Trạm Tấu phát huy vai trò "người đứng mũi"

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/4/2021 | 7:47:14 AM

YênBái - Vận động dân làm chuồng trại cho gia súc thì bà con nói rằng: "Bảo cán bộ xã làm trước đi, nhà nó nhiều trâu, bò hơn, nhà mình chỉ có 1 con thôi”. Vận động dân trồng ngô xuân - hè cũng gian nan. Và kết quả sau đó...

Hàng loạt mô hình ngô được thử nghiệm để tìm ra bộ giống thích hợp cho vùng cao.
Hàng loạt mô hình ngô được thử nghiệm để tìm ra bộ giống thích hợp cho vùng cao.

Trạm Tấu là một trong 62 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước với trên 96% dân số là người dân tộc Mông. Những năm qua, Trạm Tấu đã có bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là sự đổi mới về tư duy sản xuất…

Giai đoạn 2011 - 2013, khắp các địa phương trên địa bàn huyện Trạm Tấu hăng hái thi đua trồng ngô. Hàng loạt mô hình thử nghiệm các giống ngô mới được cơ quan Khuyến nông huyện xây dựng để lựa chọn những giống ngô phù hợp nhất với điều kiện khắc nghiệt của vùng cao. 

Từ vài trăm héc ta ngô hàng năm đã tăng vọt lên hàng nghìn héc ta. Cho đến nay, trồng ngô hai vụ trong năm đã trở thành thói quen sản xuất của người Mông. Đặc biệt, vụ ngô xuân - hè trước đây hầu như không làm thì nay đã trở thành vụ sản xuất chính. 

Trao đổi với đồng chí Trịnh Văn Xuê - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, chúng tôi được biết thêm về những khó khăn khi triển khai nhiệm vụ ở thời điểm đó. Năm 2009, khi đó anh Xuê đang là Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, vào một buổi chiều, anh được Bí thư Huyện ủy gọi lên hỏi: "Tỉnh giao cho huyện năm nay phải trồng được 500 ha ngô xuân -  hè, theo anh có làm được không?”. "Làm được chứ anh!” - anh Xuê đáp. 

"Nhưng với một điều kiện, tất cả cán bộ phải thống nhất phát ngôn rằng ngô xuân - hè có thể trồng và sẽ trồng tốt trên đất Trạm Tấu”. 

Tại sao lại phải nói như vậy, anh Xuê báo cáo với Bí thư Huyện ủy rằng, đã từng có cán bộ nói với dân rằng ngô vụ xuân - hè không trồng được trên đất Trạm Tấu. Chính vì vậy, bao năm qua, bà con đã bỏ qua không làm vụ ngô xuân hè. 

Lập tức ngày hôm sau, một hội nghị đột xuất được triệu tập với tất cả cán bộ lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn; các xã, thị trấn, chỉ quán triệt một tư tưởng, thống nhất một nội dung phát ngôn trong toàn Đảng bộ huyện là ngô xuân - hè có thể trồng được trên đất Trạm Tấu. 

Nghị quyết về phát triển cây ngô xuân - hè ngay sau đó được ban hành và được triển khai một cách khẩn trương, bài bản. Hàng loạt mô hình thử nghiệm giống ngô mới được triển khai, cán bộ ngành nông nghiệp cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc, xuống từng thôn, bản gặp gỡ từng người dân để tuyên truyền, vận động. 

Thời điểm đó, thôn Làng Mảnh, xã Tà Xi Láng nổi bật trong phong trào trồng ngô xuân - hè. Thôn Làng Mảnh có 80 hộ, hơn 400 khẩu nhưng lại ở thành 7 chòm, là một trong những thôn nằm cách trung tâm xã xa nhất, 100% dân số là người Mông, địa hình đồi núi cao, giao thông đi lại khó khăn. 

Ông Giàng A Chang - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch MTTQ huyện, khi đó là Bí thư Đảng ủy xã Tà Xi Láng nhớ lại: "Khi mới đưa cây ngô xuân - hè lên trồng, nhiều người Làng Mảnh cho rằng cây ngô không thể sống được bởi nơi đây đất cằn, toàn đá, khí hậu lạnh giá. Cán bộ khuyến nông đã tới từng nhà để vận động nhân dân tận dụng đất để trồng ngô xuân - hè với phương châm cùng ăn cùng ở, cùng làm với người dân". 

"Đầu tiên, là những cuộc họp ở thôn với trưởng thôn, đảng viên trong thôn, rồi những người có uy tín trong làng, trong bản để phân tích, vận động: trồng ngô xuân - hè trên những mảnh nương bỏ hoang, mảnh ruộng cằn cỗi thì vẫn cho năng suất cao” - ông Chang kể. 

Đi đầu thực hiện là cán bộ, đảng viên, ban đầu mục tiêu trồng 25 ha nhưng kết quả thực hiện được 50 ha. Cán bộ xã đã chủ động tìm thương lái đến tận bản để thu mua cho dân, người dân được ứng tiền trước để mua gạo, chi tiêu sinh hoạt. Sau vụ thu hoạch, Làng Mảnh thu về 300 triệu đồng từ ngô, có hộ thu về trên 15 triệu đồng, một số tiền lớn đối với người dân ở thời điểm đó. 

Không chỉ ở Tà Xi Láng, ở 12/12 xã, thị trấn của Trạm Tấu đều triển khai trồng ngô xuân - hè với một khí thế sôi động. Mùa thu hoạch, thương lái tấp nập đến từng hộ dân để thu mua, có hộ còn được thương lái ứng tiền trước từ đầu vụ, cuối vụ trả bằng ngô. 500 ha ngô xuân - hè tỉnh giao ban đầu Trạm Tấu thực hiện được gấp 2 lần. Đến nay, vụ ngô xuân - hè của Trạm Tấu diện tích đã đạt 2.500 ha. 

Từ thành công triển khai trồng ngô xuân - hè, lãnh đạo Huyện ủy Trạm Tấu khẳng định, rằng đoàn kết, thống nhất trong nhận thức, hành động là yếu tố quyết định hàng đầu để hoàn thành nhiệm vụ, trong đó vai trò người đứng đầu có vai trò rất quan trọng. Kế đó, là vai trò của đội ngũ tham mưu giúp việc. 

Nói về câu chuyện của người đứng đầu, vai trò làm gương của cán bộ, đảng viên cũng cần nhắc lại một chuyện mà Trạm Tấu cũng đã có chủ trương, mất rất nhiều thời gian mới có thể thực hiện được. 

Năm 2006, huyện vận động nhân dân làm chuồng trại cho gia súc, khi vận động người dân thì bà con nói rằng: "Bảo cán bộ xã làm trước đi, nhà nó nhiều trâu, bò hơn, nhà mình chỉ có 1 con thôi”. Ngay cán bộ của mình còn chưa làm thì nói gì đến vận động nhân dân, cứ như vậy, một chủ trương tốt, thực tế bị lãng quên. 

Những năm sau đó, Trạm Tấu xảy ra 2 đợt rét lịch sử vào năm 2008 và năm 2011 làm chết hàng chục con trâu bò. Lúc này, trước những thiệt hại nặng về kinh tế, vấn đề chuồng trại, thức ăn cho gia súc mới được quan tâm. Đến nay, huyện đã có trên 85% số hộ dân có chuồng trại, người dân đã biết làm cây rơm dự trữ thức ăn, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. 

Thời điểm này, Trạm Tấu tiếp tục đứng trước một thử thách mang tính lịch sử. Sau nhiều năm được hỗ trợ giống, vụ ngô xuân - hè năm 2021 này, huyện thực hiện không hỗ trợ giống. Không như cây lúa trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, vụ ngô xuân - hè cũng có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong hai loại cây lương thực chính của huyện. 

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và sự hiểu biết sâu sắc tập quán, tâm tư của bà con, những cán bộ lãnh đạo như anh Trịnh Văn Xuê xác định sẽ là một vụ ngô đầy khó khăn. 

Do vậy, ngay sau khi thực hiện thành công vụ lúa đầu tiên không hỗ trợ giống, trước khi có quyết định của tỉnh về việc không hỗ trợ ngô giống vụ xuân -­ hè, Trạm Tấu đã quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức trong toàn huyện đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của tỉnh. Đến nay, theo đăng ký của các xã, cơ bản diện tích vụ ngô xuân - hè được đảm bảo. 

Khi vai trò người đứng đầu được phát huy tốt sẽ góp phần quan trọng trong việc đánh giá đúng thực chất tổ chức cơ sở Đảng. Bởi vậy, ngoài thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, trong bất cứ hoàn cảnh nào, người đứng đầu cần giữ được vai trò trung tâm, khiêm tốn, cầu thị và chịu khó học hỏi. Bản thân phải trong sáng, công tác cán bộ công tâm, khách quan; thực hiện đúng nguyên tắc, quy định; gần gũi, quan tâm, chia sẻ với đồng chí, đồng nghiệp. 

Nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xuất phát từ thực tiễn hiện nay, tỉnh đang tiếp tục tập trung lãnh đạo thực hiện các giải pháp cụ thể nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với cơ chế kiểm soát trách nhiệm, xác định khung thời gian cụ thể cần phấn đấu giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

A.D

Tags Trạm Tấu Tà Xi Láng ngô xuân hè gia súc người đứng đầu

Các tin khác
Phụ nữ Thái xã Nghĩa Lợi trao đổi kiến thức về ẩm thực để làm du lịch cộng đồng.

Hiện nay, thị xã có hơn 30 hộ làm du lịch cộng đồng hiệu quả. Lượng khách du lịch đến với các homestay chiếm trên 50% lượng khách du lịch bình quân hàng năm của thị xã. Có được kết quả này chính là nhờ người dân đã biết khai thác các giá trị văn hóa để làm du lịch.

Xòe cổ được gìn giữ, lan truyền sâu rộng trong trường học.

Thị xã Nghĩa Lộ có 21 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào Thái chiếm gần 50% dân số và đã tạo nên một vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa Thái.

Cùng với đảm bảo an ninh trật tự, các cán bộ, chiến sĩ tăng cường cơ sở còn vận động hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Giai đoạn 2011 – 2020, có 124 lượt địa bàn phức tạp an ninh trật tự, địa bàn xây dựng nông thôn mới được lực lượng công an tăng cường với 661 lượt cán bộ, chiến sĩ trực thuộc các phòng, đội nghiệp vụ của Công an tỉnh và công an các huyện về cơ sở.

Đoàn viên thanh niên huyện Trạm Tấu tham gia bê tông hóa 400 mét đường công trình “Con đường em đến trường” ở thôn Cang Dông, xã Pá Hu.

Những ngày đầu tháng Ba, nghe đâu đây hơi thở của mùa xuân vẫn còn trải dài trên những triền núi bởi màu trắng tinh khôi của bạt ngàn hoa mận. Trong chuyến công tác đầu xuân cùng Tỉnh đoàn Yên Bái, chúng tôi xuất phát từ 7 giờ sáng lên chòm Cu Vai, thôn Háng Xê, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu để tổ chức những hoạt động mở màn cho Tháng Thanh niên năm 2021.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục