Ý Đảng - lòng dân: Sức mạnh giảm nghèo - Bài 2: Không để mình ở lại phía sau

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/6/2022 | 7:52:00 AM

YênBái - Trong 2 năm 2019 - 2020, toàn tỉnh có 333 hộ nghèo viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Thay đổi nhận thức, hành động để người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo là điều được mong đợi nhất trong công cuộc giảm nghèo; là thành quả của quá trình kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục giải phóng tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong tư duy của người nghèo, kết hợp cùng những chính sách hỗ trợ giảm nghèo mở ra cánh cửa thoát nghèo bền vững.

Hộ nghèo được quan tâm, hỗ trợ, động viên thoát nghèo. (Trong ảnh: Hội Phụ nữ xã Lâm Giang, huyện Văn Yên hỗ trợ cây quế giống và trồng giúp gia đình hội viên nghèo).
Hộ nghèo được quan tâm, hỗ trợ, động viên thoát nghèo. (Trong ảnh: Hội Phụ nữ xã Lâm Giang, huyện Văn Yên hỗ trợ cây quế giống và trồng giúp gia đình hội viên nghèo).


Những năm trước, gia đình ông Doãn Văn Hải - thôn Quyết Tiến, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên quanh năm trong tình trạng túng thiếu, có tên trong danh sách hộ nghèo. "Trăn trở nhiều lắm! Có lúc tôi nghĩ đến việc bán đất rừng sản xuất để trang trải cuộc sống hàng ngày. Nhưng suy đi tính lại, nghĩ mình là người nông dân cần phải có đất để sản xuất. Rồi lại tự hỏi: Tại sao nhà mình có lao động, có đất sản xuất mà vẫn nghèo khổ? Nghĩ được vậy, nhưng thực tế thì không biết làm cách nào để thoát nghèo!” - những trăn trở đã từng vẫn chỉ dừng lại ở trăn trở trong lòng ông Doãn Văn Hải như vậy. 

Lao động trong gia đình ông cũng chỉ biết đi làm thuê cho một số cơ sở và các hộ trong xã có nhu cầu thuê lao động nhưng công việc thì thất thường, công cán thấp. "Tưởng như cánh cửa thoát nghèo mãi đóng lại thì được sự quan tâm của các cấp, các ngành, gia đình tôi được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tham gia lớp đào tạo nghề về chăn nuôi - thú y, được tham gia vào Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh và được hỗ trợ 15 triệu đồng thực hiện mô hình chăn nuôi trâu bò từ 10 con trở lên. Có chút vốn liếng và kiến thức, quyết tâm thoát nghèo, tôi mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trâu bò và phát triển kinh tế đồi rừng” - ông Doãn Văn Hải chia sẻ. 

Trồng rau, nuôi gà, trồng cỏ voi trên diện tích vườn tạp; 2 ha rừng trồng quế được phát tỉa đúng kỹ thuật, chỗ thưa trồng bổ sung, chỗ mau chặt tỉa bán cành, lá, gia đình ông Hải có thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày và từng bước tích lũy để tiếp tục đầu tư vào sản xuất. 

Lúc nhàn rỗi thì lao động trong nhà tìm việc làm thêm và tự nghiên cứu các kiến thức về khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Đến giờ, gia đình ông Hải có 2 ha quế đã tỉa được và 20 con trâu, bò. Năm 2021, gia đình có thu nhập khoảng 180 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. 

Ông Hải mừng lắm: "Số thu nhập đó với tôi quả là một giấc mơ, giúp gia đình cải thiện điều kiện sống và tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Để có được như bây giờ, chính sự tuyên truyền, vận động và động viên, giúp đỡ của các cấp, các ngành, của cộng đồng dân cư đã giúp thêm quyết tâm, xóa bỏ mặc cảm, tự tin vươn lên thoát nghèo”.


Lao động nông thôn áp dụng kiến thức qua đào tạo nghề vào sản xuất. 

Cũng từng thuộc diện hộ nghèo nhiều năm liền, gia đình ông Triệu Văn Phụng - thôn 2, xã Mường Lai, huyện Lục Yên đã phấn đấu vươn lên thoát nghèo. "Được sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ xã, thôn về phát triển kinh tế hộ gia đình; được tham gia tập huấn các lớp về kỹ thuật chăn nuôi và thâm canh lúa nước cùng sự tạo điều kiện, giúp đỡ của cộng đồng, anh em họ hàng, cả gia đình tôi cùng bảo ban nhau lao động sản xuất, không cam chịu đói nghèo” - ông Triệu Văn Phụng chia sẻ. 

Đưa loại giống có chất lượng, năng suất cao vào sản xuất, gia tăng sản lượng lương thực; trồng thêm ngô vụ 3 trên đất lúa phục vụ chăn nuôi 200 con gà, vịt mỗi lứa và 4 con lợn; cải tạo lại vườn tạp, tích cực trồng rau xanh phục vụ sinh hoạt hàng ngày và trồng 5.000 cây quế trên 1 ha đất rừng sản xuất, gia đình ông Phụng đã không còn phải lo ăn từng bữa như trước. 

"Từ kết quả đạt được trong phát triển kinh tế của gia đình, được sự tuyên truyền của cán bộ xã, thôn và đối chiếu với tiêu chí hộ nghèo, năm 2020, gia đình tôi đã tự nguyện viết đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của thôn và đã được nhân dân trong thôn nhất trí. Gia đình sẽ tiếp tục phấn đấu lao động, sản xuất để cuộc sống ngày một khá hơn” - ông Phụng bày tỏ quyết tâm.

Sản xuất không đủ ăn, ốm đau không có tiền đi viện, nhà cửa tạm bợ… là cuộc sống khó khăn từng đeo bám gia đình ông Giàng A Di - dân tộc Mông ở thôn Tàng Ghênh, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu. Thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn và chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là nguyên nhân cơ bản dẫn đến đói nghèo của gia đình ông Di cũng như nhiều hộ khác trong thôn. 

"Tôi đã bàn với vợ là phải quyết tâm thoát nghèo, nhưng thực sự là không biết bắt đầu từ đâu. Suy nghĩ mãi, tôi chợt nhớ ra có lần dự họp, nghe cán bộ nói muốn thoát cái nghèo là phải sinh đẻ có kế hoạch, có đất sản xuất và chăm chỉ lao động, phải biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi…” - đường hướng thoát nghèo đến với ông Giàng A Di là vậy. 

Tập trung sản xuất lúa nước, chăn nuôi thêm lợn, gà để có thu nhập trước mắt; đầu tư trồng quế cho thu nhập về sau và phải mở rộng sản xuất - ông Di xác định rõ ràng từng bước. Vậy là, từ năm 2016 - 2019, người đàn ông dân tộc Mông ấy đã vận động gia đình vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 50 triệu đồng và cùng với chút vốn tích cóp của gia đình để mua thêm đất sản xuất và đầu tư chăn nuôi gia cầm. 

Đến nay, gia đình ông đã có 3 - 4 ha đất để trồng tập trung 10.000 cây quế và 3.000 m2 đất ruộng đủ để canh tác hàng năm. Quá trình sản xuất, chăn nuôi, ông Di luôn nhắc vợ con thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ Hội Nông dân xã và Trạm Khuyến nông huyện. Năm 2020, gia đình ông đã xây được căn nhà cấp 4 khang trang, mua sắm được phương tiện phục vụ sinh hoạt và nuôi hai con ăn học đầy đủ.

"Cuộc sống bây giờ thay đổi nhiều. Không chỉ gia đình tôi mà phần đông bà con trong thôn khấm khá hơn. Trước đây cứ nghĩ mình nghèo là do số phận. Được cán bộ tuyên truyền, vận động, rồi được chỉ bảo cách làm ăn, hỗ trợ sản xuất như vậy thì mình phải quyết tâm thoát nghèo chứ và gia đình mình đã làm được rồi” - ông Giàng A Di phấn chấn với thành quả cuộc sống hôm nay, nhất là những điều "vỡ ra” trong suy nghĩ, tư duy về số phận nghèo khó. 

Đặt người nghèo, hộ nghèo vào vị trí chủ thể, trung tâm trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động, đặc biệt là giải phóng tư tưởng trông chờ, ỷ lại để các hộ nghèo phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo luôn là một trong những biện pháp được thực hiện, là kinh nghiệm, là bài học sâu sắc được đúc rút và cũng là thành quả trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Khi người nghèo có quyết tâm thoát nghèo, các chính sách hỗ trợ trở thành đòn bẩy mạnh mẽ để họ giảm nghèo hiệu quả, bền vững. 

Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ giảm hộ nghèo toàn tỉnh đạt 5,03%/năm (bằng 125% kế hoạch đề ra đầu nhiệm kỳ), giảm từ 32,21% vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 7,04% vào cuối năm 2020 (giảm 25,17%), tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản chỉ còn 0,19%. 

Cuối năm 2020, tỉnh Yên Bái có tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020) cao thứ 13 toàn quốc (cải thiện 7 bậc so với đầu nhiệm kỳ). 

Đối với hai huyện 30a (Trạm Tấu và Mù Cang Chải), tỷ lệ hộ nghèo trong 5 năm giảm 41,61%, bình quân mỗi năm giảm 8,32% (giảm từ 75,12% đầu năm 2016 xuống còn 33,51% vào cuối năm 2020), đạt 138,6% so với mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, giảm gấp 2,08 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước. 

Hết năm 2021, toàn tỉnh có 10.454 hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020), tương ứng tỷ lệ 4,76% (giảm 2,28% so với cuối năm 2020).

Thu Hạnh

Tags Yên Bái giảm nghèo thoát nghèo bền vững Chính sách xã hội đào tạo nghề kinh tế đồi rừng

Các tin khác
Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, tặng quà, động viên người dân bản Cu Vai, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu tích cực lao động, sản xuất, nâng cao đời sống.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Yên Bái đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác giảm nghèo; tạo “điểm tựa”, khơi mở cánh cửa thoát nghèo để người nghèo vươn lên “không để mình ở lại phía sau”. Ý Đảng hợp lòng dân - công cuộc giảm nghèo thêm bội phần sức mạnh!

Trưởng thôn Lù A Dờ (bên phải) chia sẻ với lãnh đạo xã về khó khăn trong thiếu nước sản xuất.

Một ngày cuối tuần đầu tháng 6, như thường lệ, người dân thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên lại tập trung về nhà văn hóa thôn để triển khai nội dung của “Ngày thứ Bảy cùng dân”.

Bà con nhân dân bản Trống Là phấn khởi khi được các y, bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải trực tiếp thăm khám, kiểm tra sức khỏe và phát thuốc miễn phí.

Lần đầu tiên tỉnh Yên Bái đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, để từ đó, hạnh phúc - một khái niệm tưởng chừng như trừu tượng thì nay được biết đến bằng những việc làm, hành động cụ thể và thiết thực.

Dạy bơi cho trẻ em tại Câu lạc bộ Bơi Hồng Ngọc, thành phố Yên Bái.

Đúng vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6/2022, một vụ đuối nước thương tâm xảy ra khiến một cháu bé tử vong. Điều đáng nói, nạn nhân đuối nước không phải ở ao hồ, sông suối mà tại một bể bơi ngay thành phố Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục