Hồng không hạt "ươm” lại khát vọng không thể dập vùi
Sau những bền bỉ, kiên gan vẫn trắng tay với lợn, nợ chất đôi vai, không chỉ định bỏ buông mà Thào A Phềnh từng muốn ngã gục. Nhưng cũng chính thời điểm đó, hiện hữu trước mắt Phềnh những cây hồng xanh tốt cao hơn đầu người, điểm những quả hồng chín to bằng cả cái bát con - cả một vườn hồng hàng thẳng hàng, đều đặn, tăm tắp như ô bàn cờ trên mảnh đất của gia đình ở quê nhà Nậm Khắt.
Thì chính tay Phềnh trồng những gốc hồng ấy, là 200 gốc giống hồng không hạt Fuyu Nhật từ bốn năm trước, theo dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa về, rồi để lại cho bố mẹ chăm sóc. Bận rộn, mải mê với lợn, Phềnh thậm chí quên mất những gốc hồng.
Năm 2018, vườn hồng cho trái thương phẩm đầu tiên - Phềnh ngỡ ngàng, rồi phấn khích, rồi hứng thú, rồi biết mình phải đứng lên, tiếp tục thế nào. Phềnh chăm bẵm, nâng niu từng trái hồng nhưng là để cho chúng phát triển tự nhiên nhất: không thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích trong suốt thời gian từ khi đậu quả đến thu hoạch, tất nhiên là dày công chăm lắm chứ. Chất lượng sạch, thời điểm thu hoạch lại trùng với dịp Lễ hội Khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm đó, hồng Nhật của Phềnh lần đầu ra mắt thị trường được đón nhận ngay.
Chẳng quảng cáo rầm rộ vậy mà thương lái từ huyện đến tận vườn thu mua. Có nhiều người chả phải tay buôn cũng đến vườn hồng quay hình, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội để bán. Cứ mỗi cây cho trung bình 25 kg quả, bán lẻ 40.000 đồng/kg, sỉ thì 35.000 đồng/kg, vụ hồng ấy cũng thu về cả gần trăm triệu đồng. Năm đó và năm nay cũng vậy.
Ít công chăm sóc, ít bệnh hại, lại có thị trường, hồng không hạt Fuyu Nhật "ươm” lại khát vọng lập nghiệp của Phềnh. Sẽ nhân giống bằng phương pháp chiết ghép để mở rộng diện tích, phục vụ cả những ai cùng muốn trồng hồng như mình - Phềnh dự là như thế, sẽ làm ngay trong năm tới, bằng niềm tin mới, quyết tâm mới!
Những chú dế mèn không thể "phiêu lưu” mãi
Hoàng Văn Chuyến - thanh niên người Thái ở bản Tông Co 2, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ chọn một loại vật nuôi không mấy phổ biến cho một hướng đi khác biệt để lập thân. Từng bươn chải đủ nghề, đủ nơi mưu sinh, rồi tình cờ làm thuê gần một trang trại nuôi dế ở Hà Nội, học lỏm rồi ấp ủ giấc mơ dế mèn, để năm 2016, Chuyến về quê nhà mang theo 3 khay trứng dế.
Chuyến nuôi dế giữa mùa đông, trong khi đây là loài không ưa lạnh, bởi cái lý của mình: "Nếu giữa lúc thời tiết khắc nghiệt nhất với chúng mà có thể nuôi được nghĩa là thành công”.
Anh thắp điện gần như 24/24h, ngốn đến cả triệu bạc. Vợ sốt ruột, cho anh là phiêu lưu. Anh bình tâm, bởi tin vào mình. Nuôi dế non trong hộp xốp, sau chuyển chúng qua bìa các - tông. Nhưng, lứa đầu tiên, dế chết tất thảy. Hóa ra, chính bìa cát tông hút ẩm, đặc biệt trong mùa mưa là nguyên nhân.
Thất bại, nhưng Chuyến nghĩ chỉ là theo cách nuôi này. Anh trở lại Hà Nội, làm thuê công việc cũ, chủ yếu để tiếp tục học lỏm ngón nghề trang trại dế kia. Đầu năm 2017, Chuyến lại về quê với 5 khay trứng dế, đầu tư 6 bể nuôi.
Vừa làm vừa đúc rút, điều chỉnh các yếu tố liên quan, đặc biệt là nhiệt độ và thức ăn, anh dần bỏ túi bí quyết riêng, như dế 45 ngày mới được chuyển từ hộp xốp sang bể, như công thức thức ăn cho dế... Anh còn thuê 2.000 m vuông ruộng trồng rau nuôi dế. Kiên trì dẫn lối, cần mẫn đưa đường, một, hai rồi nhiều lứa dế 45 - 60 ngày tuổi đạt chuẩn đã không còn là điều khó làm với Chuyến.
Qua bước khởi đầu tạo thành phẩm, đưa thành phẩm thành sản phẩm cần nhiều hơn những kiên trì và cần mẫn. Chuyến không ngại vào vai một người đầy năng động để đưa những chú dế mèn từ bể nuôi lên bàn ăn của thực khách: nào lập facebook "Dế mèn Mường Lò”, nào tận dụng ưu thế MC của mình mời những gia đình có cỗ tân gia hay đám cưới dùng miễn phí một số món dế, nào sáng tạo món mới từ dế…
Những đơn hàng dần đến. Cứ vậy, từ 5 khay trứng, anh nhân lên 50 khay, nuôi gối 1 năm 10 lứa, cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Giờ, anh đã là người nuôi dế thành công đến thời điểm này ở Mường Lò, cũng là mối cung cấp dế uy tín đất này - nơi mà dế mèn là một trong những đặc sản ẩm thực của người Thái bản địa - những người đang phát triển mạnh du lịch cộng đồng ở đây. Thế nên, đó có lẽ chỉ là sự khởi đầu cho con đường tốt đẹp hơn, để những chú dế mèn của Chuyến không còn là những cuộc "phiêu lưu” không đích.
Nhưng Chuyến thì vẫn còn nhớ mãi những ngày: "Đi xin bìa các- tông trông như kẻ buôn đồng nát trong con mắt coi thường của nhiều người hay những khi gia đình thiếu thốn vì bao nhiêu thời gian, tiền bạc dồn cả cho dế mà chưa thu được gì. Không vì tự ái mà từ bỏ, không vì túng quẫn mà buông tay. Mừng vì mình đi qua những phút giây ấy, mới đến được ngày hôm nay” - Chuyến vui hơn vì điều ấy.
Cá lồng hồ Thác neo giấc mơ làm chủ cuộc đời
10 năm sau làm thuê đất Hà thành, Hứa Văn Quang - thanh niên người Tày ở Phúc Ninh, Yên Bình có vỏn vẹn 40 triệu đồng để về quê nhà trong khao khát được "làm thuê” cho chính mình. Ngày ở Hà Nội, rong ruổi bên sông Hồng, thấy người ta nuôi cá lồng; quê nhà Phúc Ninh - nơi ven hồ Thác Bà, đất ít, nước nhiều; cá lồng trên hồ là điều duy nhất thanh niên ấy nghĩ được lúc trở về năm 2016. Thời điểm ấy, ở Phúc Ninh, chưa ai nuôi cá lồng.
Quang nghĩ đơn giản thế này: "Phải bắt đầu từ những con số không”. Không kiến thức, không kinh nghiệm thì tìm đến người đang nuôi cá để nắm điều cơ bản nhất: địa điểm đặt lồng, làm lồng, con giống, chăm sóc…
Ít vốn, thì làm nhỏ thôi: 2 lồng, và tự tay ghép lồng, việc này Quang làm được, bởi tay nghề 10 năm từng ở xưởng sửa chữa cơ khí, chi phí bớt được 7 triệu đồng mỗi lồng. Vẫn bởi ít tiền, Quang đương nhiên phải vay vốn, chừng phân nửa trong số 80 triệu đồng ban đầu.
Quang chọn nuôi cá nheo, vì thấy bảo cá này lớn nhanh. Đúng vậy, nhưng chúng cũng nhanh đói, đánh nhau, rồi thiếu ô xy bởi Quang "tham” làm nên thả những 3.000 con hai lồng. Sau lứa đầu tiên mà cá chết đến 2/3, Quang mới có kinh nghiệm về những điều này. Lứa này, Quang bán lặt vặt suốt, chẳng nổi tấm món, mãi đến cuối lứa mới thu được 20 triệu đồng một lúc, chắt chiu làm vốn cho lứa sau.
Lứa tiếp, làm thêm 2 lồng, bỏ nheo nuôi lăng, cần mẫn theo các lớp kỹ thuật chăn nuôi liên quan ở xã; chịu khó lần mò nguồn giống tốt, rẻ; chăm chỉ hỏi thăm địa chỉ thương lái, cuối vụ, Quang có lời hơn trăm triệu đồng, mừng biết mấy vì có lực tái đầu tư lớn hơn. 6 lồng, Quang dự là nuôi tất nheo tiếp nhưng bỗng dưng muốn trải nghiệm với cá ngạnh - loài vốn sống trong môi trường tự nhiên của hồ Thác Bà, trước nay đất này chưa ai nuôi bao giờ.
Quang luận: "Cá ngạnh nuôi lồng, việc chăm sóc sẽ đơn giản, vì vẫn là môi trường chúng vẫn sống; chúng ăn ít, nguồn chính là tôm cá nhỏ của hồ dễ dàng thu gom được nên chi phí đầu tư sẽ không lớn mà đây là loại đặc sản của vùng hồ này”.
Thế là mua lẻ lúc vài chục con, khi cũng được nghìn con, từ những người đánh bắt cá ở hồ, khá mất công sức và thời gian, để 3 tháng sau, Quang có cá thả kín cả 10 lồng, cả ngạnh và lăng. Mới vậy, đã có thương lái ngấp nghé hỏi han. "Sang năm, không bất trắc gì, toàn bộ cá lăng và 50-70% cá ngạnh sẽ xuất bán được, dự tính cũng lãi tầm 300 triệu đồng” - Quang cười mong đợi.
Quang kể chuyện về cá, về hồ cái giọng lơi chơi như không nhưng đáy mắt đầy lúc vẫn chầng chậc khi nhắc những đêm hồ Thác. Hồ Thác mênh mông, miên man ì oạp tiếng nước vỗ mạn thuyền và xoàm xoạp lũ cá quẫy đạp giữa muôn trùng thăm thẳm đêm buông, chỉ tiếng người từ chiếc radio làm bạn - gần nghìn đêm như thế Quang đã đi qua.
Tận cùng cô quạnh trong những đêm hồ Thác, có lúc thanh niên đương độ 30 ấy muốn bỏ cá, bỏ hồ. Nhớ những nhọc nhằn lúc làm thuê xứ người, nhớ những "khát khao dữ dội” lúc bắt đầu trở về, ý định từ bỏ lại chìm xuống, như con nước mặt hồ lúc lặng yên không sóng, để sáng mai ra, lại lụi cụi với ba bữa ăn tự nấu trên chiếc thuyền nhỏ, lại cần mẫn với mấy nghìn con cá…
Giờ, thêm 3 thanh niên khác cùng đặt lồng nuôi cá quanh đó, vì Quang rủ làm cùng và thấy Quang làm được. Quang có thêm niềm vui để kiên trì với cá, với hồ. Quang còn muốn thử cả nuôi cá eo ngách, trên diện tích cỡ tầm 3 ha mặt nước…
Và hình như, Quang nỗ lực như để chứng mình điều này: "Làng mình, chừng 80% thanh niên ly hương tìm việc, bởi nghĩ ở quê nhà vất vả mà khó lòng khấm khá. Mình thì thấy trở về là điều đúng nhất từng làm. Có thử thách, vấp váp nhưng được làm chủ cuộc đời mình”.
Chọn lựa tiếp tục bước đi sau thất bại, dù có phải rẽ theo rất nhiều lối để đến một ngày, những con người ấy có quyền định nghĩa lại khái niệm "thất bại” đã đi qua. Họ gọi nó là những lần chưa thành công.
Đâu đó nơi những góc quê nhà của những thanh niên chọn trở về để lập nghiệp đã chứng kiến những lần chọn lựa như thế, để sau những "bàn chân dẫm gai”, ở nơi "hoa hồng đã nở”, họ biết và họ chứng minh: quê nhà luôn là chốn đón đợi để họ có thể trở về, bắt đầu và đứng vững, nếu biết cách chọn lựa, đối mặt, đương đầu và kiên gan.
Thu Hạnh - Hoài Anh