Muốn phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản hay bất cứ loại hình sản xuất hàng hóa nào trong giai đoạn hiện nay đều phải chú trọng đến việc tạo được chuỗi giá trị sản phẩm bền vững. Đây được xem là xu thế và hướng đi mới giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững.
Theo đó, đối với những mô hình đã hình thành, huyện Yên Bình chỉ đạo rất sát sao với phương châm "làm đến đâu chắc đến đó”, tuyệt đối không nôn nóng làm mất thương hiệu sản phẩm. Cụ thể, trong quá trình chăn nuôi của HTX Thiên An, huyện chỉ đạo HTX tuân thủ chặt chẽ quy trình tiêm phòng dịch bệnh cho đàn trâu, bò dưới sự giám sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp và UBND xã; chú trọng nghiên cứu, ứng dụng quy trình chọn tạo con giống, chọn trâu, bò có tầm vóc, hình dáng đủ tiêu chuẩn làm con mẹ để áp dụng biệp pháp thụ tinh nhân tạo, nâng cao chất lượng tầm vóc con giống và thực hiện chặt chẽ quy trình chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh để cung ứng con giống cho các hộ, cơ sở chăn nuôi trong và ngoài huyện bảo hành tiêu chuẩn, chất lượng giống; hướng dẫn HTX xây dựng Dự án "Xây dựng, nhân rộng mô hình HTX Chăn nuôi vỗ béo trâu, bò và cung ứng con giống an toàn dịch bệnh trên địa bàn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái” theo chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trình UBND tỉnh.
Đặc biệt, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã và hộ dân ven hồ Thác Bà tận dụng diện tích đất bán ngập dưới cos 58 hồ Thác Bà để gieo cấy lúa xuân và cây màu vụ xuân với diện tích khoảng 800 ha, trong đó diện tích lúa 200 ha, lạc 350 ha, ngô 100 ha, dưa hấu, dưa lê 150 ha. Huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật đưa các giống cây trồng năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như giống lạc L12, L14; ngô NK66, DK9619, NK4300; giống dưa hấu GS227, Hoàn châu, Ánh dương; giống dưa lê Trung nông, Cát thiên...
Sản phẩm dưa hấu trên đảo hồ Thác Bà. (Anhr: T.L)
Song song đó, huyện đặc biệt quan tâm giới thiệu tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đảm bảo thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó; chỉ đạo trồng rải vụ đối với cây dưa lê và dưa hấu để không thu hoạch tập trung một thời điểm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Vụ xuân năm 2020 được đánh giá được mùa với năng suất và sản lượng các loại cây mầu dưới cos 58 hồ Thác Bà, trong đó thu nhập từ lúa đạt 38 triệu đồng/ha/vụ; dưa hấu 120 ha, sản lượng 3.240 tấn, thu nhập 162 triệu đồng/ha/vụ; dưa lê 30 ha, năng suất 11 tấn/ha, sản lượng 330 tấn, thu nhập 165 triệu đồng/ha/vụ; lạc 350 ha, sản lượng 570,5 tấn, thu nhập 52,2 triệu đồng/ha/vụ. Dự kiến, tổng thu nhập các loại cây màu dưới cos 58 hồ Thác Bà đạt 52.71 tỷ đồng.
Đối với mô hình nuôi cá của Công ty cổ phần Nghiên cứu, ứng dụng dịch vụ khoa học công nghệ T&T, năm 2020, huyện Yên Bình đã hỗ trợ Công ty thực hiện Dự án Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cá nuôi trên hồ Thác Bà, bước đầu đã đem lại hiệu quả.
Cụ thể, đã mở rộng quy mô nuôi từ 55 lồng lên 102 lồng; liên kết sản xuất với 4 hộ nuôi cá tại 5 xã, thị trấn trọng điểm vùng nuôi cá lồng và cam kết tiêu thụ sản phẩm; đã đưa sản phẩm cá rô phi và diêu hồng phi lê vào hệ thống siêu thị Vinmart Hà Nội và cung ứng cá lăng, cá trắm đen, cá nheo Mỹ cho các nhà hàng, khách sạn ở các thành phố lớn.
Cá lồng nuôi trên hồ Thác Bà. Ảnh: Thanh Miền
Thực hiện áp dụng nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận năm 2019 đã góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm của các loại cá nuôi đáp ứng yêu cầu của thị trường. Trong năm 2021 - 2022, huyện dự kiến hỗ trợ về chính sách, nguồn vốn vay ưu đãi để Công ty mở rộng quy nuôi trên 700 lồng, sản lượng khoảng 8.000 tấn/năm và mở rộng liên kết sản xuất với các HTX, tổ hợp tác, hộ dân để nuôi cá rô phi và cá diêu hồng; tiến tới xây dựng Nhà máy Chế biến thủy sản và thức ăn cho cá, công suất 24 nghìn tấn cá tươi/năm sản xuất cá phi lê xuất khẩu sang các nước Mỹ, Nhật, Thái Lan và các nước châu Phi.
Huyện cũng đã hỗ trợ HTX Hoàng Kim đăng ký nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký 2 sản phẩm OCOP là cá lăng sấy và ruốc cá lăng; dự kiến năm 2021 xây dựng Nhà máy Chế biến thủy sản, công suất 1.500 tấn/năm tại thôn An Lạc, xã Hán Đà, quy mô diện tích 1.700m2. Liên kết sản xuất với một số HTX và hộ dân tại xã Hán Đà, Thịnh Hưng để mở rộng quy mô thêm 400 lồng, đáp ứng sản lượng sản phẩm đầu vào để chế biến. HTX cam kết ký hợp đồng nuôi với từng loại cá, có trách nhiệm tư vấn kỹ thuật, có thể ứng trước một phần con giống và thu mua sản phẩm cá tươi theo giá phù hợp với thị trường tại thời điểm thu mua, đảm bảo không thấp hơn giá ấn định khi ký hợp đồng...
Nói về định hướng phát triển kinh tế vùng Đông hồ Thác Bà trong thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Yên Bình - An Hoàng Linh cho biết: "Thực tiễn đặt ra là thị trường, người tiêu dùng ngày càng "khó tính”, yêu cầu các nhà sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường. 13 xã, thị trấn vùng Đông hồ Thác Bà là một trong những khu kinh tế trọng điểm, mũi nhọn của huyện, đã được hoạch định những chính sách để phát triển lâu dài, bền vững.
Vì thế, huyện đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình chú trọng chất lượng hàng hóa, đặc biệt không thể tiếp tục sản xuất kinh doanh theo kiểu manh mún, chộp giật, gây ảnh hưởng đến thương hiệu chung. Huyện đã thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu và tìm đầu ra bền vững cho các loại sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với các chuỗi giá trị hàng hóa bền vững chính là lời giải cho bài toán đầu ra của sản phẩm. Đâu có sản phẩm tốt thì nơi đó sẽ giành được ưu thế trên thị trường…”.
Người dân vùng Đông hồ với nghề đan rọ đánh bắt tôm.
Nhìn rộng ra các tỉnh bạn, có rất nhiều địa phương thực hiện xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa, thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý và đã rất thành công. Chỉ tính riêng thương hiệu về hoa quả, ở miền Bắc tiêu biểu phải kể đến như những thương hiệu: xoài Sơn La; mận Bắc Hà, Lào Cai; bưởi Đoan Hùng, Phú Thọ; nhãn lồng Hưng Yên; cam Cao Phong, Hòa Bình; vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang…
Những cái tên chỉ nghe đến thôi người ta đã biết là món đặc sản ngon có tiếng. Chúng ta cũng có thể hy vọng cùng xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa vùng Đông hồ, để một ngày không xa, biết đâu "Thanh long ruột đỏ hồ Thác Bà” hay "Dưa hấu mini hồ Thác Bà” sẽ nức tiếng gần xa! Mong muốn của lãnh đạo địa phương, của doanh nghiệp, nhà sản xuất là thế.
Tuy vậy, để thực sự nâng cao được chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và tìm kiếm được những đối tác tiềm năng, xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa bền vững, thực hiện thành công liên kết giữa "4 nhà”... là việc phải làm không chỉ ngày một, ngày hai, cũng không phải một cá nhân hay riêng lẻ một tổ chức nào làm được.
Với riêng vùng Đông hồ, hiện vẫn còn 3 xã nằm trong Chương trình 135. Những gì đang có bước đầu đã phần nào làm thay đổi bộ mặt của vùng đất vốn còn nhiều khó khăn, để từng bước thực hiện thành công, về đích chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2023 của huyện. Cần có sự vào cuộc thực sự mạnh mẽ và sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Đặc biệt, mỗi người dân vùng Đông hồ phải là người giữ lửa, người truyền cảm hứng để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả và bền vững.
Thiên Cầm
Bài cuối: Linh hoạt, tạo bước đột phá