Bao quanh phía dưới chân đồi bám dần lên dốc cao là 500 trụ thanh long, leo lên đến đỉnh đồi là hai chuồng nuôi 3.000 con gà mỗi lứa. Cơn mưa của đêm hôm trước như một bàn tay tỉ mẩn gột vuột sạch sẽ, bóng láng cho đồi thanh long mướt mát ánh xanh, đua dài muôn cánh tay đu đưa theo gió sớm.
Nắng cũng hâng hẩng vàng cho không gian thêm tươi sáng. Hai chuồng gà nổi bật mào đỏ của nhiều chú gà trống: "Em chọn nuôi nhiều gà trống hơn vì được giá cao hơn và cũng là theo nhu cầu của thị trường” - Thắng nói vậy.
Đông gà như thế, vào độ sắp xuất bán như thế, thời tiết lại vừa mưa xuống nắng lên nhưng đứng trên đỉnh đồi này rõ là vô cùng thoáng mát, trong lành chứ không hề lẫn tạp bất kỳ mùi mẽ gì khác. Hỏi thêm về điều ấy thì chính xác Thắng đã sử dụng chế phẩm vi sinh trộn với trấu để làm đệm lót nền chuồng. Ưu điểm đệm lót này vừa giải quyết chuyện ô nhiễm môi trường vừa hết từng đợt xuất bán gà, em còn có một lượng lớn phân hữu cơ rất tốt bón cho đồi thanh long, thậm chí bán đi mới hết.
Ngắm trông thành quả này, đàn gà đủng đỉnh uống nước, đồi thanh long đang đậu lứa quả mới, riêng chỉ mình Thắng mới thấu hiểu trọn vẹn cảm xúc của chính em suốt một chặng đường chưa dài nhưng cũng không phải ngắn. Thắng nhớ cái ngày quyết định rẽ ngang con đường sư phạm muốn gắn bó.
Nhớ những ngày lang thang trên mạng tìm hiểu những mô hình phát triển nông nghiệp.
Nhớ ngày nào đồi đất này của bố mẹ toàn là quế. Nhớ tháng ngày đi bán quế, thấy người ta nuôi gà sạch sẽ nên thích, muốn làm theo. Nhớ lần mò mẫm đi mua giống gà ta lai giữa bố gà Mía với mẹ gà Phượng ở thành phố Yên Bái sau bao ngày tìm nơi bán.
Em nhớ lần một mình đi Lập Thạch, Vĩnh Phúc và may mắn mua về được giống thanh long tốt. Nhớ cái ngày "dũng cảm” tự ý chặt bỏ đồi quế của bố mẹ để quyết định bắt đầu nuôi gà và trồng thanh long.
Nhớ cảm giác cầm 24 triệu đồng trong tay sau khi bán được đồi quế để thực hiện ước mơ. Nhớ đến bố trong khoảnh khắc biết rằng cậu con trai của mình dám chặt bỏ đồi quế để tạo lập hướng đi mới cho cuộc đời, cho tương lai của nó.
Nhớ không bao giờ quên được lời bố đã nói: "Không được để đất trống, đã chặt rồi và đã bán quế rồi thì phải làm ngay, đừng chậm trễ!”. Lời bố đã thêm lực tạo đà bứt phá cho quyết tâm thay đổi, mạnh mẽ vươn xa của chí trai bắt đầu khởi nghiệp. Bay biến lăn tăn, Thắng miệt mài lăn xả xây ước mơ…
150 con gà ta lai lứa đầu tiên mua về tháng 11 năm 2013 của Thắng hết sức thuận lợi, nuôi theo kiểu truyền thống và được bán hết trong vòng nửa tháng. Lợi nhuận lúc đó cho em khoảng 30.000 đồng từ mỗi con gà của một lứa nuôi. Mạnh dạn mở rộng quy mô lên 300 con gà vào năm 2015, Thắng vẫn tìm đến địa chỉ nơi mua giống gà lứa đầu. Đây cũng là thời điểm em bắt đầu sử dụng men vi sinh lót chuồng, tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn, cho gà ăn cám công nghiệp và thêm rau xanh, thân cây chuối. "Khi ấy, sau một thời gian tìm hiểu, tạo mối quan hệ, em đã quen với tất cả các bà bán gà ở chợ Mậu A. Chợ Mậu A bấy giờ có đúng 10 bà bán gà ạ. Vì thế nên em mới dám nuôi hẳn 300 con gà của lứa thứ hai” - Thắng cười hiền khô.
Quãng thời gian này, với lứa gà nuôi 100 ngày được các bà bán gà ngoài chợ vào tận chuồng tự chọn, thống nhất mua theo giá thị trường dao động từ 65.000 - 70.000 đồng/kg. Bán hết veo trong đúng chục ngày, Thắng thu lãi được 8 triệu đồng. Về sau, một vài giống gà khác như: lai chọi, Cao Khanh, Hồ lai… cũng được nuôi thử nhưng cuối cùng em vẫn chọn gà ta lai. Gà ta lai thời gian nuôi mỗi lứa ngắn ngày, lông mã và mào đẹp, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong khu vực, nhất là nếu kéo dài thời gian nuôi mỗi lứa từ 90 - 100 ngày lên 120 ngày sẽ cho chất lượng thịt như gà ta.
100 trụ cắm xuống cho 300 hom thanh long đầu tiên bén rễ vào đồi đất từng xanh màu cây quế của bố mẹ Thắng là tháng 4 năm 2014. Chuyển nối từ quế sang thanh long cũng tựa một niềm hy vọng, tin tưởng của bố mẹ vào con đường mới mà em đã nhất mực lựa chọn. Với Thắng, đó còn là sự quyết tâm từ chính bản thân để đáp lại mong mỏi của bố mẹ và quan trọng hơn cũng là chiến thắng chính bản thân. Cuối năm 2014, em tiếp tục đặt thêm 200 trụ thanh long.
Qua một thời gian học hỏi cách tự chiết cành, đến đầu năm 2015 là em mở rộng thêm 200 trụ nữa. Thắng đã duy trì ổn định 500 trụ thanh long từ bấy tới nay. Những ngày tháng 6 năm 2015, thanh long bói cho thu lứa đầu tiên, em dong duổi xe máy đi bán lẻ khắp nơi trong thị trấn để giới thiệu cho người tiêu dùng biết thanh long ruột đỏ.
Năm 2016 rồi năm 2017 trở đi, bắt đầu thời kỳ thanh long thu rộ hơn, Thắng chuyển hướng đặt vấn đề với một số quán bán hoa quả ở thị trấn theo hình thức gửi hàng bán tại quầy. Tiền thu về theo mức giá em đưa ra, còn lại tùy quán bán chênh lệch.
Theo cách này, các quán có chung phản hồi "bán được” nên họ chính thức đặt thanh long của Thắng về bán. Chịu hạn tốt, tai dày và cứng nên bảo quản được lâu hơn, số lứa hoa nhiều hơn giống khác, đặc biệt có vị ngọt đậm, giòn ngon là ưu điểm của giống thanh long ruột đỏ TL04 mà Thắng chọn trồng.
Nuôi, bán đều thuận lợi nên vào đầu năm 2016, Thắng mở rộng quy mô đàn gà lên 500 con. Tuy nhiên, 300 con gà bỗng dưng bị mắc bệnh Newcastle khi đã đạt trọng lượng 1,5 kg/con. Bệnh gà rù khiến em lỗ 30 triệu đồng. Khó khăn đầu tiên là thử thách, nếu không kiên trì thì không thể duy trì. Lần soát lại tất các khâu của quá trình chăn nuôi, lần đầu tiên tự Thắng phải trả lời câu hỏi: nuôi tiếp hay dừng lại? Nhờ bố mẹ vay thêm vốn, em quyết định duy trì 200 con gà còn lại.
Thật may mắn, em đã vượt qua! Mặc bố mẹ bảo "liều”, hết đợt đó, Thắng tự tin nuôi 1.000 con gà lứa mới. Tự tin vì đã vượt qua thử thách đầu tiên. Tự tin vì đã không ngừng học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi. Tự tin vì đã tập trung phát triển thị trường: 50% sản lượng cho khu vực Mậu A, 50% bán ở tỉnh Lào Cai và Lai Châu.
Từ năm 2018 đến nay, thị trường Mậu A chỉ còn 20% so với 80% của khu vực Lào Cai, Lai Châu. Lợi nhuận mỗi năm cho Thắng thu về từ 120 - 150 triệu đồng với bình quân 4 lứa nuôi 1,2 vạn con gà. Thắng cũng đã mày mò tự xây dựng chuồng úm để chủ động nguồn giống. Cuối năm 2018, em hướng dẫn 2 hộ người quen ở xã Mậu Đông, xã Đại Sơn nuôi gà do em cung cấp giống, quy mô 1.000 con mỗi lứa. Xa hơn, Thắng dự định mua thêm đất để có thể nuôi một lứa 5.000 - 10.000 con gà cũng như phát triển các hộ nuôi vệ tinh.
Thanh long cho thu rải từ tháng Tư đến tháng Mười âm lịch hàng năm. Càng về cuối năm, trời lạnh nên tỷ lệ hoa đậu quả chỉ đạt 50% nhưng giá bán tết lại cao, những 50.000 đồng/kg, có khi còn bán được 50.000 đồng một quả. Thắng xem trên mạng Internet và thử nghiệm sử dụng đèn điện chiếu sáng cho thanh long ra quả trái vụ bán tết từ tháng 8 năm 2019 cho hiệu quả cao.
Sản lượng thanh long giờ em bán ở Mậu A, thành phố Yên Bái chiếm 80% và thị trường Lào Cai, Lai Châu là 20%. Suôn sẻ thì mỗi năm, 500 trụ thanh long cho độ 5 tấn quả, bán giá 20.000 - 35.000 đồng/kg, Thắng lãi 100 - 120 triệu đồng. Nhìn lại chặng đường đã qua, Thắng khẳng định vai trò hết sức quan trọng của mạng Internet.
Mong ước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mà không cần đi đâu xa, Thắng cũng đã chứng minh thuyết phục. Hôm nay, "lợi nhuận” lớn nhất em dành tặng bố mẹ chính là niềm tin. Tận dụng tất cả những gì mình có, quan điểm của em đã làm thì cố gắng làm bằng được, có nghĩ đến thất bại là "tính đến lợi nhuận thấp nhất đồng nghĩa thành công nhỏ nhất”. Thắng chia sẻ, vợ em - Nguyệt thích nghề kế toán. Yêu nhau rồi lấy nhau, Nguyệt chọn học trung cấp thú y bởi muốn đi chung đường xa cùng chồng. Ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng ắp đầy, rộn vui tiếng cười con thơ. Ngôi nhà nhỏ chứa chan một khát vọng lớn của đôi trẻ xây ước mơ nơi đồng đất quê hương với tình yêu, thuận vợ thuận chồng.
Nguyễn Thơm