Đi trên con đường bê tông dài hơn 4 km từ cầu treo Khao Mang đi lên bản Cồ Dề Sang A, xã Lao Chải ít ai biết rằng, những năm trước việc đi lại, sản xuất của gần 200 hộ dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa nhà nào có xe máy phải gửi xe dưới đầu cầu treo xong đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới lên tới bản; trẻ con đi học cũng không dễ dàng, ngày tạnh ráo thì đi học, còn ngày mưa thì ở nhà; các mặt hàng nông sản làm ra luôn bị ép giá...
Với mong muốn có một con đường dù chỉ đi được xe máy, Ban Chi ủy, Ban Công tác Mặt trận bản tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động người dân đóng góp tiền của, công sức để làm đường.
Qua nhiều lần họp bàn, bà con đã nhất trí làm đường và thống nhất đóng góp mỗi hộ 1 triệu đồng để mua vật liệu xây dựng; người dân đóng góp ngày công để đổ bê tông, chia đều cả tuyến đường, mỗi hộ phải đổ 24 m. Bà con đã ủng hộ phương án để làm đường rồi nhưng giờ chưa có tiền mặt để đóng góp.
Qua nhiều cuộc họp bàn, người dân trong bản quyết định lấy tiền dịch vụ môi trường rừng để đóng góp làm đường. Nhưng hiện tại, tiền dịch vụ môi trường rừng chưa đến kỳ chi trả nên chưa có tiền để đóng góp.
Với khát khao có một con đường cho người dân đi lại đỡ khổ, ông Giàng A Tòng đã đứng ra thế chấp tài sản vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện về đưa cho Bí thư Chi bộ, Trưởng bản sau đó bầu ra thủ quỹ để đi mua xi măng, cát sỏi về làm đường và xin nợ lại cửa hàng xi măng 70 triệu đồng.
Sau khi người dân có tiền dịch vụ môi trường rừng sẽ nộp lại để cho ông Tòng trả Ngân hàng. Ông Giàng A Tòng chia sẻ: "Bao đời nay đi đường mòn đất đỏ, ngày mưa rất vất vả lắm! 1 triệu đồng tiêu vài lần là hết trong khi chung sức làm đường đi cả đời mình, đời con, cháu mình nữa chứ”.
Chị Sùng Thị Sua - một người dân trong bản phấn khởi cho biết: "Có đường rồi thích lắm, được con trai chở xe máy xuống chợ huyện mua sắm, khi nào có tiền sẽ nộp cho trưởng bản ngay”.
Ông Giàng A Tòng và người dân bản Cồ Dề Sang A phấn khởi khi làm được đường bê tông.
Giờ đây, đi lên các bản vào mùa mưa, không còn bắt gặp những chiếc xe máy phải bó xích bò từng tí một giữa con đường đất lầy lội nữa mà thay vào đó là những con đường bê tông uốn lượn quanh các quả đồi xanh mướt của ngô, lúa, thảo quả và sơn tra.
Anh Giàng A Lú ở bản Cồ Dề Sang A vui vẻ cho biết: "Trước đây, vào mùa mưa mỗi năm, mình mất tiền mua 2 cái xích để bọc bánh xe mới đi được, từ năm ngoái có đường đẹp, xe máy của nhà mình không phải bọc xích nữa rồi. Xe chạy trên đường bê tông lúc nào cũng sạch không còn bùn đất bám, mà đi từ bản xuống xã, về huyện nhanh hơn rất nhiều”.
Về Nậm Khắt, xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện, đi trên những con đường bê tông trải dài về các bản, chúng tôi cảm nhận được những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào dân tộc xã Nậm Khắt trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân đã góp tiền, công lao động và hiến đất ruộng, vườn, cây cối. Nhờ đó, đến hết năm 2018, xã Nậm Khắt đã đạt tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn (GTNT).
Ông Thào A Páo - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt cho biết: "Xuất phát từ nhu cầu đi lại, giao thương của người dân nên phong trào làm đường giao thông được bà con ủng hộ lắm! Nhà nước hỗ trợ xi măng rồi, dân mình chỉ phải góp tiền mua cát, sỏi, bỏ công sức để làm đường thôi. Hầu hết người dân trong xã có đường giao thông đi qua đất của nhà đều tự nguyện hiến đất, không yêu cầu đền bù. Bà con mình cũng đã tự bỏ công sức, tiền của để đổ đường bê tông rộng từ 80 cm – 1 m cho xe máy đi vào các khu trồng thảo quả, sơn tra, ngô...”.
Năm 2018, xã Nậm Khắt đã bê tông hóa được 4,4 km đường trục xã tuyến Lả Khắt - Xua Lông và đường Pú Cang; 4 km đường từ trục đường chính của xã đi các bản Làng Sang, Páo Khắt, Cáng Rông rộng 2,5 m, dày 16 cm với tổng nguồn vốn đầu tư trên 12,3 tỷ đồng.
Trong đó, nhân dân đóng góp gần 390 triệu đồng và trên 2.000 ngày công lao động, công ty xi măng hỗ trợ 170 tấn xi măng. Năm 2019 này, xã đăng ký làm 4,5 km đường liên thôn bản rộng 2,5m cho 2 bản Nậm Khắt và Páo Khắt.
Nhờ có đường giao thông thuận tiện mà sản phẩm của bà con làm ra được giá hơn, đời sống của người dân được nâng cao. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 53,9%.
Với đặc thù của một huyện vùng cao, địa hình hiểm trở, việc xây dựng các tuyến đường giao thông tỏa về các thôn, bản trở nên khó khăn. Trước đây, có những xã, những thôn phải đi hết cả ngày đường là chuyện bình thường.
Địa hình dốc, hiểm trở, chi phí để giải phóng mặt bằng cao. Vì vậy, Mù Cang Chải nổi tiếng với những con đường thuộc loại khó đi, khó làm nhất. Nhưng bây giờ, nhờ sự đồng thuận của người dân, huyện cơ bản đã bê tông hóa các tuyến đường dẫn về các trung tâm xã.
Theo đó, đề án sắp xếp lại các khu dân cư trên địa bàn một cách hợp lý đang được UBND huyện triển khai quyết liệt, đáp ứng nhu cầu của người dân là bê tông hóa mạng lưới GTNT về các khu dân cư và giao thông nội bộ điểm dân cư. Huyện đã phê duyệt đề án hỗ trợ nhân dân các xã làm đường theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Năm 2018, toàn huyện đã kiên cố bê tông được 11 km mặt đường rộng 3 m; kiên cố bê tông được 35 km mặt đường rộng 1 - 1,5 m. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp cát, sỏi, công lao động để thực hiện kiên cố bê tông được 11 km mặt đường rộng 3m và kiên cố 12 km mặt đường rộng 1 - 1,5m; nhân dân tự đóng góp hoàn toàn để xây dựng kiên cố bê tông được 18 km mặt đường rộng 1 - 1,5m.
Ông Sùng A Chua - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mù Cang Chải cho biết: "Trong năm 2019 này, huyện Mù Cang Chải tiếp tục huy động nhân dân đóng góp để kiên cố bê tông trên 30 km đường ô tô, mặt đường rộng 3 - 3,5m và 20 km mặt đường rộng 1 - 1,5m. Trong đó, đầu tư bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản 16 km, mặt đường rộng 3 - 3,5 m; Nhà nước hỗ trợ vật liệu, nhân dân đóng góp công lao động 14 km, mặt đường rộng 3 m; nhân dân đóng góp để xây dựng kiên cố bê tông 2 km, mặt đường rộng 1 - 1,5 m”.
Phong trào làm đường GTNT trên địa bàn huyện Mù Cang Chải được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong huyện. "Làm đường để đi, không bị ách tắc vào mùa mưa lũ nên bà con ai cũng ưng cái bụng. Người dân trên này bao đời khổ vì không có đường to rộng, bằng phẳng, giờ được Nhà nước hỗ trợ làm nên mừng lắm! Bởi có đường mới có điện, đời sống của người dân mới tốt hơn” - Trưởng bản Páo Khắt, xã Nậm Khắt Giàng A Khua cho biết.
Còn ông Giàng A Tòng ở bản Cồ Dề Sang A, xã Lao Chải chia sẻ: "Có con đường, con cháu đi học đỡ khổ. Nhìn cảnh con em mình lội bộ, trong bùn lầy đất đá đến trường, có khi đến trường quần áo bẩn hết lại quay về, đi lại cả ngày mà không được con chữ nào, thương lắm!”.
Hồng Duyên