Những lá đơn xin... thoát nghèo ở Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/3/2020 | 8:10:59 AM

YênBái - Tính đến ngày 17/3/2020, trên địa bàn huyện Trạm Tấu có tổng số 51 hộ tại 6 xã tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Trong đó, rất nhiều lá đơn chỉ xin hỗ trợ giống cây trồng, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ bò giống, vật liệu làm nhà vệ sinh, học nghề… để được thoát nghèo trong năm nay, dành phần hỗ trợ của mình cho các hộ còn khó khăn hơn trong những năm tới.

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trạm Tấu và xã Hát Lừu thăm hỏi, động viên gia đình chị Lò Thị Sơn ở thôn Hát 2 phấn đấu thoát nghèo trong năm nay.
Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trạm Tấu và xã Hát Lừu thăm hỏi, động viên gia đình chị Lò Thị Sơn ở thôn Hát 2 phấn đấu thoát nghèo trong năm nay.

Lên vùng cao Trạm Tấu điểm đầu tháng 3 này, mới thấu hiểu được sự vất vả của cán bộ và người dân nơi đây. Đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã vừa chỉ đạo đại hội đảng bộ cấp cơ sở, vừa xây dựng, triển khai kế hoạch cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020 của tỉnh, của địa phương, lại căng sức mình thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô hanh. 

Đồng chí Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu vừa từ xã Bản Mù kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng về tranh thủ thời gian trao đổi với chúng tôi về việc đưa Chương trình hành động 190 của Tỉnh ủy về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh năm 2020 và Kế hoạch số 170 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2020 vào cuộc sống. 

Đồng chí cho biết, Huyện ủy đã xây dựng Kế hoạch số 106 ngày 3/1/2020 về thực hiện Chương trình hành động số 190; Kế hoạch số 109-KH/HU ngày 10/2/2020 thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2020. Trong đó, quyết tâm chỉ đạo thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2020 theo hướng thực chất, làm đến đâu, chắc đến đó, các hộ thoát nghèo phải bền vững, tránh tình trạng tái nghèo... 

Nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 106 Huyện ủy về thực hiện Chương trình hành động số 190 của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 109 của Huyện ủy về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2020; Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 11/2/2020 của UBND huyện về điều hành chi tiết thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo bền vững năm 2020, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trạm Tấu (LĐTB&XH) đã xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo bền vững năm 2020 trên địa bàn huyện. Năm 2020, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,5% trở lên, tương đương số hộ thoát nghèo là 557 hộ. 

Anh Hoàng Anh Tuấn - Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Trạm Tấu cho biết: Để nắm bắt nhu cầu cần được hỗ trợ của các hộ nghèo tại các xã, thị trấn trong huyện, UBND huyện giao cho Phòng LĐTB&XH phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn rà soát nhu cầu cần hỗ trợ của từng hộ, tổng hợp, lập danh sách trình UBND huyện bố trí các nguồn lực hỗ trợ cho từng hộ theo đúng nhu cầu mà các hộ nghèo đăng ký. 

Đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Năm 2020, huyện có kế hoạch đào tạo 850 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn huyện hết năm nay đạt 53,5%. 

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế thông qua các chương trình, dự án, đào tạo nghề, nhiều hộ dân ở Trạm Tấu đã và đang vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của Đảng và Nhà nước. 

"Chúng tôi công tác trong ngành LĐTB&XH huyện rất vui mừng phấn khởi, vì chỉ trong gần 3 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn huyện đã có 51 hộ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo...” - anh Tuấn nói.



Những lá đơn đăng ký thoát nghèo của người dân xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu. 

Tìm hiểu về câu chuyện mà anh Tuấn thông tin, chúng tôi về Hát Lừu và Trạm Tấu gặp gỡ một số hộ dân đang quyết tâm vươn lên thoát nghèo trong năm nay và một số hộ dân viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. 

Như đã hẹn, anh Lò Văn Tiếp – Phó Bí thư Đảng ủy xã Hát Lừu, dẫn tới thăm hộ anh Đồng Văn Cường (dân tộc Thái) - một hộ nghèo ở thôn Hát 2, xã Hát Lừu. Anh Cường không có nhà, nhưng thật may, chúng tôi đã gặp được chị Lò Thị Sơn - vợ anh Cường vừa đi chăn bò về. Chị Sơn mời khách vào trong ngôi nhà sàn rộng khoảng 80 m vuông làm bằng cột bê tông còn thơm mùi vữa. 

Rót trà mời khách, chị Sơn chia sẻ:

 - Mấy hôm nay, chồng em lên huyện xây nhà thuê kiếm thêm ít tiền về hoàn thiện nốt ngôi nhà và khu chuồng trại chăn nuôi.  

- Anh, chị xây dựng gia đình ra ở riêng được mấy năm rồi? 

- Được hơn 4 năm rồi. Năm 2016, khi chúng tôi ra ở riêng, bố, mẹ làm cho ngôi nhà tạm và cho 1.500 m vuông ruộng, gieo cấy 2 vụ thừa gạo ăn, nhưng trận lũ năm 2017 đã vùi lấp mất 1.100 m vuông không khôi phục được, tôi và chồng phải đi làm thuê, mỗi tháng thu nhập được khoảng 8 triệu đồng để dành mua xi măng, sắt thép về nhờ bà con trong thôn giúp làm ngôi nhà sàn này. 

- Gia đình mình có mấy khẩu, nguồn thu nhập chính hiện nay là gì?

- Nhà tôi có 4 khẩu, thu nhập chính chỉ dựa vào đi làm thuê, mỗi tháng cũng tiết kiệm được khoảng 7 - 8 triệu đồng. May mà năm 2019, tôi vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 40 triệu đồng về thêm vào làm nhà và mua được một con bò nái sinh sản, bò đã đẻ được một con bê, tôi cũng trả được một nửa tiền cho ngân hàng, không phải bán bê đi để nuôi thành đàn lúc có việc mới bán. 

- Hiện nay, xã đang triển khai chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, gia đình chị mong được hỗ trợ vốn, máy móc sản xuất, hay học nghề? 

- Đợt này tôi sẽ đăng ký đi học lớp thợ nề về đi xây cùng chồng, thu nhập cao hơn, chứ cứ đi làm phụ vữa mãi, công thấp hơn mà vất vả lắm.

- Theo chuẩn nghèo đa chiều, gia đình chị còn thiếu chỉ số gì? 

- Gia đình tôi cơ bản đủ các chỉ số rồi, chỉ còn thiếu nhà tắm, ti vi thôi. Xe máy có 2 cái, điện thoại cũng có, tủ lạnh cũng có rồi. Hai vợ, chồng cố gắng đi làm để dành tiền làm nhà tắm, mua ti vi và một số vật dụng sinh hoạt, phấn đấu sẽ thoát nghèo trong năm nay. Mình còn trẻ mà cứ nằm trong diện hộ nghèo mãi cũng thấy xấu hổ lắm…

Ở huyện vùng cao Trạm Tấu, không chỉ riêng gia đình chị Sơn quyết tâm lao động, sản xuất, chăn nuôi vươn lên thoát nghèo trong năm nay, mà có tới hàng trăm hộ đang nỗ lực vươn lên thoát nghèo và đã có nhiều hộ tự nguyện viết đơn xin đăng ký thoát nghèo. 

Anh Giàng A Chú ở thôn Mo Nhang, xã Trạm Tấu - một hộ nghèo viết đơn gửi UBND xã Trạm Tấu xin đăng ký thoát nghèo trong năm nay tâm sự: Trong những năm qua, gia đình tôi đã được Đảng, Nhà nước hỗ trợ nhiều chính sách như: giống lúa, giống ngô, giống lợn, cấp thẻ bảo hiểm y tế, học nghề… Hiện nay, mỗi năm gia đình sản xuất được trên 1,3 tấn thóc, gần 1 tấn ngô, thừa cho 5 người ăn, còn để chăn nuôi lợn, gà. 

"Cuộc sống của gia đình đã tạm ổn, có nhà ở đàng hoàng và mua sắm được một số phương tiện sinh hoạt. Vì vậy, tôi tự nguyện làm đơn xin đăng ký thoát nghèo trong năm nay để dành phần hỗ trợ của mình cho các hộ còn khó khăn hơn. Năm nay, tôi chỉ đăng ký với xã xin hỗ trợ giống cây trồng và vay vốn ưu đãi để chăn nuôi gia súc, gia cầm để gia đình tôi đủ điều kiện thoát nghèo bền vững…” - anh Chú chia sẻ. 

Tính đến ngày 17/3/2020, trên địa bàn huyện Trạm Tấu có tổng số 51 hộ tại 6 xã tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Trong đó, xã Bản Mù có 1 hộ, Xà Hồ 7 hộ, xã Trạm Tấu 17 hộ, Pá Lau 1 hộ, Phình Hồ 24 hộ, Làng Nhì 1 hộ. 

Có rất nhiều lá đơn tương tự như đơn của anh Chú, chỉ xin hỗ trợ giống cây trồng, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ bò giống, vật liệu làm nhà vệ sinh, học nghề… để được thoát nghèo trong năm nay, dành phần hỗ trợ của mình cho các hộ còn khó khăn hơn trong những năm tới.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2020, huyện Trạm Tấu dự kiến tiếp tục bố trí các nguồn lực đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án với tổng kinh phí 158.249 triệu đồng, trong đó: nguồn ngân sách Trung ương 129.052 triệu đồng; nguồn ngân sách địa phương 29.197 triệu đồng để hỗ trợ các hộ nghèo máy cày, bừa, giống lúa, giống ngô, đào tạo nghề, cấp thẻ bảo hiểm y tế… 

Huyện phấn đấu giảm 7,5% hộ nghèo trong năm 2020, tương đương 557 hộ. Các hộ nghèo ở huyện Trạm Tấu mong muốn, các nguồn vốn này sẽ sớm được triển khai hỗ trợ để sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.  

Minh Hằng

Tags Trạm Tấu lá đơn thoát nghèo

Các tin khác
Lãnh đạo xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại cánh đồng thôn Nặm Tọ.

Được đề cập ở đây như các nhóm chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế vùng; nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo ngành, lĩnh vực; nhóm chính sách đặc thù đối với một số dân tộc thiểu số rất ít người.

Xưởng sản xuất gỗ bóc của gia đình anh Lý Văn Yên tại thôn Khe Riềng, xã Quang Minh, huyện Văn Yên tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Mặt khác, khả năng thích ứng của đồng bào với xu thế phát triển, hội nhập của đất nước còn chậm; quy mô sản xuất nhỏ, chưa vững chắc, sản xuất nông - lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng; một bộ phận hộ nghèo DTTS chưa tích cực phấn đấu vươn lên thoát nghèo; nguồn kinh phí được giao hàng năm để thực hiện các chương trình, dự án thường về chậm, cấp chưa đồng bộ… đã khiến cho vùng DTTS gặp nhiều trở ngại trong phát triển.

Giáo dục dân tộc được quan tâm, toàn tỉnh hiện có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú, 50 trường phổ thông dân tộc bán trú, 55 trường có học sinh bán trú.

Tỉnh Yên Bái luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong hệ thống chính trị. Từ đó, đề ra các chủ trương, chính sách dân tộc với nội dung cơ bản là: "Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển”.

Mùa vàng trên cao nguyên Mù Cang Chải.

Ngắm nhìn cảnh quan Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa lúa chín, mùa đổ nước hay mùa cấy, hẳn ai cũng choáng ngợp trước vẻ đẹp bất tận ở nơi này. Tuy nhiên ẩn sau vẻ đẹp ấy đang bộc lộ những bất cập ...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục