Ông Đinh Đăng Luận - đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, nguyên Bí thư Huyện ủy Trấn Yên kể lại: "Thời điểm năm 2010, phải có tinh thần lạc quan và cả ý chí quyết tâm nữa Trấn Yên mới đề ra mục tiêu Hồng Ca được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2019”.
Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Trấn Yên, toàn xã có 13 thôn thì 7 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, thời điểm năm 2010, hộ nghèo của xã có 215 hộ với 946 khẩu, chiếm 17,18%; thu nhập bình quân đầu người ở thôn vùng cao chỉ đạt 6 triệu đồng/người/năm, vùng thấp 8,5 triệu đồng/người/năm; địa hình có nhiều đồi núi cao, độ dốc lớn, dân cư ở cách xa nhau, có nhiều khe, suối chia cắt nên rất khó khăn trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng; sản xuất hàng hóa chậm phát triển, trong cơ cấu kinh tế, nông lâm nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao, một bộ phận nhân dân, đặc biệt đồng bào Mông chưa hiểu biết về xây dựng nông thôn mới (XDNTM); bên cạnh đó là phong tục tập quán lạc hậu, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông...
"Xã mình đã cán đích NTM” - rất nhiều người dân địa phương đã nói với chúng tôi như vậy với vẻ đầy tự hào. Đáng để hãnh diện lắm vì vùng quê này đã và đang đổi mới vươn lên. Cuối tháng 10, thóc đã vào bồ, ngô dưới ruộng đã lên xanh, cam trên đồi đã chín, rừng tre măng Bát độ sau một mùa vụ thắng lợi đang được bà con chăm sóc. Mỗi lần về Hồng Ca lại thấy mảnh đất này đổi thay và chuyển động không ngừng theo hướng "nông thôn mới”.
Để tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị; ngay từ năm đầu thực hiện, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về tập trung lãnh đạo thực hiện Chương trình; UBND xã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý, Ban Phát triển thôn và tiến hành đánh giá, rà soát thực trạng các tiêu chí; xây dựng Đề án quy hoạch; xây dựng kế hoạch chi tiết... với mục tiêu hoàn thành các tiêu chí vào quý III/2019; được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào tháng 12/2019 và phân công nhiệm vụ cụ thể, mỗi thôn có một thành viên BCĐ phụ trách, mỗi tiêu chí đều được giao cho từ 1 đến 2 cán bộ, công chức phụ trách.
Mỗi tháng BCĐ họp giao ban 1 lần, công tác chỉ đạo được thường xuyên, liên tục; việc tổ chức thẩm định kết quả thực hiện các tiêu chí ở các thôn đều được tiến hành nghiêm túc, sau khi kiểm tra, thẩm định đều có điều chỉnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí NTM; xác định các bước đi cụ thể, vững chắc theo từng tiêu chí đối với từng năm, từng giai đoạn.
Với phương châm phát huy vai trò người dân là chủ thể, Nhà nước hỗ trợ, cấp ủy Đảng, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; MTTQ xã chủ trì cùng các tổ chức chính trị - xã hội vận động mọi tầng lớp nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong tham gia XDNTM. Trong triển khai thực hiện, Đảng bộ, chính quyền xã đã chú trọng và thực hiện triệt để nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng".
Đồng thời tiến hành triển khai, tuyên truyền thông qua các hội nghị tại xã, các cuộc họp thôn... MTTQ và các đoàn thể triển khai đồng bộ từ xã đến các ban công tác mặt trận, các chi đoàn, chi hội. Song song với việc tổ chức tuyên truyền vận động, Đảng ủy, chính quyền cử 86 người là cán bộ xã, thôn bản tham gia các lớp đào tạo tập huấn kiến thức về XDNTM; tổ chức 14 lớp đào tạo nghề cho 415 người lao động nông thôn (1 lớp điện dân dụng, có 25 người tham gia; 4 lớp may, 120 người tham gia; 1 lớp xây dựng, 30 người tham gia; 4 lớp chăn nuôi thú y, 120 người tham gia...). Số lao động sau khi được đào tạo đã đáp ứng tổ chức sản xuất ngay tại địa phương và hộ gia đình.
Với 9.080,88 ha diện tích đất nông nghiệp (gồm cả diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp, đất thủy sản) trong đó, diện tích lúa nước là 220,6 ha, diện tích ao nuôi trồng thủy sản là 15,8 ha. Xã đã tuyên truyền nhân dân chuyển đổi từ thâm canh nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, đã có nhiều mô hình điển hình cho hiệu quả kinh tế cao.
Như trồng cam có hộ ông Lương Văn Khương ở thôn Nam Hồng, ông Đoàn Chí Công, thôn Bản Cọ và một số hộ nông dân khác. Chăn nuôi hàng hóa như mô hình chăn nuôi lợn rừng của hộ ông Hờ A Sênh, nuôi gà đen của ông Tráng A Vàng ở thôn Khuôn Bổ hay ươm cây giống của ông Hà Đình Khuê thôn Liên Hợp…
Xã đã khuyến khích nhân dân chuyển đổi ngành nghề từ sản xuất nông, lâm nghiệp sang phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Toàn xã hiện có 120 cơ sở kinh doanh dịch vụ các mặt hàng: ăn uống, may mặc, gò hàn, sữa chữa xe máy, mộc xẻ, ván bóc, vật liệu xây dựng...; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ năm 2019 ước đạt 30 tỷ đồng, chiếm 15% trong tổng thu nhập toàn xã.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, sạch sẽ, vợ chồng anh Tráng A Ninh tự hào bảo: "Nhà mình và cả bản Khuôn Bổ này giờ khác rồi, không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà còn biết tổ chức cuộc sống gia đình sạch sẽ, gọn gàng rồi phấn đấu làm giàu nữa”.
Được biết, năm 2018, xã Hồng Ca và huyện Trấn Yên quyết tâm xây dựng thôn người Mông Khuôn Bổ trở thành đơn vị đạt chuẩn NTM, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra 7 thôn đặc biệt khó khăn còn lại. Đây là thôn được thành lập năm 1999, sau khi đón 20 hộ đồng bào Mông ở xã Kiên thành về định cư tại xã và một số hộ mới được tách ra từ thôn Hồng Lâu.
Về xuất phát điểm là thôn mới định cư, cơ sở hạ tầng thiết yếu đều thiếu, nhân dân mới hạ sơn và bước đầu được làm quen với việc trồng cây lúa nước, kết hợp với chăn nuôi và trồng rừng. Nhân dân thôn Khuôn Bổ sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn theo phương thức nhỏ lẻ, tự cung tự cấp nên đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, toàn thôn có 80 hộ với 371 khẩu, có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm: Mông, Tày, Thái, trong đó dân tộc Mông chiếm 99%.
Chính vì thế, việc xây dựng Khuôn bổ đạt chuẩn NTM đòi hỏi quyết tâm cao của càn bộ từ vận động con em tới trường, huy động lực lượng giúp dân trồng cây gây rừng, đặc biệt là mở rộng diện tích măng Bát độ… Và rồi, cuộc sống của đồng bào Khuôn Bổ đã sang trang mới.
Nếu như năm 2016, Khuôn Bổ còn 43 hộ nghèo, chiếm 63,2%; 15 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 22% thì năm 2017 thôn còn 27 hộ nghèo, chiếm 36,49%, 16 hộ cận nghèo, chiếm 21,62% và năm 2018, số hộ nghèo của thôn còn là 9 hộ và 16 hộ cận nghèo. Cũng đến năm 2018 thôn đã hoàn thành 15/15 tiêu chí NTM và trở thành điểm sáng của tỉnh và huyện về xây dựng thôn đặc biệt khó khăn trở thành thôn NTM.
Đồng bào Mông xã Hồng Ca chung sức xây dựng nông thôn mới
Sau 10 năm xây dựng quê hương mới, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự đồng thuận của nhân dân trong phong trào chung tay XDNTM cũng như các chính sách hỗ trợ phát triển của tỉnh, của huyện, nhân dân xã Hồng Ca đã vươn lên mạnh mẽ với nhiều loại hình phát triển kinh tế.
Đến nay, toàn xã có trên 1.050 ha tre măng Bát độ, hàng năm cho thu hoạch 8.650 tấn măng vỏ tươi, mang về thu nhập khoảng 12 tỷ đồng; cả xã có khoảng 2.000 ha cây quế, mỗi năm khai thác tỉa, khai thác luân phiên cho thu nhập khoảng 60 tỷ đồng; diện tích cây ăn quả đạt 98,8 ha, trong đó diện tích kinh doanh trên 40 ha, mỗi năm cho thu nhập từ 15 đến 20 tỷ đồng.
Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng phát triển rộng khắp; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh; số hộ vươn lên thoát nghèo, có đời sống khá ngày càng tăng; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 33 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,57% vào năm 2019.
Bí thư Đảng ủy xã Hồng Ca Phan Anh Tuấn chia sẻ: "Hồng Ca đã có bước phát triển, đạt chuẩn NTM là niềm tự hào lớn; có được niềm vui ấy phải kể tới sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp trên, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành. Đồng bào Hồng Ca ấn tượng mạnh với hình ảnh lãnh đạo huyện về xã lội ruộng, leo rừng, bỗ hố trồng cây; những chiến sỹ tình nguyện là đoàn viên thanh niên, là những chiến sỹ công an, quân đội, cán bộ, nhân viên, các nhà hảo tâm nữa đã đến sẻ chia, giúp đỡ, chỉ bảo tận tình cách làm ăn, cách tổ chức cuộc sống… Đạt chuẩn NTM nhưng độ bền vững vẫn chưa cao, đòi hỏi phải có tinh thần vượt khó vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong xã”.
Lê Phiên