Chuyến công tác tháp tùng đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đi kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thăm các mô hình kinh tế tiêu biểu tại các xã vùng Đông hồ Thác Bà huyện Yên Bình gợi cho tôi nhiều trăn trở về một vùng đất giàu tiềm năng, thế mạnh mà bấy lâu vẫn chưa bứt hẳn ra khỏi cái nghèo. Cũng đã có vài mô hình kinh tế tập thể, cá nhân trong vùng bước đầu tìm được hướng đi mới, khá hiệu quả. Tuy vậy, câu chuyện làm thế nào để phát triển bền vững cho cả vùng, hình thành nên các chuỗi sản phẩm có giá trị kinh tế cao mới là cốt lõi, là mục đích chính mà những người hoạch định chính sách, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo huyện Yên Bình đang hướng đến. Và để làm được điều đó, nhất định không chỉ có "hô hào”, "khẩu hiệu” mà cần phải có sự chung tay vào cuộc với quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị; sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân các dân tộc vùng Đông hồ.
|
Yên Bình - chỉ cái tên thôi đã gợi cho chúng ta một cảm giác hạnh phúc, bình an đến kỳ lạ. Đây là huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh Yên Bái, có vị trí quan trọng là cầu nối phát triển kinh tế, văn hóa giữa khu vực trung du miền núi và vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Huyện có diện tích tự nhiên trên 77 nghìn ha, trong đó đất nông - lâm nghiệp chiếm gần 70%, có diện tích mặt nước hồ Thác Bà trên 15.000 ha, chiếm 20,6% tổng diện tích toàn huyện...
Là địa phương có điều kiện địa lý, khí hậu tự nhiên thuận lợi; tiềm năng về mặt nước, rừng và khoáng sản là những thế mạnh của huyện. Do vậy, sản xuất công nghiệp là một thế mạnh trong phát triển kinh tế của Yên Bình.
Cơ cấu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu của nền kinh tế địa phương. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 là 4.200 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2021 hướng đến đạt mục tiêu 70 triệu USD với những sản phẩm chủ yếu là: xi măng; điện sản xuất; quần áo may sẵn; ván bóc, ván ép, gỗ xẻ và các sản phẩm từ đá...
Trong sản xuất nông nghiệp, đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất có quy mô lớn như: có trên 33 nghìn ha rừng trồng, hàng năm trồng mới 3 nghìn ha, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trên 200.000 m3; có hơn 2.000 lồng nuôi cá trên hồ Thác Bà và 230 ha diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá, tổng sản lượng thủy sản của huyện năm 2020 đạt trên 7.500 tấn. Huyện có gần 1.600 ha cây ăn quả, trong đó có 825 ha bưởi đặc sản Đại Minh đã được cấp Chứng nhận nhãn hiệu năm 2016 và Chỉ dẫn địa lý năm 2020.
Nói thêm về hồ Thác Bà - đây là một trong những tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế, đặc biệt về khai thác, nuôi trồng thủy sản và du lịch của Yên Bình. Được hình thành khi đập thủy điện Thác Bà hoàn thành năm 1971, hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, cách Thủ đô Hà Nội 140 km theo quốc lộ 2 về phía Tây.
Hồ Thác Bà là hồ đa chức năng, gồm: sản xuất điện, thủy lợi, giao thông, du lịch, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Diện tích vùng hồ là 23.400 ha, diện tích mặt nước 19.050 ha, chiều dài 80 km, mực nước dao động từ 46 m - 58 m, chứa được 3 - 3,9 tỷ mét khối nước.
Hồ Thác Bà có tới 1.331 hòn đảo lớn, nhỏ, cùng với hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi như: động Thủy Tiên, xã Mông Sơn; động Cẩu Quây, xã Xuân Long. Hồ được ví như "Hạ Long trên núi” và được đánh giá rất nhiều tiềm năng để khai thác du lịch. Năm 1996, hồ Thác Bà được công nhận là Di tích lịch sử danh thắng cấp Quốc gia; ngày 19/12/2018, danh thắng hồ Thác Bà đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1775/QĐ-TTg.
Với diện tích lớn, hồ Thác Bà có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản và trồng cây màu trên đất bán ngập dưới cos 58 hồ Thác Bà. Hiện nay, huyện Yên Bình đang xây dựng Dự án phát triển thủy sản theo chuỗi liên kết giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm, chế biến sâu để xuất khẩu trong thời gian tới.
Đến nay, trên hồ Thác Bà có 2 doanh nghiệp và 5 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, trên 300 hộ dân nuôi cá lồng và nuôi cá quây lưới; có khoảng 15% dân số ở 20 xã, thị trấn ven hồ sống chủ yếu dựa vào đánh bắt nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà.
Người dân xã Phúc An, huyện Yên Bình sơ chế cá đánh bắt trên hồ Thác Bà. (Ảnh: T.L)
Theo số liệu thống kê gần nhất của huyện Yên Bình, đến tháng 7 năm 2021, trên hồ Thác Bà có 2.057 lồng nuôi cá và trên 230 ha diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá; tổng sản lượng thủy sản của huyện năm 2021 ước đạt 8.000 tấn, trong đó: sản lượng nuôi cá lồng trên 6.800 tấn; sản lượng khai thác đánh bắt tự nhiên khoảng 700 tấn (600 tấn cá các loại và 100 tấn tôm); sản lượng nuôi cá ao, hồ nhỏ đạt 541 tấn...
Huyện Yên Bình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, nuôi khoảng 3.000 lồng cá trên hồ Thác Bà, đưa sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 10.000 tấn. Hiện nay, huyện đang mời gọi doanh nghiệp đầu tư dự án xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản và thức ăn cho cá trên địa bàn huyện để sản xuất cá xuất khẩu, chủ yếu là sản phẩm cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng phi lê sang thị trường các nước như: Mỹ, Nhật, Thái Lan. Đặc biệt thuận lợi hơn, ngày 17/10/2019, tỉnh Yên Bái đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu "Cá hồ Thác Bà đặc sản Yên Bái” theo Quyết định số 91524/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng hồ Thác Bà, một số mô hình kinh tế tiêu biểu đã được xây dựng và bước đầu cho thấy những kết quả rất khả quan. Có thể kể đến mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo của Hợp tác xã (HTX) Thiên An, địa chỉ thôn Cà Lồ, xã Xuân Lai, quy mô nuôi từ 70 - 100 con. Mỗi năm, hợp tác xã nuôi luân chuyển để bán trâu, bò giống và trâu bò thịt khoảng 1.500 con; trong đó trâu, bò giống 600 con, trâu, bò thịt 900 con.
Mô hình chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò của HTX Thiên An, tại xã Xuân Lai, huyện Yên Bình.
Lợi nhuận bình quân của một thành viên hợp tác xã đạt 150 triệu đồng/năm; trung bình 1 con trâu, bò vỗ béo lãi 2,5 - 3 triệu đồng. Số lượng trâu, bò giống cơ bản cung ứng cho các hộ chăn nuôi trong huyện; trâu bò thịt bán cho các lò mổ tại tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai và Hà Nội. Dự án khoa học - công nghệ cấp tỉnh trồng 2 ha cây thanh long ruột đỏ tại 3 xã: Bạch Hà, Mỹ Gia, Cảm Nhân đã rất thành công và chỉ sau trồng 17 tháng đã cho thu hoạch lứa thứ nhất và ổn định năng suất từ năm thứ 3, bình quân đạt 25 tấn/ha. Sau 8 năm thực hiện đã nhân rộng được trên 60 ha, cho thu nhập từ 450 - 500 triệu đồng/ha.
Huyện đang triển khai nhân rộng tại các xã, thị trấn và có cơ chế hỗ trợ giống, vật tư cho các hộ cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu. Mô hình nuôi cá của Công ty cổ phần Nghiên cứu, ứng dụng dịch vụ khoa học công nghệ T&T với 105 lồng nuôi cá, có thể tích trung bình 500 m3/lồng, sản lượng bình quân năm đạt 1.000 tấn, lợi nhuận đạt trên 3 tỷ đồng/năm. Mô hình nuôi cá của Hợp tác xã Thủy sản Hoàng Kim với 300 lồng nuôi cá, sản lượng năm 2021 dự kiến đạt 200 tấn, doanh thu đạt khoảng 8 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt khoảng 1 tỷ đồng...
Ông Hoàng Văn Liêm - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Thiên An phấn khởi cho biết: "Với quyết tâm xây dựng nguồn thực phẩm sạch, uy tín, chất lượng, chúng tôi cũng như các doanh nghiệp, HTX khác cam kết sẽ đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân; quyết tâm cùng huyện Yên Bình thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Với những tiềm năng, thế mạnh đang sở hữu, cùng việc đã có một số mô hình kinh tế mũi nhọn hình thành trên tất cả 13 xã, thị trấn, vùng Đông hồ huyện Yên Bình đang cho thấy hướng đi đúng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp - thủy, hải sản.
Với những quyết sách đột phá chiến lược, ưu tiên, tạo điều kiện tối đa về chính sách, nguồn vốn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và các mô hình hợp tác xã trên địa bàn, huyện Yên Bình sẽ thúc đẩy nhanh quá trình phát triển sản xuất - kinh doanh, nhân rộng các mô hình kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động tại chỗ và sự phát triển bền vững cho vùng "đất vàng, nước bạc” của địa phương.
Thiên Cầm
Bài 2: Xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa - định hình hướng đi