Cú “huých” cho phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số - Bài 1: Trợ lực cho hộ nghèo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/11/2019 | 11:23:10 AM

YênBái - Thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV) vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018, tỉnh Yên Bái đã ban hành 33 nghị quyết, 44 quyết định với các cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Hàng chục nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có thêm thu nhập từ nguồn kinh phí giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng
Hàng chục nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có thêm thu nhập từ nguồn kinh phí giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) của tỉnh giai đoạn 2012 - 2018 khẳng định: Diện mạo của vùng DTTS, MN, nhất là các xã nghèo, vùng nghèo đã có bước khởi sắc, có sự thay đổi rõ nét, tạo động lực đột phá phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, cải thiện đời sống của người nghèo vùng DTTS, MN, dần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo của xã hội.


Đánh giá khách quan từ hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng là nhận định được Trung ương đưa ra. Đó là các chính sách giảm nghèo vẫn còn nặng về tính bao cấp, chưa tập trung hỗ trợ, khuyến khích sản xuất..., dẫn đến hiệu quả chưa cao, chưa khích lệ ý chí, tinh thần vươn lên thoát nghèo của một bộ phận người nghèo, hộ nghèo...

Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV) vùng DTTS, MN giai đoạn 2012 - 2018 với rất nhiều các chính sách hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng; chính sách phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; chính sách hỗ trợ giáo dục đào tạo và dạy nghề; hỗ trợ cho lao động nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn… được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh với nguồn lực đầu tư lớn từ ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, được xem là trợ lực quan trọng tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, MN của tỉnh, mở ra cơ hội vươn lên thoát nghèo cho hộ đồng bào DTTS.

Tập trung nguồn lực lớn từ ngân sách

Là địa phương có 56,24% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỉnh Yên Bái có 81/180 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực III; 68 xã khu vực II; 31 xã khu vực I; số thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc xã khu vực III là 652, chiếm 28,29%; thôn ĐBKK thuộc xã khu vực II là 177; có 2 huyện vùng cao là huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải nằm trong số 85 huyện nghèo, ĐBKK của cả nước. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV) vùng DTTS, MN giai đoạn 2012 - 2018, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã ban hành gần 100 văn bản chỉ đạo. 

Theo đó, tỉnh Yên Bái đã ban hành 33 nghị quyết, 44 quyết định với các cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS như: hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, đào tạo cán bộ, học sinh, sinh viên người DTTS, trong đó có cán bộ trẻ, cán bộ nữ... 

Giai đoạn 2012 - 2018, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV trên địa bàn vùng DTTS, MN tỉnh Yên Bái là 1.536.228 triệu đồng, đạt 100% so với mục tiêu đề ra. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương chiếm 99,5%, tức 1.528.228 triệu đồng; nguồn khác (vốn viện trợ nước ngoài) là 8.000 triệu đồng, chia 2 giai đoạn thực hiện (2012 - 2015 và 2016 - 2018). 

Nguồn lực huy động được tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các huyện nghèo "30a"; các xã, thôn bản ĐBKK theo Chương trình 135 và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục đào tạo, dạy nghề; chính sách nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ địa phương… 

Từ năm 2012 đến năm 2018, nguồn vốn Chương trình GNBV triển khai thực hiện tại 2 huyện nghèo "30a" của tỉnh là Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã đầu tư nâng cấp, xây mới được gần 70 công trình trường học, giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; duy tu, bảo dưỡng 77 công trình. Chương trình 135 đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn, bản ĐBKK được trên 600 công trình giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, nhà văn hóa cộng đồng; duy tu, bảo dưỡng sau đầu tư gần 300 công trình... 

Trên thực tế, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng DTTS, MN. Đến nay, 100% đường từ huyện về trung tâm các xã trong tỉnh đã được cứng hóa; đường tới 100% số bản đã bảo đảm đi được xe máy trong mùa khô, trong đó đến năm 2018, có 833/1.213 thôn, bản có đường giao thông đi lại được bốn mùa, đạt 70%. 

Trên 90% số xã có hạng mục công trình thủy lợi nhỏ, đảm bảo ổn định phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. 100% số xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân được dùng điện đạt 97%. Tỷ lệ trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí quốc gia về y tế chiếm trên 35%; 100% số xã có điểm bưu điểm văn hóa xã, được phủ sóng phát thanh, truyền hình; gần 90% đồng bào được sử dụng nước hợp vệ sinh; 89% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; trên 78% số phòng học được kiên cố hóa… 

Cũng từ đây, diện mạo nông thôn miền núi có sự thay đổi rõ nét; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, nâng cao, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. 

Đột phá giảm nghèo

Thành tựu giảm nghèo của tỉnh với những con số ấn tượng: tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình qua các năm trên 4%; riêng 2 huyện nghèo 30a là Trạm Tấu và Mù Cang Chải tỷ lệ giảm nghèo 7%/năm, cho thấy sự quyết tâm cao của tỉnh Yên Bái trong thực hiện mục tiêu Chương trình GNBV. 

Không thể phủ nhận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo… của Đảng và Nhà nước triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh những năm qua đã mở ra cơ hội vươn lên thoát nghèo cho hộ đồng bào DTTS; tạo điều kiện để đời sống của người nghèo vùng DTTS, MN từng bước được cải thiện. 

Giai đoạn 2012 - 2015, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, khai hoang ruộng nước; hỗ trợ xuất khẩu lao động được triển khai thực hiện… đã giúp cho hàng chục nghìn hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có thêm thu nhập ổn định từ nguồn kinh phí giao khoán chăm sóc, bảo vệ 274.457 lượt ha rừng; hỗ trợ giống lúa, ngô, phân bón cho các hộ nông dân phát triển sản xuất với diện tích trên 5 nghìn ha; hỗ trợ một lần cho 1.233 hộ nghèo làm chuồng trại chăn nuôi; đào tạo nghề cho gần 4.500 lao động của hai huyện nghèo; hỗ trợ 217 người tham gia xuất khẩu lao động. 

Triển khai mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản nhân rộng tại 27 xã thuộc 6 huyện, thị của tỉnh, hỗ trợ cho gần 700 hộ nghèo tham gia. Giai đoạn 2016 - 2018, trên 23 nghìn lượt hộ gia đình được Nhà nước hỗ trợ kinh phí giao khoán bảo vệ 128.155 lượt ha rừng; hỗ trợ giống lúa, ngô lai, phân bón giúp gần 63 nghìn hộ dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế... 

Gắn với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, tỉnh đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. 

Bên cạnh đó, các nguồn vốn khác như cho vay chương trình học sinh, sinh viên, hộ đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, giải quyết việc làm hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn... tiếp tục được triển khai đồng bộ, đúng đối tượng quy định và phát huy hiệu quả tốt. Tính từ năm 2016 đến nay, đã có 21.845 hộ nghèo, 5.771 hộ cận nghèo, 1.790 hộ mới thoát nghèo được xét duyệt cho vay với số tiền giải ngân là 1.098 tỷ đồng; mức vay bình quân đạt 37,3 triệu đồng/hộ. 

Giai đoạn 2012 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 16,51%, bình quân mỗi năm giảm 4,13%, đạt 103% so với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, giảm gấp 2,1 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước. Số hộ tái nghèo giảm dần (năm 2012 là 2.091 hộ; năm 2013 là 694 hộ; năm 2014 là 433 hộ…). 

Đối với hai huyện "30a" là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tỷ lệ hộ nghèo giảm 31,47%, còn 47,82%, bình quân mỗi năm giảm 7,87%, giảm gấp 2,0 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước. Đối với các xã nghèo, tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 6,44%, giảm gấp 1,6 lần so với mục tiêu giảm nghèo của Chương trình. 

Giai đoạn 2016 - 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 14,53%, bình quân mỗi năm giảm 4,84%, cao hơn mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, giảm nghèo 3,5%/năm, đạt 138% so với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, giảm gấp 3,2 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước. Số hộ tái nghèo trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm dần trong những năm qua. 

Đối với hai huyện 30a, tỷ lệ hộ nghèo giảm 23,04%, còn 52,08%, bình quân mỗi năm giảm 7,68%, đạt 128% so với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, giảm gấp 1,9 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước. Đối với các xã nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trong 3 năm giảm 23,34%, bình quân mỗi năm giảm 7,78%, giảm gấp 1,9 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước. 

Đối với hộ nghèo DTTS, tỷ lệ hộ nghèo trong 3 năm giảm 21,0%, còn 29,43%, bình quân mỗi năm giảm 7,0%, giảm gấp 1,7 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước.

Chương trình mục tiêu GNBV đã thực sự tạo ra cú "huých” mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS tỉnh Yên Bái, đặt nền tảng vững chắc tạo thành công bước đầu trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh. Song, nhất thiết phải xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc cần làm là khích lệ ý chí, khơi dậy tinh thần chủ động vượt khó vươn lên thoát nghèo của người dân để hiệu quả giảm nghèo được bền vững. 

Minh Thúy

Tags Yên Bái dân tộc thiểu số miền núi trông chờ ỷ lại giao thông thủy lợi điện sinh hoạt nhà văn hóa

Các tin khác
Hứa Văn Quang bước đầu hiện thực hóa ước mơ “làm chủ cuộc đời” với cá lồng hồ Thác Bà.

Bước đường khởi nghiệp, sau những thất bại, có người từ bỏ tiếp tục con đường, nghĩa là chọn thất bại; có người tiếp tục con đường, theo một lối khác, dù có phải rẽ rất nhiều lối…

Bà Lò Thị Thịnh, thôn Bản Sa, xã Nghĩa Lợi bên thửa ruộng bỏ hoang từ mấy năm nay do không có nước sản xuất.

Trong quá trình mở rộng không gian đô thị thị xã Nghĩa Lộ, cùng với đặc thù miền núi, ruộng không bằng phẳng nên khi thu hồi đất để triển khai các dự án làm đường, khu dân cư đã xuất hiện các diện tích đất xen kẹt, dẫn đến có thể ngập úng và thiếu nước cục bộ.

Giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao của Nông Thị Thắm còn xa vời vì thiếu vốn.

Khởi nghiệp - con đường chưa bao giờ bằng phẳng. Ở đó, có vấp ngã, có đớn đau, có những “đá tảng” ngáng đường…

Ảnh minh họa

Mẹ không chịu được đòn đánh, chửi của bố đã ra đi. Từ sau ly hôn, bố của N. và T. sinh ra chán đời, lười làm nên mọi gánh nặng đều đổ lên vai bà nội nay đã 70 tuổi.... Thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, những năm gần đây, tình trạng ly hôn trên địa bàn ngày càng gia tăng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục