Nằm phía tả ngạn con sông Hồng, phía Bắc của huyện Văn Yên là xã Lâm Giang. Xã vùng cao này tôi đã từng đến vài lần. Lần đầu là khoảng trước năm 2.000, lúc đó chưa có đường bộ, phải đi bằng tàu hỏa xuống ở ga Lâm Giang. Lần thứ hai sau năm 2003, khi tuyến tỉnh lộ 151 từ Trái Hút qua xã được rải cấp phối, đi lại đã thuận lợi hơn nhưng vẫn còn khó khăn và heo hút lắm!
Hai lần lên Lâm Giang đó đều vào thời điểm mùa đông, đều thật buồn! Dọc hai triền sông Hồng toàn sim mua và hoa lau, trong cái lạnh lẽo hắt hiu, đượm một màu ảm đạm. Tuy là nơi sinh sống của 8 dân tộc anh em nhưng đất Lâm Giang chủ yếu vẫn là người Hưng Yên, Hà Nam lên khai hoang. Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng mía lấy mật và trồng sắn, trồng nhãn, giá cả bấp bênh năm được năm mất vậy nên thường thiếu gạo, đói cơm.
Chẳng vậy mà dù là công dân thế hệ 8X nhưng Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Thị Mai Thảo cũng đã phải trải qua những khó khăn. "Toàn ăn cơm độn sắn thôi anh ạ. Em đi học cấp II ngày nào cũng phải đi 7 km dọc đường sắt mới tới trường. Học cấp III phải bắt tàu về Mậu A, vài ba tuần mới về nhà một lần. Năm 2008, lũ lớn chia cắt toàn xã, dân chúng em phải nhận cứu trợ từ máy bay trực thăng. Khoảng chục năm trở lại đây cuộc sống mới khác!”.
Hôm nay, lần thứ ba trở lại bỗng giật mình! Không chỉ đường từ Trái Hút vượt qua trung tâm xã thông đến tận Lang Thíp và lên Bảo Hà (Lao Cai), được trải nhựa, cảnh hiu hắt một thời nay được thay thế bởi những khoảnh rừng xanh ngút ngàn, những triền lúa, vườn cây ăn quả và những ngôi nhà xây khang trang.
Tuy không "hoành tráng” nhưng UBND xã cũng khang trang đảm bảo việc giải quyết công việc cho người dân. Phía bên phải khối nhà làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND là nhà văn hóa xã với sức chứa 180 người, còn phía xa là khu chợ rộng 4.200m2 với đầy đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu của nhân dân…
Đáng chú ý là khẩu hiệu: "Sự hài lòng của người dân là thước đo năng lực, phẩm chất của cán bộ” và "Sáng tạo, dân chủ, kỷ cương, đúng luật là tiền đề thành công” treo trước trụ sở khiến chúng tôi khá bất ngờ và cảm kích.
Chủ tịch UBND xã Lâm Giang Đào Văn Bộ phấn khởi chia sẻ: "Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) như làn gió làm thay đổi cuộc sống của 2.245 hộ, 8.513 nhân khẩu của 8 dân tộc Lâm Giang đấy anh ạ!”. Như các địa phương khác, việc XDNTM ở Lâm Giang không thể không nói đến việc xây dựng kết cấu hạ tầng.
Về nội dung này, Chủ tịch UBND xã Đào Văn Bộ thông tin: Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trên cơ sở công khai minh bạch, xã đưa những nội dung cụ thể, quan trọng ra để bàn bạc, thảo luận, lấy ý kiến thông qua các buổi họp dân.
Trong đó, vai trò chủ thể của người dân được phát huy khi mỗi tiêu chí, mỗi công trình trong XDNTM ở địa phương nhân dân đều nhận thức được đó là của dân, do dân và vì dân, vì vậy, nhân dân phấn khởi tích cực tham gia. Tổng nguồn lực quy đổi XDNTM của xã đạt trên 190 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 93 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 97 tỷ đồng.
Nguồn lực đầu tư huy động như vậy chẳng trách mà 19,7km đường từ Trái Hút đến xã được rải nhựa. 13,7/16,6 km đường liên thôn được bê tông. 16,6/30,432 km đường ngõ xóm đã được rải bê tông hay cấp phối.
Cùng giao thông, 18,43 km kênh mương, chiếm 77% và 6/7 công trình thủy lợi là: Ngòi Cài, Ngòi Trục, Ngòi Khay… đã được kiên cố. Như vậy, 120 ha lúa nước, chiếm 80% diện tích lúa nước của Lâm Giang có công trình thủy lợi chủ động nước tưới cho hai vụ bội thu. Từ đầu tư của Nhà nước 95,2% số hộ dân (2.137 hộ) được dùng điện lưới quốc gia… Đây thật sự là những con số biết nói về sự đổi thay!
Kết cấu hạ tầng phát triển, vấn đề cốt lõi là thu nhập của người dân. Đúng như lời đồng chí lãnh đạo xã, XDNTM đã phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó có sự thay đổi về tư duy, nhận thức và cách làm của mỗi cán bộ, đảng viên và từng hộ dân. Trên 10.300 ha diện tích giờ lại hóa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Đây là căn cứ để Lâm Giang đã quy hoạch cho mình 3 vùng kinh tế trọng điểm là: vùng trồng cây lâm nghiệp gắn với chăn nuôi đại gia súc tại thôn Trục Ngoài, Trục Trong, Khay Dạo, Ngòi Cài; vùng cây ăn quả ở Thọ Lâm, Phú Lâm, Phúc Linh; vùng cây màu tại Vĩnh Lâm, Bãi Khay, Khe Bút, Ngũ Lâm, Hợp Lâm.
Có thể nói, việc quy hoạch cụ thể các vùng sản xuất không chỉ thuận lợi cho công tác chỉ đạo mà còn thuận lợi cho thực hiện dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Để người dân có kiến thức phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền và phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ và Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật và trồng trọt cho từ 4.000 - 5.000 lượt người.
Xã còn liên kết sản xuất 700 ha sắn theo chuỗi với Nhà máy Sắn Văn Yên đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm chủ lực của người dân; chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể phối hợp với các ngân hàng ký kết ủy thác, tín chấp, hỗ trợ vốn để người dân có vốn đầu tư phát triển kinh tế...
Phong trào thể thao trên địa bàn xã phát triển mạnh.
Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền, tổ chức đoàn thể, người dân Lâm Giang đã lựa chọn các cây, con giống có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất như: bưởi, sắn, chuối, quế, keo… và đẩy mạnh chăn nuôi. Hiện toàn xã duy trì 44 mô hình chăn nuôi, trong đó, có 25 mô hình trâu, bò; 7 mô hình nuôi lợn thịt số lượng từ 35 con trở lên; 6 mô hình chăn nuôi lợn nái từ 10 con trở lên; 11 mô hình nuôi ong lấy mật; 4 mô hình chăn nuôi dê… Kinh tế nông nghiệp phát triển, thúc đẩy thương mại dịch vụ phát triển theo.
Trên địa bàn xã hiện có 6 xưởng chế biến gỗ, 2 doanh nghiệp tư nhân, 1 HTX, cùng với đó là 180 hộ kinh doanh cá thể, điều này đã giúp tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp lên trên 50%. Nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu hiệu quả kinh tế cao đã xuất hiện như: mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Vũ Gia Biên, thôn Phú Lâm; mô hình trồng chuối ghép của ông Nguyễn Đức Thuận, thôn Thọ Lâm... Từ thiếu ăn, thiếu mặc nay thu nhập bình quân đầu người của Lâm Giang đạt 30,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,9%.
Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân vùng cao cũng có bước đổi thay theo. Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Thị Mai Thảo "khoe” với chúng tôi: "Đền Phúc Linh được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh, không chỉ là niềm tự hào mà còn là nơi sinh hoạt tâm linh của bà con nhân dân trong xã. Bên cạnh đó, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của Lâm Giang cũng không kém gì xã vùng thấp đâu anh nhé!”.
Điều Phó Chủ tịch Thảo nói được minh chứng bằng những con số ấn tượng. Về thể thao, 12/12 thôn có nhà văn hóa đảm bảo tiêu chuẩn; toàn xã có 6 sân bóng đá trong đó sân thôn Thọ Lâm rộng 4.000m2, thôn Trục Trong rộng 3.500m2, thôn Khe Bút rộng 3.200m2, thôn Hợp Lâm rộng 3.000m2, Khay Dao rộng 4.800m2. Ngoài ra, tại các thôn còn 13 sân bóng chuyền và các đội văn nghệ.
Qua triển khai Phong trào "Toàn dân tích cực xây dựng đời sống văn hóa”, 82% số hộ dân đạt tiêu chuẩn văn hóa. Giáo dục, y tế phát triển, Trường Tiểu học và THCS của xã đã đạt chuẩn quốc gia từ năm 2010 đảm bảo điều kiện học tập cho trên 1.100 học sinh; Trường Mầm non hiện có 16 phòng học ở hai khu là thôn Phúc Linh và thôn Bãi Khai và 5 điểm trường lẻ, đáp ứng hoạt động giảng dạy đủ cho 506 trẻ và 32 giáo viên.
Trở lại Lâm Giang hôm nay, được nghe, được thấy và cảm nhận mới thấy, đói nghèo, lạc hậu, quạnh hưu một thời giờ nay đã thay thế bằng niềm vui của miền quê vừa cán đích NTM. Dẫu rằng phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng tin chắc với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và mỗi người dân, chắc chắn Lâm Giang sẽ tiếp tục bứt phá!
Đình Tứ