Nghĩa Lộ giải quyết vướng mắc đất nông nghiệp xen kẹt

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/11/2019 | 11:23:46 AM

YênBái - Trong quá trình mở rộng không gian đô thị thị xã Nghĩa Lộ, cùng với đặc thù miền núi, ruộng không bằng phẳng nên khi thu hồi đất để triển khai các dự án làm đường, khu dân cư đã xuất hiện các diện tích đất xen kẹt, dẫn đến có thể ngập úng và thiếu nước cục bộ.

Bà Lò Thị Thịnh, thôn Bản Sa, xã Nghĩa Lợi bên thửa ruộng bỏ hoang từ mấy năm nay do không có nước sản xuất.
Bà Lò Thị Thịnh, thôn Bản Sa, xã Nghĩa Lợi bên thửa ruộng bỏ hoang từ mấy năm nay do không có nước sản xuất.

Những năm gần đây, nhiều diện tích đất nông nghiệp tại các xã, phường trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đã bị thu hồi để phục vụ triển khai các dự án, khu dân cư. Dẫn đến nhiều diện tích đất nông nghiệp xen kẹt không thể sản xuất do không có hệ thống tưới tiêu. 


Giải quyết, tháo gỡ vướng mắc cho diện tích đất nông nghiệp bị xen kẹt là việc cần làm ngay để bảo đảm đời sống cho người dân cũng như không để lãng phí tài nguyên đất.

Đứng bên thửa ruộng cỏ mọc như hoang hóa từ lâu, bà Lò Thị Thịnh, thôn Bản Sa, xã Nghĩa Lợi không giấu được vẻ buồn bã khi trên 1.000 m vuông ruộng đã không thể cày cấy được từ năm 2015 khi có dự án xây dựng khu tái định cư ở nơi đây. 

Bà Thịnh thở dài: "Từ khi Nhà nước thu hồi đất để làm khu tái định cư thì chỗ ruộng này không cày cấy được gì hết. Mưa thì ngập úng, lúc tạnh ráo thì khô hạn, chuyển sang trồng màu thì chuột cắn hết”. 

Cũng theo bà Thịnh, nhà bà có gần 3.000 m vuông ruộng trong đó đã bị thu hồi trên 100 m vuông để làm khu tái định cư. Tuy nhiên, từ đó đến nay, 989 m2 ruộng ở cạnh khu tái định cư không thể sản xuất. Cùng với đó, tại khu 4, thôn Bản Sa, gia đình bà cũng có 350 m vuông ruộng bị khô hạn, không cày cấy được. 

Ông  Lò Văn Tý - Bí thư Chi bộ thôn Bản Sa, xã Nghĩa Lợi dẫn chúng tôi đến bên những thửa ruộng bị xen kẹt nằm sát khu tái định cư đang xây dựng. Chỉ tay về phía thửa ruộng cỏ mọc um tùm, ông Tý cho biết: "Toàn thôn có gần 10 hộ có ruộng bị xen kẹt không thể sản xuất được do thiếu nước tưới tiêu với diện tích khoảng 3.000 m vuông. Trong số đó, có hộ đã chuyển sang trồng màu, trồng cỏ nhưng do không có hệ thống dẫn nước rồi lại bị chuột, sâu bọ phá hoại nên giờ đều bỏ hoang”. 

Qua tìm hiểu, hiện nay xã Nghĩa Lợi có 1,04 ha đất ruộng bị xen kẹt giữa các dự án, khu dân cư không thể cày cấy được. Nguyên nhân là do hệ thống kênh mương bị chia cắt, vùi lấp nên các thửa ruộng này không có nước để sản xuất. 

Ông Lò Văn Hải - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nghĩa Lợi cho biết: "Người dân mong muốn có thể khôi phục lại để cấy lúa hoặc là chính quyền thu hồi chuyển đổi sang đất ở. Vì giờ có đất mà cũng như không vì không thể sản xuất được. Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã phản ánh ý kiến của người dân lên thị xã Nghĩa Lộ và tỉnh, còn trước mắt, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển sang trồng màu và các cây trồng khác”. 

Rời xã Nghĩa Lợi, sang phường Pú Trạng - địa phương cũng có hơn 1 ha đất ruộng bị xen kẹt trong các khu dân cư, không thể cày cấy. Phó Chủ tịch UBND phường - ông Nguyễn Công Cường cho biết: "Diện tích đất xen kẹt này không lớn, nằm rải rác ở các tổ 15, 16, 18, 20, 21, 23. Từ nhiều năm nay, người dân đã không thể sản xuất do thiếu nước. Vì vậy, mong muốn của bà con là chuyển đổi thành đất ở để mở rộng khu dân cư”. 

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Nghĩa Lộ, hiện thị xã có 8,28 ha đất nông nghiệp bị xen kẹt, không thể sản xuất, trong đó phường Tân An 4,01 ha, phường Pú Trạng 1,01 ha, xã Nghĩa An 1,02 ha, xã Nghĩa Phúc 1,2 ha, xã Nghĩa Lợi 1,04 ha.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Văn Nam - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của các bộ, ngành, UBND tỉnh Yên Bái, thị xã đã phối hợp với các ngành chức năng thu hồi một số diện tích đất nông nghiệp để làm đường và mở rộng không gian đô thị của thị xã Nghĩa Lộ sang hướng Đông Bắc, phấn đấu đến năm 2020, cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại 3. 

Trong quá trình mở rộng không gian đô thị thị xã cùng với đặc thù miền núi, ruộng không bằng phẳng nên khi thu hồi đất để triển khai các dự án làm đường, khu dân cư đã xuất hiện các diện tích đất xen kẹt, dẫn đến có thể ngập úng cục bộ, thiếu nước cục bộ. 

Để giải quyết vấn đề này phương án trước mắt, đối với những diện tích có thể xây dựng được hệ thống kênh mương tưới tiêu thì thị xã sẽ lồng ghép các nguồn vốn để triển khai xây dựng, bảo đảm cho nhân dân có nước tưới sản xuất. 

Trong trường hợp không thể trồng lúa thì chuyển sang trồng màu, nuôi trồng thủy sản. Cuối cùng, nếu không thể xây dựng kênh mương và chuyển đổi cây trồng thì sẽ tiếp tục thu hồi để chuyển đổi mục đích sang đất dân cư, thương mại dịch vụ nếu phù hợp với quy hoạch phát triển đất dân cư. 

Trong bối cảnh, diện tích đất nông nghiệp của thị xã ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và triển khai các dự án thì việc xử lý, giải quyết những vướng mắc đất nông nghiệp xen kẹt là yêu cầu cần thiết để bảo đảm quyền lợi, đời sống của nhân dân, tránh lãng phí, phát huy giá trị tài nguyên đất và ngăn ngừa nguy cơ phát sinh vi phạm trong quản lý, sử dụng đất xen kẹt. 

Do vậy, thị xã Nghĩa Lộ cần chỉ đạo các xã, phường phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức rà soát, kiểm kê những diện tích đất nông nghiệp xen kẹt; đồng thời, có phương án, kế hoạch xây dựng hệ thống kênh mương hoặc chuyển đổi cây trồng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với từng diện tích, khu vực cụ thể. 

Hùng Cường - Văn Thông

Tags Nghĩa Lộ giải quyết vướng mắc đất nông nghiệp xen kẹt

Các tin khác
Giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao của Nông Thị Thắm còn xa vời vì thiếu vốn.

Khởi nghiệp - con đường chưa bao giờ bằng phẳng. Ở đó, có vấp ngã, có đớn đau, có những “đá tảng” ngáng đường…

Ảnh minh họa

Mẹ không chịu được đòn đánh, chửi của bố đã ra đi. Từ sau ly hôn, bố của N. và T. sinh ra chán đời, lười làm nên mọi gánh nặng đều đổ lên vai bà nội nay đã 70 tuổi.... Thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, những năm gần đây, tình trạng ly hôn trên địa bàn ngày càng gia tăng.

Ngoài vườn cam cho thu 200 triệu đồng/năm, Triệu Ngọc Hoài còn năng động mở cửa hàng tạp hóa ở xã Vĩnh Lạc (Lục Yên).

Sinh ra từ núi, lớn lên trên núi, rời núi, ra phố, về thành, lăn lộn mưu sinh, để rồi lại tìm về với núi, bởi thấy đất khách dẫu muôn trùng mà nhỏ hẹp đường đi, quê nhà dầu một góc vẫn rộng mở lối bước khi lòng đã sẵn để trở về để lập thân, lập nghiệp.

Người dân thôn Khe Gầy, xã Đại Đồng huyện Yên Bình luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Một vài năm trở lại đây, bên cạnh các homestay du lịch cộng đồng, các huyện, thị xã miền Tây của tỉnh đang đầu tư xây dựng các khu du lịch theo hướng nghỉ dưỡng, cao cấp, hiện đại hơn, thu hút một lượng khách du lịch lớn, trong đó phần lớn là người trẻ. Họ là đối tượng khách hàng tiềm năng, cũng chính là người truyền thông, quảng bá cho du lịch địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục