Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: “Chìa khóa”giảm nghèo bền vững - Bài 2: Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/12/2020 | 7:49:34 AM

YênBái - Theo đánh giá của các doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI, chỉ số đào tạo lao động của tỉnh Yên Bái đã tăng từ thứ hạng 48 năm 2010 lên thứ hạng 35 năm 2019. Yên Bái còn là một trong số ít địa phương đi đầu cả nước sớm thực hiện "đặt hàng” dạy nghề cho lao động nông thôn.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế của huyện Văn Yên được thị trường ưa chuộng.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế của huyện Văn Yên được thị trường ưa chuộng.


Những nỗ lực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đóng góp quan trọng vào việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Những con số biết nói

Giai đoạn 2010 - 2020, từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động dạy nghề của các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, hoạt động truyền nghề, tự học nghề, toàn tỉnh đã đào tạo cho 176.968 người, trong đó có 138.480 lao động nông thôn, chiếm 78,3%. 

Riêng thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, toàn tỉnh đã mở 2.055 lớp với số lao động nông thôn được học nghề là 59.878 người (bình quân gần 5.500 người/năm). 

Số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp là 39.767 người, chiếm 66,4%, lĩnh vực phi nông nghiệp là 20.111 người, chiếm 33,6%. 

Trong tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, có 977 người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, chiếm 1,6%; 32.777 người dân tộc thiểu số, chiếm 54,7%; 12.378 người thuộc hộ nghèo, chiếm 20,7%; 2.689 người thuộc hộ bị thu hồi đất canh tác (chiếm 4,5%); 154 người khuyết tật, chiếm 0,26%; 1.575 người thuộc hộ cận nghèo tham gia học nghề, chiếm 2,63%. 

Thông qua thực hiện Đề án 1956 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu lao động, chất lượng lao động nông thôn cũng như chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Nếu như năm 2010, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 81% thì năm 2020 ước xuống còn 59,9%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 30% thì nay tăng lên 63,2%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 31,5%. 

Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. 

Nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 32,21% thì dự ước cuối năm 2020 chỉ còn 7,04%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại 2 huyện 30a (Trạm Tấu, Mù Cang Chải) giảm bình quân 8,32%/năm, cao hơn so với mức bình quân chung của cả tỉnh, đạt 7,66%/năm. 

Tỷ lệ hộ nghèo giảm đã góp phần thu hẹp khoảng cách về tình trạng nghèo giữa các khu vực và dân tộc trong toàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 70 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Trấn Yên được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Yên Bái được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

Những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần cải thiện chỉ số đào tạo lao động thuộc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). 

Theo đánh giá của các doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI, chỉ số đào tạo lao động của tỉnh Yên Bái đã tăng từ 4,97 điểm, xếp thứ hạng 48 năm 2010 lên 6,65 điểm, xếp thứ hạng 35 năm 2019; tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về chất lượng lao động trên địa bàn tỉnh tăng từ 71% năm 2010 lên 91% năm 2019; qua đó, góp phần cải thiện đáng kể về thứ bậc cạnh tranh của tỉnh Yên Bái và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. 

Nỗ lực tổng lực

Để có được những kết quả quan trọng này, trước tiên phải khẳng định đã có sự tham gia tổng lực của cả hệ thống chính trị và các cấp, các ngành liên quan. Các địa phương, ngành chức năng đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 đã được thành lập từ tỉnh đến cơ sở. 

Quá trình triển khai thực hiện Đề án, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Các cấp, ngành thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ để triển khai các nhiệm vụ  phân công.

Theo đó, hàng năm, 100% các huyện, thị, thành phố đều tổ chức rà soát, xác định nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn; căn cứ quy hoạch phát triển ngành, nghề và nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để xây dựng kế hoạch đào tạo cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm ở từng địa phương. 



Nông dân xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên áp dụng hiệu quả các kỹ thuật tiên tiến trong nghề trồng dâu nuôi tằm. 

Về phía tỉnh, ngay khi triển khai thực hiện Đề án 1956, đã xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp. Tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương, cùng với sự đầu tư của Trung ương để triển khai các hoạt động của Đề án như: tuyên truyền dạy nghề, xây dựng các mô hình thí điểm dạy nghề, hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn, đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh đã áp dụng chính sách hỗ trợ đối với người học, giáo viên, giảng viên bằng mức hỗ trợ tối đa do Trung ương quy định. 

Theo đó, người học được hỗ trợ từ 2 - 6 triệu đồng/khóa học; đồng thời, một số đối tượng người học còn được hỗ trợ thêm tiền ăn, tiền đi lại và hưởng chính sách hỗ trợ về vay vốn học nghề, vay vốn phát triển sản xuất sau khi học nghề, vay vốn giải quyết việc làm theo quy định. 

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn đều được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo đáp ứng yêu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn với mức hỗ trợ bình quân 4 - 5 tỷ đồng/trung tâm. 

Riêng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Văn Yên được đầu tư trở thành trung tâm kiểu mẫu nên được hỗ trợ 25 tỷ đồng. 

Sát thực tế, phù hợp với người học

Công tác đào tạo nghề là yếu tố tiên quyết, quyết định chất lượng lao động nên thời gian qua tỉnh cũng đã đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề. Toàn tỉnh hiện có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 4 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện. 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng người học, hàng năm, các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được tổ chức rộng khắp ở 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình tổ chức lớp học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có sự linh hoạt về thời gian, địa điểm đào tạo cho phù hợp với điều kiện thực tế của người học. 

"Ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn cũng có sự đa dạng, gắn với thực tiễn sản xuất nông, lâm nghiệp của người dân và định hướng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của địa phương, phù hợp với nhu cầu của người học, phù hợp với nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động của doanh nghiệp” - ông Đoàn Văn Hoạt, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Văn Yên khẳng định. 

Trong công tác đào tạo, cùng với sử dụng chương trình, giáo trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức biên soạn, quá trình giảng dạy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động tự biên soạn chương trình, giáo trình đối với những nghề chưa có chương trình, giáo trình chung để tổ chức giảng dạy cho phù hợp với nhu cầu người học, phù hợp với thực tiễn áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, chương trình đào tạo các nghề nông nghiệp hầu hết do đội ngũ kỹ sư thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng; chương trình nghề phi nông nghiệp chủ yếu do các trường dạy nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp trực tiếp biên soạn có tiếp thu ý kiến tham gia của doanh nghiệp; một số nghề truyền thống do nghệ nhân, thợ lành nghề biên soạn. 

Tổng số nghề đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện có 47 nghề, gồm 21 nghề nông nghiệp và 26 nghề phi nông nghiệp. 

Đi đôi với cải tiến chương trình dạy học, Yên Bái còn là một trong số ít địa phương đi đầu trong cả nước sớm thực hiện "đặt hàng” dạy nghề cho lao động nông thôn. Hoạt động này đã gắn kết các công ty, doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề, thu hút người lao động tham gia học nghề, có việc làm sau khi học nghề, qua đó, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt.

Hồng Oanh
Bài cuối: Tiếp tục nâng cao trình độ lao động

Tags Đề án 1956 đào tạo nghề lao động nông thôn cơ cấu lao động nông thôn mới

Các tin khác
Lao động nông thôn huyện Trấn Yên tham gia học nghề theo Đề án 1956.

Đề án 1956 được triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ năm 2010. Tính trung bình mỗi năm có khoảng hơn 18.000 lao động có việc làm sau khi học nghề.

Đoàn công tác của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và Hội Nông dân tỉnh kiểm tra thực tế tại vùng chè cổ thụ Suối Giàng để triển khai một số biện pháp phòng chống mối hại cây chè.

Mong muốn lớn nhất của người dân Suối Giàng là các cấp, ngành, các nhà khoa học cùng chung tay tìm ra giải pháp hữu hiệu để cứu rừng chè Shan tuyết cổ thụ trước nạn mối hoành hành, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho môi trường và chất lượng loại trà “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.

Mô hình liên kết trồng hoa hồng ở xã Nậm Khắt mang lại nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Một vùng quê trên núi cao đang dần "thay da, đổi thịt” với những con đường liên bản được cứng hóa, những ngôi nhà khang trang "ba sạch” ẩn hiện bên cánh đồng bậc thang, triền núi và cả những gia trại, mô hình kinh tế hàng hóa đang tạo nên sức sống "nông thôn mới”.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy trao đổi với người dân thôn Xá Nhù, xã Tà Xi Láng trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tà Xi Láng - khi nhắc tên, rất nhiều người nhớ đến một con đường huyền thoại được làm nên từ ý chí, quyết tâm và sức mạnh của tinh thần đoàn kết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục