Gặp các cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã, tôi được biết, thời gian qua, thị xã đã thực hiện tốt việc chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho người có công, thân nhân người có công. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc những gia đình liệt sĩ khi có người ốm đau, hỗ trợ kinh phí cho thân nhân đi thăm viếng mộ liệt sĩ ở xa và phối hợp tổ chức đón hài cốt liệt sĩ đã được thực hiện tốt.
Nhưng điều cảm nhận lớn hơn trong tiềm thức của chúng ta lại chính từ những người đã từng hy sinh xương máu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Những người lính trở về không toàn vẹn ấy luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế". Cảm nhận đó đã thôi thúc tôi tìm gặp những thương binh kiểu mẫu, gia đình liệt sĩ gương mẫu. Tôi đến thôn Loọng, xã Phù Nham gặp thương binh Vũ Minh Thuấn, người chiến sĩ sinh năm 1966 này đã từng vào sinh ra tử tại mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Người thương binh Vũ Minh Thuấn trở về đời thường đã phát huy cao độ tinh thần thép được tôi luyện trong quân ngũ để không ngừng vượt khó vươn lên trên mặt trận phát triển kinh tế.
Gia đình anh có một cửa hàng bách hóa phục vụ bà con, bằng tấm lòng cởi mở và luôn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn nên cửa hàng rất đông khách, hàng hóa luân chuyển góp phần tăng doanh thu. Gia đình anh còn mở một hệ thống sản xuất nước lọc tinh khiết mang thương hiệu "Nước lọc Thanh Mai" có tiếng trong vùng, bình quân tiêu thụ hơn 4.000 bình nước lọc/ngày, chưa kể các thùng hàng đóng chai cung cấp cho các cửa hàng, nhà xe khách. Ngoài ra, anh còn có một trang trại nhỏ trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm vừa phục vụ gia đình vừa có nguồn thu từ chăn nuôi. Khi hỏi về mức thu nhập của gia đình, anh ngần ngại chia sẻ tổng doanh thu khoảng từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/năm. Không phải nhà kinh tế để tính mức lợi nhuận nhưng cứ nghe đến hàng tỷ đồng của một hộ gia đình nơi phố núi này cũng khiến tôi khâm phục, nhất là với một thương binh đã mất đi một phần sức khỏe sau chiến tranh.
Dưới chân núi Thẳm Lé thuộc thôn 9, xã Nghĩa Lộ là cơ ngơi của đồng chí Đoàn Thế Yêm, thương binh 2/4 đã bước sang tuổi 72 nhưng ông đang làm chủ một trang trại hơn 6 ha trồng bạt ngàn cam xen canh nhãn, đậu đỗ, lạc, rau xanh với hàng trăm con gà thả đồi ríu rít bới sâu, chạy nhảy dưới tán cây. Phía đồi cao là hơn 4 ha rừng trồng quế, mỡ và cây tạp chống xói mòn. Tôi theo ông ra tham quan đồi cam, cây nào cây nấy sai trĩu quả, đây là giống cam mới của Viện Khoa học nông nghiệp được ông trồng thử nghiệm cho thấy rất hợp với thổ nhưỡng, những năm gần đây đã được thu hoạch hơn 20 tấn/vụ, chất lượng và giá thành cao hơn nhiều so với các giống cam khác.
Do nguồn thu nhập từ cây cam rất ổn định nên ông đang thực hiện chiết ghép để mở rộng diện tích. Với quyết tâm vượt khó, với tinh thần lao động cần cù, làm giàu chính đáng từ bàn tay và khối óc của người lính, thương binh Đoàn Thế Yêm đã được nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2017, ông đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Xuôi theo bờ suối Thia huyền thoại, tôi tìm đến nhà cựu chiến binh Lường Trung Lập ở bản Sang Đốm xã Nghĩa Lợi vì nghe bà con dân bản thường ca ngợi: "Nhà ông Trung Lập giỏi lắm! Về Hà Nội học cách trồng cây thanh long tím, biết ngăn nước làm ao nuôi cá, cho con cái đi học bây giờ làm cán bộ của dân đấy!". Trước mắt tôi là một lão nông dân tộc Thái tuổi gần 70 mà cơ bắp săn chắc, nước da bánh mật, ánh mắt luôn cười thân thiện.
Vị đại đội phó đại đội pháo 12 ly 7 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ năm xưa giờ đã lên ông nội, ông ngoại, các con phương trưởng. Ông nói đời mình vất vả, thiệt thòi nên phải cố gắng cho con cháu học hành đến nơi đến chốn, đứa nào có khả năng thì đi công tác, còn ở nhà lao động sản xuất cũng không sợ đói, chỉ cần chăm chỉ và chịu khó học hỏi là cũng làm giàu được mà. Bàn về câu chuyện làm giàu, ông hồ hởi kể về những ngày đầu chuyển đổi canh tác từ đất ruộng bạc màu sang trồng cây kinh tế. Ông đã lấy mẫu đất ruộng cho con trai đem về Hà Nội hỏi cơ quan nghiên cứu khoa học xem trồng được cây gì, trong số những giống cây được tư vấn ông đã chọn cây thanh long ruột tím trồng trên diện tích gần 500 m2 với gần 700 trụ cây, mỗi năm thu hoạch và bán được hơn 200 triệu đồng. Gia đình ông còn đào 700 m2 ao thả cá kết hợp chăn nuôi gà, vịt, lợn. Hiện giờ, gia đình đang xây mới ngôi nhà theo mẫu nhà vườn rộng hơn 200 m2 trị giá gần 1,5 tỷ đồng.
Đến phường Trung Tâm - nơi có chợ Mường Lò, có các tuyến phố kinh doanh dịch vụ và có các làng nghề truyền thống, phường có nhiều thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Bên cạnh những điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi tôi được biết đến nhiều điển hình về tích cực tham gia công tác xã hội như thương binh 3/4 Nguyễn Quang Trung ở tổ dân phố 8, ông nhập ngũ năm 1966 và bị thương ở chiến trường Nam Lào. Nay 77 tuổi và có nhiều năm làm Trưởng ban Công tác Mặt trận, ông đã tự tập hợp anh em thương binh lập thành tổ an ninh trật tự thường xuyên phối hợp làm công tác ổn định trật tự khu chợ Mường Lò. Tuy tuổi cao nhưng mấy chục năm qua gia đình vẫn duy trì nghề truyền thống sản xuất thịt sấy. Ông cho biết, mỗi năm, tiêu thụ bình quân khoảng 1 tấn hàng và năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên bán được vài tạ, thu nhập cao điểm vào các dịp lễ tết. Ông không những là thương binh làm kinh tế giỏi mà còn là một cán bộ mặt trận được bà con khu phố kính nể.
Cũng như vậy, thương binh Nguyễn Xuân Hinh người đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, hiện là Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 4. Ở tuổi 70 nhưng ông vẫn đảm nhận Đội trưởng Đội bảo vệ của Bệnh viện chất lượng cao Trường Đức tại thị xã Nghĩa Lộ. Với phong cách nhanh nhẹn, nói đi đôi với làm ông đã tập hợp được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và huy động mọi nguồn lực xây dựng tổ dân phố văn hóa, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua ở cơ sở.
Đến phường Pú Trạng, ngoài những tấm gương thương, bệnh binh làm kinh tế giỏi, mọi người thường nhắc tới bà Phạm Thị Niệt - một gia đình mà chồng là thương binh, vợ là cựu thanh niên xung phong có hai đứa con là nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Hoàn cảnh ác nghiệt như vậy nhưng bà Niệt vẫn giữ vững bản lĩnh của cô thanh niên xung phong ngày nào, cần mẫn chăm chồng, chăm con và tích cực tham gia các hoạt động của hội cựu thanh niên xung phong, hội người cao tuổi.
Còn nhiều lắm những điển hình tiên tiến trong lớp lớp thương binh, bệnh binh nơi thị xã miền Tây và thật là thiếu sót khi chưa nhắc tới những gia đình liệt sĩ tiêu biểu như bà Đào Thị Vọng dân tộc Tày ở phường Tân An. Suốt một đời ngóng về phương Nam xa xôi, nơi ấy có người chồng vĩnh viễn nằm lại mà hơn 50 năm rồi vẫn chưa tìm được hài cốt. Chồng bà hy sinh khi hai con nhỏ chưa đủ lớn để định hình gương mặt người cha. Từ đó, bà một mình nuôi con và ngóng chồng, nguyện thay chồng nuôi dạy con khôn lớn, trưởng thành.
Con gái lớn của bà trở thành giáo viên, con trai thứ là anh Hà Văn Nam - một kỹ sư nông nghiệp luôn có chí tiến thủ và đảm nhận nhiều cương vị công tác, nay đang giữ cương vị Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Nghĩa Lộ. Bà Vọng đã có cháu, chắt nhưng vẫn chưa nguôi nỗi đau khi chưa tìm được hài cốt của chồng dù chỉ là nắm đất ấm hơi người… Sự hy sinh của những người chồng, người cha và sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người vợ, người con đã tạc vào lịch sử để tạo nên dáng hình đất nước. Một đất nước kiên cường trước bão giông!
Đến đâu tôi cũng nghe và thấy thật nhiều hình ảnh những thương, bệnh binh kiểu mẫu, những gia đình liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong nhịp sống hối hả hôm nay. Họ là những người luôn khắc sâu lời dạy của Bác tiếp tục phát huy truyền thống và khả năng của mình để ra sức lao động, học tập và cống hiến. Nghĩ về những người đã từng chịu nhiều mất mát đau thương ấy tôi liên tưởng đến hình ảnh cây xương rồng gai góc luôn tồn tại với sức sống dẻo dai cả trong môi trường khắc nghiệt nhất. Sức vươn dậy của những thương binh, bệnh binh, những gia đình có công với nước tựa như sức sống của những cây xương rồng trên đá sỏi!
Nguyễn Thị Thanh