Mất khá nhiều năm, huyện đã rà soát khả năng đọc thông, viết thạo của cán bộ xã, trường hợp yếu quá thì cho nghỉ việc. Số còn lại, huyện đưa ra giải pháp là cán bộ yếu ở khâu nào thì giúp họ bổ sung khâu đó như yếu về học vấn thấp thì cho đi học bổ túc; xong bổ túc THPT thì động viên học trung cấp, cao đẳng, đại học.
Yếu về năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ... thì huyện mời giảng viên của tỉnh lên bồi dưỡng, tập huấn. Được cập nhật kiến thức, kỹ năng vận động quần chúng, phương pháp quản lý, điều hành công việc... hiệu quả công tác ở cơ sở bắt đầu có chuyển biến rõ rệt. Điều đó, tiếp thêm động lực để cán bộ xã không ngừng học tập, phấn đấu.
Có một người được ví như tấm gương vượt khó vươn lên học tập - đó là Bí thư Huyện ủy Giàng A Thào. Tuổi thơ của anh có chút thiệt thòi khi bố là bộ đội xa nhà biền biệt. Mẹ anh ở nhà quần quật với ruộng nương nên chẳng thể lo cho các con được học hành. Mãi đến năm 20 tuổi, khi được giao làm cán bộ xã đội, anh mới đi học chữ. Công việc bộn bề, kinh tế khó khăn, con nhỏ, nhưng anh lần lượt hoàn thành các cấp học và hoàn thiện chương trình đại học.
Cái chữ đưa anh kinh qua nhiều trọng trách và khi đang là Chủ tịch xã Pá Lau, anh được điều động làm Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, rồi Trưởng ban, Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện, Chủ tịch huyện và nay là Bí thư Huyện ủy.
Thấm thía sự học là trách nhiệm của người cán bộ, mỗi lần về cơ sở, anh Thào luôn động viên cán bộ các xã phải không ngừng học tập thì mới đáp ứng được nhiệm vụ công tác. Ở anh luôn có sức cảm hóa rất lớn với đồng bào mình, nên có những việc như bà con còn do dự khi ăn chung một tết Nguyên đán nhằm tập trung nhân lực cho sản xuất; hủ tục trong ma chay, cưới hỏi nặng nề; những phản ứng khá gay gắt khi người dân chưa đồng thuận việc đền bù đất đai xây dựng thủy điện, mương, phai... nhưng được anh phân tích thì mọi trở ngại đều chuyển biến tốt.
Noi gương anh, đội ngũ cán bộ xã đã mau chóng trưởng thành. Các xã: Xà Hồ, Bản Công, Trạm Tấu... là những địa phương đi đầu về việc cán bộ xã tự học, tự nâng cao trình độ, năng lực công tác. Có những cán bộ dành hết tâm huyết của mình vì cuộc sống của cộng đồng như nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu Giàng A Hành.
Việc gì khó nhất khi triển khai ở cơ sở, anh cùng gia đình và vận động bà con dòng họ làm trước để dân noi theo. Xã anh được ví như nơi xây dựng các mô hình thí điểm để nhân rộng như mô hình tăng vụ lúa xuân; trồng các giống ngô mới, trồng các loại cỏ, làm cây rơm chăn nuôi gia súc, xây dựng chuồng trại xa nhà; xây dựng mô hình "Kho thóc khuyến học”... đều được thực hiện thành công.
Cùng với xây dựng đội ngũ cán bộ tuyến xã, một trong những ưu tiên hàng đầu với cơ sở lúc này là đưa khuyến nông viên về xã và bố trí đội ngũ giáo viên. Trong đó, chú trọng lực lượng giáo viên mầm non, vì trẻ em người Mông cần phải thạo tiếng Việt thì khi vào lớp 1 mới theo được chương trình học phổ thông. Huyện còn vận dụng những giải pháp linh hoạt như trường hợp nếu cả hai vợ chồng là giáo viên thì được bố trí về làm việc cùng một xã; vợ làm giáo viên, chồng làm khuyến nông viên cũng bố trí như thế để họ yên tâm công tác.
Để tăng cường sự lãnh đạo của huyện với cơ sở, Trạm Tấu là địa phương đầu tiên của tỉnh xây dựng các tổ công tác phụ trách xã, thôn để trực tiếp giúp đỡ công tác lãnh đạo ở cơ sở. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện làm tổ trưởng; thành viên là các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, trưởng, phó các ban, ngành phụ trách tới từng thôn. Hàng tháng, tổ công tác phải dự họp ban chấp hành đảng bộ xã, dự sinh hoạt chi bộ, thực hiện các cuộc đôn đốc, kiểm tra, giám sát đột xuất địa bàn phân công.
Công tác giúp đỡ cơ sở bám sát vào chỉ đạo thực hiện 5 nội dung trong chương trình hành động xuyên suốt nhiều năm qua của Đảng bộ huyện: Một là, tập trung nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp bằng việc đẩy mạnh sản xuất ngô theo hướng hàng hóa; phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng bán chăn thả, mô hình kinh tế trang trại hộ gia đình và tạo mối liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp.
Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng; nâng cao chất lượng, hiệu quả phòng cháy, chữa cháy rừng; trong tâm là phát triển diện tích cây sơn tra và cây chè shan.
Ba là, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trọng tâm là nâng cao chất lượng các trường phổ thông dân tộc bán trú, chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Bốn là, tổ chức vận động người dân xóa bỏ phong tục, tập quán không còn phù hợp nếp sống văn hóa mới bằng việc thực hiện quy ước, hương ước thôn bản; trong đó, có các chuyên đề cụ thể: không trồng cây thuốc phiện; vận động "ba không” trong hôn nhân, gia đình gồm: không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống và không sinh con thứ ba trở lên; thực hiện "hai phải” trong việc tang là: phải cho người chết vào quan tài rồi mới tổ chức tang lễ, phải chôn trước 48 tiếng.
Năm là, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Trọng tâm là nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, vai trò lãnh đạo của chi bộ thôn, bản, đảng bộ xã, thị trấn, phát triển đảng viên nông thôn, đảng viên nữ là người dân tộc và hiệu quả điều hành của ủy ban nhân dân các cấp.
Với đội ngũ cán bộ huyện, ở vào thời điểm cách đây gần hai chục năm vẫn còn không ít người cần tiếp tục được đào tạo về học vấn. Người có trình độ đại học, nếu cần theo học các chương trình bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ sẽ được huyện lưu ý quan tâm.
Cùng đó, huyện chú trọng thu hút cán bộ trẻ được đào tạo chính quy trong các trường đại học, có tinh thần sẵn sàng lên công tác ở vùng cao để hình thành một cơ cấu cán bộ hợp lý trong từng lĩnh vực. Vì thế, đã có những kỹ sư trẻ như Hảng A Thào - người ở xã Pá Lau đang công tác tại Trường Trung cấp Nông lâm tỉnh; Kỹ sư Nguyễn Văn Hòe, quê ở Hà Tây cũ đang làm trong ngành nông nghiệp của một huyện thuộc tỉnh Đồng Tháp đã sẵn sàng lên công tác ở Trạm Tấu...
Việc bố trí cán bộ luôn coi trọng sát với chuyên môn đào tạo và năng lực sở trường để anh em phát huy tốt hiệu quả công việc. Huyện mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ có năng lực, phẩm chất tốt đảm đương những vị trí chủ chốt của ngành và thực hiện luân chuyển cán bộ huyện về làm lãnh đạo xã, giúp anh em có môi trường trải nghiệm, rèn luyện và phấn đấu. Đồng thời, công tác cán bộ được thực hiện theo hướng bảo đảm đáp ứng yêu cầu cho cả hiện tại và tạo nguồn chiến lược lâu dài...
Bên cạnh đó, thay đổi lề lối làm việc cũng là nhiệm vụ cấp bách đặt ra. Về vấn đề này, nhiều cán bộ ở Trạm Tấu giờ vẫn thường nhắc đến những đóng góp quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ huyện của đồng chí Vũ Quỳnh Khánh, nguyên Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu, nay là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Những yêu cầu mà anh nêu lên cần phải thay đổi lề lối làm việc là phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thắt chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; khắc phục tình trạng đưa nếp sinh hoạt tự do vào trong công sở; xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp, có tính kế hoạch, khả năng tham mưu tốt và đặc biệt là phải xây dựng lề lối làm việc gần dân, vì nhân dân...
Chỉ thị số 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh và sau này là Chỉ thị 05, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII thực sự là luồng gió mát lành tiếp thêm sức mạnh cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ở Trạm Tấu.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Trịnh Văn Xuê bày tỏ: "Các chỉ thị, nghị quyết này thực sự đã tạo ra sự chuyển biến đồng bộ về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở”. Anh nói về những tấm gương cán bộ trẻ tiêu biểu học tập và làm theo Bác như thạc sỹ, kỹ sư Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện là người chuyên môn vững, năng nổ đưa khoa học, kỹ thuật và các mô hình mới vào sản xuất nông nghiệp; kỹ sư Nguyễn Văn Hòe - Chủ tịch UBND xã Xà Hồ là người thông minh, năng động; Phạm Mạnh Tưởng - Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu cần mẫn, nhiệt tình và rất trách nhiệm với công việc; bác sỹ Giàng A Dì - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện có chuyên môn vững vàng, nhiệt tình, chu đáo trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; Lê Thị Huệ - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo có chuyên môn vững, năng lực quản lý điều hành tốt, nhiệt tình, trách nhiệm...
Sự vững mạnh về đội ngũ cán bộ đã làm nên một diện mạo đổi thay ngoạn mục ở Trạm Tấu, trong đó, 5 nội dung trong chương trình hành động của huyện đều đạt được kết quả lớn hơn cả sự mong đợi bằng những con số cực kỳ ấn tượng: sản lượng thóc, ngô năm 2005 đạt gần 6.000 tấn thì nay đạt gần 23.000 tấn; năm 2005 mới chỉ có 452 ha lúa xuân thì nay là 1.518 ha, bằng 90% diện tích ruộng nước và diện tích lúa mùa là 1,497 ha.
Từ chỗ thiếu đói lương thực kinh niên, nay người dân bắt đầu sản xuất lương thực theo hướng hàng hóa; trong đó, ngô hàng hóa khoảng 8.000 tấn/năm; lúa hàng hóa là giống nếp 87 được trồng ở xã Hát Lừu; lúa tẻ đỏ là nguyên liệu chế biến thực phẩm chức năng được trồng ở tất cả các xã. Đàn trâu, bò của huyện hiện có khoảng 13.500 con và trong khi tổng đàn trâu, bò các địa phương khác trong tỉnh đều giảm thì Trạm Tấu vẫn tăng đều khoảng 5% mỗi năm. Từ không có nguồn thu nào đáng kể thì năm 2018, thu ngân sách của huyện đạt gần 50 tỷ. Huyện cũng đã sớm hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở...
Nhưng, cái được lớn nhất khởi nguồn từ công tác cán bộ như lời Bí thư Huyện ủy Giàng A Thào khẳng định, đó là đã mang lại niềm tin tuyệt đối của nhân dân với Đảng.
Về công tác cán bộ trong tương lai, đồng chí Bí thư Huyện ủy phấn khởi chia sẻ: Đảng bộ đã hoàn thành đề án nhân sự cho nhiệm kỳ mới theo đúng quy định của cấp trên. Công tác cán bộ trong tương lai sẽ không còn là vấn đề nan giải nữa vì dân trí ngày càng cao. Công tác xây dựng đội ngũ có sự quan tâm đồng bộ từ Trung ương, tỉnh và cơ sở; trong đó, huyện Trạm Tấu có 5 cán bộ thuộc Đề án 11 về công tác cán bộ của Tỉnh ủy Yên Bái; đội ngũ cán bộ huyện có tuổi đời trung bình khá trẻ, hầu hết được đào tạo đại học chính quy, trong đó, có 6 thạc sỹ; điều kiện làm việc, cơ sở hạ tầng nông thôn tốt hơn... đó là cơ sở để Đảng bộ huyện vững tin về công tác cán bộ trong tương lai vì một Trạm Tấu ngày càng phát triển.
Hoàng Nhâm