Bình yên nghĩa là không có bạo hành, là tôn trọng, sẻ chia, là yêu thương, vun đắp… Bình yên dưới mái nhà tưởng như mãi sẽ chỉ là những giấc mơ vời xa đối với những người đàn bà tủi cực, nhưng nay, đã có những bàn tay từng rớm máu bởi bạo hành chạm được tới ước mơ. Trong hành trình ấy, có những người sẵn sàng đối diện rủi ro trợ giúp họ, đồng hành với họ.
Trong hành trình ấy, có những người sẵn sàng đối diện rủi ro trợ giúp họ, đồng hành với họ để giúp họ nghĩ khác đi, thay tư duy, đổi nhận thức. Dự án "Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” mà Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái phối hợp thực hiện tại hai xã Bình Thuận và Minh An, huyện Văn Chấn (từ tháng 10/2019 - 9/2022) mang tới sự đồng hành ý nghĩa này.
Từ những tâm sự buồn...
Chị Triệu V - dân tộc Dao ở xã Minh An là người đàn bà đã một "lần đò”, một nách mấy đứa con thơ dại. Những tưởng khi gặp được anh Nguyễn H là chị có một bờ vai để dựa vào. Nhưng làm vợ anh, quãng đời ấy của chị chỉ là bước từ nỗi khổ thân này sang tủi cực khác.
Không thứ tài sản gì ngoài vỏn vẹn 2 triệu đồng làm vốn khi lấy nhau, rồi lại sinh thêm đứa con chung, cuộc sống bộn phần thiếu thốn. Vợ chồng làm mướn mưu sinh, có quãng thời gian từng phải vào Nam, lên Bắc.
Trong muôn vàn khó khăn cuộc sống, chị thêm đắng cay, tủi cực khi chồng sinh thêm thói hư, tật xấu. Những trận cãi vã nảy lửa và những cái tát, cú đạp trút lên thân thể chị không xót thương. Chị sấp ngửa, quần quật sớm tối làm ăn bươn bả với chồng nhưng đồng tiền làm ra một tay anh quản chặt. Có bận, ngửa tay xin tiền chi tiêu cuộc sống nhưng cũng "được” nhận về trận đòn.
Để rồi đến mức trước cả những điều ngang tai, chướng mắt của chồng, chị cũng không dám hé răng nửa lời, vì sợ thứ nhận lại chỉ là những đau đớn thể xác và những câu nói đắng lòng, đụng chạm, xúc phạm có khi tới cả gia đình chị.
Kinh tế gia đình đến lúc có phần dư giả hơn, anh chị có thể được gọi là ông bà chủ nhỏ, khi có cả một đội lao động làm công. Nhưng thói bạo hành vợ của anh thì chả hề thay đổi. Không ít lần chị phải trốn chạy khỏi những cơn thịnh nộ của chồng.
Các cặp vợ chồng cùng nhau viết ra những ước mong những điều có được trong mái nhà mơ ước của mình.
... Đến tổ phản ứng nhanh
Hôm ấy, ở lán công trình xa nhà, chị xin tiền chồng chi dùng cho nhu cầu tối thiểu người phụ nữ trong tháng. "Lúc nào đầu óc cũng chỉ nghĩ đến tiền, làm ăn thì không lo” - chị vẫn nhớ như in câu đáp trả cục cằn và thái độ khinh khi của chồng với mình.
Nghĩ tủi cực quá thể, chị liều bảo chồng: "Anh mà cứ tính thế không thể ở được với nhau thì bỏ nhau đi”. "Chỉ câu một, câu hai sau đó là anh ý đánh mình, ngay ở chỗ lán, trước mặt rất nhiều công nhân như vậy. Mọi người cũng không can nổi. Mình phải chạy trốn, chờ cho đến lúc chồng đưa công nhân đi làm, mới dám quay lại lán lấy quần áo, mang theo con, về nhà” - nhắc nỗi đau xưa, nước mắt chát mặn chảy dài trên gò má sạm đen bởi nắng mưa, vất vả.
"Phấn ơi, cứu chị với, chị bị chồng đánh, giờ vẫn đi tìm chị đánh tiếp, chị đang ở…” - lần khác, tạm trốn ở nhà hàng xóm, chị gọi điện cho cán bộ phụ nữ xã. Lò Thị Phấn bây giờ là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, là thành viên của Tổ phản ứng nhanh xã Minh An. Nhận cuộc điện thoại cầu cứu, Phấn không nghĩ được gì nhiều, bỏ ngang công việc, tìm chị.
Đương lúc đưa chị V rời khỏi nhà, tiếng quát của anh chồng đằng đằng sát khí gần lắm: "Mày đưa vợ tao đi đâu?”. Người đàn ông vẫn nồng hơi men, như có thể hành động bất kể chuyện gì. "Tôi đưa chị đi mua thuốc, chị bảo đang bị ốm” - Phấn cố hết sức bình tĩnh nạt lại người đàn ông này.
"Mày không được đưa vợ tao đi đâu hết, không tao đánh” - người đàn ông vẫn một mực quát nạt. Nhưng có lẽ thái độ mạnh mẽ và hành động dứt khoát của người cán bộ phụ nữ xã khiến người đàn ông ấy không dám làm liều. Trong hơi men chưa tan hết hôm ấy, chồng chị có lúc lảng vảng gần nhà Phấn, có ý dọa dẫm, ngăn cản sự giúp đỡ của Phấn với vợ mình.
"Mình cùng các thành viên trong Tổ phản ứng nhanh tìm cách đảm bảo an toàn cho nạn nhân và răn đe người chồng. Ngôi nhà của gia đình mình nhiều lần trở thành nhà tạm lánh cho các chị em cần sự trợ giúp thoát khỏi cơn bạo hành của chồng. Những người đàn ông trong cơn thịnh nộ ấy thường có hơi men, luôn có thái độ gây gổ với mình và rất có thể dám làm liều. Nhưng những người vợ là nạn nhân thì quá cần sự trợ giúp của mình và các thành viên Tổ phản ứng nhanh. Mình không thể vì sợ mà không trợ giúp họ. Hơn nữa, mình áp dụng các kiến thức được tập huấn vào để xử lý trong từng trường hợp làm sao để trợ giúp nạn nhân được tốt nhất” - chị Phấn chia sẻ.
"Chạm” tới bình yên
Hôm nay, nhắc về chồng, vẫn lặng lẽ những giọt nước mắt lăn rơi trên gò má sạm nắng mưa nhưng là của niềm hạnh phúc bấy lâu khao khát. "Không còn cái tát, cú đá nào nữa. Anh H chuyển hẳn việc tay hòm chìa khóa sang cho vợ. Anh giặt giũ quần áo. Về trước vợ thì cơm nước. Những lúc không đi làm ở ngoài thì cùng vợ chăn bò, chăm con gà, con vịt. Trước đây, có nằm mơ chị V cũng không dám nghĩ đến những điều này. Anh ấy thậm chí còn biết nói lời xin lỗi và yêu thương với vợ” - chị cứ bùi ngùi, mừng tủi nói về những đổi thay không tưởng, cả việc nhỏ nhặt đến điều lớn lao nơi anh.
Sự đổi thay ấy khởi nguồn từ khi chị tham gia Nhóm đồng đẳng nữ, còn anh là thành viên của Nhóm đồng đẳng nam trong Câu lạc bộ "Gia đình chung sức - vun đắp yêu thương” được Dự án thành lập tại xã Minh An, chấm dứt 15 năm bị bạo hành và nhẫn nhục của người đàn bà - 15 năm bạo lực không kiểm soát của người đàn ông.
"Là phụ nữ, làm việc có nhiều đến mấy cũng không bằng chồng; chồng quản lý kinh tế thì mình đỡ phải lo, xin tiền chồng cũng được; mình kém cỏi so với chồng khi hơn tuổi chồng… Những suy nghĩ như thế đã tồn tại bao năm qua trong mình. Giờ mình hiểu rằng, ai cũng có giá trị riêng và mình không đáng bị, không phải chịu những trận bạo hành như thế; không ai có quyền xâm phạm bản thân mình. Mình có quyền bình đẳng với chồng” - chị V đã "vỡ” ra rất nhiều điều.
Chị cũng hiểu được hơn quyền được bảo vệ thân thể của mình cùng những kỹ năng để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho con trong tình huống bị bạo lực. Chị còn được trang bị kỹ năng trong giao tiếp với chồng để tránh xung đột… "Bản thân mình cũng cần có những thay đổi trong giao tiếp, biết cách bày tỏ suy nghĩ với chồng để được hiểu và chia sẻ” - chị V chia sẻ và chị đã thực hành thay đổi.
Anh H ban đầu từ chối tham gia nhóm, chẳng ngờ khi là thành viên, anh học được bao điều ý nghĩa. Anh được hiểu hơn những vấn đề về tâm lý, tinh thần có liên quan đến hành vi bạo lực; nhìn nhận lại hành vi bạo lực và được nhận diện rõ hơn những điều được và mất trong gia đình khi dùng bạo lực… Anh cũng được học cách kiểm soát cảm xúc, khống chế những cơn nóng giận có thể phát sinh bạo lực, thực hành những cách bộc lộ cảm xúc an toàn…
"Giờ vợ chồng xảy ra tức giận nhau, mình sẽ dừng tranh luận cho cơn giận dữ đi qua” - anh H chia sẻ việc thực hành kiểm soát cơn giận dữ. Anh cũng hiểu thêm rằng muốn mối quan hệ vợ chồng thay đổi tích cực, thì trước hết phải thay đổi từ chính bản thân mình… "100% thì chưa được, nhưng anh ấy đã thay đổi 99% rồi” - giây phút sẻ chia của chị V trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ cuối cùng lan tỏa thêm niềm hạnh phúc cho các thành viên về một giấc mơ có thật dưới mái nhà.
Dự án đã thành lập 2 tổ phản ứng nhanh tại xã Minh An và Bình Thuận; để hỗ trợ các nạn nhân. Dự án đã thành lập 1 nhóm đồng đẳng nam và 1 nhóm đồng đẳng nữ với 34 thành viên tại xã Minh An. Các thành viên được tham gia 5 cuộc tham vấn để cảm thấy an toàn khi chia sẻ về sang chấn của họ và được cung cấp kiến thức để nâng cao nhận thức của phụ nữ về quyền của họ và giúp nam giới biết chế ngự các tác nhân gây bạo lực; 12 buổi sinh hoạt hàng tháng nhằm nâng cao nhận thức về tác động của sang chấn tới trẻ em và giao tiếp phi bạo lực, thúc đẩy đối thoại và học hỏi. Dự án hỗ trợ thành viên nhóm nữ hơn 300 triệu đồng cho sinh kế gia đình, giúp phụ nữ tự chủ hơn về kinh tế và tự tin hơn trong cuộc sống. |
Thu Hạnh
(Bài cuối: Chính quyền gia tăng hành động, cộng đồng gia tăng nhận thức)