Nhà Mua ở bên trái đường, đối diện với Trường Tiểu học và THCS Bán trú. Dù đã hẹn trước, song Mua không ở nhà. Hỏi bọn trẻ, chúng chỉ về phía nương trước mặt, bảo bố mẹ đi cắt cỏ cho trâu, bò từ sáng sớm, chắc cũng sắp về. Không đợi, theo hướng chỉ của bọn trẻ, chúng tôi đến bãi trồng cỏ chăn nuôi của nhà Mua. Mất chừng 10 phút đã gặp vợ chồng Mua đang cắt cỏ.
Gặp anh Của, Giàng A Mua lau vội mồ hôi trên trán, nói ngay: "Cán bộ đến sớm thế! Em tranh thủ cắt cỏ về cho trâu, bò ăn, không tý nắng lên thì mệt lắm! Nghĩ anh đợi ở nhà, ai dè anh cùng nhà báo ra tận nương thế này. Vợ chồng em cũng cắt xong 4 bó cỏ voi rồi, mình quay lại nhà thôi!”
Anh Của gật đầu, rồi nhanh tay giúp vợ chồng Mua bó cỏ, đưa lên đường, chằng trên xe. Trên đường đi, Mua khoe: "Cao điểm nhất gia đình có đến 50 con trâu, bò, nhà có gần 2 ha cỏ nhưng không đủ, phải đi mua thêm về cho trâu ăn. Giờ trong chuồng chỉ còn gần 20 con bò, ngựa, còn trâu không có con nào vì mình vừa mới xuất bán hết rồi!”
Anh Của bảo: "Mô hình chăn nuôi của nhà Mua là 1 trong 3 mô hình chăn nuôi của xã Bản Mù được hỗ trợ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh từ năm 2021. Ngoài ra, anh được hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ voi, trồng ngô sinh khối để ủ men chua làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò; chuồng trại được xây dựng kiên cố đủ ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, có hệ thống biogas. 30 triệu đồng hỗ trợ từ Nhà nước không nhiều, song đã giúp anh Mua có thêm động lực để mở rộng sản xuất”.
Giàng A Mua bộc bạch: "Mình đi khắp nơi để mua trâu, bò về nuôi. Từ Phù Yên, Bắc Yên (Sơn La) đến Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, ai mách có trâu, bò bán là mình đến ngay. Khi mua trâu, bò gầy về vỗ béo, mình cho tẩy giun, sán ngay rồi cho ăn cỏ, uống nước đầy đủ. Vào thời điểm trâu được giá cao, mình còn mua thêm cả bã bia để vỗ cho trâu nhanh béo. Như thế, chỉ mất gần 3 tháng là bán được thôi! Năm đầu tiên nuôi trâu, bò vỗ béo, trừ chi phí lãi được 210 triệu đồng rồi. 100 triệu đồng thì đưa vợ làm ngay cái sổ tiết kiệm. Số còn lại dành một ít để sinh hoạt, còn đâu mua thêm trâu, bò giống để mở rộng quy mô".
"Nuôi trâu, bò thế này còn dễ hơn đi làm nương, không bị đứng nắng cả ngày mà thu nhập lại cao hơn. Bình thường đi làm nương mấy ai có được trăm triệu như mình đâu. Trừ chi phí, tính ra lương của vợ chồng mình cũng hơn 8 triệu đồng một người đấy!”- Mua bảo.
Nói xong, Giàng A Mua cười sảng khoái. Vợ Mua - người phụ nữ Mông chính hiệu đang dùng chiếc điện thoại Samsung livertream trên Facebook, thi thoảng lại thuyết minh bằng mấy câu tiếng Mông. Tôi và anh bạn đồng nghiệp ớ người không hiểu, Mua quay sang nói, vợ mình đang khoe có nhà báo đến thăm nhà cho bạn bè biết đấy.
"Nhờ dùng Facebook mà có nhiều người mách chỗ mua gia súc và có thêm nhiều bạn bè! Mình còn quay cả clip trên Facebook để rao bán trâu bò. Khối người đến mua...” - A Mua phấn khởi khoe.
Chủ tịch xã Bản Mù Giàng A Chang đi kiểm tra cơ sở cũng ghé vào nhà Mua. Gặp chúng tôi, anh nói ngay: "Giàng A Mua là người dám nghĩ, dám làm, thay đổi phương thức chăn nuôi từ quảng canh sang chăn nuôi hàng hóa, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Xã cũng khuyến khích các hộ khác đến thăm quan, học hỏi để nhân rộng ra toàn xã. Nhiều hộ chăn nuôi giờ biết liên kết với anh Mua để phát triển chăn nuôi gia súc. Xã cũng ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển chăn nuôi gia súc. Hiện, đàn gia súc của xã đã có gần 8.000 con, trong đó có gần 3.000 con trâu bò, nhiều hộ có kinh tế khá nhờ chăn nuôi”.
Khác với những hộ dân trong bản Khấu Ly, gia đình Mua không ở nhà gỗ mà ở nhà xây kiên cố. Ngoài chăn nuôi, anh còn mở thêm một cửa hàng tạp hóa nhỏ phục vụ bà con trong bản.
Chia tay Khấu Ly, quay về thị trấn Trạm Tấu, dọc theo tuyến tỉnh lộ 174, chúng tôi đến xã Trạm Tấu. Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Chiến cho biết, Đảng ủy xã đang họp kiểm tra, đánh giá công tác triển khai các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Huyện ủy và các nghị quyết của Đảng ủy xã đã triển khai trên địa bàn.
Anh đề xuất chúng tôi cùng ngồi nghe để nắm bắt số liệu phục vụ tuyên truyền. Theo đó, năm 2022 xã đề ra 35 chỉ tiêu, đến cuối tháng 5, đã có 14 chỉ tiêu hoàn thành đạt 100%, 6 chỉ tiêu đạt trên 70%, 15 chỉ tiêu đạt dưới 50%, phấn đấu đến hết tháng 12 sẽ hoàn thành 35/35 chỉ tiêu đã đề ra.
Ánh sáng của nghị quyết đã soi rọi và lan tỏa đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã. Ngay sau khi các nghị quyết được ban hành, Đảng ủy xã đã chủ động cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch.
Bí thư Chiến cho biết: "Tinh thần quyết liệt, nhanh chóng đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống đã được người đứng đầu ở xã và các chi bộ thôn, bản khẩn trương thực hiện”. Tiếp lời Bí thư Chiến, Chủ tịch UBND xã Giàng A Hồ cho biết: "Cụ thể hóa nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã, UBND xã đã ban hành các quyết định giao chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cán bộ xã phụ trách từng lĩnh vực theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo kịp thời những vướng mắc để có hướng giải quyết kịp thời. Nhờ đó, các chỉ tiêu cơ bản hoàn thành đạt và vượt tiến độ đề ra”...
Quá trưa, Bí thư Huyện ủy Giàng A Thào vẫn đợi và dành thời gian trò chuyện với chúng tôi về việc triển khai nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống. Anh Thào cho biết, là huyện vùng cao với gần 80% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, Trạm Tấu đã có nhiều cách làm sáng tạo, sát dân, bám cơ sở để đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Lãnh đạo xã Bản Mù cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu thăm mô hình chăn nuôi của gia đình anh Giàng A Mua, thôn Khấu Ly, xã Bản Mù.
Bám sát các nội dung nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Trạm Tấu đã ban hành đồng bộ các chương trình kế hoạch, đề án để tổ chức triển khai thực hiện trên cơ sở phân công rõ người, rõ việc, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện nghị quyết được Đảng bộ huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Nhiều cách làm mới, sáng tạo, đột phá trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đã được triển khai, mang lại hiệu quả cao.
Đến nay, Trạm Tấu đã tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Huyện có 8 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP; có 1 doanh nghiệp chế biến chè, trên 10 hợp tác xã dịch vụ kinh doanh và 90 tổ hợp tác liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng thời, xây dựng thành công Dự án liên kết sản xuất cây khoai sọ, 42 cơ sở chăn nuôi theo hướng hàng hóa đặc sản hữu cơ. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, nhân dân phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện.
Bí thư Thào chia sẻ: "Chúng tôi xác định đây là một nhiệm vụ chính trị lớn, cần phải đi sâu, đi sát, triển khai rõ ràng cụ thể. Qua hơn một năm triển khai thực hiện các nghị quyết của tỉnh, Huyện ủy yêu cầu UBND huyện trên cơ sở các chính sách của tỉnh cần phải làm rõ hơn, cụ thể hơn, sát thực tế hơn”.
Với địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, Huyện ủy chỉ đạo việc tuyên truyền nghị quyết được thực hiện bằng hai thứ tiếng; yêu cầu các chi, đảng bộ họp thôn, họp bản để tuyên truyền rộng rãi hơn cho mọi người cùng biết, cùng nhau thực hiện. Bà con đã cảm nhận được những tình cảm thân thiết, chân thành, gần gũi của cán bộ dành cho dân.
"Mỗi cán bộ, đảng viên ở huyện vùng cao Trạm Tấu phải luôn gương mẫu, sẵn sàng vì dân phục vụ, dân cũng sẵn sàng chia sẻ, ủng hộ và làm theo lời cán bộ. Đảng vì dân, dân tin yêu, một lòng theo Đảng” - Bí thư Huyện ủy Giàng A Thào bộc bạch.
Cuộc sống ấm no của đồng bào Mông hiện hữu trong từng nếp nhà ở huyện vùng cao Trạm Tấu nhờ dân thấm và làm theo nghị quyết của Đảng. Đồng bào đã biết làm du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách. Không chỉ làm du lịch, họ còn biết liên kết trong sản xuất, hỗ trợ nhau trong làm ăn, phát triển kinh tế gia đình từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Những cán bộ, đảng viên "miệng nói, tay làm” nơi non cao Trạm Tấu đã thể hiện vai trò tiên phong, là những hạt nhân gương mẫu ở cơ sở đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống của nhân dân.
Mạnh Cường - Hoài Văn