Thị trường tiêu thụ ván bóc: Không thể “bỏ trứng vào cùng một giỏ”!

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/3/2020 | 11:14:40 AM

YênBái - Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Riêng đối với chế biến gỗ rừng trồng, rất nhiều cơ sở trên địa bàn Yên Bái bị chao đảo, đặc biệt là các cơ sở ván bóc, vì thị trường xuất khẩu gần như tê liệt.

Nhiều xưởng sản xuất ván bóc đang hoạt động cầm chừng để giữ chân người lao động.
Nhiều xưởng sản xuất ván bóc đang hoạt động cầm chừng để giữ chân người lao động.

Đìu hiu "làng ván bóc”

Giờ này, những năm trước, về xã Lương Thịnh- nơi được coi là "thủ phủ” ván bóc của huyện Trấn Yên luôn gặp hình ảnh người phơi ván, bốc ván, các đoàn xe chở ván tấp nập. Giờ đây, vào các ngõ xóm, tiếng lạch cạch của những chiếc máy bóc thưa dần; những đoàn xe chở gỗ đi và đến cũng ít dần. 

Xưởng bóc gỗ của anh Đặng Quang Tùng ở thôn Đồng Bằng-người có thâm niên hơn 10 năm làm ván bóc và thấy ván bóc tồn kho nằm la liệt, chiếc máy bóc gỗ cũng được che chắn cẩn thận. 

Anh Tùng cho biết: "Mấy hôm nay, xưởng ngừng hoạt động vì ván làm ra tiêu thụ chậm đã đành, giá lại còn thấp. Mỗi mét khối ván bóc chỉ được có 100.000 đồng, nay giá xuống thấp thì coi như làm không công. Hiện, xưởng của tôi còn hơn 70m3 chưa xuất được”. 

Quanh xưởng của anh Tùng cũng có vài xưởng ván bóc còn hoạt động, nhưng không khí lao động khẩn trương, hối hả đã không còn. Các xưởng này chủ yếu bóc nốt số gỗ nguyên liệu tồn lại, nhưng sản phẩm làm ra cũng chủ yếu đắp đống trong kho. 

"Tôi làm cầm chừng vì một phần giữ chân công nhân và hoạt động cho máy móc đỡ hỏng và phần vì giữ mối mua nguyên liệu gỗ đầu vào, chứ có nhiều xưởng máy móc đắp chiếu cả 3 tháng nay. Làng này được ví như làng ván bóc, vì trong làng có khoảng 400 hộ thì có đến 50 xưởng sản xuất gỗ rừng trồng. Từ cuối năm 2019 đến nay, tính sơ qua cũng đã có 6 xưởng bỏ nghề” - anh Tùng cho biết thêm. 

Chị Nguyễn Thị Ngân- một chủ xưởng ván cho biết, nhà chị có 1 máy bóc ván, 1 máy bóc lõi, nếu đầu ra tốt thì bình quân mỗi 1 tháng xuất được trên 200m3 sản phẩm. Nay thị trường ảm đạm, nên gia đình sản xuất cầm chừng, công suất chỉ bằng một nửa năm trước. Lý giải cho tình trạng này, theo các cơ sở sản xuất tại đây cho biết, chỉ một phần sản phẩm bán cho các cơ sở chế biến tại chỗ, còn từ trước đến giờ đều phụ thuộc vào các tư thương thu mua xuất đi thị trường Trung Quốc. 

Nay, do tác động của dịch Covid-19 hàng loạt cửa khẩu đóng cửa, thị trường Trung Quốc gần như tê liệt, nên ván bóc vô cùng ế ẩm. Trước đây, xưởng bóc gỗ của anh Nguyễn Khắc Trinh có 7 công nhân làm việc với lượng gỗ tiêu thụ chừng 200-300m3/tháng. Nhưng từ đầu năm tới nay không có đầu ra, giá bán lại giảm nên xưởng mới xuất được 50m3 gỗ nhưng lại bán chịu. Không đủ chi phí sản xuất, gia đình anh đành phải lên UBND xã khai báo tạm ngừng hoạt động; đồng thời, xin với chính quyền miễn giảm thuế trong tháng Ba. 

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh - ông Đinh Khắc Huyên cho hay: "Trước đây, cả xã có khoảng 100 cơ sở ván bóc, trung bình mỗi xưởng giải quyết việc làm từ 7-10 lao động địa phương với mức lương từ 4-5 triệu đồng/tháng. Nay, thị trường không có, nhiều cơ sở sản xuất lao đao và từ đầu năm tới nay đã có 20 xưởng dừng sản xuất, số còn lại cũng hoạt động cầm chừng”. Các xưởng ván bóc ngừng hoạt động, cũng có nghĩa là nhiều lao động không có việc làm. Việc này ảnh hưởng đến chỉ tiêu trồng rừng sau khai thác và các cây trồng khác của địa phương, bởi khi người dân không khai thác thì đất trồng cũng không có. Cùng đó, thương mại, dịch vụ trên địa bàn cũng không phát triển, nên ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của xã.

Hướng đi nào cho ván bóc?

Thực tế, không phải trong đợt dịch Covid-19 này thị trường tiêu thụ các sản phẩm gỗ bóc mới gặp khó. Ngay từ năm trước, phía Trung Quốc hạn chế nhập gỗ nguyên liệu, do lệnh cấm vận của Mỹ, các doanh nghiệp xuất gỗ của Trung Quốc không xuất khẩu được các sản phẩm gỗ chế biến sang thị trường chính là Mỹ.  

Để tìm thị trường mới, phía Trung Quốc buộc phải xuất khẩu gỗ đã qua chế biến sang các thị trường lẻ mà Việt Nam đang xuất khẩu chính như: Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan. Với công nghệ chế biến hiện đại, nên các loại gỗ ván xuất khẩu của Trung Quốc có giá khá rẻ. Từ đó, thị trường ván bóc của Việt Nam thực sự đã ế ẩm. 



Máy móc dừng hoạt động và lượng ván bóc tồn kho của một xưởng sản xuất. 

Để giải quyết thực trạng này, không còn cách nào khác, các cơ sở chế biến phải đa dạng hóa thị trường cả trong nước và xuất khẩu để không phụ thuộc vào một thị trường. Thực tế, cũng ngay tại xã Lương Thịnh, nhiều cơ sở ván bóc liên kết với các doanh nghiệp sản xuất ván ép tại chỗ vẫn xuất được hàng đều đặn, vì họ đã bán cho công ty sản xuất ván dán xuất khẩu khác như Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Ông Phạm Văn Nghĩa- đại diện Công ty TNHH Một thành viên Tâm Đức, xã Lương Thịnh cho biết: "Công ty chuyên xuất khẩu gỗ dán sang thị trường Hàn Quốc nên không bị ảnh hưởng gì nhiều tới hoạt động sản xuất. Từ tết đến nay, đơn vị đã xuất được trên 250m3 gỗ ván dán; các loại nguyên liệu phụ gia cũng chủ yếu mua trong nước nên không chịu tác động nhiều”. 

Tuy nhiên, với công nghiệp chế biến gỗ như hiện nay, việc có mặt tại các thị trường lớn nhưng khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc là một thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp chế biến gỗ ở Yên Bái. Tình trạng của các sản phẩm gỗ rừng trồng hay các cơ sở ván bóc trong tỉnh sẽ còn bi đát hơn nếu các cơ sở sản xuất không thay đổi tư duy, cải thiện công nghệ máy móc. 

Thực tế, việc chuyển hướng sản xuất cũng đã được nhiều cơ sở nghĩ đến. Tuy nhiên, theo anh Đặng Quang Tùng thì một dây chuyền ván ép đơn giản cũng 2-3 tỷ đồng. Cùng đó, quy trình công nghệ sản xuất đòi hỏi cao hơn nên những người sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm lại ít vốn như anh Tùng khó với tới được. 

Hiện, ngành chế biến lâm sản của tỉnh nói chung còn phát triển kém ổn định, chưa có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao để xuất khẩu, thiếu liên kết trong sản xuất và thị trường tiêu thụ bền vững. Mặc dù, Yên Bái chiếm ưu thế lớn trong sản xuất rừng trồng, nhưng ngành chế biến phát triển chưa tương xứng. Mỗi năm, toàn tỉnh trồng mới trên 15.000 ha gỗ rừng trồng, khai thác hơn nửa triệu mét khối gỗ rừng trồng nhưng phần lớn số gỗ này chủ yếu sử dụng làm nguyên liệu sơ chế gỗ như dăm gỗ, ván bóc, ván thanh mà thị trường gần như hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái xuất đi Trung Quốc. 

Theo một kỹ sư chuyên ngành chế biến ván nhân tạo thì với khoảng 1,2m3 ván bóc sẽ sản xuất ra 1m3 ván ép; giá trị của 1m3 ván bóc khoảng 2,6 triệu đồng, còn ván ép có giá gấp 3 lần. Như vậy, có thể thấy, lợi nhuận của sản phẩm chế biến sâu như: ván ép, ván ghép thanh, ván MDF… sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với việc sản xuất nguyên liệu thô. 

Do đó, với hoạt động sản xuất ván bóc, gỗ dăm và tình hình thị trường nguyên liệu gỗ như hiện nay, tỉnh đang rất cần chuỗi liên kết bền vững trong chế biến lâm sản; đặc biệt, cần có doanh nghiệp "đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị. 

Khi đó, các doanh nghiệp này sẽ đứng ra bao tiêu sản phẩm ván bóc, gỗ dăm  từ các cơ sở sản xuất của địa phương làm nguyên liệu cho sản phẩm chế biến sâu để xuất khẩu. Đồng thời, nghề sản xuất ván bóc sẽ không chỉ phát triển bền vững và phát huy hiệu quả kinh tế mà còn góp phần nâng cao giá trị, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. 

Nếu cứ sản xuất với công nghệ lạc hậu cùng với việc "bỏ trứng vào cùng một giỏ” như hiện nay thì không biết ván bóc sẽ đi về đâu? Còn bây giờ, những người gắn bó hàng chục năm trời với nghề ván bóc chỉ biết trông chờ vào một cú hích tích cực từ thị trường Trung Quốc vốn "đỏng đảnh” như thời tiết.  

Văn Thông

Các tin khác
Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trạm Tấu và xã Hát Lừu thăm hỏi, động viên gia đình chị Lò Thị Sơn ở thôn Hát 2 phấn đấu thoát nghèo trong năm nay.

Tính đến ngày 17/3/2020, trên địa bàn huyện Trạm Tấu có tổng số 51 hộ tại 6 xã tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Trong đó, rất nhiều lá đơn chỉ xin hỗ trợ giống cây trồng, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ bò giống, vật liệu làm nhà vệ sinh, học nghề… để được thoát nghèo trong năm nay, dành phần hỗ trợ của mình cho các hộ còn khó khăn hơn trong những năm tới.

Lãnh đạo xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại cánh đồng thôn Nặm Tọ.

Được đề cập ở đây như các nhóm chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế vùng; nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo ngành, lĩnh vực; nhóm chính sách đặc thù đối với một số dân tộc thiểu số rất ít người.

Xưởng sản xuất gỗ bóc của gia đình anh Lý Văn Yên tại thôn Khe Riềng, xã Quang Minh, huyện Văn Yên tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Mặt khác, khả năng thích ứng của đồng bào với xu thế phát triển, hội nhập của đất nước còn chậm; quy mô sản xuất nhỏ, chưa vững chắc, sản xuất nông - lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng; một bộ phận hộ nghèo DTTS chưa tích cực phấn đấu vươn lên thoát nghèo; nguồn kinh phí được giao hàng năm để thực hiện các chương trình, dự án thường về chậm, cấp chưa đồng bộ… đã khiến cho vùng DTTS gặp nhiều trở ngại trong phát triển.

Giáo dục dân tộc được quan tâm, toàn tỉnh hiện có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú, 50 trường phổ thông dân tộc bán trú, 55 trường có học sinh bán trú.

Tỉnh Yên Bái luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong hệ thống chính trị. Từ đó, đề ra các chủ trương, chính sách dân tộc với nội dung cơ bản là: "Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục