Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương chính sách về phát triển kinh tế - xã hội địa bàn dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, rút ngắn dần khoảng cách chệnh lệch giữa các vùng, giữa các dân tộc.
Cụ thể là: nhóm chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế vùng được thực hiện trên cơ sở thực trạng trình độ phát triển kinh tế - xã hội của 3 khu vực; nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo ngành, lĩnh vực, tập trung chủ yếu hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển sản xuất, định canh định cư, nâng cao năng lực sản xuất, ổn định đời sống cho đồng bào; nhóm chính sách đặc thù đối với một số DTTS rất ít người. Ngoài những chính sách đầu tư, hỗ trợ theo vùng, các chính sách, dự án hỗ trợ phát triển một số dân tộc có số dân dưới 10.000 người.
Từ bài học quý
Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng thôn Nặm Tọ, ông Bùi Đình Vượng - Bí thư Đảng ủy và ông Hà Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ giới thiệu với chúng tôi mô hình trồng cây mướp đắng đang được thử nghiệm tại ruộng gia đình bà Hà Thị Đức. Đây là mô hình hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập cao hơn trồng một số loại cây trồng khác, giúp người dân nâng cao thu nhập. Là xã có trên 85% dân số là người dân tộc Thái, vì vậy, thời gian qua, Thạch Lương đã được tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, người dân được trợ giúp tiến bộ khoa học vào sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa.
Ông Bùi Đình Vượng cho biết thêm: "Từ các chính sách của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn như: điện, đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế… của Thạch Lương đã cơ bản hoàn thiện, tạo điều kiện tốt cho người dân lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Riêng năm 2019, xã đã được đầu tư cầu bản Bát, trị giá 1 tỷ đồng, mở rộng nền và đổ bê tông đường trục chính, trị giá trên 800 triệu đồng, xây dựng nhà văn hóa đa năng trị giá 2,5 tỷ đồng, xây dựng 2 nhà trường tiểu học và trung học cơ sở trị giá 4,2 tỷ đồng, đưa vào khai thác trạm y tế được đầu tư 3,4 tỷ đồng…”.
Quan tâm đầu tư cho khu vực miền núi, nơi đông bà con DTTS sinh sống chính là thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Vì vậy, hệ thống chính sách dân tộc hiện nay khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín các địa bàn vùng DTTS.
Cơ chế chính sách đã thể hiện rõ tính công khai, minh bạch trong xây dựng, lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực, ưu tiên đầu tư, chăm lo nâng cao đời sống của đồng bào DTTS không để ai bị bỏ lại phía sau. Nguồn lực đầu tư được ưu tiên hơn so với giai đoạn trước góp phần thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng DTTS, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội. Một số vùng đã có bước phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch lao động theo hướng tích cực.
Đến nay, kết cấu hạ tầng vùng DTTS ở Yên Bái từng bước hoàn thiện, gắn liền với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội từng vùng, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Từ thực tế thực hiện chính sách vùng DTTS, tỉnh Yên Bái đã có được nhiều bài học quý. Đó là, chính sách cho vùng DTTS cần mang tính hệ thống, toàn diện, được thực hiện thường xuyên, liên tục, bảo đảm nguồn lực để thực hiện, khai thác tiềm năng, thế mạnh của khu vực miền núi, tạo điều kiện để bà con DTTS trên địa bàn tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, đến việc hỗ trợ nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở tại chỗ, cho cộng đồng; hỗ trợ tạo sinh kế, tạo việc làm, thu nhập cho bà con gắn với chuỗi giá trị; đẩy mạnh các hoạt động phổ biến, tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, nhóm dân tộc, tạo sức mạnh và sự đồng thuận để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Ông Lý Đạt Lam - Trưởng phòng Dân tộc huyện Lục Yên cho biết: "Kết quả đạt được trong công tác dân tộc trên địa bàn huyện Lục Yên có được thời gian qua là do đã tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết vấn đề bức xúc như giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các địa bàn khó khăn; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS”.
Cùng với đó, cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp phải cụ thể hóa nghị quyết thành những chính sách, chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, đồng bộ và thống nhất. Trong quá trình thực hiện cần có sự phân công, phân cấp, làm rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Đồng thời, thường xuyên quan tâm nắm chắc diễn biến tâm tư tình cảm của đồng bào các dân tộc; phát huy dân chủ cơ sở, giải quyết tốt những bức xúc của người dân, nêu cao ý thức tự lực, tự cường và tạo niềm tin, sự đồng thuận của đồng bào; quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, bố trí sắp xếp dân cư, thực hiện phát triển sản xuất bền vững; lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư có trọng điểm, xây dựng các mô hình về phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường...
"Quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ người DTTS tại chỗ và có mục tiêu, kế hoạch sử dụng phù hợp đội ngũ cán bộ qua đào tạo là chìa khóa thành công trong việc giải quyết vấn đề nghèo đói theo hướng bền vững ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS” - Bà Hồ Thị Thu - Trưởng phòng Dân tộc huyện Yên Bình khẳng định.
Định hình tương lai
Khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, đổi mới sáng tạo để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển; gia tăng đầu tư nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên kết vùng nối với các vùng phát triển; đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; nâng cao mặt bằng dân trí, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc… là mục tiêu của công tác dân tộc Yên Bái trong thời gian tới.
Mục tiêu nhằm đến năm 2025, thu nhập bình quân người DTTS tăng gấp 2,5 lần so với hiện nay, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm giảm 4-5%; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn, 50% số thôn đặc biệt khó khăn; trên 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trên 90% trạm y tế xã có bác sĩ, đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; trên 90% cán bộ, công chức xã có trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên, trong đó trên 60% có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên...
Để đạt được,, thời gian tới, Yên Bái đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS, trong đó, phát triển mạnh các cây trồng, vật nuôi chủ lực của đồng bào theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng các ngành nông - lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ; chuyển đổi nghề, tạo việc làm, để ổn định và nâng cao đời sống đồng bào DTTS...
Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn DTTS, trọng tâm là xây dựng, kiên cố các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa, trung tâm các xã, thôn, bản; đảm bảo điện thắp sáng, các công trình nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, chợ; gắn với sắp xếp, ổn định dân cư thuận lợi cho phát triển; hạn chế tình trạng di cư tự do…
Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế của trạm y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào từ tuyến cơ sở; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế khám chữa bệnh cho người DTTS; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế khám chữa bệnh cho người DTTS; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhất là các DTTS rất ít người; nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Ông Trần Xuân Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: "Muốn kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS phát triển, phát huy hiệu quả đầu tư của Nhà nước cần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, củng cố an ninh nông thôn vùng DTTS; thực hiện tốt các chính sách động viên, khuyến khích già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án vùng DTTS theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Mặt khác, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS, hình thành đội ngũ cán bộ lãnh đạo là người DTTS có năng lực, trình độ, trí tuệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đặc biệt, thực hiện tốt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 được Quốc hội đã thông qua sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi phát triển nhanh, bền vững, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, giúp giảm nghèo nhanh, bền vững, giải quyết căn bản những bức xúc của người DTTS đang đặt ra hiện nay…”.
Đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là đầu tư cho phát triển đi liền với xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào DTTS; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc các dân tộc, đầy lùi các tệ nạn xã hội; nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, lao động đến tuổi có việc làm thu nhập ổn định trên 90%; trên 90% số xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; trên 80% số đường thôn, bản được bê tông hóa, cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải; 100% số xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; trung tâm cụm xã có trường trung học phổ thông đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; trên 75% số hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% số thôn, bản bầu chọn được ít nhất một người có uy tín kiêm tuyên truyền văn hóa thôn, bản, hàng năm được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng vận động quần chúng...
|
Thành Trung