Trời thu tháng Tám, ở vùng cao đã se se lạnh. Con đường về Tà Chử sương giăng kín những đồi chè Shan cổ thụ. Mới đầu thu mà đứng trên đỉnh Phình Hồ nhìn xuống đã thấy cả một biển mây bồng bềnh dưới chân tựa cảnh chốn bồng lai tiên cảnh.
Con đường bê tông thênh thang uốn lượn như dải lụa trắng huyền ảo đưa chúng tôi về trong lâng lâng niềm hân hoan. Những ngôi nhà khang trang với mái tôn đỏ, mái phibro xi măng trắng nằm liền kề ngay bên đường. Quán xá đã đông hơn người mua bán… Tất cả vẽ nên bức tranh sắc màu no ấm ở huyện vùng cao nghèo Trạm Tấu.
Gặp tôi, đồng chí Vàng A Thái - Bí thư Chi bộ Tà Chử tươi cười chia sẻ: "Mọi người cứ gọi chúng tôi là Chi bộ giàu nhưng thực tế có 32/33 hộ khá, giàu còn 1 hộ thì không phải hộ nghèo nhưng đời sống thì khó khăn hơn chút. Chúng tôi xác định phải nỗ lực hơn nữa, mình là đảng viên phải nói được làm được, nói ít làm nhiều, phải có kết quả cụ thể thì dân mới tin, từ đó mới thực hiện tốt việc đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.”
Theo hướng tay đồng chí Vàng A Thái chỉ, nguyên cánh đồng Tà Chử rộng dài mấy triền đồi có trên 65 ha đất sản xuất nông nghiệp của bà con thôn Tà Chử, trong đó có 26,6 ha lúa nước, 10 ha lúa nương, 1,5 ha ngô và 4 ha trồng khoai sọ. Còn nữa, 90 ha chè Shan đang mùa thu hoạch, trong đó phần lớn diện tích của đồng bào Tà Chử. Vậy mà trước đây, do tập quán canh tác lạc hậu, đất đai "ngủ quên”, cuộc sống người dân đói khổ trên tài nguyên màu mỡ.
Được đảng viên và quần chúng tín nhiệm, năm 2017, đồng chí Vàng A Thái được bầu làm Bí thư Chi bộ. Sau khi ghép 2 thôn Tà Chử - Phình Hồ thành thôn Tà Chử thì hộ nghèo còn nhiều hơn. Với quyết tâm không để nghèo trên đất "vàng”, Bí thư Vàng A Thái với vai trò người "thuyền trưởng” của Chi bộ Tà Chử đã quyết tâm đánh thức tiềm năng của đồng đất quê hương, mà theo anh, người thực hiện xứ mệnh đánh thức tài nguyên Tà Chử không ai khác chính là những đảng viên của Chi bộ - những "hạt nhân chính trị” ở cơ sở.
Những cuộc họp Chi bộ thâu đêm được tổ chức không phải định kỳ 1 tháng 1 lần mà bất cứ khi nào có chủ trương mới, có vấn đề cần phải giải quyết là Bí thư Vàng A Thái triệu tập hoặc tổ chức họp theo tổ nhóm với những đảng viên đã thấm nhuần nghị quyết, đã được Nhà nước cho đi học đào tạo bài bản để tìm hướng tháo gỡ.
Ở Phình Hồ, diện tích đất canh tác ít trong khi có 171 hộ dân và 894 khẩu nên để dân không đói thì không có cách nào ngoài việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn những giống cây trồng ngắn ngày để xen canh và tận dụng diện tích đất "đầu thừa đuôi thụt” ở các chân ruộng để trồng khoai sọ, nhất là phải cải tạo các diện tích chè Shan để có một thương hiệu bền vững cả về chất lượng và số lượng, giúp người dân có thu nhập ổn định.
Đúng phương châm "đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, bắt đầu từ chính Bí thư Chi bộ Vàng A Thái, khi gia đình chỉ có 1.000 m2 ruộng nước, trên 7.000m2 chè Shan và vài mảnh nương khô cằn, anh cùng với gia đình chọn lựa những giống lúa lai cho năng suất cao để ổn định lương thực.
"Lấy ngắn nuôi dài”, từ vài triệu đồng tiền bán chè Shan mỗi đợt thu hoạch, gia đình anh đã có tiền chọn giống lúa năng suất, chất lượng cao thâm canh, để từ đó lại có thóc đặc sản Màng mủ và tẻ đỏ để bán. Từ thóc lúa và sự hỗ trợ về vay vốn của Nhà nước, anh lại đầu tư chăn nuôi gia súc, đến nay đã có 3 con trâu và hàng trăm con gia cầm để làm vốn quay vòng. Bí thư Vàng A Thái bộc bạch: "Mình cứ quay tròn với chè, lúa, ngô, lợn, gà là trong gia đình có thu nhập ổn định.”
Một buổi sinh hoạt của Chi bộ thôn Tà Chử, xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu.
Cùng với Bí thư Chi bộ Vàng A Thái, anh Giàng A Tu - Trưởng thôn Tà Chử quan niệm: "Dân tín nhiệm lựa chọn mình là Trưởng thôn để dù có việc lớn hay việc nhỏ, mọi người đều tìm đến mình chia sẻ, học hỏi. Nếu gia đình mình không gương mẫu thì nói không ai nghe và cũng thấy xấu hổ lắm”.
Nghĩ được, làm được, tận dụng diện tích đất của gia đình sẵn có nguồn nước, anh Tu đào ao thả cá, vừa có nguồn thức ăn thường xuyên cho gia đình, vừa cung cấp thực phẩm tươi ngon cho bà con trong vùng. Từ 2 ao thả cá, gia đình anh Tu có thêm đồng ra đồng vào để đầu tư chăm sóc tốt trên 5.000m2 lúa nước. Anh Tu khiêm tốn: "Hiện tại, mỗi năm, mình chỉ bán khoảng tấn thóc để lấy tiền mua thuốc phòng, chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm”.
Hiện, gia đình anh Tu có 6 con trâu, bò và đàn lợn 8 con, hàng trăm con gia cầm các loại. Anh Tu chia sẻ: "Giờ trong thôn các gia đình có việc lớn có thể đến nhà mình mua hoặc vay lợn, trâu, bò để phục vụ việc đột xuất nên mình cũng vui, vì giúp đỡ được họ. Cũng vì thế, nên khi mình vận động, tuyên truyền người dân cũng nghe và làm theo”.
Liệt kê những hộ giàu trong Chi bộ, Bí thư Vàng A Thái đếm gần hết các đốt ngón tay, người trẻ có đảng viên Giàng A Vàng, nay tuổi chưa đến 30. Nhà Vàng cũng có 8 con trâu, bò, đàn lợn 5 con và hàng trăm con gia cầm; thóc làm ra có nhiều để bán. Người già hơn có đảng viên Giàng A Châu, nhà ruộng nương ít chỉ có 4.000 m2 ruộng và ít đất nương nhưng có nhiều sáng tạo trong cách làm. Đó là phân chia ruộng trồng gạo đặc sản tẻ đỏ để ăn và bán, chỗ để gieo trồng lúa lai năng suất cao để chăn nuôi.
Đảng viên Giàng A Châu chia sẻ: "Thấy các đảng viên khác tích cực làm kinh tế được dân quý, dân tin, mình cũng phải học tập, chứ cùng là đảng viên sinh hoạt trong Chi bộ, họp mà bị nhắc nhở, kiểm điểm cũng xấu hổ lắm. Đất có, thời gian có, cứ chăm chỉ chịu khó không lo đói nghèo”.
Từ sự gương mẫu đi đầu của những người "thuyền trưởng”, Chi bộ Tà Chử từ một chi bộ nhiều người nghèo, nay trở thành một điểm sáng trong công tác xây dựng Đảng ở huyện nghèo Trạm Tấu khi Chi bộ không có đảng viên nghèo. Những "hạt nhân chính trị” ở Tà Chử không chỉ thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng mà bằng trách nhiệm tâm huyết với quê hương, họ còn là những người tiên phong khơi dậy phong trào phát triển kinh tế ở địa phương; nhiều hộ từ đó đã vươn lên thoát nghèo.
Ông Giàng Dua Ký, thôn Tà Chử cho biết: "Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn. Được các đồng chí đảng viên trong thôn vận động, rồi hướng dẫn vay vốn chăn nuôi, có chương trình, dự án nào về thôn, các đồng chí đều thông tin, vận động mọi người trong thôn cùng tham gia. Khi mình có nhiều trâu, bò rồi thì bán để mua máy xúc. Mình có thể giúp bà con làm nhà, làm đường. Mình rất tin tưởng, quý mến các đồng chí đảng viên”.
Từ 130 hộ nghèo năm 2017, nay cả thôn Tà Chử còn hơn 70 hộ nghèo. Chi bộ Tà Chử đã trở thành điểm sáng của Đảng bộ xã Phình Hồ và của Đảng bộ huyện Trạm Tấu, nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Mùa Sáy Tông - Bí thư Đảng bộ xã Phình Hồ khẳng định: "Chi bộ Tà Chử là một tập thể điển hình với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao của các đồng chí đảng viên, lan tỏa mạnh mẽ niềm tin tưởng của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Tà Chử 2 năm nay không chỉ kinh tế - xã hội phát triển mà giảm hẳn tình trạng sinh con thứ ba và tảo hôn. Đảng bộ xã Phình Hồ nhân rộng cách làm để các chi bộ khác học tập và làm được như Chi bộ Tà Chử”.
Chia tay Tà Chử khi ông mặt trời đã lên đến gần đỉnh đầu, sương tan để lộ ra đồi chè Shan cổ thụ cả trăm năm tuổi. Tôi tin, bằng tinh thần đoàn kết và trách nhiệm với quê hương, rồi đây những đảng viên ở Tà Chử sẽ giúp người dân ở vùng cao này có cuộc sống ấm no, giàu đẹp và hạnh phúc hơn.
Phương Thùy (Trung tâm TT&VH huyện Trạm Tấu)