Khởi nghiệp trên đất núi - Bài 1: Nơi đất khó vẫn... “ló cái khôn”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/11/2019 | 7:50:53 AM

YênBái - Sinh ra từ núi, lớn lên trên núi, rời núi, ra phố, về thành, lăn lộn mưu sinh, để rồi lại tìm về với núi, bởi thấy đất khách dẫu muôn trùng mà nhỏ hẹp đường đi, quê nhà dầu một góc vẫn rộng mở lối bước khi lòng đã sẵn để trở về để lập thân, lập nghiệp.

Ngoài vườn cam cho thu 200 triệu đồng/năm, Triệu Ngọc Hoài còn năng động mở cửa hàng tạp hóa ở xã Vĩnh Lạc (Lục Yên).
Ngoài vườn cam cho thu 200 triệu đồng/năm, Triệu Ngọc Hoài còn năng động mở cửa hàng tạp hóa ở xã Vĩnh Lạc (Lục Yên).

Họ - những thanh niên người dân tộc thiểu số ấy đã, đang và sẽ còn viết những câu chuyện về con đường đầy ắp khát vọng, dày đặc chông gai mà cũng ngập tràn cảm hứng trên chính đất này - những câu chuyện không mới nhưng chẳng bao giờ cũ cho rất nhiều thanh niên sinh ra từ núi như họ.

Đặng Văn Thuật - thanh niên người Dao ở xã Lang Thíp (Văn Yên) sau vài năm học hành và làm ăn nơi "đất khách”, muốn khởi nghiệp trên đất quê nhà nhưng Lang Thíp chủ yếu đồi rừng kém mỡ màu. 

"Đất khó thì sẽ chọn thứ gì ở ngay trên đất khó này, bất lợi sẽ thành lợi thế” - tư duy nảy nở ý tưởng, Thuật nhìn ra cái thứ vốn sẵn trên đất rừng Lang Thíp cho dự định của mình, ấy chính là rau rừng - thứ rau có vị ngăm ngăm mà lại ngòn ngọt ở rừng Lang Thíp chỉ cần tranh thủ lúc kiếm củi hay chăm sóc đồi cây, hái nhanh cũng được một gùi rau xanh ăn cả tuần chẳng hết ấy lại cũng là thứ đặc sản được nhiều người ưa chuộng. 

Việc xây dựng mô hình sản xuất đặc sản rau rừng theo hình thức bảo vệ, phát huy và nhân rộng trên những diện tích sẵn có không những tiết kiệm được chi phí đầu tư ban đầu mà còn đảm bảo cây phát triển tự nhiên, giữ được nguyên giá trị dinh dưỡng cũng như giá trị dược học. 

Bằng cách làm đó, Thuật cùng những người bạn đã tìm kiếm, khoanh vùng nguyên liệu, ban đầu lựa chọn sản xuất trong diện tích 2.500 m2 để tiện việc chăm sóc. Sản xuất dựa trên tự nhiên, nghĩa là không bón phân, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc kích thích, tất cả chỉ là tưới nước, nhổ cỏ, chờ đợi và thu hoạch. Bỏ công làm lãi, năm đầu tiên thực hiện, nhóm của Thuật thu được gần tấn rau rừng, lợi nhuận chừng 40 triệu đồng.

Triệu Ngọc Hoài - thanh niên người Nùng ở xã Vĩnh Lạc (Lục Yên) từng có một cửa hàng buôn bán đá quý nhỏ khá có tiếng ở khu vực thị trấn Yên Thế vẫn quyết chí trở lại quê nhà làm nông dân. Hoài muốn được lập thân trên chính mảnh đất của gia đình. Năm 2015, Hoài vay mượn đầu tư đến gần 1 tỷ đồng, cần mẫn từng ngày gây dựng lên đồi cam 7 ha, 3.000 gốc. 

Trong lúc chờ cam cho quả, dẫu nợ cũ chưa trả hết, nhưng nắm được thông tin xã Vĩnh Lạc không quy hoạch xây dựng chợ, Hoài mạnh bạo tiếp tục vay mượn hơn 600 triệu đồng để mở thêm một cửa hàng tạp hóa với đa dạng các mặt hàng từ phục vụ tiêu dùng sinh hoạt đến vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng… 

Chẳng liều chút nào bởi cửa hàng ấy là nơi duy nhất gần như đầy đủ các mặt hàng mà trước nay người dân có nhu cầu phải lên thị trấn cách đó 12 cây số để mua. Thậm chí, cửa hàng của Hoài cũng là địa chỉ đầu mối của nhiều người dân các xã lân cận bởi sự thuận tiện về đường sá. Đến giờ, trung bình mỗi ngày cửa hàng của Hoài đạt doanh thu 20 triệu đồng. 

Còn vườn cam 3.000 gốc đã có 1.000 gốc cho quả lứa đầu năm 2018, sản lượng 15 tấn, thu về trên 200 triệu đồng. Hoài tính sơ, chỉ 2 - 3 năm nữa thôi, khi tất cả 7 ha cam cho thu nhập ổn định, thu nhập từ cam sẽ là tiền tỷ. 

Cô gái Tày Hoàng Thị Xới lại chọn làm du lịch cộng đồng để khởi nghiệp. Xới nằm trong số ít người đồng trang lứa ở xã Lâm Thượng (Lục Yên) có nhiều trải nghiệm với thế giới ngoài bản làng mình bởi từng là hướng dẫn viên du lịch. Đi nhiều, chứng kiến nhiều cách làm du lịch, gặp gỡ nhiều du khách, Xới cứ ấp ủ khát vọng làm du lịch ở quê mình. 

Cách đây 2 năm, Xới quyết định cải tạo căn nhà sàn truyền thống của gia đình, thêm tiện nghi, quy hoạch không gian thoáng đãng, ngập tràn hoa và rau xanh để xây dựng homestay mang tên Xôi để du khách được trải nghiệm chân thực nhất cuộc sống người bản địa. 

Đó là cách Xới tự hình thành các tour du lịch nội bản như: đạp xe quanh bản, đi chợ quê, leo núi, tắm thác, câu cua…; là cách Xới quảng bá, xây dựng các trang web, mạng xã hội và các phần mềm tìm kiếm homestay trên điện thoại thông minh… Homestay Xôi dần hút khách. 

Sự khởi xướng của Xới đã truyền cảm hứng cho cô gái Hoàng Thị Ngọt cùng là người Tày ở Khéo Lẹng bản bên. Cũng làm du lịch nhưng Ngọt chọn cách bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày để xây dựng không gian du lịch cộng đồng. Ngọt tự mình tìm đến các cụ cao niên, tìm hiểu, khôi phục nghề dệt thổ cẩm bằng khung cửi và nhuộm màu tự nhiên rồi hình thành và sáng tạo ra các sản phẩm như: ga trải giường, gối, khăn quàng, khăn trải bàn, túi, vòng tay… 



Hoàng Thị Xới tự tay gây dựng không gian du lịch cộng đồng từ nơi ăn nghỉ đến các hoạt động trải nghiệm tại xã Lâm Thượng (Lục Yên) để khởi nghiệp. 

Khi những sản phẩm ấy đủ sức cạnh tranh sẽ không chỉ là sản phẩm du lịch trong bản mà còn vươn tới các công ty trang trí nội thất, các địa điểm du lịch trong toàn quốc - Ngọt ấp ủ, khát mong hướng tới điều đó. Ngọt còn vận động, liên kết người dân trong bản đóng góp lắp đặt bóng điện chiếu sáng, trồng hoa ven đường, tập luyện văn nghệ… 

Tương lai không xa, bản Khéo Lẹng sẽ được quy hoạch du lịch hợp lý với một chuỗi các hoạt động cộng đồng đậm bản sắc của người Tày nơi này. Cách làm của 2 cô gái Tày ấy đã đưa Lâm Thượng  trở thành một địa chỉ trên bản đồ du lịch cho du khách tìm đến khi đến Yên Bái.

Hờ A Vàng ở xã Chế Cu Nha khởi nghiệp thực sự chẳng dễ dàng gì trên đất huyện nghèo Mù Cang Chải. Vướng vòng lao lý, tách biệt xã hội tới cả nghìn ngày, thanh niên người Mông ấy trở về quê nhà, tái nhập cuộc sống đời thường trong nghèo khó bủa vây gia đình. Muốn làm "cái gì đó” thoát nghèo, Vàng "xuống núi” học cách làm ăn. 

Chuyến ấy, Vàng đi cùng hai người anh em xuống Nghĩa Lộ. Hai người bạn đồng hành cùng Vàng có vốn liếng nên nhanh chóng chọn nghề vận tải. Vàng tình cờ được tham quan một cơ sở sản xuất gạch ba vanh. 

Tính đi tính lại, ở huyện chưa có ai làm loại gạch này, hai người anh em kia lại đầu tư làm vận tải nghĩa là có khả năng liên kết, Vàng quyết định mở xưởng gạch ngay tại Chế Cu Nha, tận dụng được lợi thế nhà mặt đường của mình. 

Chẳng có chút vốn nào, năm 2014, Vàng vay mượn hoàn toàn, đầu tư sắm máy móc làm xưởng. Cả quá trình bắt tay vào sản xuất, Vàng thậm chí chỉ biết vừa làm vừa rút kinh nghiệm bởi không một nơi nào Vàng tìm đến chịu chia sẻ bí quyết. Từng lỗ tới 30 triệu đồng, Vàng mới tìm ra công thức pha trộn tỷ lệ của mình cho ra những viên gạch chất lượng. 

Vất vả, gian nan mãi, giờ, mỗi năm Vàng xuất được trên 20.000 viên gạch, thu về 50 triệu đồng. Sản lượng ấy còn khiêm tốn lắm so với công suất máy móc song cũng bước đầu đặt những "viên gạch” đầu tiên cho con đường Vàng mong ước.

Còn những Hoàng Văn Chuyến nuôi dế ở Nghĩa Lộ, Thào A Phềnh nuôi lợn đen, trồng hồng không hạt ở Mù Cang Chải, Hứa Văn Quang nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà… Những thanh niên dân tộc thiểu số ấy vốn hiểu hơn ai hết nghèo khó đất núi, càng hiểu hơn ai hết những khó khăn từ chính bản thân mình như đồng vốn, kiến thức, kinh nghiệm… nhưng vẫn quyết tìm về lập nghiệp bằng khát vọng vươn lên trên chính đất quê mình. 

Ý tưởng cho một sự bắt đầu luôn tồn tại, nảy nở, thậm chí là không hề ít mà các cuộc thi ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp do các cấp bộ Đoàn tổ chức thời gian qua đã chứng minh. Cần một khát vọng để bắt đầu đặt chân và càng cần hơn một sự dũng cảm, kiên gan để bước đi, đương đầu thách thức trên con đường chưa bao giờ là trơn tru ấy. Ở đó, sẽ có những bàn chân dẫm gai…

Hoài Anh - Thu Hạnh
Bài 2: Bàn chân "dẫm gai”

Tags Khởi nghiệp ý tưởng homestay Lang Thíp Vĩnh Lạc Lâm Thượng Chế Cu Nha

Các tin khác
Người dân thôn Khe Gầy, xã Đại Đồng huyện Yên Bình luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Một vài năm trở lại đây, bên cạnh các homestay du lịch cộng đồng, các huyện, thị xã miền Tây của tỉnh đang đầu tư xây dựng các khu du lịch theo hướng nghỉ dưỡng, cao cấp, hiện đại hơn, thu hút một lượng khách du lịch lớn, trong đó phần lớn là người trẻ. Họ là đối tượng khách hàng tiềm năng, cũng chính là người truyền thông, quảng bá cho du lịch địa phương.

Kỹ sư Hảng A Thào và Tráng A Của trao đổi kỹ thuật canh tác lúa hàng hóa với nông dân xã Hát Lừu.

Chất lượng cán bộ, nhất là cấp cơ sở đã có lúc là một khó khăn, một khâu yếu kéo dài của Đảng bộ huyện Trạm Tấu, nhất là trình độ học vấn. Anh em cơ sở có hăng hái, nhiệt tình, sẵn sàng cống hiến nhưng trình độ học vấn rất thấp, không phải ai cũng đọc thông, viết thạo chữ phổ thông, chưa nói đến trình độ, chuyên môn, trình độ lý luận chính trị.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp -Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu trực tiếp xuống tận chân ruộng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa cho người dân xã Hát Lừu - Ảnh: Văn Tuấn

Gần 80% dân số là người Mông, sống thưa thớt trong miên man đất núi, vậy mà, mười mấy năm trước, nói đến Trạm Tấu, mọi người dễ liên tưởng đến nơi vùng cao heo hút, nghèo nàn và lạc hậu. Những đổi thay bắt đầu từ câu chuyện "động trời”...

Bình quân lương thực đầu người của huyện đã đạt 670kg/năm, tăng 245kg/người/năm so với năm 2011.

Trong 10 năm (2008 - 2017), 82,4% tổng vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mù Cang Chải đã tập trung ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nghị quyết 26 cảu Trung ương đã mở ra cơ hội lớn để nông nghiệp khởi sắc, nông dân sáng tạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục