Mỗi lần lên Mù Cang Chải, tôi luôn ngạc nhiên trước sự thay đổi về tư duy, cách làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội. Những mô hình hay, cách làm sáng tạo không ngừng được nhân rộng.
Ông Vũ Tiến Đức - Chủ tịch UBND huyện phấn khởi bày tỏ: "Hiện tại, huyện có 263 tổ hợp tác, 27 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh; đặc biệt, có nhiều mô hình chăn nuôi gà, lợn, cá, trồng rừng, cây ăn quả… hàng năm cho thu nhập cao. Trong đó, anh Phạm Quang Thọ ở bản Thái, xã Khao Mang là điển hình phát triển kinh tế và được mọi người ví như "Người làm giàu ở Trống Khua”.
Chuyện nông dân ở Yên Bái nói chung và huyện vùng cao Mù Cang Chải nói riêng về phát triển trồng rừng, nuôi lợn, gà, trồng rau… không có gì xa lạ. Nhưng câu chuyện của kỹ sư lâm nghiệp xin ra khỏi biên chế và lập kế hoạch, xây dựng mô hình trồng sơn tra, nuôi gà đen bản địa, trồng rau sạch… hàng năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng ở địa phương đặc biệt khó khăn như anh Thọ quả là hiếm thấy.
Tiếp chúng tôi trong lán nhỏ đơn sơ - nơi trông non hơn 2 ha rau sạch ở thị trấn huyện, anh Thọ chia sẻ: "Mình tuổi Kỷ Mùi, quê ở Phú Thọ. Tháng 5 năm 2000, sau khi học xong trung cấp kiểm lâm rồi học lên đại học thì lên công tác tại Lâm trường Púng Luông (nay là Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mù Cang Chải), với nhiệm vụ là cán bộ kỹ thuật lâm nghiệp, phụ trách tại khu 4 cơ sở lẻ đóng tại xã Khao Mang”.
Sau bao khó khăn, chật vật của buổi đầu lập nghiệp, anh Thọ cũng dần có việc làm, thu nhập ổn định. Những tưởng, Lâm trường Púng Luông là nơi níu chân anh yên tâm công tác, nhưng với khát vọng, ý chí của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế, nhất là các tiềm năng, thế mạnh nơi đây chưa được khai thác triệt để, đã thôi thúc anh chuyển hướng sang trồng rừng gắn với chăn nuôi.
- Vì sao anh lựa chọn trồng cây sơn tra? - tôi hỏi.
Phạm Quang Thọ cười tươi: Năm 2009, tôi đang làm cán bộ kỹ thuật. Nhận thấy cây sơn tra là cây bản địa đem lại thu nhập cho nhân dân nhưng bà con nơi đây chưa tự trồng đại trà mà chỉ trồng theo dự án. Từ đó, tôi suy nghĩ làm thế nào để nhân dân tham ra trồng đại trà thì mình phải đi đầu làm gương cho đồng bào noi theo.
- Vậy, anh lấy đất đâu để trồng?
- Đây là vấn đề tôi trăn trở nhiều nhất và là bài toán khó. Lúc đầu, tôi nhận cung ứng giống cây cho bà con; sau đó, thuê đất rừng của người dân để trồng. Cứ như vậy, lấy ngắn nuôi dài, đến nay, tôi có 13 ha sơn tra; trong đó, có 4,5 ha đã cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
- Chuyện nuôi gà đen bản địa đến với anh là như thế nào?
- Từ khi lên đây công tác, tôi nhận thấy đây là giống gà địa phương có giá trị kinh tế rất cao nhưng chăn nuôi của các hộ còn nhỏ lẻ, rải rác, chưa đáp ứng với nhu cầu tiêu dùng. Từ đó, cuối năm 2017, tôi đầu tư mô hình chăn nuôi trang trại gà đen nhưng đầu năm 2018 tôi chính thức bắt tay vào nuôi 1.000 con gà đen kết hợp với trồng rau sạch ở bản Trống Khua.
Lứa đầu, chưa có kinh nghiệm, nên số lượng gà chết không ít. Nhưng nhờ kết hợp trồng các loại rau, củ, quả… đã kéo lại và mang lại cho anh hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Đó cũng là động lực để anh tăng quy mô chăn nuôi gà đen lên 2.000 con trong các năm tiếp theo; đồng thời, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương có thu nhập ổn định với 130 - 150.000 đồng/ngày.
Thành công từ trồng sơn tra, nuôi gà đen, các loại rau ở xã Lao Chải ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng với quy mô lớn, thường xuyên hơn nhưng số tiền lãi không được là mấy bởi khâu vận chuyển sản phẩm từ bản Trống Khua, xã Lao Chải về thị tứ rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa nên năm 2019 anh Thọ quyết định chuyển mô hình về thị trấn Mù Cang Chải để thuận lợi cho tiêu thụ, giảm chi phí, nhân công.
Nhìn hơn 2 ha đất bằng phẳng được anh Thọ trồng rau sạch, chủ yếu là bắp cải, su hào, súp lơ… được bố trí từng luống, mảnh một cách bài bản, đang mùa thu hoạch khiến tôi không khỏi ngạc nhiên khi ở thị trấn vùng cao lại có một trại rau rộng đến vậy.
Anh Thọ giải thích: để có đất trồng rau, nuôi gà ở đây, anh đã đến từng nhà vận động xin thuê đất người dân đang trồng lúa. Đồng thời, cam kết thuê nhân công từ các hộ cho thuê ruộng với mức tiền công từ 130.000 - 150.000 đồng/ngày. Cách làm này đã được nhiều người ủng hộ.
Thấm nhuần lời Bác dạy: "Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên", Phạm Quang Thọ cần mẫn lao động, sáng tạo vượt qua khó khăn xây dựng cho mình một hướng đi mới đầy tiềm năng và hiệu quả kinh tế.
Hiện, anh đang sở hữu 13 ha sơn tra, hàng ngàn con gà đen, 2 ha trồng rau sạch; đồng thời thành lập được Hợp tác xã Nông nghiệp sạch T & D… có tổng thu nhập hàng năm đạt hơn 300 triệu đồng.
Bí quyết thành công trên miền đất khó? Phạm Quang Thọ cho hay: "Từ cây sơn tra đến nuôi gà, trồng rau, củ, quả… luôn đòi hỏi mình phải tâm huyết, cần cù, không nên có tư tưởng ăn xổi”.
Ông Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chia sẻ: "Phạm Quang Thọ là người dám nghĩ, dám làm, dám vượt khó khăn để vươn lên xây dựng mô hình phát triển kinh tế ở nơi còn nhiều khó khăn. Từ mô hình này, thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức cho nông dân tham quan học tập, nhân rộng”.
Chia tay Phạm Quang Thọ khi cơn mưa rào vừa ngớt. Những tia nắng chiều xiên qua núi rừng làm bừng lên phố huyện vùng cao. Hình ảnh những chú gà bản địa với màu sắc đen nhánh, những quả sơn tra đủ nắng vàng óng ánh, những luống rau xanh vươn mình sau cơn mưa... của anh Thọ cứ in đậm trong tôi.
Vui hơn, sản phẩm làm ra đến đâu đều được người dân, doanh nghiệp, trường học trong huyện, người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh tiêu thụ.
Đó là động lực quan trọng để Phạm Quang Thọ tiếp tục lao động, sáng tạo và là tấm gương sáng cho đồng bào Mông nơi đây học tập, làm theo, góp phần xóa đói, làm giàu bền vững trên quê hương Mù Cang Chải.
Văn Tuấn