Chiến khu Vần thuộc địa bàn xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên. Trước năm 1945, Chiến khu Vần nằm trên địa bàn 3 tổng: Lương Ca, Giới Phiên của huyện Trấn Yên và Đại Lịch, huyện Văn Chấn. Ngày 6/6/1988, theo Quyết định số 101 của Hội đồng bộ trưởng, Việt Hồng được chia thành 2 xã là Việt Hồng và Vân Hội. Mặc dù có sự thay đổi về địa giới hành chính, về bộ mặt nông thôn và dân số, song địa danh Chiến khu Vần của Làng Vần, xã Việt Hồng - trung tâm chỉ huy của chiến khu kháng chiến năm xưa vẫn mãi là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp lớp thế hệ con cháu hôm nay...
Từ thành phố Yên Bái, thong thả chạy xe 30 km trên tuyến đường tránh ngập phẳng lỳ, qua xã Vân Hội mê mải ngắm những đầm sen ngát hương thơm đang vào mùa du lịch, chưa tới một giờ đồng hồ, chúng tôi đã có mặt ở trung tâm xã Việt Hồng.
Chủ tịch xã 8x Phạm Anh Đức tươi cười đón khách, vui vẻ giới thiệu các nhân vật điển hình, giúp chúng tôi tìm hiểu về lịch sử hình thành, phát triển và đổi mới trên đất Chiến khu.
Nhân vật đầu tiên được Chủ tịch xã giới thiệu chính là ông Nguyễn Hồng Quang ở bản Chao - người có 45 năm tuổi Đảng với 5 năm giữ cương vị Chủ tịch và 25 năm là Bí thư Đảng ủy xã Việt Hồng. Quả thật, ông Quang là bí thư trẻ tuổi nhất và có thâm niên nhất của huyện Trấn Yên thời bấy giờ.
Trong ngôi nhà sàn thoáng mát, gọn gàng ngắm ra cánh đồng Làng Vần, ông Quang từ tốn rót chén trà nóng, cất giọng trầm ngâm: "Thật khó có thể tin cuộc sống của dân Làng Vần hôm nay được đổi mới như thế này. Tôi làm Bí thư Đảng ủy của hai xã Việt Hồng, Vân Hội từ năm 28 tuổi là những năm đói khổ nhất khi củ sắn, củ mài cũng không đủ ăn; đi mượn cả làng không được cái xe đạp để lên huyện họp. Giờ, dân theo Đảng làm giàu nên kinh tế phát triển, lương thực ăn không hết, lợn gà đầy chuồng, thủy sản và du lịch được Nhà nước và nhân dân cùng quan tâm đầu tư phát triển. Từ xã lên huyện mượn nhau ô tô còn dễ và chỉ đi có 30 phút đồng hồ. Phải khẳng định, đổi mới nhanh nhất là đổi mới về kinh tế. Từ tư duy, cơ cấu, kỹ thuật cho đến cách thức làm ăn”…
Ngược dòng lịch sử, ngày 30/6/1945, Ban cán sự liên tỉnh Phú Thọ - Yên Bái được thành lập - mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự hình thành Chiến khu do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư lãnh đạo cách mạng tại hai tỉnh Yên Bái và Phú Thọ, phát triển rộng lên Lào Cai và một phần Sơn La.
Tại đây, Đảng hoạt động có tổ chức, có nền nếp được củng cố phát triển mạnh nên các tổ chức Cứu quốc của Việt Minh, Ủy ban Cách mạng lâm thời Chiến khu đã lần lượt ra đời. Đội du kích phát triển mạnh đã làm cho chính quyền địch tan rã và đánh bại các cuộc tấn công của quân ngụy, quân Nhật. Đồng thời, cán bộ cách mạng về nằm vùng đông đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là các chánh, phó tổng sớm giác ngộ, đi theo và ủng hộ cách mạng, bảo vệ vững chắc an toàn căn cứ Chiến khu.
Sau đó, từ Chiến khu Vần, quân cách mạng tách làm 3 hướng đi Phú Thọ, Yên Bái và Nghĩa Lộ phá kho thóc Nhật chia cho nhân dân, khiến nhân dân ngày càng tin tưởng đi theo cách mạng đánh đổ chính quyền địch, giải phóng và lập nên chính quyền cách mạng ở 2 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và huyện Phù Yên (Sơn La), góp phần tích cực vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945.
Đến nay, Di tích Chiến khu Vần vẫn mãi là dấu mốc lịch sử rạng ngời của Yên Bái nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Nằm trong quần thể Di tích Chiến khu Vần, đình làng Vần chính là nơi Đội du kích Âu Cơ làm lễ tế cờ trước khi xuất trận, cũng là nơi bầu ra Ủy ban Cách mạng lâm thời Tổng Lương Ca.
Ngay tại đình làng, chính quyền cánh mạng đã đứng ra tổ chức "Tuần lễ vàng" vận động nhân dân quyên góp cho Chính phủ 2,1 lạng vàng, 20 lạng bạc và 12,616 đồng Đông Dương. Vốn có truyền thống cách mạng nên mặc dù đảng viên ít, dân vẫn còn đói lắm nhưng hoạt động ổn định, đoàn kết, Việt Hồng là xã luôn đi đầu hoàn thành nghĩa vụ ủng hộ 20 kg lợn/hộ/năm và vận động thanh niên đi bộ đội đông đảo với khẩu hiệu: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Năm 2010, cùng các đảng bộ xã trong huyện bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Việt Hồng có xuất phát điểm thấp, địa bàn xã rộng, dân cư phân tán; địa hình, giao thông không thuận tiện; đất sản xuất ít, chủ yếu là rừng tự nhiên phòng hộ…,
Song, phát huy truyền thống cách mạng, sự tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, sự nỗ lực vượt khó của nhân dân, đến nay, Việt Hồng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn đã thay đổi toàn diện.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, cá thể sang hình thức tập thể thông qua hợp tác xã và các tổ hợp tác gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Kinh tế của Việt Hồng ngày càng phát triển nhanh và bền vững với nhiều mô hình hiệu quả như: mô hình 10 ha trồng cây Khôi Nhung, gần 3ha trồng dâu nuôi tằm, trồng rừng sản xuất trên 100 ha, chưa kể tới hàng chục mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã từ 26,5 triệu đồng năm 2018 lên trên 33 triệu đồng năm 2019. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của xã được xây dựng và nâng cấp đồng bộ, khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cựu Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hồng Quang khẳng định: "Lớp cán bộ trẻ giờ rất năng động và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm cũng như cách vận động quần chúng nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, trước đây tỷ lệ hộ nghèo của cả xã có năm lên tới 60% nay đã giảm nhanh và bền vững xuống dưới 12%. Song, nếu kiểm tra kỹ thì còn giảm nữa bởi tỷ lệ hộ khá, giàu của xã đang tăng lên đáng kể theo từng năm”.
Kinh tế phát triển, xã hội ổn định, các phong trào xây dựng làng, xã văn hóa, nông thôn mới giúp nhân dân các dân tộc nâng cao hơn đời sống vật chất, tinh thần, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa.
Các di tích lịch sử Đình làng Dọc, Làng Vần trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng vô cùng ý nghĩa cho học sinh trong xã, trong huyện đã và đang được tôn tạo, tu sửa khang trang, sạch đẹp với sự hỗ trợ, đóng góp tích cực của đồng bào các dân tộc và những người con vùng đất chiến khu trưởng thành, đang giữ các cương vị lãnh đạo cao trong và ngoài tỉnh. Con số trên 80% hộ gia đình văn hóa hàng năm chính là mục tiêu, động lực để Việt Hồng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội như hôm nay.
Song song với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ xã Việt Hồng còn quan tâm tới công tác phát triển Đảng, trẻ hóa đảng viên để nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên.
Ông Hoàng Ngọc Quang, 33 năm tuổi Đảng tâm sự: "Là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Chiến khu Vần lịch sử, từng là giáo viên, bộ đội, trưởng thôn, Trưởng Công an xã, nay tham gia Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi của xã, tôi thấy bà con Làng Vần luôn tuyệt đối theo Đảng, chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra. Khi xã tập trung xây dựng bản điển hình nông thôn mới, cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, gần dân, sát dân nên bà con rất phấn khởi và tự giác tham gia, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn Chiến khu cách mạng tươi đẹp như hôm nay”.
Quả thực, hôm nay về Chiến khu Vần, đi trên những tuyến đường bê tông sạch sẽ, uốn lượn bởi đường hoa rực rỡ sắc màu, bởi những ngọn đèn an ninh chiếu sáng và những ngôi nhà thiết kế mới với nhiều kiểu dáng hiện đại, gặp nụ cười tươi rói của các mẹ, các chị, các cán bộ hội, đoàn thể đang chung sức lao động, tăng gia sản xuất, làm giàu cho quê hương mới hiểu được sự gắn bó khăng khít cũng như giá trị và sức mạnh của tình dân - nghĩa Đảng.
Khi truyền thống cách mạng được nhân dân phát huy cao độ, khi lời dạy đoàn kết là sức mạnh của Bác được cán bộ, đảng viên nơi Chiến khu xưa cụ thể hóa bằng những lời nói, việc làm thiết thực hàng ngày thì không riêng phong trào xây dựng nông thôn mới mà tất cả các phong trào thi đua yêu nước khác, tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ khác của nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo của Đảng đều sẽ đạt được kết quả xuất sắc nhờ sự góp sức, chung tay của cả hệ thống chính trị ở Việt Hồng.
Cầm trên tay tờ lịch đỏ ghi thứ Bảy, mồng 2, tháng 11, năm 2019 - ngày công nhận xã nông thôn mới Việt Hồng, tôi tin đây tiếp tục sẽ là dấu mốc quan trọng mở trang sử mới trong hành trình theo Đảng làm giàu của đất và người trên địa bàn chiến khu xưa.
Thanh Hương