Sức bật “tam nông” Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/10/2019 | 8:32:19 AM

YênBái - Trong 10 năm (2008 - 2017), 82,4% tổng vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mù Cang Chải đã tập trung ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nghị quyết 26 cảu Trung ương đã mở ra cơ hội lớn để nông nghiệp khởi sắc, nông dân sáng tạo.

Bình quân lương thực đầu người của huyện đã đạt 670kg/năm, tăng 245kg/người/năm so với năm 2011.
Bình quân lương thực đầu người của huyện đã đạt 670kg/năm, tăng 245kg/người/năm so với năm 2011.

Nông nghiệp Mù Cang Chải đang có những bước tiến mới. Nông dân có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy nhận thức và nông thôn ở huyện vùng cao thuộc diện nghèo nhất nhì cả nước này đang có sự khởi sắc, phản chiếu bức tranh đời sống nông thôn mới tươi màu no ấm.

Đó là thành quả của việc cụ thể hóa Chương trình hành động số 62-CT/TU của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. 

Nông nghiệp khởi sắc

Từ một nền sản xuất nông nghiệp thuần túy, mang nặng tính tự cung tự cấp, sản xuất nông nghiệp của huyện Mù Cang Chải đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ, từng bước đảm bảo ổn định an ninh lương thực tại chỗ, chuyển dần sang sản xuất hàng hóa. 

Giai đoạn 2008 - 2017, tốc độ tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản của huyện bình quân đạt 15,2%. Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đã hình thành sản xuất hàng hóa. 

Đánh giá của lãnh đạo huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2008 - 2017 thực sự là một cuộc "cách mạng” về nông nghiệp của địa phương. Năm 2012, Ban Thường vụ huyện chỉ đạo xây dựng phương án quy hoạch vùng sản xuất 2 vụ giai đoạn 2012 - 2015, làm tiền đề mở rộng diện tích từ sản xuất 1 vụ sang 2 vụ. 

Cũng từ đây, cơ cấu mùa vụ có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực: giảm dần các giống dài ngày, tăng giống ngắn ngày, đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất diện rộng;  chuyển dịch dần từ số lượng sang chú trọng chất lượng gắn với thị trường, góp phần tăng năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, đảm bảo an ninh lương thực. 

Tập quán canh tác lúa nương kém hiệu quả, năng suất thấp (trung bình chỉ đạt 11 tạ/ha) được huyện vận động bà con chuyển đổi thành công sang trồng ngô với diện tích canh tác ổn định hiện nay là 1.540 ha. 

Chủ trương phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đảm bảo mục tiêu nâng cao thu nhập bền vững cho người dân đã tăng đáng kể diện tích sản xuất cây lương thực của huyện. Trong đó cơ cấu giống lúa, ngô mới được đưa vào sản xuất hiện chiếm trên 85%, trong khi năm 2008 chỉ chiếm khoảng 15%. 

Lấy thời điểm năm 2011 để so sánh, không khó để nhận thấy, diện tích sản xuất cây lương thực của huyện đã tăng gần 6.000 ha, năm 2019 ước đạt trên 11.300 ha. Trong đó, diện tích lúa 2 vụ đạt 1.800 ha, tăng 1.070 ha; năng suất lúa đạt 41 tạ/ha, tăng xấp xỉ 52%; diện tích ngô 2 vụ từ 585 ha lên 1.000 ha năm 2019. 

Tổng sản lượng lương thực năm 2018 đạt gần 42.100 tấn, năm 2019 ước đạt 42.500 tấn, tức là tăng so với năm 2011 trên 20.700 tấn. Bình quân lương thực đầu người của người dân trên địa bàn huyện đã tăng thêm 245 kg, năm 2019 ước đạt gần 670 kg/người/năm. Giá trị sản xuất trồng trọt so với năm 2008 đã tăng gần 700%, đạt trên 240 tỷ đồng. 

Áp lực về an ninh lương thực, sức ép của một địa phương nghèo nhất cả nước và yêu cầu tái cơ cấu cây trồng ở vùng cao mà tỉnh đặt ra…, đã đánh thức sự năng động, quyết tâm dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ địa phương. 

Huyện mạnh dạn chỉ đạo đưa vào sản xuất thử nghiệm một số cây trồng mới trên đất 1 vụ lúa. Đó là 20 ha lúa mỳ, 500 ha cải dầu, trên 150 ha gừng và 14 ha khoai tây Marebel giống của Đức do Công ty Cổ phần Quốc tế An Việt cung ứng, bước đầu đạt kết quả nhất định, được người dân đón nhận. 



Mô hình trồng rau sạch trong nhà kính của phụ nữ thôn Dế Xu Phình, xã Dế Xu Phình. 

Cùng đó, huyện liên kết với các doanh nghiệp để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Đây được xem là hướng đi mới trong việc tạo ra các sản phẩm mang tính hàng hóa ở Mù Cang Chải. 

Năm 2016, ông Chang Thế Sửu là Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt. Ông là người biết rõ ở đất Nậm Khắt những cây trồng vụ đông truyền thống chẳng thể sống nổi vào mùa đông, vì nhiệt độ trong vùng xuống quá thấp, thường là dưới 10 độ C, nhiều năm xuống tới 1 - 2 độ C. Bởi thế nên 350 ha đất ruộng ở đây chỉ canh tác được duy nhất 1 vụ lúa trong năm, vụ đông hoàn toàn bỏ hoang. 

"Khó tin là cây lúa mì và cây khoai tây lại chống chịu được với khí hậu khắc nghiệt trong vùng, ngay cả khi nhiệt độ xuống đến mức âm độ C như vụ đông vừa qua. Chính vì thế bà con rất yên tâm tin tưởng. Làm được vụ đông trên đất ruộng 1 vụ là điều hoàn toàn mới mẻ chưa từng có từ trước tới nay ở huyện Mù Cang Chải nói chung và ở xã Nậm Khắt nói riêng” - ông Sửu nói.   

Nông dân sáng tạo

Mục tiêu Nghị quyết 26-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được nêu ra hết sức rõ ràng, ngắn gọn nhưng là nhiệm vụ nặng nề: "Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại…”. 

Điều này cũng chính là mong ước, nguyện vọng của nông dân. Được biết, trong 10 năm (2008 - 2017), 82,4% trong  tổng vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mù Cang Chải, tức là trên 1.118 tỷ đồng, đã được tập trung ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. 

Theo đó, hàm lượng khoa học công nghệ, cơ giới hóa được ứng dụng trong sản xuất tăng cao; các chương trình, dự án của Nhà nước, của tỉnh đã hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và trên 3.400 máy móc giúp nông dân nâng cao năng suất, tăng giá trị hàng hóa. So với năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trên 900%; giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp tăng gần 500%; tổng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt gần 100 tỷ đồng tăng trên 400%... 

Nghị quyết 26 đã mở ra cơ hội lớn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn vùng cao Mù Cang Chải nói riêng, đánh thức sự nhạy bén, năng động, khơi dậy ý thức tự lực của người dân. 

Bên cạnh việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả với trên 500 cơ sở kinh doanh, gần 30 doanh nghiệp, công ty, trên 20 hợp tác xã, kinh tế hộ có sự khởi sắc thực sự với hàng trăm mô hình kinh tế vừa và nhỏ cho thu nhập ổn định, là điểm tựa nhân rộng những tấm gương sản xuất giỏi ở vùng cao. 

Điển hình như mô hình nuôi gà, ngan, vịt siêu trứng đầu tiên ở Mù Cang Chải của hộ anh Sùng A Khua với thu nhập 100 triệu đồng/năm. Hay như mô hình gia trại nuôi dê, kết hợp với  bảo vệ rừng của hộ anh Giàng Phàng Nù, bản Dào Xa, xã Kim Nọi thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, thoát nghèo trở thành hộ khá ở địa phương. 

Mô hình phát triển chăn nuôi lợn theo hướng bán công nghiệp, kết hợp với làm dịch vụ cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm của chị Giàng Thị Lồng, bản Trống Là, xã Hồ Bốn. Mô hình khai thác điểm mới trong phát triển du lịch cộng đồng của anh Nông Văn Yêm, thị trấn Mù Cang Chải với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với mức lương hàng tháng từ 5 - 7 triệu đồng/tháng… 

Mới nhất là mô hình trồng rau sạch trong nhà kính của phụ nữ thôn Dế Xu Phình, xã Dế Xu Phình do chị Lý Thị Cha làm tổ trưởng. Với tổng kinh phí đầu tư 150 triệu đồng, giống rau mầm đá sẽ được đưa vào sản xuất trên diện tích 7.000 m2. Đây là mô hình được huyện đưa vào áp dụng theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giúp nông dân được tiếp cận với kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sạch, nâng cao thu nhập trong canh tác nông nghiệp. 

Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo nền tảng vững chắc để Mù Cang Chải từng bước thực hiện thành công mục tiêu xóa nghèo bền vững, rút ngắn khoảng cách chênh lệch với các địa phương trong tỉnh. Hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm, tăng 12,5 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ giảm nghèo giảm 6 - 7% năm. 

Sức bật "tam nông” đánh thức tiềm năng kinh tế, nội lực nhân dân, cho Mù Cang Chải thêm quyết tâm thực hiện mục tiêu mỗi năm giảm 4% hộ nghèo, nâng cao một bước chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, thực hiện bền vững chương trình giảm nghèo; phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp 5 năm 2021- 2025 đạt 5,59%/năm, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, có khả năng cạnh tranh cao… 

Minh Thúy

Các tin khác
Giàng A Páo (người bên trái) trong chuyến kiểm tra tái trồng cây thuốc phiện.

Từng làm "con tin” bất đắc dĩ vì đứng ra cam kết khi đồng bào cho rằng con cháu mình bị đầu độc, rồi đi đầu làm lúa nước để cả bản làm theo, vận động đồng bào xóa hủ tục, không tái trồng thuốc phiện... Đó là cậu chuyện của Phó trưởng Công an xã sinh năm 1984 Giàng A Páo, xã Cát Thịnh (Văn Chấn).

Đến nay xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên có 207 ha cây ăn quả, trong đó 94 ha đã cho thu hoạch.

Trong nắng thu, những con đường bê tông uốn lượn quanh những vườn cam, quýt vào mùa thu hoạch, những bản làng bình yên ẩn mình dưới chân núi Gò Giang, Gò Vì, Gò Dằn thật nên thơ. Xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên đang đổi thay nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới, nhờ những vườn cây ăn quả trĩu trịt.

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu tham gia hoạt động “Ngày thứ 7 cùng dân” tại thôn Hát 2, xã Hát Lừu.

Đã là cán bộ vùng cao, ai cũng thấm nhuần tư tưởng “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với dân thì mọi việc mới đạt hiệu quả. Câu chuyện của những người nông dân kể lại về chính những người lãnh đạo của địa phương trước đây đã "3 cùng” với dân theo lời Bác Hồ dạy càng khẳng định thêm ý nghĩa của "Ngày thứ 7 cùng dân” hôm nay.

Hồng Ca hôm nay.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, sạch sẽ, vợ chồng anh Tráng A Ninh tự hào bảo: “Nhà mình và cả bản Khuôn Bổ này giờ khác rồi, không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà còn biết tổ chức cuộc sống gia đình sạch sẽ, gọn gàng rồi phấn đấu làm giàu nữa”. Là người có mặt tại Hồng Lâu, Khuôn Bổ từ những ngày người Mông nơi đây mới từ trên núi xuống định canh, định cư, tôi cảm nhận được sự thay đổi to lớn của đồng bào Mông nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục