Phát triển nguồn nhân lực - đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái - Bài cuối: Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ cấu hợp lý

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/6/2020 | 8:16:05 AM

YênBái - Để phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh cần có sự thay đổi căn bản về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới, sáng tạo trong tư duy.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà (thứ 3, trái sang) trao đổi với các học viên tham gia Đề án 11 của Tỉnh ủy.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà (thứ 3, trái sang) trao đổi với các học viên tham gia Đề án 11 của Tỉnh ủy.


Giai đoạn tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục xác định phát triển công nghiệp là khâu đột phá, tạo động lực cho phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, phát triển mạnh lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Điều đó đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có kiến thức, có kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Do vậy, để phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh cần có sự thay đổi căn bản về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới, sáng tạo trong tư duy.

Thực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược của tỉnh về phát triển nhân lực; tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, cơ cấu hợp lý và có kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đặt mục tiêu phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2030 đạt khoảng 78%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đến năm 2025 đạt 40%; đến năm 2030 đạt trên 50%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 dưới 55%; đến năm 2030 dưới 45%, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới được tỉnh xác định. 

Trong đó, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm. Thực hiện hiệu quả yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo. Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy - học ở tất cả các bậc học, hướng tới phát triển con người toàn diện cả "đức - trí - thể - mĩ”, có khát vọng vươn lên, ý chí tự lực, tự cường. 

Chú trọng sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục chất lượng cao, giáo dục dân tộc, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non ở nơi có điều kiện. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo "vừa hồng vừa chuyên".  

Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hệ thống phòng học được kiên cố hóa; trên 65% số trường mầm non và trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các bậc học. Tiếp tục tăng tỷ lệ học sinh dân tộc được học trường nội trú, bán trú với đầy đủ các điều kiện học tập thiết yếu. Phát triển Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành trở thành trường có thứ hạng cao trong hệ thống các trường chuyên của cả nước. 

Cùng với đó, quan tâm thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT. Phấn đấu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt ít nhất 30% năm 2020, đạt ít nhất 40% năm 2025; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt ít nhất 40% năm 2020, đạt ít nhất 45% đến năm 2025, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phân luồng, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Theo đó, tập trung đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn khó khăn; đào tạo phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân, thanh niên khởi nghiệp, công nhân lành nghề gắn với các khu, cụm công nghiệp; đào tạo lao động cho lĩnh vực dịch vụ, du lịch và lao động nông, lâm nghiệp có kỹ thuật. 

Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực sự trở thành một trong những đột phá quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế; phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, với tỷ lệ lao động có chứng chỉ đạt 40%; chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp bình quân 2%/năm. 

Đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả hệ thống cơ sở đào tạo nghề đồng bộ với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ưu tiên đầu tư cho đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, đội ngũ nhân lực kỹ thuật, quản lý, quản trị doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động; sắp xếp, nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, tăng cường đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp; đổi mới hoạt động đào tạo nghề của các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh theo hướng chuyển sang đào tạo theo đặt hàng, gắn với đảm bảo chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm đầu ra cho người lao động; bồi dưỡng lại nhân lực cho doanh nghiệp. 

Đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh với các trường ngoài tỉnh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh ưu tiên sử dụng lao động địa phương theo hướng cộng sinh, cộng hưởng; phát huy vai trò của Trung tâm Dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, quỹ xuất khẩu lao động nhằm thiết thực nâng cao hiệu quả việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Với định hướng phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, cán bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút, đào tạo, quản lý sử dụng nhân lực tỉnh chỉ đạo tiếp tục tổ chức thực hiện một số chủ trương, đề án phát triển nguồn nhân lực: Đề án đào tạo cán bộ chủ chốt và dự nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012 - 2020; Đề án số 11-ĐA/TU của Tỉnh ủy Yên Bái về xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. 

Chú trọng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, liêm chính, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự nghiệp đổi mới. Có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học kỹ thuật, ngành lĩnh vực trọng điểm của tỉnh. 

Đổi mới cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài quản lý, lãnh đạo của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030, xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, có môi trường thuận lợi làm việc và cống hiến. 

Tiếp tục thực hiện chính sách cử tuyển, mở rộng đào tạo nghề cho lao động thuộc diện chính sách xã hội. Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; xây dựng kế hoạch thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng và tương đương cấp sở, ngành.

Thực hiện tốt đột phá phát triển nguồn nhân lực sẽ làm tăng sức mạnh mềm, tạo ra sức mạnh tổng hợp, có ảnh hưởng quyết định đến việc xây dựng nền kinh tế tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Thành công từ đột phá này sẽ là nền tảng vững chắc để Đảng bộ tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.

Minh Thúy

Các tin khác
Khu nhà kính trồng dưa lê Hàn Quốc.

Một đôi loa thùng được treo trên cao trong nhà kính! Bản nhạc không lời tựa như một vòng tay nõn nà ôm ấp cả vườn dưa bằng một sự quyến rũ ngọt ngào. Trang trại có những quả dưa lê biết "nghe" nhạc cổ điển đang hiện hữu ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên.

Hội đồng đánh giá Đề án tốt nghiệp lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ trẻ tham gia Đề án số 11 của Tỉnh ủy. (Ảnh: Mạnh Cường)

Công tác luân chuyển, điều động, tăng cường cán bộ Đề án thực hiện gắn với công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, kết hợp với điều động, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.

Những năm qua, Yên Bái không ngừng nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Trong ảnh: Thăm khám sức khỏe bệnh nhân sau ca mổ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. (Ảnh: Minh Huyền)

Giai đoạn này, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành nhiều đề án quan trọng, mang tính chiến lược. Đó là Đề án số 11-ĐA/TU ngày 8/8/2018 của Tỉnh ủy về xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Lớp học nghề điện lạnh tại Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ. (Ảnh: Đình Tứ)

Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 22/12/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2011 - 2020 là sự định hướng mang tầm nhìn chiến lược, đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với quy mô lớn, bao trùm các lĩnh vực, tác động mạnh mẽ đến việc mở cửa thị trường lao động, tạo ra nhiều việc làm mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục