Khát vọng nông nghiệp công nghệ cao và... cơn khát vốn
Nông Thị Thắm - cô gái Tày từng 9 năm học tập rồi làm việc tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên vẫn trở lại thôn Thoóc Phưa, thị trấn Yên Thế (Lục Yên) để trồng cây trên đất quê nhà vào năm 2018. Lớn lên trên đất Lục Yên, Thắm biết, quê mình có nhiều loài cây quý mà lan kim tuyến (còn gọi cỏ nhung) là dược liệu đắt đỏ, vốn mọc tự nhiên nơi rừng núi, giờ có tên trong sách Đỏ Việt Nam. Làm ở Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp (Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên), chính Thắm và đồng nghiệp sản xuất thành công cây giống này. Thắm chọn lan kim tuyến để khởi nghiệp.
Thắm trồng lan kim tuyến theo phương pháp nuôi cấy mô trong nhà lưới. 500 m2 nhà lưới (nhà màng) công nghệ Israel được Thắm dồn sức xây dựng trên mảnh đất của gia đình, ươm trồng 1.000 gốc lan kim tuyến. Nhưng số đó không đủ lượng để phủ kín 500 m2 nhà màng như mong ước của Thắm. Làm được thế, Thắm cần đến 500 triệu đồng. Song, hơn 180 triệu đồng, gồm cả gần 38 triệu đồng được hỗ trợ từ Trung ương Đoàn đã là nỗ lực hết sức có thể của cô gái trẻ lúc bấy giờ, chỉ đủ cho xây dựng nhà màng và cây giống.
Nhiệt huyết khởi nghiệp từ cây và đất của Thắm thêm độ nóng nồng khi nên duyên chồng vợ cùng người thanh niên yêu nông nghiệp. Bằng một sự táo bạo và nỗ lực ngoài sức tưởng tượng của nhiều người, Nông Thị Thắm và Nguyễn Thế Trọng đã biến 2,4 ha đất lầy hoang hóa thuê lại từ đất 5% của xã Liễu Đô (Lục Yên) thành diện tích sản xuất nông nghiệp. Đầu năm 2019, Hợp tác xã Rau, hoa quả công nghệ cao Trọng Thắm hiện hữu ở đây, với 2,4 ha đất của Hợp tác xã và 17 ha đất thành viên, hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên quy mô lớn.
Trên 2,4 ha đất đã được cải tạo, vợ chồng Thắm bắt tay ngay vào ươm giống và trồng phong phú các loại cây ăn quả, giống hoa, cây cảnh, nuôi cua, cá, sản xuất rau hữu cơ. Quy hoạch gọn gàng, tận dụng được tối đa diện tích sản xuất; kỹ thuật trồng trọt hay chăn nuôi không phải thành vấn đề; thị trường cho các sản phẩm được vợ chồng tìm hiểu và móc nối trước khi sản xuất; chỉ có tiền vốn là mối lo nhiều nhất, lớn nhất, khó nhất của hai vợ chồng.
Đầu tư cho diện tích này đến cả 2 tỷ đồng - hai vợ chồng trẻ gồng mình quá sức tìm vốn. Họ gõ cửa mọi chỗ để xoay xở. Nhiều thời điểm, chỉ riêng tiền lãi tháng phải trả có khi cả mười mấy đến hai chục triệu đồng. Có quyết tâm, có táo bạo, có kiến thức nhưng Thắm cùng chồng chưa bước qua được hòn "đá tảng” mang tên "vốn” trên con đường khởi nghiệp.
Giấc mơ rau rừng và con đường rừng trắc trở
Khác với Thắm, vốn không phải vấn đề quá lớn đối với Đặng Văn Thuật khi chọn rau rừng làm sản phẩm khởi nghiệp nhưng cũng chính bởi thứ rau đặc sản ở rừng mà đoạn đường tiêu thụ sản phẩm gập ghềnh như bước đường khởi nghiệp lắm chông chênh.
9 cây số đường đất nhỏ hẹp, di chuyển chật vật bằng xe máy là con đường duy nhất từ khu vực sản xuất rau đến trung tâm xã. Ngày mưa gió, đừng nói chuyện đi lại. Bữa nắng ráo, chở được rau ra chừng gần tiếng đồng hồ.
Hờ A Sênh - thanh niên người Mông ở thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca (Trấn Yên) là người đầu tiên được lựa chọn hỗ trợ theo Dự án Khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số do Tỉnh đoàn phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh triển khai.
100 m2 diện tích chuồng trại, bể chứa thức ăn cho lợn, 30 con lợn rừng giống, 2 con hươu sao, 400 gốc gáo vàng, 2.000 gốc sa nhân, 6 tạ nghệ đỏ trồng dưới tán trên diện tích 2.000 m2 cùng một ngôi nhà cấp bốn để tiện bề trông coi trang trại với nguồn đầu tư 500 triệu đồng là những gì Hờ A Sênh được hỗ trợ để khởi nghiệp trên chính diện tích đồi rừng gia đình.
Hờ A Sênh cần nhiều hơn nữa sự quyết tâm để phát huy hiệu quả hỗ trợ khởi nghiệp.
Thậm chí, nguồn thức ăn cho lợn trong vòng 3 tháng, cách tạo nguồn thức ăn cho lợn, cách chăn nuôi lợn, nuôi hươu, lấy nhung hươu sao, cách chăm sóc gáo vàng và sa nhân đều nằm trong "gói” hỗ trợ cho Sênh. Đó hẳn là một sự hỗ trợ đáng mơ ước đối với nhiều thanh niên dân tộc thiểu số muốn khởi nghiệp.
Nhưng… có một điều gì đó khiến chuyện làm ăn của Sênh sau hơn một năm mà kết quả chưa được như nhẽ ra nó có thể. Và đó chính xác là sự quyết tâm của Sênh. Hẳn nhiên, đó cũng là điều chẳng ai có thể "hỗ trợ” được, trừ chính bản thân mình. |
Từ trung tâm xã Lang Thíp, rau theo xe khách gửi xuống Hà Nội, hôm nào chỉ nhỡ mất chút thời gian là phải đợi đến chuyến xe kế tiếp. Bởi mất thời gian trong điều kiện không được bảo quản đúng quy chuẩn nên có khi rau về đến nơi nhận đã mất độ tươi ngon. Mối khách duy nhất cũng dần đặt hàng thất thường. Chưa có đầu ra quy mô lớn, không thể mở rộng được sản xuất, lại càng chẳng bõ sức đầu tư phương tiện vận chuyển, vẫn phải trung thành với cách chuyển hàng như vậy, đơn đặt hàng lại giảm dần - Thuật luẩn quẩn trong vòng sản xuất cầm chừng, tiêu thụ bị động.
Thế nên, giờ mỗi tháng chỉ xuất bán được vài chục cân rau, thu về không quá 2 triệu đồng. Hai trong số ba người bạn làm chung mô hình dừng bước đồng hành với Thuật. Nhưng Thuật chưa muốn từ bỏ. Thuật và Bình - người bạn còn kiên trì cùng mình quay ra trồng thêm dược liệu, bài chế thành bài thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh vốn nổi tiếng của người Dao đỏ.
Tuy nhiên, hiện sản phẩm mới được tiêu thụ cho người dân trong xã và một số xã lân cận. Thuật biết, mơ ước đặc sản rau rừng và cây dược liệu sản xuất quy mô lớn trên đất Lang Thíp của mình còn lắm gian nan, như đoạn đường rừng trắc trở không thể một lần đi mà đã thành lối.
Bão bệnh, bão lũ và những cơn "bão lòng”
Tốt nghiệp đại học, có công việc trong ngành nông nghiệp huyện quê nhà, sự ổn định của Thào A Phềnh đã là niềm mong ước của nhiều thanh niên người Mông ở Mù Cang Chải. Nhưng Phềnh không muốn dừng lại ở sự ổn định.
Năm 2016, Thào A Phềnh quyết chí chọn lợn đen bản địa để thỏa quyết tâm làm giàu khi nhận thấy nhu cầu mặt hàng này của thị trường. 600 triệu đồng mà phân nửa là vay mượn là số vốn Phềnh đầu tư khởi nghiệp - một quyết định đầy táo bạo với thanh niên người Mông như Phềnh ở đất nghèo khó này.
Vốn ấy, Phềnh mua mảnh đất đồi rừng gần 2 ha ở khu vực thị trấn Mù Cang Chải và đầu tư hệ thống chuồng trại với 12 chuồng khép kín, mở đường, sắm máy móc, con giống. Trang trại của Phềnh quy hoạch quy củ, liên hoàn từ khu chăn nuôi đến khu chăn thả cả nghìn mét vuông và khu vực trồng rau củ làm nguồn thức ăn sạch cho lợn.
Quyết tâm đầy, tư duy được nhưng kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi chưa đủ, lứa đầu, một phần ba số lợn chết. "Có chán nản nhưng mình nghĩ không được phép buông bỏ” - Phềnh vẫn nghĩ được thế để rồi quyết tự tìm cách khắc phục.
Thắp điện sưởi ấm cho lợn vào buổi tối, học hỏi người có kinh nghiệm chăn nuôi, sách báo, Internet và cán bộ thú y địa phương để chăm sóc đàn lợn, rồi Phềnh đã có những lứa lợn phát triển, sinh sản và được xuất bán. Phềnh chọn lọc một số con để tiếp tục làm nái, còn lại mới bán thương phẩm, cho dự tính, mong ước mở rộng quy mô trang trại của mình.
Chẳng ngờ, trận lũ lịch sử đầu tháng 8 năm 2017 cuốn sạch bao công sức của Phềnh. Trang trại hoang tàn và 10 con lợn mà Phềnh thậm chí bất chấp cả hiểm nguy tính mạng nỗ lực cứu được trong lũ dữ là những gì còn lại khi cơn lũ đi qua.
"Tuyệt vọng đến cùng cực, mình trở về quê nhà Nậm Khắt. Những lời động viên của gia đình vực dậy trong thâm tâm suy nghĩ không thể buông tay. Vậy nên, chỉ hai ngày sau cơn lũ dữ, mình nhất quyết bắt tay vào dựng lại chuồng trại y như lúc trước tại Nậm Khắt dù có khó khăn đến thế nào” - Phềnh nhắc chuyện bằng giọng chắc quyết như lời nói từ tâm thức và hành động ngày ấy.
Nghị lực và công sức, cộng với khí hậu phù hợp cho chăn nuôi, Phềnh phát triển lại được đàn lợn. Có thời điểm, trang trại lợn của Phềnh lên đến 70 con. Phềnh dần trả được nợ. Nhưng rồi, ngày vui ngắn ngủi, "sóng gió” chưa buông, tháng 4 năm nay, lợn mắc dịch bệnh, chết dần. Phềnh lại trắng tay. Sau 3 năm tâm sức khởi nghiệp với chăn nuôi, thứ người thanh niên Mông ấy còn lại là khoản nợ chưa trả hết.
Luôn phải đối mặt khó khăn về vốn, về kỹ thuật, về thị trường tiêu thụ hay bất lợi khách quan… Bởi vậy, hỗ trợ, đặc biệt là về tài chính luôn là điều cần thiết và quá có ý nghĩa với người trẻ khởi nghiệp, đặc biệt là người trẻ dân tộc thiểu số. Nhưng, để đi đến thành công, quan trọng nhất vẫn là bản thân người khởi nghiệp. Biết cách vượt qua chính mình, họ vẫn có thể viết lên những câu chuyện đáng để nể lòng trong muôn vàn thử thách, gian nan. Con đường phía sau "bàn chân dẫm gai”, "hoa hồng sẽ nở”…
Thu Hạnh - Hoài Anh
Bài 3: "Hoa hồng đã nở”