Người thợ cắt tóc 7 lần hiến máu cứu người

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/4/2019 | 8:09:02 AM

YênBái - Chỉ là người thợ cắt tóc nhưng người đàn ông 42 tuổi đời ấy đã 7 lần hiến máu cứu người. Hơn thế, anh còn tình nguyện đăng ký hiến tạng, hiến giác mạc, hiến xác cho y học. Tâm sáng của anh đã lan tỏa tinh thần những việc làm vì cộng đồng. 

Anh Phạm Văn Quyết khoe hai tấm thẻ hiến tạng và hiến xác với phóng viên.
Anh Phạm Văn Quyết khoe hai tấm thẻ hiến tạng và hiến xác với phóng viên.

Được tin cháu Tấn Dũng, con anh chị Nam - Hoài ở khu phố 7, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên bị tai nạn giao thông vỡ thận đang cần máu để truyền cấp cứu, anh Phạm Văn Quyết ở khu phố 3 đã vội chạy xe vượt gần hai chục cây số trong đêm đến bệnh viện để hiến máu, giúp các bác sỹ cứu được cháu Dũng qua cơn nguy kịch.

Khi đã tai qua nạn khỏi, vợ chồng anh chị Nam - Hoài đến nhà anh Quyết để cảm ơn cũng như biếu anh ít tiền bồi bổ sức khỏe, anh Quyết cười hiền từ bảo: "Hoa quả thì tôi xin nhận, riêng phong bì thì anh chị cũng coi như là tôi đã nhận và cho tôi gửi lại để bồi dưỡng cho cháu”. Câu chuyện về nghĩa cử cao đẹp ấy đã đưa chúng tôi về Cổ Phúc tìm gặp anh Quyết.

Đón chúng tôi trong ngôi nhà khang trang vừa là nơi ở, vừa mở cửa tiệm làm tóc, anh Quyết niềm nở: "Tôi ủng hộ để các anh báo chí viết bài nhưng không phải ca ngợi tôi mà để tuyên truyền về phong trào hiến máu nhân đạo, cũng như hiến giác mạc, hiến tạng, hiến xác cho y học mà cá nhân tôi và nhiều người khác đã làm và đã đăng ký để được làm sau khi qua đời”. 

Anh Quyết mở đầu câu chuyện với chúng tôi thật ấn tượng như vậy. Rồi anh tiếp, tuổi trẻ của tôi cũng dữ dội lắm, lang thang kiếm sống khắp trong Nam, ngoài Bắc bằng nghề thợ xây. 

Khoảng năm 2001, tôi đang tham gia thi công xây dựng một công trình trên đường Alexandre de Rhodes thì kế bên diễn ra một buổi hiến máu nhân đạo do Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, nghe những bài tuyên truyền về ý nghĩa của việc hiến máu cứu người qua hệ thống phát thanh, tôi hiểu được mục đích cao đẹp của việc hiến máu. 

Đến giờ nghỉ giải lao, tôi sang bên đó, xin được hiến máu như các bạn thanh niên, những chiến sỹ công an, bộ đội đã làm. Ban tổ chức và rất nhiều bạn trẻ biết chuyện, thấy tôi lấm lem bụi cát, xi măng nên ngạc nhiên lắm rồi họ cũng chấp nhận và thông báo trên loa phóng thanh. 

Thú thật là tôi cũng rất hồi hộp khi nhân viên y tế lấy ra từ cơ thể mình 250 ml máu, nhưng sau đó tôi thấy sức khỏe vẫn bình thường, tôi vẫn làm trọn ngày công dù nhân viên y tế khuyên tôi nên nghỉ ngơi dưỡng sức. 

Tôi vẫn nhớ, chiều hôm ấy về khu trọ, vợ tôi không hề phản đối, cô ấy làm một bữa ăn ngon để bồi dưỡng cho tôi. Sau một thời gian kiếm sống ở Sài Gòn, năm 2007 tôi cùng vợ chuyển về quê nhà Trấn Yên mở hiệu làm tóc. Năm 2014, trong một lần đưa con đi học, tình cờ gặp Hội Chữ thập đỏ tổ chức hiến máu nhân đạo, tôi vào xem và tự nguyện đăng ký hiến máu. 

Và rồi, từ các năm 2015, 2016, 2017 và 2018 năm nào anh Hoàng Văn Tương - hàng xóm cũng là cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Trấn Yên cũng vận động tôi tham gia hiến máu nên tôi tham gia quen rồi... 

Như vậy, lần hiến máu cứu cháu Dũng, con anh chị Nam - Hoài là lần thứ 7 anh Quyết tham gia hiến máu. 

Không chỉ hiến máu, anh Phạm Văn Quyết còn tích cực vận động những người có khả năng cùng tham gia hiến máu. Trở lại câu chuyện cháu Tấn Dũng bị tai nạn, cháu Dũng thuộc nhóm máu O+ khá hiếm gặp và truyền máu nhóm khác vào không đáp ứng. 

Tại thời điểm cháu Dũng bị tai nạn, trong kho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái không còn một đơn vị máu O+ nào, liên hệ với Viện Huyết học Trung ương thì nhận được tin dưới đó còn nhưng chưa qua sàng lọc. Khi biết tin, anh Phạm Văn Quyết tìm đến Bệnh viện để hiến máu, anh cũng không quên mang theo một bản danh sách dài họ tên, địa chỉ, số điện thoại, nhóm máu... của rất nhiều người sẵn sàng hiến máu mà anh đã quen biết và thường xuyên trao đổi, liên lạc. 

Anh Quyết cho biết: "Số người mà tôi vận động sẵn sàng tham gia hiến máu khá đông nhưng tiếc là vì điều kiện sức khỏe lại không cho phép. Ví như anh Minh Tiếp, anh Lâm Thủy ở gần nhà tôi đã đi sàng lọc nhưng người thì bị huyết áp cao, người thì bị tiểu đường nên đành chịu”. 



Lần thứ 7 anh Phạm Văn Quyết thực hiện hiến máu cứu người.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Quyết thậm chí còn lồng ghép tuyên truyền việc hiến máu một cách đầy trách nhiệm và hiểu biết: Mỗi năm hiến một đơn vị máu không hề nguy hiểm và chắc chắn không hại đến sức khỏe, mọi người nên tìm hiểu qua sách báo, dự những buổi truyền thông của Hội Chữ thập đỏ là biết ngay; đồng thời cũng nên sinh hoạt điều độ, rèn luyện sức khỏe để được hiến máu cứu người. 

"Bản thân tôi luôn duy trì cuộc sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ và rèn luyện thể dục để được khỏe mạnh và chia sẻ dòng máu của mình cứu giúp người khi cần. Phải phòng trừ bệnh tật, phải tầm soát sức khỏe, nếu không, việc cho máu, chưa biết cứu được người hay không lại lây truyền bệnh cho người ta thì khác gì gieo họa!" - anh Quyết nói. 

Không chỉ tích cực tham gia hiến máu, anh Quyết còn rất tích cực trong các hoạt động thiện nguyện. Anh là một trong những người đầu tiên đi xin quần áo của mọi người, nhất là những cửa hàng quần áo khu vực chợ Cổ Phúc mang tặng cho người nghèo thuộc các xã trong huyện Trấn Yên và nhiều huyện, thị khác. Anh cất công đi xin xe đạp cũ, xe lăn cũ về sửa chữa, thay thế phụ tùng rồi đem tặng cho người nghèo và người tàn tật... 

Là thợ cắt tóc chuyên nghiệp, anh thường xuyên đến Trường Dân tộc nội trú THCS Trấn Yên, những gia đình có người già, đau ốm, tật nguyền hoặc Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội  tỉnh Yên Bái, có khi là xuôi về tận đình Kim Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội để cắt tóc từ thiện, miễn phí cho mọi người. Trong khu dân cư, anh là một trong những người nhiệt tình nhất trong các phong trào. 

Ông Mai Chuyên - hàng xóm của gia đình anh Quyết cho biết: "Mỗi khi gia đình nào trong phố có việc ma chay, cưới hỏi thì anh Quyết luôn là người nhiệt tình nhất, chẳng nề hà việc gì. Anh ấy thực sự là người thân tình, tốt bụng và trách nhiệm của khu dân cư này”.

Câu chuyện về cái tâm của anh Quyết chưa dừng lại ở đó. Năm 2017, anh có xem một chương trình về hiến tạng và hiến giác mạc, một việc làm theo anh là rất ý nghĩa, từ suy nghĩ ấy anh đã lên mạng Internet tìm hiểu rồi bàn bạc với vợ con để mình được đăng ký hiến tạng, hiến giác mạc, hiến xác cho y học. Tất cả những nguyện vọng của anh đều được vợ con và gia đình ủng hộ. 

Liên hệ với Trung tâm Điều phối Hiến tạng quốc gia và Học viện Quân y 103, anh được các điều phối viên và nhân viên hướng dẫn làm thủ tục, hồ sơ đăng ký, tới tháng 8/2018 mọi thủ tục đều được chấp nhận để anh - người đàn ông 42 tuổi đời, khỏe mạnh, lạc quan, yêu đời, có lối sống trong sáng, lành mạnh sẵn sàng được hiến giác mạc, hiến nội tạng và cả thân thể của mình cho y học. 

Anh tâm sự: "Cuộc đời tuy rất dài nhưng cũng có thể rất ngắn, tôi yêu quý dòng máu trong tim, yêu cơ thể mình chẳng kém gì bất kỳ ai yêu quý dòng máu và cơ thể của họ nhưng tôi sẵn lòng sẻ chia những giọt máu quý, sẵn lòng hiến từng bộ phận hoặc cả thân xác cho y học khi tôi qua đời. Tôi tin việc đó là cần thiết và ý nghĩa! Tôi mừng vì vợ và các con đều ủng hộ. Không những thế, mới đây, vợ tôi là Nguyễn Thị Ngọc Tạo và em gái tôi là Phạm Ngọc Thị Lan đang làm giáo viên Trường Mầm non Y Can, huyện Trấn Yên cũng đã đăng ký được hiến giác mạc sau khi qua đời". 

Câu chuyện với anh Phạm Văn Quyết còn rất dài như anh đang dự định cùng với một số người thiện tâm khác nấu nồi cháo từ thiện phát cho bệnh nhân đang điều trị ở Trung tâm Y tế Trấn Yên; về các chương trình vận động thu gom quần áo, đồ dùng cũ để tặng lại người nghèo...

Ngoài hiên, nắng đã lên, xua đi bầu trời u ám và cái lạnh còn sót lại cuối xuân, từng tia nắng xiên qua kẽ lá nhảy nhót bên thềm, tôi nói lời chia tay anh Phạm Văn Quyết. Xin được nói lời cảm ơn anh - người có cái tâm sáng với lối sống tích cực, giàu lòng trắc ẩn và yêu thương dành cho cộng đồng.

Lê Phiên

Tags Phạm Văn Quyết hiến máu Cổ Phúc Trấn Yên 7 lần

Các tin khác
Đảo xanh trên hồ Thác Bà.

Yên Bái là tỉnh miền núi có nền văn hóa phi vật thể đa dạng, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, trong đó có một số di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể đã được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể cấp quốc gia như: lễ Cấp sắc của người Dao và nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lò - Nghĩa Lộ...

Người dân xã Nậm Khắt chung sức làm đường giao thông.

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) của huyện Mù Cang Chải đang có sức lan tỏa mạnh mẽ. Những con đường "ý Đảng - lòng dân" đã và đang khẩn trương hoàn thành góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Ông Hoàng Văn Tính (thứ 2 trái sang) cùng cán bộ tổ 12 xuống cơ sở vận động các hộ dân thuộc diện phải di dời, kê khai tài sản chuẩn bị đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng Công viên Đồng Tâm xanh.

Năm nay ông đã 76 tuổi, nhưng lòng nhiệt huyết với công việc của một đảng viên cộng sản trong ông vẫn bền bỉ hơn bao giờ hết. 17 năm liên tục làm bí thư chi bộ - khoảng thời gian ấy đủ để một đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, rồi lớn lên thành một chàng trai hay cô gái ở tuổi "bẻ gãy sừng trâu”.

Phạm Hải Chiều đang chăm sóc thỏ.

Thông qua sự hỗ trợ của Đoàn thanh niên, đến nay, toàn huyện đã có trên 160 mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập cao và xây dựng được 2  hợp tác xã. 



Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục