Đột phá Tú Lệ - Bài 2: Con đường đoàn kết dân tộc

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/9/2021 | 7:44:23 AM

YênBái - Tú Lệ nằm dưới chân đèo Khau Phạ. Thung lũng Tú Lệ được bao bọc bởi 3 dãy núi: Khau Song, Khau Thán và Khau Phạ. Là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn nhưng Tú Lệ lại có đến 97% các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa. Điều kỳ diệu ấy bắt nguồn từ hai chữ "đoàn kết".

Bí thư Đảng ủy xã Nậm Có Sùng A Dê và Bí thư Đảng ủy xã Tú Lệ - Bùi Thị Doan trao đổi trong quá trình thi công đường.
Bí thư Đảng ủy xã Nậm Có Sùng A Dê và Bí thư Đảng ủy xã Tú Lệ - Bùi Thị Doan trao đổi trong quá trình thi công đường.


Tú Lệ có đến 93,2% là đồng bào dân tộc Thái, còn lại là dân tộc Mông và một số dân tộc khác. Tuyến đường Tú Lệ - Nậm Có dài hơn 3km, do Nhà nước đầu tư đến nay được bê tông hóa rộng rãi. Duy nhất đoạn 300m từ đầu đường nối với quốc lộ 32 (đoạn qua chợ Tú Lệ) thì ngày càng bị thu hẹp. Đoạn đường chỉ dài 300 m nhưng dốc cao, có khúc cua bị người dân lấn chiếm làm các công trình kiên cố nên chiều rộng chỉ còn gần 2 m, lòng đường bị xói mòn trơ đá, xe ô tô đi qua không thể tránh nhau. Nước thải sinh hoạt của hàng chục hộ dân dọc quốc lộ 32 dồn xuống chẳng những khiến giao thông đi lại khó khăn mà còn gây ô nhiễm môi trường khiến người dân vô cùng bức xúc. 

Ông Lò Văn Viện - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tú Lệ nhớ lại: "Thời điểm năm 2008, Nhà nước có chủ trương đầu tư tuyến đường vào xã Nậm Có, 2 xã đã phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân dỡ bỏ các công trình kiên cố, hiến đất để mở rộng đường nhưng không thành”. 

Nậm Có và Tú Lệ là hai xã giáp ranh, một thuộc huyện Văn Chấn, một thuộc huyện Mù Cang Chải. Trong đó, xã Tú Lệ có hơn 6.000 nhân khẩu, đa phần đồng bào Thái sinh sống; xã Nậm Có gần 8.000 dân, 70% dân số là đồng bào Mông sinh sống. Từ xưa, phong tục của người Mông và người Thái đã có sự khác biệt rất lớn nên khó tìm được tiếng nói chung. Chính vì vậy, đoạn đường 300 m gần 20 năm vẫn không thể giải phóng mặt bằng. 

Đồng chí Giàng A Tông - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cũng khẳng định, đây là tuyến đường quan trọng, nằm trên địa bàn 2 xã, hai dân tộc có sự khác biệt lớn về văn hóa nên rất khó triển khai. 

Tháng 5/2021, chính quyền hai xã quyết tâm giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến đường. Xi măng đã có Nhà nước hỗ trợ, người Mông ở Nậm Có sẵn sàng góp công, góp sức giúp xã Tú Lệ giải phóng mặt bằng. Chủ trương đưa ra được thống nhất trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã Tú Lệ và cụ thể hóa bằng nghị quyết giao cho tổ vận động giải phóng mặt bằng của xã.

"Kế hoạch ban đầu là giải phóng mặt bằng trong 3 tháng, sau rút lại còn 1 tháng bởi vì xã xác định đây là vấn đề vô cùng khó khăn nhưng phải làm dứt điểm” - Bí thư Đảng ủy xã Tú Lệ Bùi Thị Doan cho biết. 

Vì sao chỉ có 300 m mà công tác giải phóng mặt bằng lại khó khăn đến vậy? Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, với sự phát triển mạnh về du lịch sinh thái, giá trị đất đai của Tú Lệ tăng lên nhanh chóng, không chỉ những vị trí đất gần trung tâm xã mà cả những khu vực đồi rừng đường giao thông khó khăn cũng có người săn tìm để làm homestay. Người dân cho rằng, đất đai của mình có giá trị cao nên muốn được đền bù, đền bù ngay cả những diện tích mà người dân đã tự ý lấn chiếm xây dựng kiên cố và quan trọng hơn cả là nhận thức của người dân chưa tỏ. 

Bằng nhiều cách tuyên truyền, các thành viên tổ giải phóng mặt bằng của xã tới từng hộ, phân tích cho người dân hiểu rõ lợi ích mang lại sau khi mở rộng tuyến đường như: giá trị đất đai sẽ có biến động, mở rộng đường sẽ làm cống, rãnh, từ đó giải quyết được vấn đề môi trường, cửa hàng mở ra thuận lợi cho mua bán... 

Thông qua họp chi bộ, họp thôn, người dân đã dần đả thông tư tưởng. Tổ giải phóng mặt bằng của xã hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền để người dân đồng thuận tự giác ký vào biên bản hiến đất, phá bỏ công trình kiên cố. Công việc dự kiến trong vòng 1 tháng nhưng với cách làm như vậy chỉ sau 15 ngày đã hoàn thành. Ngày 12/8, những mét bê tông đầu tiên được đổ xuống, đánh dấu kết quả tinh thần đoàn kết của nhân dân 2 xã. 

Anh Sùng A Sa, thôn Phó Thái, xã Nậm Có cho biết: "Mỗi lần mang lúa, ngô, thảo quả, sơn tra ra quốc lộ bán qua đoạn đường này là ngại nhất. Đổ bê tông xong rồi thì đường rộng tới 6 m, thuận tiện lắm. Mình cũng đóng góp 200.000 đồng để làm tuyến đường này. Tuy đây là đoạn đường thuộc xã Tú Lệ nhưng cũng đi lại thường xuyên nên mình tự nguyện đóng góp. Nhiều người cùng góp sức mới được”.

Bà Lò Thị May, thôn Phạ Trên, xã Tú Lệ đã tự nguyện hiến gần 100 m2 đất chia sẻ: "Nhà mình phải lùi vào 1,5 m để làm đường, đất ở vốn đã hẹp nay còn hẹp hơn nhưng nhìn thấy con đường rộng trước cửa, người đi qua không còn phải dắt xe, không còn bị ngã mỗi khi trời mưa to, phấn khởi lắm!”. 

Bí thư Đảng ủy xã Nậm Có - Sùng A Dê và Bí thư Đảng ủy xã Tú Lệ Bùi Thị Doan đều khẳng định rằng, nếu không có tinh thần đoàn kết của nhân dân hai xã thì đoạn đường này không biết đến bao giờ mới có thể hoàn thành.

Được biết 9 tháng năm 2021, xã Tú Lệ đã kiên cố hóa được gần 10 km đường liên thôn. Nhiều tuyến đường đi qua khu dân cư đông đúc, đất đai chật hẹp nhưng người dân vẫn sẵn sàng di chuyển hàng rào, hiến đất làm đường. 

Ông Hoàng Văn È - người có uy tín trong cộng đồng ở bản Mạ Tun nhớ lại: "Trước đây, khi vận động nhân dân mở đường, ít người ủng hộ lắm! Mọi người nghĩ chỉ cần con đường mòn như vậy đủ rồi. Nhưng bây giờ kinh tế phát triển, nhà nhà có xe máy, con đường nhỏ không còn đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, trẻ con đi học mùa mưa trơn ngã, thương tích là chuyện thường xuyên”. 

Theo ông Hoàng Văn È, qua phân tích, tuyên truyền, người dân đã có cái nhìn xa hơn, thấy được lợi ích mang lại khi có tuyến đường rộng rãi. Đây chính là điểm nhấn quan trọng để năm 2021 xã Tú Lệ bắt tay vào xây dựng làng bản văn hóa, tiến tới khai thác lợi thế tự nhiên ở từng bản làng để làm du lịch cộng đồng. 97% các tuyến đường được bê tông hóa đã giúp người dân ở các thôn, bản xa trung tâm có điều kiện thuận lợi giao thương hàng hóa. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,98%, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt gần 37 triệu đồng, Tú Lệ cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Đoàn kết nhân dân, đoàn kết dân tộc và đoàn kết trong Đảng cùng thống nhất chủ trương, hành động là cách làm không mới nhưng đã và đang giúp cho Tú Lệ đổi thay từng ngày.

Anh Dũng - Ngọc Sơn

(Bài cuối: Vùng cao thay áo mới)

Tags Tú Lệ đoàn kết dân tộc giải phóng mặt bằng nông thôn mới đèo Khau Phạ

Các tin khác
Công an xã Tú Lệ bám sát cơ sơt, nắm bắt tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

"Ngày trước, mỗi lần xuống Pom Ban (trung tâm xã) đi chợ, chúng tôi phải rất cẩn thận về đồ đạc, tiền nong… sểnh ra mất như chơi!” - ông Hoàng Đình Công ở bản Chao nhớ lại. Đó là thời điểm những năm trước đổi mới, thung lũng Tú Lệ ngập tràn sắc hoa anh túc với diện tích gần 40 ha, chưa kể có gia đình còn trồng cả trên đồi rừng. Tú Lệ nghiễm nhiên trở thành "thủ phủ” của tất cả các thành phần "bất hảo” từ khắp nơi về buôn bán, trao đổi, nghiện hút…

Hệ thống giao thông Yên Bái được kết nối đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Thanh Miền)

Tôi thích những nhà văn viết về thời gian, triết lý thâm thúy về thời gian bởi trong những ngày này là thời khắc người ta nhớ đến ngày Yên Bái tách ra Hoàng Liên Sơn và trở về Yên Bái. Biết bao suy nghĩ về thời gian, 30 năm ấy là dài hay là ngắn, nó đã đủ để hát lên thành ngô vàng và nếp trắng như nhà thơ đã viết.

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu kiểm tra mô hình trồng khoai sọ ở xã Bản Mù.

Anh Giàng A Cho - thôn Khấu Ly, xã Bản Mù chia sẻ: "Trước đây nghe cán bộ nói trồng khoai sọ để làm giàu thì buồn cười lắm, vì nghĩ cây khoai sọ ở đây trồng bao đời rồi, giàu được chả đến lượt mình...". Bây giờ thì "... Mở điện thoại ra thấy người người ở phố huyện mình đăng bán khoai sọ trên Zalo, Facebook. Bảo sao mấy năm nay khoai sọ Bản Mù làm đến đâu hết đến đấy, lại được giá cao. Vậy là, năm nay mình cứ yên tâm trồng...".

Lãnh đạo xã Việt Thành kiểm tra chất lượng dâu ở thôn Lan Đình.

Sang thu. Vạn vật như thay đổi hẳn. Bầu trời xanh thăm thẳm. Không còn những trận mưa rào xối xả, không còn cái nắng bức, oi ả mà thay vào đó những cơn gió thu mát lành. Với người dân trồng dâu nuôi tằm ở nông thôn mới nâng cao Việt Thành, huyện Trấn Yên, vụ thu là vụ chính để họ thu hoạch kén trong năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục