Niềm vui của mẹ

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/9/2021 | 8:34:17 AM

YênBái - Mái tóc cước trắng, tấm lưng còng - năm tháng đã hằn in trên bóng dáng Mẹ Việt Nam anh hùng Vũ Thị Thiệp ở tổ 3, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái đã ở tuổi 95. Thế nên chuyện cũ những ngày xưa xa có những điều nhớ và quên, đan xen lẫn lộn trong tâm trí mẹ. Nhưng cũng có những miền ký ức vẫn chưa thể phôi pha....

Mẹ Việt Nam anh hùng Vũ Thị Thiệp (bên phải) luôn nhắc nhở con cháu sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha, ông.
Mẹ Việt Nam anh hùng Vũ Thị Thiệp (bên phải) luôn nhắc nhở con cháu sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha, ông.

Hợp Minh ngày hôm nay là nơi mẹ sinh ra và lớn lên, gắn bó cho đến tận bây giờ. Những năm tháng thời thanh xuân, mẹ tham gia công tác ở xã, sớm được vào Đảng, trong đó có thời gian làm cán bộ chi ủy phụ nữ, rồi đi dân công hỏa tuyến, sau lại trở về địa phương, vẫn tham gia công tác ở xã đầy nhiệt tình, trách nhiệm. 

Mẹ bảo: "Nhớ thời đó, tổ chức phân công làm gì, đi đâu là sẵn sàng nhận nhiệm vụ đi ngay, làm ngay, tinh thần trách nhiệm cao lắm! Hầu như ai cũng thế, để góp sức cho Đảng, cho đất nước”. 

Mẹ góp sức cho đất nước không chỉ bằng tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ của tổ chức giao mà còn bằng cả sự mất mát to lớn của một người vợ, người mẹ có chồng, con hy sinh cho Tổ quốc. Chồng mẹ là liệt sĩ chống Pháp; người con trai cả cũng trở thành liệt sĩ khi tham gia chiến đấu trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. 

Nỗi đau mất người thân tất nhiên luôn luôn lớn lao nhưng mẹ hiểu lắm đó là những hy sinh vì Tổ quốc mình. Bởi đã thấu những mất mát, hy sinh nên với mẹ càng trân quý thêm biết bao nhiêu độc lập, tự do của đất nước. Thế nên, trong ký ức nhớ - quên của mẹ, cái niềm hân hoan, vui sướng mỗi dịp Quốc khánh mùng 2/9 của những năm xửa xưa thì vẫn còn vẹn nguyên, không phai nhạt. 

"Hồi ấy, có những năm tham gia mít tinh ở sân vận động, là cái sân vận động của thành phố bây giờ đó. Nào trống, nào cờ, cùng nhau đi bộ đến chỗ mít tinh. Đông, vui, hân hoan lắm! Trước đó thì cùng nhau tập tành văn nghệ, hát hò. Có những năm tôi còn được chỉ huy đội văn nghệ của phụ nữ biểu diễn tham gia mít tinh nữa” - khóe miệng móm mém của mẹ vén lên niềm vui nhắc chuyện xưa. Rồi mẹ lại bảo: "Càng hân hoan, vui mừng trong những dịp như thế lại càng nhắc nhớ đến sự hy sinh của bao người đã ngã xuống. Mọi người đều bảo nhau như thế đấy!”. 

Sống gần thế kỷ, mẹ Thiệp đã đi qua và chứng kiến biết bao đổi thay của quê hương, đất nước, từ những năm gian khó chiến tranh cho đến công cuộc đổi mới hôm nay. Mẹ bảo: "Ngay quê hương Hợp Minh nhỏ bé của mình đây cũng đổi thay nhiều lắm rồi! Cuộc sống của các con, các cháu bây giờ được ấm no, sung sướng gấp nhiều lần thời xưa của mẹ. Nhìn thấy vậy là vui lắm! Cũng chỉ mong cho thế hệ con cháu mỗi ngày càng thêm tốt đẹp, sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha, ông”. 

Còn với bản thân mình, niềm vui của mẹ giờ đơn giản lắm. Mẹ kể chuyện được con cái quan tâm, chăm sóc, được các đồng chí cán bộ các cấp thăm hỏi, động viên mỗi dịp lễ tết hay kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ…

"Thế là mẹ vui lắm rồi, không còn mong gì hơn!” - mẹ cười hiền bảo vậy. Cũng có giây phút suy tư, mẹ chia sẻ, dường như là những điều tận tâm can: "Thời xưa, tham gia công tác, công việc chung của tổ chức, ai cũng nhiệt tình và đoàn kết lắm! Mẹ mong sao, thế hệ con cháu mình cũng vậy, phải biết đoàn kết, luôn đoàn kết, nhất là với công việc, nhiệm vụ được giao trong tổ chức, có vậy mới hoàn thành tốt công tác, mới kiến thiết và xây dựng quê hương, đất nước mình tươi đẹp hơn nữa”.
Thu Hạnh

Tags Yên Bái niềm vui của mẹ Mẹ Việt Nam anh hùng miền ký ức phường Hợp Minh thành phố Yên Bái

Các tin khác
Người Thái Mường Lò với nhiều nét văn hóa đặc sắc được tái hiện lại trong các lễ hội.

Yên Bái là vùng đất đa sắc màu với nhiều dân tộc thiểu số cùng chung sống, sự đa sắc màu ấy tạo nên một nền văn hóa hội tụ những tinh hoa, giàu sắc thái, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt 6.800 tấn, bằng gần 58% kế hoạch, tăng 1.800 tấn so với cùng kỳ. Trong ảnh: Người dân Yên Bình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. (Ảnh: K.T)

Thời gian qua, nông nghiệp Yên Bái tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, là nền tảng, là trụ đỡ tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ được nhịp độ phát triển, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, nền nông nghiệp từng bước chuyển đổi từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp".

Khu tái định cư Bản Lùng hôm nay.

Sau bao dự định, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Bản Lùng - thôn đặc biệt khó khăn của xã vùng cao Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên để được tận mắt chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây sau trận lũ quét lịch sử ngày 20//2018. Trước mắt tội là một Bản Lùng trái hẳn với cảnh hoang tàn của 3 năm về trước...

Công trình Nhà văn hóa thôn Nà Ta, xã Xuân Long, huyện Yên Bình trị giá 400 triệu đồng được người dân trong thôn hiến đất, đóng góp công sức xây dựng.

Sau tròn 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, Yên Bái có 75 xã đạt chuẩn, chiếm 50% (vượt 200% mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và vượt 22% so với bình quân chung của vùng miền núi phía Bắc). Trấn Yên trở thành huyện NTM đầu tiên của khu vực Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục