Người xưa có câu: "Ngày đàng không bằng gang nước” để nói về khó khăn khi gặp sông suối. Bị chia cắt bởi sông Chảy, sông Hồng và nhiều suối lớn như: ngòi Thia, ngòi Lao, ngòi Lâu, ngòi Nhì, suối Nậm Tăng, Nậm Kim… cùng nhiều suối nhỏ, giao thông Yên Bái vốn đã khó khăn lại khó khăn hơn bội phần. Vì vậy, thế hệ sinh ra những năm đầu và giữa thế kỷ 20, mỗi khi hoài niệm về quá khứ chắc hẳn vẫn nhớ những khó khăn của việc đi lại.
Trong câu chuyện, ông Lương Văn Dậu - cán bộ lão thành vẫn nhớ: "Đường xưa dằng dặc, đầy khó khăn trắc trở. Muốn lên Tây Bắc, khởi đầu "cửa ải” là bến Âu Lâu, rồi ngầm Đá trắng (QL 379), ngầm Nhì, ngầm Thia (QL 32) và hàng ngàn ngầm lớn nhỏ mà đều là ngầm tạm, cầu tạm. Trong khi, gió núi mưa ngàn từ cả một khu vực rộng lớn đã trụi hết cây cối khiến lũ thượng nguồn đổ về dữ dằn, cày xới, cuốn trôi tất cả và có lúc lại là nước ứ, nước dềnh hàng ngày không rút... thực sự là nỗi khiếp sợ cho khách bộ hành. Lúc đó, chúng tôi còn trẻ, đi công tác, hầu hết phải đi bộ vài ngày trời là chuyện thường, nhưng khổ nhất là cảnh đợi phà và nhiều khi mưa lũ phải mất vài ngày mới qua được đoạn suối nhỏ”.
Không phải cuốc bộ vài ngày đường, ngồi đợi phà đằng đẵng như các cụ, nhưng trong tâm trí và kỷ niệm xưa của thế hệ 7X, tôi vẫn nhớ những lần được bố cho đi xe cùng sang xã Hợp Minh để chở ngói về cho cơ quan.
Bến Âu Lâu có cặp phà do ca nô lai dắt và đầu phía thành phố Yên Bái dốc gắt nên khi xe lên xuống phà, các tài xế xe ca, xe moóc phải cực kỳ khéo lựa để lên xuống phà mà xe không bị chạm gầm, bẹp ba - đờ - xốc. Đầu bến phía xã Âu Lâu là bãi cát lầy, thụt dài hàng trăm mét. Mùa cạn, phà chỉ cập được lấp lửng từ ngoài mép sông nên xe phải lội vài chục mét nước để qua bãi cát lót lau sậy chống thụt mà lên bờ.
Nhớ mãi hình ảnh anh công nhân bến phà tay cầm cờ đuôi nheo mầu đỏ, ngâm nửa người trong nước để thăm dò nông sâu để xi nhan cho xe. Tháng 5, tháng 6, nắng như đổ lửa và "lửa” từ mặt phà thép hắt lên, tiếng động cơ ca nô, ô tô, khói xe, mùi dầu mỡ... anh em máy, thuyền trưởng, thủy thủ người nào người nấy đen sạm, nhem nhuốc, bải hoải, hốc hác lúc tan ca.
Mùa đông, đêm hôm lạnh cóng, gió bấc cùng hơi nước lạnh, họ luôn phải gồng mình để đoàn xe đang xếp hàng chờ qua bến sớm vượt sông. Đấy là thời hòa bình, chứ những năm chiến tranh chắc còn vất vả bội phần. Cụm tượng đài "Bến Âu Lâu” có hình ảnh anh công nhân tay cầm mỏ neo là để tôn vinh công trạng những con người quả cảm tại bến phà lịch sử này.
Trước nhu cầu phục vụ phát triển, từ sự đầu tư của Nhà nước, năm 1992, cầu Yên Bái được khánh thành. Đây là sự kiện vô cùng quan trọng của tỉnh Yên Bái trong hàng thập kỷ. Lũ trẻ chúng tôi cách xa cầu hàng chục cây số cũng có lần rủ nhau bỏ học đi bộ ra xem cầu.
Lúc đó, cầu Yên Bái là biểu tượng không chỉ của sự phát triển, là niềm tự hào, mà còn là địa chỉ văn hóa của người dân Yên Bái, vì hễ có khách hay bạn bè nơi xa là đưa ra cầu Yên Bái để qua tham quan, chụp ảnh, để giới thiệu. Sau này, khi đã đi làm báo, trong tư liệu, tôi đã gặp rất nhiều ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước được tỉnh dẫn đi tham quan cây cầu này.
Cùng với cầu Yên Bái, trong khoảng thời gian đó, cầu Ngòi Lâu (vượt qua ngòi Lâu), cầu Đá Trắng (QL 379), cầu Nhì, cầu Thia trên (QL 32) và cầu Tô Mậu, huyện Lục Yên lần lượt khánh thành và đưa vào sử dụng. Đây là bước nhảy vọt, tạo điều kiện không chỉ cho nhân dân các dân tộc đi lại thông suốt, mà đây chính là điểm tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt giao thông đường bộ.
Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nối tả ngạn và hữu ngạn, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị, kỳ tích phải kể đến việc xây dựng cầu vượt sông Hồng những năm gần đây. Sau cầu Yên Bái, đúng 10 năm sau, cầu Văn Phú dài 475 m, rộng 10 m gồm 4 nhịp dầm bê tông vượt sông Hồng ở phía hạ lưu được xây dựng. Tiếp nối những thành công, "vũ điệu” xây cầu ngày càng hối hả.
Các cây cầu dân sinh qua sông suối nhỏ được đầu tư xây dựng phục vụ đi lại và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi.
Năm 2008, cầu Mậu A, cầu Trái Hút được khởi công. Năm 2015, chào mừng 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh, cầu Tuần Quán được khởi công. Năm 2016, chào mừng 126 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ngày bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, cầu Bách Lẫm được khởi công.
Tiếp đến năm 2019, cầu Cổ Phúc được khởi công xây dựng. Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian 30 năm, đã có 7 cầu vượt sông Hồng; trong đó, riêng khoảng thời gian 2015 - 2020, có 3 cầu được khởi công thi công đi vào sử dụng.
"Nối đôi bờ vui”, những cây cầu trên suối Thia, suối Lao, đặc biệt là sông Hồng, sông Chảy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hết sức cần thiết. Chúng không chỉ là "gạch nối” trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo cơ hội mở ra sự thông thương, kết nối phía Đông với phía Tây, giữa thành thị với nông thôn, giữa vùng thấp với vùng cao mà còn đáp ứng nguyện vọng thiết tha và mong đợi của bao thế hệ cán bộ, nhân dân.
Trong đó, 7 cây cầu trên dòng sông Hồng đỏ lặng phù sa đã kết nối với bên bờ hữu ngạn, nhất là để mở rộng không gian xây dựng và phát triển đô thị thành phố Yên Bái, mở ra điều kiện và lợi thế mới thu hút đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu trung tâm dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và khu công nghiệp tại các xã hữu ngạn sông Hồng, từng bước nâng cao đời sống người dân Yên Bái nói chung và thành phố Yên Bái nói riêng.
Đồng thời, phát triển dịch vụ công, hạ tầng kỹ thuật, môi trường, không gian, kiến trúc và cảnh quan đô thị của thành phố sinh thái đặc trưng vùng miền núi Bắc Bộ. Đưa thành phố xứng tầm là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái, sớm trở thành đô thị loại II.
Niềm vui và hạnh phúc là tâm trạng của người dân bên sông vì chỉ vài phút xe máy là có thể nối đôi bờ. Ngày ngày ngắm nhìn dòng xe cộ ngược xuôi trên những cây cầu bê tông vĩnh cửu, bà Ngô Thị Thúy Liên, xã Giới Phiên không giấu được niềm vui: "Trước đây, cách nhau một khúc sông mà khác một trời một vực. Nay có cầu, cả hai bờ đều vui, ước mơ bao đời của chúng tôi đã thành hiện thực!”.
Về dự Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020, ông Giàng A Phử - Bí thư Chi bộ thôn Sài Lương, xã An Lương, huyện Văn Chấn phấn khởi: "Được sự đầu tư của Nhà nước cũng như sự đóng góp của nhân dân, tôi thấy giao thông Yên Bái từ nông thôn đến thành phố phát triển mạnh quá, nhất là thành phố Yên Bái. Đi thăm thành phố, tôi thấy rất nhiều cầu thật là đẹp. Khi về, tôi sẽ kể lại để cho bà con ở vùng cao phấn khởi!”.
Đình Tứ