Dân vận không ngừng nghỉ - Bài 2: Thành quả từ công tác dân vận

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/8/2020 | 8:14:32 AM

YênBái - Cây thuốc phiện vắng bóng trên quê hương Trạm Tấu, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên, tỏa hôn nhiều năm qua giảm mạnh,người chết đã được đưa vào quan tài rồi mới tổ chức đám tang, người Mông ăn chung một tết Nguyên đán... Đó là cả quá trình gian nan, thử thách, tốn kém, thậm chí hy sinh xương máu của công tác dân vận.

Đồng bào Mông vui chung một tết.
Đồng bào Mông vui chung một tết.


Mỗi lĩnh vực dân vận đều phải trải qua biết bao gian nan, thử thách, tốn kém công sức, tiền của, thậm chí sẵn sàng chấp nhận cả hy sinh xương máu. Vì thế, những thành quả kinh tế - xã hội đạt được hôm nay là niềm tự hào lớn lao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Trạm Tấu.

Cuộc vận động "ba bỏ” đối với cây thuốc phiện dù phải trải qua đầy những gian nan, thử thách nhưng đã đạt được thành công lớn. Việc triệt phá cây thuốc phiện và xử lý bằng pháp luật đối với những người trồng thuốc phiện, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy là biện pháp mang tính kiên quyết nhưng công tác tuyên truyền, vận động kiên trì dưới nhiều hình thức, giàu tính thuyết phục mới là giải pháp bền vững và có sức lan tỏa mạnh mẽ. 

Từ dân vận, nhiều người dân đã dần nhận thấy, cây thuốc phiện không phải là cây mang lại nhiều tiền bạc như bấy lâu bà con từng nghĩ mà chỉ mang đến sự nghèo khổ cả vật chất lẫn tinh thần. Những nhà có người nghiện thuốc phiện lại càng thấm thía điều này, vì ai đã nghiện thì sức khỏe đều suy kiệt, lười lao động, chỉ co quắp bên bàn đèn hút xách. 

Người Mông có cách ví von rất hay rằng: "Đã nghiện thì cả đàn trâu cũng chui hết vào dọc tẩu”. Bởi thế, hơn ai hết, chính thân nhân của người nghiện, những đảng viên ở cơ sở, những người có suy nghĩ tiến bộ, có uy tín trong cộng đồng người Mông rất muốn xóa đi loại cây này và họ đã trở thành tai mắt hậu thuẫn cho cuộc vận động "ba bỏ” bằng những việc làm thiết thực như phản ánh cho cán bộ biết các thủ đoạn lén lún trồng thuốc phiện, nơi tái trồng thuốc phiện, tố giác người mua bán thuốc phiện và động viên thân nhân đi cai nghiện... 

Đến nay, cây thuốc phiện vắng bóng trên quê hương Trạm Tấu và người Mông chẳng còn vương vấn với loại cây này. Thuốc phiện không còn là thứ để làm lý, làm luật trong đám ma, đám cưới... 

Cuộc cách mạng về dân số, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã tạo được bước chuyển mạnh mẽ. Lớp người trẻ, nhất là thế hệ được sinh ra cùng công cuộc đổi mới của đất nước hiện đang là lực lượng lao động chính ở Trạm Tấu đã thực hiện tốt các quy định về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình; đồng thời, họ hiểu rõ những lợi ích từ quy mô gia đình ít con. 

Do đó, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên ở Trạm Tấu nhiều năm qua giảm mạnh. Tình trạng tảo hôn năm 2011 chiếm tới 31,1% số cặp kết hôn trong năm thì đến năm 2014 giảm còn 14% và không có chiều hướng gia tăng; hôn nhân cận huyết thống được khắc phục triệt để. 

Hủ tục trong tang ma, cưới hỏi được đẩy lùi mạnh mẽ; đặc biệt, đám cưới đã quy định nhà gái không được nhận quá 10 triệu đồng tiền mặt; không tổ chức ăn uống linh đình kéo dài; người chết đã được đưa vào quan tài rồi mới tổ chức đám tang; quy định không để người chết trong nhà quá 48 giờ và nhiều thôn đã quy hoạch được nghĩa địa theo tiêu chí nông thôn mới. 

Người Mông nhiều năm qua đã ăn chung một tết Nguyên đán. Học sinh tiểu học ra lớp đúng độ tuổi và chuyển tiếp lên THCS đạt trên 99%; chuyển tiếp từ THCS lên THPT chiếm khoảng 20%; sau khi tốt nghiệp THPT tiếp tục đi học chuyên nghiệp chiếm khoảng 13 đến 15%. 

Đời sống kinh tế của nông dân Trạm Tấu đã có bước đổi thay ngoạn mục. Từ chỗ chỉ sản xuất một vụ lúa mùa, nay mỗi năm Trạm Tấu có thêm vụ chiêm xuân khoảng 1.550 ha cùng với trên 1.600 ha lúa mùa.

Tập quán chỉ trồng ngô vụ xuân hè và không muốn trồng ngô hè thu do sợ khô hạn, nắng nóng, sâu bệnh, chuột phá... thì nay vụ ngô này có cả nghìn héc-ta cùng ngô xuân hè 1.600 ha. Tất cả giống ngô, lúa đều là giống tiến bộ kỹ thuật; do đó, mang lại năng suất cao và tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2019 đạt khoảng 23.500 tấn, tương đương mức bình quân trên 700 kg lương thực/người/năm. 

Từ chỗ thiếu đói kinh niên, nay bà con người Mông ai cũng nói rằng không còn lo thiếu gạo. Hơn thế, một số xã đã cấy giống lúa nếp 87, lúa tẻ đỏ để làm hàng hóa. Tất cả các xã đều trồng ngô theo hướng sản xuất hàng hóa; trong đó, vùng ngô hàng hóa trồng tập trung quy mô lớn gồm các xã: Tà Xi Láng, Trạm Tấu, Xà Hồ, Pá Hu... 

Cây lúa, cây ngô tăng vụ, tăng diện tích đã tạo ra nhiều phụ phẩm nông nghiệp cùng với trồng cỏ để phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà và hiện tại Trạm Tấu là địa phương duy nhất của tỉnh vẫn giữ được tỷ lệ tăng đàn trâu, bò qua mỗi năm. 

Đáng mừng hơn cả là ở Trạm Tấu ngày càng có nhiều hộ biết cách làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước đang có tín hiệu được đẩy lùi mà rõ nét nhất trong năm 2020 đã có 53 hộ viết đơn xin thoát nghèo và toàn huyện phấn đấu đến hết năm sẽ có 557 hộ thoát nghèo. Phong trào hiến đất, góp công làm đường giao thông nông thôn đang dấy lên mạnh mẽ. 

Nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; tích cực tham gia thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; nhiều năm qua, Trạm Tấu không xuất hiện điểm nóng an ninh chính trị ở cơ sở. Thu ngân sách của huyện trong những năm 90 của thế kỷ trước hầu như không có gì thì nay có năm đạt số thu trên 50 tỷ đồng; các xã đều có đường bê tông bảo đảm ô tô đi đến trung tâm xã...

Để có những thành tựu lớn lao đó, nhiều năm qua, huyện Trạm Tấu luôn xác định công tác dân vận là một nhiệm vụ lâu dài và luôn phải sát dân, gần dân, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân theo tư tưởng của Hồ Chủ tịch: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. 

Chỉ có gần dân mới nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có giải pháp dân vận phù hợp nhất. Bám dân, chính là bám vào đội ngũ đảng viên ở cơ sở, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, những người có uy tín trong cộng đồng để họ gợi mở cho cán bộ hướng tiếp cận đời sống thực tế ở cơ sở; đồng thời, thông qua họ để xây dựng nhân tố đắc lực góp phần tạo sức lan tỏa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống cộng đồng... 

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trịnh Văn Xuê nói về cuộc vận động tăng vụ lúa xuân vì sao từ chỗ nông dân chống đối quyết liệt nhưng lại mau đi đến thành công, đó là do có sự đóng góp quan trọng từ công sức, trí tuệ của đội ngũ cán bộ huyện đã thực hiện tốt phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân.

Việc phân công lãnh đạo Thường trực Huyện ủy phụ trách cụm xã, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách xã, trưởng ngành phụ trách thôn và hàng tháng  đều phải dự họp ở cơ sở; tăng cường cán bộ huyện về làm cán bộ chủ chốt xã… cũng chính là giải pháp để bám dân, nắm vững thực tế ở cơ sở để triển khai công tác lãnh đạo cũng như kịp thời làm công tác dân vận. 

Trong công tác dân vận, cần phải lựa chọn được vấn đề trọng tâm, trọng điểm, cấp bách nhất để làm dân vận nhưng đích đến là phải tạo được thành công mang tính tổng thể. Thực hiện dân vận cốt yếu phải dựa trên cơ sở nhận thức, hay nói cách khác là dựa trên mặt bằng dân trí thì mới có phương pháp dân vận phù hợp để đi đến thành công; trong đó, giải pháp "cầm tay chỉ việc” là một trong những cách làm rất hiệu quả. 

Cần chú trọng lựa chọn người có uy tín, năng lực thực hiện và địa bàn phù hợp để xây dựng các mô hình điểm mới tạo hiệu quả cao nhất của mô hình điểm và tăng nhanh sức lan tỏa của công tác dân vận từ chính những người, những việc, những địa bàn được lựa chọn. Cán bộ làm công tác dân vận phải nhạy bén phát hiện được vấn đề để làm công tác dân vận. 

Thành công trong công tác "ba bỏ” chính là đã phát hiện được những nhân tố muốn hợp sức cùng cán bộ huyện, tỉnh để thực hiện cuộc vận động này. Đồng bào Mông nhanh chóng đồng thuận bỏ tết Mông để ăn chung một tết Nguyên đán xuất phát từ việc phát hiện một số gia đình phải chờ con em đi học, đi làm ở xa đến tết Nguyên đán mới được nghỉ về ăn tết; trong khi đó, rất nhiều nhà có hoàn cảnh tương tự; do vậy, khi vận động đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhân dân…

Vấn đề cốt lõi nữa trong nhiều năm qua được huyện Trạm Tấu luôn coi trọng, đó là tập trung xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực công tác chuyên môn và tâm huyết với công tác dân vận. Qua đó, bồi dưỡng tư tưởng, chính trị, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ công tác dân vận với những yêu cầu như: cán bộ phải thạo tiếng Mông, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào Mông; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 05 về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với tinh thần trọng dân, gần dân, vì dân... chính là những yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác dân vận trong thời kỳ mới. 

Yếu tố đặc biệt nữa để công tác dân vận của Đảng đạt được hiệu quả cao nhất, đó là phải tạo được sự đồng thuận nhập cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân từ cấp huyện đến cấp xã, thôn. Tránh tình trạng như trước đây, không ít lĩnh vực dân vận đã gặp cản trở ngay chính những cán bộ chủ chốt cấp huyện là người địa phương; khi về đến cơ sở xã, thôn lại tiếp tục gặp những rào cản của một số cán bộ ở cơ sở.

Hoàng Nhâm
(Bài 3: Dân vận để tiếp cận cơ hội, vận hội mới)

Tags Trạm Tấu dân vận ba bỏ tảo hôn tang ma cưới hỏi

Các tin khác
Cán bộ nông nghiệp huyện Trạm Tấu kiểm tra mô hình canh tác ngô bền vững trên đất dốc.

"Mỗi lĩnh vực dân vận ở Trạm Tấu là một cuộc cách mạng”. Đó là đúc kết từ thực tiễn công tác dân vận của anh Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy người Mông trên vùng cao Huyện ủy Trạm Tấu. Và thực tiễn?

Chốt kiểm soát chợ Yên Ninh, thành phố Yên Bái nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang khi vào chợ.

Đã hơn 1 tuần kể từ khi bùng phát dịch tại Đà Nẵng, nhưng mọi sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra trong điều kiện bình thường mới, không có tình trạng găm hàng hay đẩy giá các mặt hàng thiết yếu.

Mô hình nuôi gà đen đem lại hiệu quả kinh tế cao của Mùa A Dơ.

Làm chủ trang trại gà đen hơn 1.000 con và làm cả một homestay trên đỉnh núi Tà Chì Nhù, cao thứ 8 Việt Nam, phục vụ du khách leo núi khám phá, săn mây - ý tưởng khởi nghiệp táo bạo của chàng thanh niên Mông chưa đầy 30 tuổi.

Là người có uy tín trong cộng đồng, ông Sổng A Di (giữa) luôn gương mẫu đi đầu trong việc chỉnh trang nhà cửa, thay đổi tập quán sinh hoạt.

Thôn nông thôn mới Khuôn Bổ hôm nay - 100% tuyến đường liên thôn, xóm được bê tông hóa;100% vách, sân nhà được cứng hóa; chuồng trại chăn nuôi di chuyển xa khu vực nhà ở; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm. Đặc biệt, thôn có tới gần 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống nhưng Khuôn Bổ không có tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục