo ảo của sóng xanh quyến rũ giữa đất chè Yên Bái khi xuân đã về.
Quang Tuấn