Từ trang trại gà đen...
Một ngày đầu tháng 7, vượt đồi núi xanh ngút ngàn, chúng tôi ghé thăm nhà Mùa A Dơ ở xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu khi chàng thanh niên người Mông đang tất bật xoay quanh trang trại gà đen hơn 1.000 con. Mải mê với công việc cho ăn, dọn dẹp chuồng trại rồi lại ngắm đàn gà đen lông óng mượt mà mãi một lúc sau khi chúng tôi đến A Dơ mới phát hiện ra. Thấy chúng tôi, anh mừng rỡ: "Các anh, chị đến từ lúc nào sao không gọi em? Mời các anh, chị vào nhà uống nước!”.
Bước vào căn nhà gỗ đơn sơ chẳng có gì ngoài 1 chiếc giường và chạn bát nho nhỏ còn lại chỗ nào cũng ngổn ngang ngô, lúa phục vụ chăn nuôi. Rót chén nước mát mời khách, chàng trai Mông bắt đầu câu chuyện với cơ duyên lập nghiệp của mình.
Cuộc đời của A Dơ, của bố mẹ Dơ cũng như của những người Mông xã Xà Hồ nơi đây bao đời nay vẫn bám núi, bám đồi. Ngẩng mặt, cúi đầu đâu đâu cũng thấy đồi núi, sỏi đá, cuộc sống làm ăn kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sản xuất manh mún.
Sinh năm 1993, Dơ là số ít thanh niên trong bản được đi học chuyên nghiệp và có thời gian đi làm nhà nước. Nhưng rồi, cái duyên đưa đẩy, biết đến những tấm gương lập nghiệp phát triển kinh tế từ chăn nuôi, đi làm được hơn 3 năm thì Dơ quyết định nghỉ việc, lập trang trại chăn nuôi gà. Nghĩ thì dễ. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tế lại không dễ dàng.
Từ nguồn vốn tích cóp, vay mượn thêm họ hàng, bạn bè, năm 2018 Dơ tìm về Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn chăn nuôi tại Hà Nội mua 1.200 con gà đen giống. Dù gia đình thuần nông, trước đây, cũng có chăn nuôi gà nhưng chỉ vài ba con phục vụ cuộc sống hàng ngày; do vậy, khi bắt tay vào chăn nuôi lớn, chưa có kinh nghiệm, lứa gà đầu tiên của Dơ chết gần 500 con.
Nhớ lại quãng thời gian khó khăn ấy, anh bùi ngùi tâm sự: "Dồn hết tiền của, công sức vào lứa gà đầu tiên mà lại chết gần một nửa, em rất sốc. Nhìn bố mẹ già, vợ trẻ, con thơ, em thấy mình có lỗi rất nhiều. Nản lòng, có lúc em đã nghĩ hay mình đi sai hướng. Nhưng được vợ động viên, vực lại tinh thần, em bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi gà trên sách, báo, Internet. Hiểu rõ thêm về đặc tính của giống gà đen, việc phòng bệnh và chăm sóc, dần dần công việc chăn nuôi đi vào quỹ đạo, lứa gà nào cũng khỏe mạnh, lớn nhanh”.
Khi đã thành công bước đầu, Dơ tìm đến các thương lái để có một đầu ra sản phẩm ổn định cho trang trại. Gà đen, lại được nuôi thả đồi, được cho ăn ngô, ăn lúa vừa rẻ hơn cám công nghiệp vừa đảm bảo thịt gà có vị thơm ngon; vì vậy, rất được giá và các thương lái săn mua.
.... Đến hommestay trên đỉnh "săn mây" Tà Chì Nhù
Dơ cho biết, hiện nay trang trại gà của mình có hơn 1.000 con gà được nuôi theo hình thức nuôi gối, có rất nhiều lứa từ bé đến nhỡ rồi vừa và to để tháng nào cũng có gà xuất chuồng. Mỗi tháng thu nhập từ nuôi gà cũng được gần chục triệu đồng, giúp gia đình Dơ trang trải cho cuộc sống hàng ngày và có một số tiền dư tích lũy cho tương lai. Câu chuyện đang rôm rả thì bất chợt Dơ nhận một cuộc điện thoại cắt ngang.
Sau khi cúp máy, A Dơ vui vẻ khoe: "Mấy năm gần đây du lịch Trạm Tấu phát triển tốt lắm các anh, chị ạ! Vừa có một đoàn 30 khách ở Hà Nội đặt lịch cuối tuần thuê em dẫn đường leo núi Tà Chì Nhù. Bộ môn leo núi khám phá, săn mây được người dưới xuôi ưa thích lắm.
Trên đỉnh núi Tà Chì Nhù ấy, em dựng một cái nhà làm Homestay cho khách ở. Mỗi lần như thế này, em vừa cung cấp dịch vụ dẫn đường, lưu trú lại cung cấp thêm dịch vụ ăn uống mà đồ ăn lại từ chính trang trại gà của em”. Trước thông tin Dơ vừa kể, đoàn chúng tôi ai cũng ngỡ ngàng, không thể ngờ chàng thanh niên người Mông mới chưa đầy 30 tuổi ở một vùng đất khó lại năng động, nhanh nhạy đến thế.
Hỏi kỹ ra mới biết, năm 2018, cùng năm lập trang trại gà đen thì đến cuối năm Dơ cũng vay thêm vốn làm Homestay trên đỉnh Tà Chì Nhù. Làm nhà nơi các bản làng núi cao đã khó làm nhà nơi đỉnh Tà Chì Nhù còn khó gấp trăm lần, bởi Tà Chì Nhù vốn được biết đến là ngọn núi khó chinh phục với địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, không có người ở. Vận chuyển vật liệu chỉ có một phương thức duy nhất là bằng sức người cõng trên lưng băng suối, đồi. Đã từng chinh phục Tà Chì Nhù, hình dung tới việc cõng vật liệu nặng leo những dốc núi thẳng đứng, trơn trượt, phía dưới là vực sâu hun hút, tôi hơi rùng mình cho ý tưởng táo bạo và sự kiên nhẫn của Dơ.
Kể tới đây, trên gương mặt trẻ trung rạng rỡ nét cười của chàng thanh niên bỗng trùng xuống rồi như sực nhớ còn những vị khách bên cạnh, Dơ vội lấy chiếc điện thoại thông minh trong túi mở những tấm hình chụp chung cùng các đoàn khách du lịch khoe rồi bảo: "Lập nghiệp thì cái gì cũng khó cũng khổ anh chị ạ, nhưng khó khăn gian khổ nào cũng sẽ qua. Giờ Homestay ở trên Tà Chì Nhù của em tuy đơn sơ nhưng cũng có thể chứa được tối đa 45 người/đêm. Thuận tiện hơn rất nhiều so với việc khách du lịch phải vác thêm lều, chăn leo núi như trước kia. Em chỉ lấy 50.000 đồng/người/đêm tiền ngủ và tiền ăn là 100 nghìn đồng/người/ngày. Lượng khách chủ yếu đi vào cuối tuần.
Trước khi giãn cách xã hội do dịch Covid - 19, hầu như cuối tuần nào em cũng dẫn khoảng 2 đoàn, mỗi đoàn 20 - 30 khách. Sau dịch bệnh, thời gian gần đây, khách du lịch bắt đầu leo núi trở lại. Vừa cuối tuần trước, em dẫn 2 đoàn khách 60 người ở Vĩnh Phúc và Bắc Giang. Làm giàu trên núi đồi quê hương lại được giới thiệu văn hóa dân tộc Mông đến với du khách thập phương thì đối với em không gì hạnh phúc bằng!”.
Chia tay Mùa A Dơ, hình ảnh một con người thân thiện, hoạt bát, tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ gây ấn tượng mạnh mẽ cho cả đoàn chúng tôi. Chàng thanh niên của đại ngàn đã đi trước, nắm bắt cơ hội, dám nghĩ, dám làm, đem sức trẻ, trí tuệ và sự sáng tạo của mình đưa hình ảnh quê hương Trạm Tấu đến với bạn bè, du khách muôn phương.
Lê Thương