“Chuyện lạ” ở Phong Dụ Thượng

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/10/2020 | 7:54:39 AM

YênBái - Chỉ thời gian ngắn, xã vùng cao Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, nơi từng trải qua trận lũ quét kinh hoàng năm 2018 đã gượng dậy thay da đổi thịt.

Trước đây, gia đình anh Thắng thuộc diện hộ nghèo, đến năm 2019 sau nhiều nỗ lực phấn đấu, từ hộ nghèo đã trở thành hộ cận nghèo và năm nay anh đã xây dựng ngôi nhà hai tầng khang trang.
Trước đây, gia đình anh Thắng thuộc diện hộ nghèo, đến năm 2019 sau nhiều nỗ lực phấn đấu, từ hộ nghèo đã trở thành hộ cận nghèo và năm nay anh đã xây dựng ngôi nhà hai tầng khang trang.

Không trông chờ, ỷ lại vào những cánh tay giúp đỡ, những gói quà thiện nguyện hay sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân ở đây khắc phục mọi khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế và làm đơn xin thoát nghèo, nhường lại sự hỗ trợ của Nhà nước cho những gia đình khó khăn hơn. Đây là chuyện lạ ở Phong Dụ Thượng.

Là xã vùng cao giao thông đi lại khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều… dẫn tới việc không ít người dân mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước khiến cuộc sống của không ít gia đình luôn chìm trong cảnh nghèo đói, túng thiếu quanh năm. 

Tuy nhiên, khác hẳn những năm về trước, Phong Dụ Thượng giờ đây có sự bứt phá ngoạn mục, sự đổi thay ấy đến từ ý chí tự lực, tự cường vươn lên của người dân. Từ trung tâm xã đến các thôn, bản là đoạn đường êm thuận. Bên cánh đồng lúa hay chân những đồi quế xanh ngút ngàn xuất hiện những ngôi nhà xây mang kiến trúc hiện đại. 

Đi trên con đường bê tông rộng uốn lượn chạy dài từ trung tâm xã đến tận cuối thôn, chúng tôi về thôn Làng Than. Tuy gần trung tâm xã nhưng Làng Than trước đây thuộc thôn nghèo nhất nhì xã. Với gần 700 ha đất nông nghiệp, diện tích lúa nước hai vụ chỉ có hơn 50 ha, diện tích lúa nằm ven suối, năm nào mưa gió thuận hòa còn được, năm nào mưa lũ, nước dâng cao thì một nửa diện tích bị cuốn trôi, cái nghèo tưởng chừng như khó có thể thay đổi được. 

Ấy vậy mà bằng nội lực, sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền xã, sự gương mẫu nói đi đôi với làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thôn đã tạo nên động lực cổ vũ nhân dân tập trung phát triển kinh tế đồi rừng, mở mang các ngành nghề phụ tạo thu nhập để vươn lên thoát nghèo.

Chúng tôi dừng chân trước ngôi nhà hai tầng khang trang của gia đình anh Hà Văn Thắng. Trước đây, gia đình anh Thắng thuộc diện hộ nghèo, đến năm 2019 sau nhiều nỗ lực phấn đấu, từ hộ nghèo đã trở thành hộ cận nghèo và năm nay anh tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ cận nghèo. 

Cũng như nhiều hộ dân trong thôn Làng Than, anh Thắng lập gia đình ra ở riêng từ sớm, của nả cha mẹ cho chỉ là căn nhà tạm và vài trăm mét đất rừng. Có sức khỏe, vợ chồng anh về Hà Nội làm thuê, sau nhiều năm tích góp có chút vốn liếng anh mua thêm đất đồi rừng của các hộ dân trong thôn có nhu cầu bán để trồng rừng. Chăm chỉ gom nhặt, thấy cuộc sống đã khá giả hơn chút, rừng cây cũng đến kỳ thu hoạch có thêm chút tiền, đầu năm 2020, anh tập trung xây lại ngôi nhà cho khang trang hơn. 



Những lá đơn xin thoát nghèo bằng chữ viết tay của các hộ dân xã Phong Dụ Thượng.  

Anh Thắng cho biết: "Hiện tại, cuộc sống của gia đình tôi cũng không dư giả là bao, nói chung là đủ ăn, đủ mặc. Phía sau nhà trồng 1 ha đồi quế, 2 vợ chồng vẫn luôn chăm sóc đều đặn, ngoài ra còn đi làm thêm công việc bên ngoài, nên cũng có thu nhập đồng ra, đồng vào". 

"Nay gia đình tôi cũng dần ổn định, bản thân nhìn thấy nhiều hộ nghèo ở những nơi khác không có đất ở, phải đi xin, đi mượn để có nơi ở. Nhà ở cũng chỉ là túp lều dột nát, đến cái chỗ che mưa che nắng không có nên tôi quyết định viết đơn xin ra khỏi hộ cận nghèo, nhường sự hỗ trợ cho những hộ dân khó khăn hơn" - anh Thắng nói. 

Cũng như hộ anh Thắng, gia đình anh Mai Văn Độ ở thôn Làng Than là hộ nghèo nhiều năm nay. Vốn là người chăm chỉ có chí tiến thủ, sau những lần đi làm thuê rồi tìm kiếm thông tin việc làm qua đài, báo. Hai vợ chồng anh quyết định lên đường vào miền Nam để tìm việc làm. 

Sau quãng thời gian dài làm việc nơi đất khách quê người, có chút vốn liếng anh mua hơn 1 ha đồi rừng để trồng quế và tập trung phát triển kinh tế. Đến nay, xây được ngôi nhà cấp 4 khang trang với diện tích gần 100 m vuông, sắm đầy đủ đồ dùng thiết yếu. 

Anh Độ chia sẻ: "Năm 2020, tuy tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng nhưng tôi nhận thấy gia đình có thể tự lo được cho cuộc sống, có mức thu nhập trên chuẩn mức quy định hộ nghèo nên viết đơn gửi xã cho xin thoát hộ nghèo”. 



Từ hộ nghèo, đến nay, gia đình anh Độ đã xây được ngôi nhà cấp 4 khang trang với diện tích gần 100 m vuông, sắm đầy đủ đồ dùng thiết yếu.

Có thể thấy, hộ anh Thắng, anh Độ đang là những điển hình tiêu biểu phá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Họ đã và đang tạo nên làn gió tươi mới thổi vào công cuộc giảm nghèo nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này! 

Những gia đình viết đơn xin thoát nghèo không hẳn vì họ đã khá giả mà chứng tỏ người dân đã bắt đầu có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. 

Hơn thế, trong suy nghĩ của những gia đình viết đơn họ luôn mong muốn các chính sách hỗ trợ của Nhà nước phải đến đúng đối tượng là người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được hỗ trợ. 

Hiện nay, toàn xã có 273 hộ nghèo, tính từ đầu năm 2020 đến nay, có 148 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 9,74%; dự kiến đến năm 2024 sẽ ra mắt xã nông thôn mới. 

Có thể thấy, chính sách hỗ trợ người nghèo đã mang lại hiệu quả tích cực trong công cuộc giảm nghèo ở nông thôn. Việc các hộ dân mạnh dạn viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, hộ cận nghèo thực sự góp phần quan trọng tạo thêm nguồn lực của Nhà nước hỗ trợ các hộ còn lại thoát nghèo. 

Ông Lò Văn Mạnh - Bí thư Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng cho biết: "Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã cũng đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, công trình thủy lợi, ưu tiên làm đường giao thông. Việc bà con trong xã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo rất đáng được biểu dương. Sau khi nhận được đơn của người dân, Đảng ủy, chính quyền xã đến tận gia đình xem xét, thẩm tra lại mức sống, thu nhập của các hộ gia đình rồi mới thực hiện theo nguyện vọng xin thoát nghèo". 

Xác định mục tiêu giảm nghèo bền vững phải xuất phát từ tiêu chí nâng cao thu nhập, vì thế, cấp ủy, chính quyền cũng rất quan tâm xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện tự nhiên, canh tác của địa phương. Để mỗi người dân thay đổi nhận thức không tự nhiên mà có, đó là sự nỗ lực hành động của cả cấp ủy, chính quyền và nhân dân.

Có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài các khoản hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương còn vận động, tuyên truyền để bà con tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững. Công cuộc xóa đói giảm nghèo đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó, điểm mấu chốt là người nghèo phải có quyết tâm và tự thân thực sự muốn thoát nghèo.

Có thể thấy, những lá đơn xin thoát nghèo đang tạo động lực cho nhiều xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như Phong Dụ Thượng sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ mới. 

Bùi Minh

Tags Phong Dụ Thượng Văn Yên thoát nghèo

Các tin khác
Người dân chòm Cu Vai đang dùng điện năng lượng mặt trời chỉ đủ thắp sáng 2 giờ/ngày.

Thực hiện Đề án di dời dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao của tỉnh, 50 hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao của xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu được chuyển đến chòm Cu Vai thuộc thôn Háng Xê của xã sinh sống.

Ông Giàng A Câu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thăm HTX Dịch vụ chăn nuôi Lâm Thượng, huyện Lục Yên.

Thông qua các phong trào, Hội Nông dân tỉnh đã đóng góp quan trọng trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đó là một trong những thành tích nổi bật của các cấp Hội và hội viên nông dân (HVND) Yên Bái qua 90 năm vinh quang đồng hành cùng đất nước, góp phần xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Chị Sùng Thị Xía (giữa) trao đổi công tác phòng chống dịch Covid-19 với cán bộ y tế huyện và lãnh đạo xã Suối Bu.

Vượt qua những rào cản, tập tục lạc hậu của vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chị Sùng Thị Xía, người phụ nữ Mông ở thôn Bu Cao, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bu, huyện Văn Chấn đã vươn lên khẳng định vai trò của một cán bộ xã năng động, hết lòng vì bà con dân bản.

Anh Giàng A Sáu, thôn Đồng Ruộng xã Kiên Thành thu hoạch măng tre Bát độ.

Đến cuối tháng 10, vụ thu hoạch măng tre Bát độ mới chính thức khép lại, mặc dù vậy, đến thời điểm này có thể khẳng định rằng năm 2020 Trấn Yên đã có vụ măng Bát độ thắng lợi nhất từ trước tới nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục