Yên Bái chống dịch COVID-19: Toàn dân nâng cao ý thức

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/8/2020 | 8:15:41 AM

YênBái - Đã hơn 1 tuần kể từ khi bùng phát dịch tại Đà Nẵng, nhưng mọi sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra trong điều kiện bình thường mới, không có tình trạng găm hàng hay đẩy giá các mặt hàng thiết yếu.

Chốt kiểm soát chợ Yên Ninh, thành phố Yên Bái nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang khi vào chợ.
Chốt kiểm soát chợ Yên Ninh, thành phố Yên Bái nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang khi vào chợ.


Chị Nguyễn Thị Liên ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái là một trong hơn 1.000 người từ vùng dịch Đà Nẵng trở về. Ngay sau khi xuống sân bay, chị được xe riêng của gia đình đón đưa thẳng về, chị hiểu mình có nguy cơ nhiễm virus SAR-CoV2 nên về tới nhà chị chủ động cách ly, khai báo y tế, qua điện thoại chị cũng nhờ người thân báo với Trạm Y tế phường. 

Ngay sáng hôm sau, 4 cán bộ đã xuống gia đình chị lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn gia đình thực hiện cách ly, khử trùng đồ dùng, nhà cửa. 

Chị chia sẻ: "Cách ly không phải là điều gì tệ hại hay xấu hổ cả, cách ly là để bảo vệ người thân và cộng đồng. Hàng ngày, tôi nhận được động viên, hỏi thăm của bạn bè người thân qua điện thoại, tin nhắn. Trong thời gian cách ly mọi sinh hoạt của tôi không thiếu thốn gì. Yên Bái mình giờ rất phát triển kinh doanh online nên cần mua gì tôi đặt trên mạng, thanh toán trực tuyến và có người mang đến tận nhà". 

"Vừa rồi, cán bộ y tế phường xuống thông báo kết quả xét nghiệm với SAR-CoV2 của tôi đã âm tính lần 1, song hiện tại tôi vẫn thực hiện cách ly theo hướng dẫn. Tôi hoàn toàn yên tâm và tin tưởng vào những chỉ dẫn của ngành y tế” - chị Liên cho biết. 

Với hơn 1.350 người từ vùng dịch trở về, Yên Bái đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn người dân cách ly tại gia đình. Đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào dương tính. 

Tuy nhiên, ngay sau khi có diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Đà Nẵng, tỉnh đã kích hoạt và vận hành trở lại hệ thống phòng, chống dịch. 

Là địa phương có đông người từ Đà Nẵng trở về, thành phố Yên Bái đã nhanh chóng khởi động bộ máy phòng, chống dịch, triển khai lấy mẫu, hướng dẫn cách ly tại cộng đồng với trường hợp người dân từ vùng dịch về; nhắc nhở người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng, không tập trung đông người, không đi đến vùng có dịch. 

Các cơ quan y tế, công an; các xã phường, thôn, tổ dân phố theo dõi chặt chẽ những trường hợp đang cách ly tại gia đình, 6 tiếng 1 lần báo cáo về Trung tâm Y tế Ban Chỉ đạo của thành phố; kiểm soát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch tại các chợ, trường học, công sở. 

Từ khi dịch có diễn biến phức tạp tại một số tỉnh thành trong cả nước, thành phố đã chủ động chỉ đạo bắt buộc đeo khẩu trang khi đi vào các chợ trên địa bàn thành phố, rất nhanh chóng các chốt kiểm soát tại các chợ được lập lại. 

Anh Nguyễn Đình Sơn - cán bộ trật tự đô thị, phường Yên Ninh, làm công tác nhắc nhở người dân mang khẩu trang khi đi vào chợ Yên Ninh cho biết: "Hơn một tuần nay, phường đã lập lại chốt này để nhắc nhở người dân đeo khẩu trang khi vào chợ. Hầu hết người dân đều chấp hành nghiêm, một số ít không mang khẩu trang nhưng  khi được nhắc nhở đều chấp hành nghiêm túc”. 

Các cửa hàng trên địa bàn thành phố cũng đã chủ động đặt nước sát khuẩn tay ngay cửa ra vào, người dân cũng tự nêu cao ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng, tin tưởng vào hướng dẫn của các cơ quan chức năng. 

Ông Nguyễn Văn Dũng - cán bộ hưu trí phường Yên Ninh chia sẻ: "Chúng tôi thực hiện theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chức năng, nêu cao tinh thần tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, theo dõi tin tức qua các cơ quan truyền thông chính thống, không tin và nghe theo những thông tin chưa kiểm chứng trên các trang mạng xã hội, tin đồn, như vừa qua, có thông tin cho rằng chúng ta đang chủ quan khi không cho giãn cách xã hội, nhưng trên báo chí Thủ tướng Chính phủ đã nói rất đúng là cần cân bằng giữa an ninh y tế và an ninh kinh tế - xã hội, đặc biệt là không làm những việc thái quá như ngăn sông cấm chợ".

"Không được tuyên bố cách ly xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, nhất là chưa có ổ dịch, vì điều này dễ dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế, xã hội và đây còn là mầm mống gây mất trật tự an ninh. Vậy nên mình cứ thế mà thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng và qua đợt 1 mình cũng hiểu cơ chế, cách phòng ngừa mà chủ động. Tin tưởng đất nước mình sẽ vượt qua nhanh thôi” - ông Dũng nói. 

Cho đến thời điểm này đã hơn 1 tuần kể từ khi bùng phát dịch tại Đà Nẵng, nhưng mọi sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra trong điều kiện bình thường mới, không có tình trạng găm hàng hay đẩy giá các mặt hàng thiết yếu. 

Chị Nguyễn Thị Hậu, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Mình không mua thực phẩm tích trữ, vì mình hiểu, chính quyền và các cơ quan chức năng sẽ không để tình trạng thiếu hàng thiết yếu”. Ngay cả mặt hàng khẩu trang vốn rất nhạy cảm trong mùa dịch thì giá cả cũng ổn định. 

Chị Vân - một chủ hiệu thuốc trên đường Điện Biên cho biết: "Giá khẩu trang hiện nay tăng rất nhẹ chứ không tăng ảo gấp 6 - 7 lần như đợt 1. Mình khuyên mọi người mua hàng rằng nếu không thực sự cần thiết hãy sử dụng khẩu trang vải cũng hiệu quả như khẩu trang y tế, chỉ cần vệ sinh, giặt khẩu trang đúng cách với xà phòng diệt khuẩn là được”.

Tinh thần chung trong chỉ đạo điều hành từ Chính phủ tới địa phương là không chủ quan, lơ là để dịch bệnh bùng phát, mất kiểm soát nhưng cũng cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. Trừ những ổ dịch phải làm kiên quyết, còn không phải ổ dịch thì hoạt động xã hội diễn ra bình thường. 

Đúng theo tinh thần đó, các cấp, các ngành trong tỉnh Yên Bái đã khởi động và vận hành tốt hệ thống phòng chống dịch, đảm bảo các hoạt động kinh tế - xã hội bình thường và Yên Bái vẫn thực sự là nơi bình yên. 

Thanh Ba

Tags Thành phố Yên Bái Nguyễn Thái Học Yên Ninh chống dịch COVID-19

Các tin khác
Mô hình nuôi gà đen đem lại hiệu quả kinh tế cao của Mùa A Dơ.

Làm chủ trang trại gà đen hơn 1.000 con và làm cả một homestay trên đỉnh núi Tà Chì Nhù, cao thứ 8 Việt Nam, phục vụ du khách leo núi khám phá, săn mây - ý tưởng khởi nghiệp táo bạo của chàng thanh niên Mông chưa đầy 30 tuổi.

Là người có uy tín trong cộng đồng, ông Sổng A Di (giữa) luôn gương mẫu đi đầu trong việc chỉnh trang nhà cửa, thay đổi tập quán sinh hoạt.

Thôn nông thôn mới Khuôn Bổ hôm nay - 100% tuyến đường liên thôn, xóm được bê tông hóa;100% vách, sân nhà được cứng hóa; chuồng trại chăn nuôi di chuyển xa khu vực nhà ở; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm. Đặc biệt, thôn có tới gần 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống nhưng Khuôn Bổ không có tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Mô hình trồng sa nhân dưới tán cây gáo vàng của anh Hờ A Sênh (đứng giữa) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Khuôn Bổ hiện có 80% số hộ kinh tế khá, nhiều hộ làm kinh tế giỏi thu nhập từ 60 - 100 triệu đồng/năm. Tiêu biểu phải kể đến ông Sổng A Song với mô hình rèn nông cụ; chị Giàng Thị Cu với mô hình trồng 2 ha tre măng Bát độ, 1 ha quế, nuôi 500 con gà đen; Trưởng thôn Sổng A Dũng trồng 4 ha tre măng Bát độ, 1 ha quế và ươm giống cây khôi tím...

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà (thứ 3, trái sang) trao đổi với các học viên tham gia Đề án 11 của Tỉnh ủy.

Để phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh cần có sự thay đổi căn bản về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới, sáng tạo trong tư duy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục