Mường Lò - khát vọng bản sắc - Bài 2: Khát vọng bay cao

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/3/2021 | 7:38:30 AM

YênBái - Hiện nay, thị xã có hơn 30 hộ làm du lịch cộng đồng hiệu quả. Lượng khách du lịch đến với các homestay chiếm trên 50% lượng khách du lịch bình quân hàng năm của thị xã. Có được kết quả này chính là nhờ người dân đã biết khai thác các giá trị văn hóa để làm du lịch.

Phụ nữ Thái xã Nghĩa Lợi trao đổi kiến thức về ẩm thực để làm du lịch cộng đồng.
Phụ nữ Thái xã Nghĩa Lợi trao đổi kiến thức về ẩm thực để làm du lịch cộng đồng.

Bản sắc phát huy giá trị

Hiện nay, thị xã có hơn 30 hộ làm du lịch cộng đồng hiệu quả. Lượng khách du lịch đến với các homestay chiếm trên 50% lượng khách du lịch bình quân hàng năm của thị xã. Có được kết quả này chính là nhờ người dân đã biết khai thác các giá trị văn hóa để làm du lịch, hay nói cách khác là các giá trị văn hóa đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. 

Từ kiến trúc văn hóa nhà sàn đến phong tục tập quán tốt đẹp trong đời sống sinh hoạt, trang phục, văn hóa ẩm thực, văn hóa nghệ thuật dân gian đều là những sản phẩm không thể thiếu và được các hộ làm du lịch thiết kế thành chuỗi hoạt động thú vị để du khách trải nghiệm, đồng thời đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá tới du khách. 

Năm 2019, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 78 tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 225 tỷ đồng, vượt 36,4% mục tiêu Nghị quyết, gấp 2 lần so với năm 2015; đón, phục vụ trên 120.000 lượt khách, gấp 2 lần mục tiêu Nghị quyết, gấp 3 lần so với năm 2015, trong đó khách quốc tế chiếm 23,6%; doanh thu từ du lịch đạt 96 tỷ đồng. Du lịch phát triển đã thúc đẩy kinh tế thị xã phát triển nhanh. 

Đến nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng; trong đó, thương mại - dịch vụ chiếm trên 84%, góp phần vào tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 16%/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 5% của thị xã; thu nhập bình quân đầu người đạt 41,6 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nâng lên rõ rệt. Đây chính là đòn bẩy đưa Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa - du lịch và cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại 3 vào năm 2025.

Bà Đỗ Thị Thanh Nga - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Cùng với việc duy trì và nâng cao chất lượng các giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống như trong thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ các phong tục tập quán tốt đẹp; dạy viết chữ Thái cổ; thực hiện tiếp các đề tài nghiên cứu khoa học về các giá trị văn hóa bản địa. 

Đồng thời, sẽ thành lập và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch am hiểu về văn hóa bản địa để giới thiệu quảng bá đến du khách; tiếp tục áp dụng các cơ chế chính sách để bảo tồn kiến trúc nhà sàn; xây dựng bản làng văn hóa truyền thống; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với việc khai thác các giá trị văn hóa để làm du lịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để mỗi người dân thị xã Nghĩa Lộ đều tự hào về kho tàng văn hóa đặc sắc của dân tộc mình và càng nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm bảo tồn, phát huy để các giá trị văn hóa trường tồn và ngày càng tỏa sáng và thu hút khách du lịch”.

Để mạch nguồn mãi chảy

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Thái Mường Lò, ngoài việc những nghệ nhân lớn tuổi dày công gìn giữ, truyền dạy thì ngày hôm nay, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đã xuất hiện nhiều bạn trẻ không ngừng học hỏi, nghiên cứu với khát khao tiếp nối giữ lửa văn hóa truyền thống ấy. 

Những người say mê dân ca Thái hầu như đều biết đến bạn trẻ Đinh Thị Tom, sinh năm 1985 - người hát khắp hay nhất bản Phiêng, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ. Tom học hát từ các bà, các mẹ trong bản, rồi cứ thế say mê với các điệu Khắp. 

Giờ thì Tom chẳng mấy khi vắng mặt trong các lễ hội hay các dịp vui của bản làng mình để tiếng khắp Thái được ngân vang và còn truyền dạy điệu khắp cho các em nhỏ trong thôn bản. Không phải là người dân tộc Thái nhưng bạn Lê Thanh Tùng - sinh năm 1988, giáo viên thể chất Trường Tiểu học & THCS Lý Tự Trọng  cũng rất đam mê với văn hóa Thái. 

Giờ, thầy Tùng biết sử dụng các nhạc cụ dân tộc Thái, đặc biệt là viết chữ Thái cổ rất đẹp và cũng đã trở thành một người truyền dạy chữ Thái cổ trong trường. "Mình muốn lan tỏa tới các em học sinh những điều thú vị tiềm ẩn trong văn hóa thái để các em khám phá” - Lê Thanh Tùng mong muốn vậy. 

Mới 16 tuổi nhưng em Lường Thị Hoài Thương ở xã Nghĩa Lợi đã góp phần đưa xòe cổ vào các trường học trên địa bàn. Bởi rất am hiểu và thuần thục 6 điệu xòe cổ nên Thương đã tích cực tham gia thực hiện dự án đưa xòe cổ vào trường học, tích cực đi truyền dạy và giao lưu với các bạn ở các trường học trên địa bàn. 

Hoài Thương tâm huyết lắm với các điệu xòe: "Trong các dự án đưa xòe cổ vào trường học, chúng em luôn tìm cách để làm cho những điệu xòe luôn mới mà vẫn giữ được bản sắc của xòe, biết khai thác trí tuệ, cái thâm thúy của xòe để lan truyền tới các bạn”.

Sự đam mê bảo tồn văn hóa truyền thống ấy của những bạn trẻ chính là nền tảng để mạch nguồn bản sắc ấy mãi chảy tới tận tương lai. Cùng với nỗ lực, sáng tạo nhiều hơn nữa của thị xã, mảnh đất Nghĩa Lộ - Mường Lò hẳn sẽ giàu thêm những giá trị văn hóa riêng có của mình và ngày một hấp dẫn du khách từ những giá trị đó.

Thu Hạnh

Tags Mường Lò khát vọng bản sắc

Các tin khác
Xòe cổ được gìn giữ, lan truyền sâu rộng trong trường học.

Thị xã Nghĩa Lộ có 21 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào Thái chiếm gần 50% dân số và đã tạo nên một vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa Thái.

Cùng với đảm bảo an ninh trật tự, các cán bộ, chiến sĩ tăng cường cơ sở còn vận động hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Giai đoạn 2011 – 2020, có 124 lượt địa bàn phức tạp an ninh trật tự, địa bàn xây dựng nông thôn mới được lực lượng công an tăng cường với 661 lượt cán bộ, chiến sĩ trực thuộc các phòng, đội nghiệp vụ của Công an tỉnh và công an các huyện về cơ sở.

Đoàn viên thanh niên huyện Trạm Tấu tham gia bê tông hóa 400 mét đường công trình “Con đường em đến trường” ở thôn Cang Dông, xã Pá Hu.

Những ngày đầu tháng Ba, nghe đâu đây hơi thở của mùa xuân vẫn còn trải dài trên những triền núi bởi màu trắng tinh khôi của bạt ngàn hoa mận. Trong chuyến công tác đầu xuân cùng Tỉnh đoàn Yên Bái, chúng tôi xuất phát từ 7 giờ sáng lên chòm Cu Vai, thôn Háng Xê, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu để tổ chức những hoạt động mở màn cho Tháng Thanh niên năm 2021.

Tổ tăng cường cơ sở gặp gỡ, trò chuyện với đồng bào Mông, thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành.

Thiếu tướng Trần Kim Hải – Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: "Tăng cường cơ sở là sản phẩm "độc đắc” của lực lượng công an. Có nghĩa, tỉnh Yên Bái là đơn vị duy nhất trong cả nước triển khai công tác này, rất hợp, rất đúng với khẩu hiệu "Đồng thuận, bốn cùng với đồng bào dân tộc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục