Dẫn chúng tôi đi thăm khu tái định cư của Bản Lùng, Bí thư Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng - Lò Văn Mạnh cho biết: "Tất cả những hộ dân nơi đây đều là những hộ mất hết nhà cửa, ruộng vườn từ trận lũ quét tháng 7 năm 2018 gồm các thôn Than Dẹt, Bản Lùng và một số thôn bản khác trong xã, nhưng chủ yếu vẫn là Bản Lùng, bởi nơi đây chính là tâm điểm của trận lũ quét. Họ về khu tái định cư này với hai bàn tay trắng. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, các ban, ngành đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các nhà hảo tâm, người dân đã vươn lên để ổn định cuộc sống. Bây giờ đến Bản Lùng, chẳng ai có thể nghĩ nơi đây đã từng là tâm điểm của trận lũ quét kinh hoàng ngày đó…”.
Mải vui câu chuyện, chúng tôi đã đến nhà ông Ngô Văn Minh - Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Bản Lùng. Ông được mệnh danh như một "người hùng”, được Trung ương, tỉnh tặng bằng khen với những thành tích và nỗ lực trong việc giúp đỡ nhân dân trong bản về lương thực, thực phẩm và các vật dụng sinh hoạt thiết yếu để khắc phục khó khăn trong lũ quét. Cũng chính ông đã nhường đất cho 5 hộ dân trong bản bị lũ quét để làm nhà ở tại khu tái định cư này.
Khung cảnh tan hoang, nhiều ruộng lúa biến thành "cánh đồng đất đá" ở nhiều thôn của Phong Dụ Thượng, trong đó có Bản Lùng, trong trận lũ quét lịch sử năm 2018.
Chỉ tay về phía con suối đầu nguồn vẫn còn chỏng chơ đá núi, ông Minh cho biết, trước kia, đây là bản làng trù phú với mấy mươi nóc nhà. Con suối đầu nguồn mang nguồn nước tưới tiêu cho những cánh đồng 4 mùa xanh tốt.
Vậy nhưng, trong chớp mắt, nhà cửa, lợn gà, trâu bò, thóc ngô của bà con đã bị dòng lũ dữ cuốn trôi; hàng chục hộ dân bị hư hỏng nhà cửa, 5 hộ dân mất nhà hoàn toàn; hàng chục hec ta lúa, hoa màu cùng gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, vùi lấp, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Chỉ sau một đêm, người dân nơi đây đã lâm vào cảnh trắng tay, không nhà, không tài sản. Sau lũ, Bản Lùng những tưởng bị xóa sổ, nay đã trở thành khu tái định cư khang trang với 58 hộ dân sinh sống.
Nỗ lực của người dân cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái đã giúp người dân Bản Lùng xây dựng được những căn nhà cấp 4, nhà sàn kiên cố. Nhà nước đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để làm đường bê tông, xây nhà văn hóa, hỗ trợ nước sạch cho bà con trong bản và khu tái định cư Bản Lùng.
Tất cả những hộ có nhà bị lũ cuốn trôi hay sập đổ hoàn toàn nay đã có nơi ở an toàn. Mỗi hộ dân ở Bản Lùng đã chủ động trong việc khôi phục sản xuất, sửa chữa, san gạt, thu dọn đất đá, cây que vùi lấp, làm lại từng thửa ruộng, từng nương ngô để có đất gieo trồng, canh tác.
Những diện tích nào không thể khôi phục được, người dân chuyển đổi sang trồng ngô, canh tác lúa nước. Vụ Đông xuân năm 2019, sau mưa lũ chừng 5 tháng, người dân Bản Lùng đã khôi phục và đưa vào sản xuất 15 ha lúa xuân, 18 ha ngô xuân.
Cùng với tập trung ổn định đời sống, xã chỉ đạo thôn vận động nhân dân tập trung thâm canh tăng vụ, đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế vào nuôi trồng, sản xuất. Ghé thăm gia đình ông Ngô Văn Biên - một hộ dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở khu tái định cư, trong căn nhà cấp 4 xây kiên cố, ông Biên cho biết: "Trận lũ quét gia đình tôi mất hết nhà cửa, ruộng nương, trở về đây với hai bàn tay trắng. May mắn có sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi đã ổn định cuộc sống. Từ số tiền hỗ trợ, gia đình tôi tập trung phát triển chăn nuôi và kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa”.
Lãnh đạo xã Phong Dụ Thượng trao đổi với cán bộ thôn và nhân dân Bản Lùng.
Với gia đình ông Mai Văn Tân, từ khi chuyển về nơi ở mới, được hỗ trợ vay vốn, ông đã mạnh đầu tư chuồng trại nuôi bò. Đến nay gia đình ông đã có hơn 10 con bò. Ông Tân cho biết: "So với nơi ở cũ thì nơi ở mới khá thuận tiện, khang trang, Nhà nước đầu tư hỗ trợ nhiều thì bản thân mỗi gia đình phải tự vươn lên thoát nghèo để xây dựng bản làng ấm no. Với gia đình tôi cũng vậy, luôn ý thức vấn đề đó để có nghị lực thoát nghèo”.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng - Lò Văn Mạnh cho biết thêm: "Sự hồi sinh và phát triển của Bản Lùng hôm nay là nhờ quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo tỉnh Yên Bái và huyện Văn Yên; sự chung sức của cả cộng đồng và đặc biệt là sự năng động, nhiệt tình, trách nhiệm của Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Ngô Văn Minh. Bà con Bản Lùng giờ đây yên tâm sinh sống ở những ngôi nhà đủ 3 cứng "cứng mái, cứng nền, cứng tường”. Con đường vào Bản Lùng cũng thuận tiện hơn giúp người dân đi lại, giao thương”.
Phấn khởi hơn nữa đó là thôn đang phấn đấu hoàn thành những tiêu chí cuối cùng để trong tháng 10 năm nay hoàn thành 15/15 tiêu chí nông thôn mới (NTM), sớm ra mắt thôn NTM.
Đi trên con đường bê tông sạch sẽ chạy dài theo khu tái định cư, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Ngô Văn Minh cho biết thêm: Để thực hiện tốt mục tiêu thoát nghèo, xây dựng NTM, ngoài việc tích cực vận động, tuyên truyền nhân dân tập trung mở rộng, đa dạng các ngành nghề phát triển kinh tế, thôn chỉ đạo các chi hội đoàn thể vận động hội viên, đoàn viên gương mẫu thực hiện các tiêu chí, phần việc gắn với các phong trào: "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, "5 không 5 sạch”, "Ngày cuối tuần cùng dân”, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư.
Đến nay, người dân đã đưa vào canh tác 40 ha lúa nước 2 vụ với năng suất 53 tạ/ha; 20 ha ngô năng suất 38 tạ/ha; 60 ha quế; Bản Lùng đã phát triển được 15 mô hình chăn nuôi trâu, bò từ 10 con trở lên; gần 20 mô hình buôn bán, kinh doanh hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu. Toàn thôn đã bê tông hóa được trên 3 km đường giao thông và làm được 500 m đường đặc thù.
122 hộ dân Bản Lùng đoàn kết vươn lên phát triển kinh tế ổn định cuộc sống với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 26 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,8%, thôn đang phấn đấu cuối năm 2021 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3,2%, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên gần 30 triệu đồng.
Bản Lùng hôm nay đã và đang hồi sinh. Người dân nơi đây cũng đang từng ngày thích nghi, thay đổi phương thức sản xuất để từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, sớm đưa thôn trở thành thôn NTM vào cuối năm nay.
Thanh Tân