Yên Bái gìn giữ bản sắc văn hóa phi vật thể trong tiến trình phát triển - Bài 1: Bản sắc và hội nhập

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/9/2021 | 11:09:57 AM

YênBái - Yên Bái là vùng đất đa sắc màu với nhiều dân tộc thiểu số cùng chung sống, sự đa sắc màu ấy tạo nên một nền văn hóa hội tụ những tinh hoa, giàu sắc thái, đậm đà bản sắc dân tộc.

Người Thái Mường Lò với nhiều nét văn hóa đặc sắc được tái hiện lại trong các lễ hội.
Người Thái Mường Lò với nhiều nét văn hóa đặc sắc được tái hiện lại trong các lễ hội.

Cùng với lịch sử ngàn đời, đây là tiền đề để xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” và xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII.

Từ di sản độc đáo...

Nhắc đến các di sản văn hóa phi vật thể của Yên Bái không thể không nhắc đến văn hóa dân tộc Thái với điệu xòe, câu khắp say đắm lòng người. Những năm trước khi chưa có dịch Covid-19, mỗi độ thu về, Mường Lò - vùng đất tổ của người Thái Tây Bắc lại lung linh sắc màu chào đón du khách về trảy hội. 

Còn nhớ, trong không khí náo nức, rộn ràng của Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò năm 2019, không giấu nổi niềm vui, Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến phấn khởi chia sẻ: "Thật không thể ngờ văn hóa của người Thái chúng tôi được mọi người từ khắp mọi miền Tổ quốc quan tâm đến vậy. Mỗi người Thái khi sinh ra đã được đắm mình trong điệu múa của dân tộc, được nuôi dưỡng và lớn lên cùng với điệu xòe”. 

Quả thực, điệu xòe, câu hát khắp có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái. Bởi vậy, dù không thể trả lời được câu hỏi "Điệu xòe có từ bao giờ”, nhưng dù là trai hay gái, người già hay người trẻ thì với mỗi người con dân tộc Thái, điệu xòe đều chiếm trọn tình cảm và là sợi dây gắn kết cộng đồng vô cùng đặc biệt. 

Theo dấu chân du khách, chúng tôi rời Mường Lò đến với những bản người Mông ở huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải - nơi có tiếng khèn Mông réo rắt vang xa để thấy rõ nét văn hóa truyền thống dân tộc Mông được thực tiễn đánh giá trường tồn với thời gian, không lẫn với dân tộc khác. 

Từng nhiều lần gặp gỡ nghệ nhân người Mông - Giàng A Dao ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, mỗi lần đều cho chúng tôi những khám phá bất ngờ, thú vị để càng thêm hiểu, thêm yêu về một nền văn hóa đầy sức sống. 

Còn nhớ, có lần trong hơi men rượu nồng, nghệ nhân Giàng A Dao nhấc chiếc khèn được treo trang trọng giữa nhà, bước ra sân dưới tán hoa sơn tra thổi một bài khèn tặng du khách đến thăm. Tiếng khèn khi thì dập dìu, khi thì rộn ràng vang xa. Bóng người, bóng khèn in vào trời xanh, bên những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, đắm say, mê hoặc lòng người... 

Ở đâu đó, tôi cũng đã từng nghe một câu ca dao mà người Tày đã ví: "Ké quá tàng nghìn tiểng lượt Then. Mừa lườn táng piến pền báo ón...”. Tạm dịch là: "Già qua đường nghe tiếng lượn Then/ Về nhà như biến thành trai trẻ...”. 

Cũng như đồng bào dân tộc Thái, Mông, người Tày trao truyền tiếp nối giữa thế hệ trước và thế hệ sau những điệu hát Then hay nghi lễ tâm linh tín ngưỡng như lễ hội lồng tồng, lễ mừng lúa mới, lễ mừng thọ, lễ cúng mụ và các nghi thức thờ cúng tổ tiên. Tất cả cùng cộng hưởng để tạo nên bức tranh đa sắc, nhiều giá trị độc đáo. 

Bước chân rong ruổi khắp nẻo đường Yên Bái với mỗi vùng đất đã qua, mỗi câu chuyện đã nghe, những phong tục, tập quán tận mắt chứng kiến đều để lại trong tim những người làm báo chúng tôi cảm xúc, nỗi niềm riêng. Nhìn lại, cảm nhận ra rằng văn hóa phi vật thể của các dân tộc Yên Bái luôn ẩn chứa trong mình tầng tầng lớp lớp giá trị, tạo nên một không gian mênh mông đầy sức hút.



Nghệ nhân Giàng A Dao ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu biểu diễn múa khèn Mông. 

... Đến dịch chuyển hội nhập

Các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh vẫn giữ những phong tục, tập quán, cách hành xử, nét hồn cốt trong bản sắc riêng. Trong tiến trình hội nhập và phát triển, sự giao lưu văn hóa đã thổi một luồng gió mới, len lỏi vào khắp các bản làng. Đồng bào dân tộc thiểu số bắt đầu biết chọn lọc, tiếp nhận, tự làm phong phú, hiện đại hơn nền văn hóa truyền thống. 

Để thuận tiện, phù hợp với lao động, sản xuất hàng ngày, phụ nữ, đàn ông nhiều dân tộc thiểu số đã chuyển sang mặc trang phục hiện đại. Và họ vẫn giữ gìn, nâng niu mặc trang phục truyền thống mỗi dịp lễ, tết đặc biệt. Không chỉ vậy, họ còn sử dụng những văn hóa đặc sắc của dân tộc mình để phát triển kinh tế, làm du lịch nhất là du lịch cộng đồng (Homestay). 

Chính điều này đã góp phần thay đổi diện mạo du lịch Yên Bái, tạo nên sức hút kỳ lạ, hấp dẫn, đưa hình ảnh một miền sơn cước với những thắng cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, nền văn hóa lâu đời, độc đáo đến với du khách. Là một trong những địa phương có tiềm năng và biết tận dụng tiềm năng thắng cảnh kết hợp văn hóa truyền thống để làm Homestay, huyện Yên Bình hàng năm đón hàng nghìn lượt du khách. Các bản làng Homestay của Yên Bình ẩn hiện hòa trong vẻ đẹp của thiên nhiên. Đến đây có thể cảm nhận những điều tưởng chừng đã rất thân quen lại trở thành lạ lẫm, khác biệt. 

Sự khác biệt tạo nên bản sắc. Các chàng trai, cô gái người Dao tràn đầy sức sống ngân nga câu hát Páo Dung, uyển chuyển trong điệu múa Lù, múa Chuông, rồi lênh đênh sóng nước trên mặt hồ Thác Bà để đêm đến thưởng thức hương vị đậm đà những món ăn truyền thống do chính đồng bào nơi đây chế biến, thật quá thi vị!

Bên cạnh những cái mới, cái được thì sự "cho và nhận” của hội nhập đã đưa nền văn hóa đậm đà bản sắc trước nguy cơ bị mai một, phai nhạt dần. Những nghệ nhân cao tuổi, già làng, trưởng bản trong các bản làng ra đi và mang theo những "tư liệu sống” của một vùng văn hóa. Trang phục truyền thống bị biến dạng thậm chí khước từ khỏi đời sống. Thế hệ trẻ không còn biết nói tiếng dân tộc mình. 

- Noọng dưn thả thâng giờ nạy? (Cháu bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?).

-  Noọng kỉ lai pi nò. (Cháu học lớp 3 rồi ạ).

Đó là đoạn hội thoại ngắn giữa hai ông cháu người dân tộc Tày xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên. Tình trạng "ông hỏi gà, cháu trả lời vịt” như vậy diễn ra khá phổ biến giữa hai thế hệ. Thường những cụ già giao tiếp bằng tiếng dân tộc mình còn các bạn trẻ chỉ hiểu bập bõm, có khi còn không biết nói, nên tình trạng "lệch sóng” là chuyện bình thường. Lớp trẻ dưới 20 tuổi trên địa bàn hầu như không nói tiếng dân tộc mình, nhiều cặp vợ chồng trẻ đã bỏ qua tiếng "mẹ đẻ” mà chỉ dạy tiếng phổ thông cho con từ khi trẻ tập nói.

Lần gần đây nhất vào dịp cuối tháng 7/2021 trong chuyến công tác đến xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, vẫn còn đó ánh mắt đau đáu trĩu nặng nỗi niềm của Nghệ nhân ưu tú Nịnh Quang Thanh, người dân tộc Cao Lan khi tâm sự về văn hóa dân tộc thiểu số và lớp trẻ hiện nay: "Thế hệ ông bà, bố mẹ hay bằng tuổi tôi, văn hóa truyền thống của người Cao Lan đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. 

Câu hát Sình ca, múa xúc tép, múa còn đã ngấm vào máu, vào da thịt. Nhưng đến lớp trẻ bây giờ không còn mấy hứng thú, chúng thích nhạc trẻ, quần áo hiện đại”. Nghe như có tiếng thở dài! Không riêng dân tộc Cao Lan tại xã Hòa Cuông, ngày nay đến các làng bản người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nhất là những địa phương có những đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế lại dễ dàng bắt gặp những hình ảnh văn hóa truyền thống bị mai một.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chúng ta khuyến khích các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, đưa đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện, song luôn cần sự quan tâm đúng mực, đau đáu bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Hiện, toàn tỉnh có 714 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 4 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Nghệ thuật xòe Thái Mường Lò; "Hạn Khuống” của người Thái, thị xã Nghĩa Lộ; Lễ cấp Sắc của người Dao xã Đại Sơn, huyện Văn Yên; Lễ mừng cơm mới của người Mông, huyện Mù Cang Chải. Đặc biệt, nghệ thuật xòe Thái đang được tỉnh phối hợp với các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên xây dựng hồ sơ trình Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Lê Thương - Thu Hiền  
Bài 2: Giữ bản sắc, dệt tương lai

Tags Yên Bái gìn giữ bản sắc văn hóa phi vật thể

Các tin khác
Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt 6.800 tấn, bằng gần 58% kế hoạch, tăng 1.800 tấn so với cùng kỳ. Trong ảnh: Người dân Yên Bình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. (Ảnh: K.T)

Thời gian qua, nông nghiệp Yên Bái tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, là nền tảng, là trụ đỡ tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ được nhịp độ phát triển, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, nền nông nghiệp từng bước chuyển đổi từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp".

Khu tái định cư Bản Lùng hôm nay.

Sau bao dự định, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Bản Lùng - thôn đặc biệt khó khăn của xã vùng cao Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên để được tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây sau trận lũ quét lịch sử ngày 20//2018. Trước mắt tội là một Bản Lùng trái hẳn với cảnh hoang tàn của 3 năm về trước...

Công trình Nhà văn hóa thôn Nà Ta, xã Xuân Long, huyện Yên Bình trị giá 400 triệu đồng được người dân trong thôn hiến đất, đóng góp công sức xây dựng.

Sau tròn 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, Yên Bái có 75 xã đạt chuẩn, chiếm 50% (vượt 200% mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và vượt 22% so với bình quân chung của vùng miền núi phía Bắc). Trấn Yên trở thành huyện NTM đầu tiên của khu vực Tây Bắc.

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu trao đổi với các đảng viên Chi bộ thôn Tà Chử, xã Phình Hồ.

Chi bộ có 33 đảng viên, không gia đình đảng viên nào thuộc hộ nghèo, người dân tự hào gọi đó là “Chi bộ giàu”. Đây được xem như một “hiện tượng” ở huyện nghèo Trạm Tấu. Đó chính là Chi bộ Tà Chử, xã Phình Hồ. Kết quả đó là cả quá trình nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của những “hạt nhân chính trị” ở nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục