Bình yên dưới mái nhà - hành trình kiếm tìm không đơn độc - Bài cuối: Chính quyền gia tăng hành động, cộng đồng gia tăng nhận thức

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/7/2022 | 7:41:03 AM

YênBái - Với các hoạt động của Dự án, cán bộ địa bàn 2 xã Bình Thuận, Minh An có thêm điều kiện để hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình; cộng đồng ở 2 xã được nâng cao nhận thức và thái độ đối với bạo lực phụ nữ và trẻ em.

Hoạt động truyền thông đã được Dự án triển khai, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bạo lực phụ nữ, trẻ em.
Hoạt động truyền thông đã được Dự án triển khai, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bạo lực phụ nữ, trẻ em.


Chính quyền gia tăng hành động

Ông Lê Xuân Đồng - điều phối viên Dự án Hagar cho biết: "80% cán bộ địa phương tham gia Dự án tăng cường năng lực và cam kết về phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái và hỗ trợ các trường hợp dựa theo hiểu biết về sang chấn là một trong những mục tiêu Dự án đặt ra. Để thực hiện mục tiêu này, Dự án đã thành lập 2 tổ phản ứng nhanh tại 2 xã Minh An, Bình Thuận”. 

Tổ phản ứng nhanh ở mỗi xã có 15 thành viên với sự tham gia của lãnh đạo UBND xã, đại diện một số hội, đoàn thể và ngành chức năng. Trực tiếp chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng. 

Ông Hoàng Văn Vượng - Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh xã Bình Thuận thông tin: "Song song với việc nắm bắt tình hình nhanh chóng, kịp thời, để công tác hỗ trợ nạn nhân có chiều sâu, toàn diện, Tổ phản ứng nhanh đã lồng ghép các hoạt động tuyên truyền tại các buổi họp thôn, đặc biệt là tổ hòa giải thôn đến các gia đình xảy ra tình trạng bạo lực để hòa giải, cung cấp kiến thức nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ về quyền của họ, giúp họ tăng sự tự tin và giúp nam giới nhận thức, biết cách kiềm chế bản thân”. 

Ông Triệu Đức Quý - Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh xã Minh An cho biết: "Qua khảo sát, từ thời điểm năm 2019 đến nay, trên địa bàn xã có 29 cặp vợ chồng có bạo lực gia đình, trong đó có 3 cặp có nguy cơ ly hôn. Tổ phản ứng nhanh đã tổ chức thực hiện các bước quy trình giúp đỡ, trợ giúp pháp lý, tư vấn sức khỏe, hòa giải, xử lý vi phạm và nhất là vận động tham gia Câu lạc bộ "Gia đình chung sức - vun đắp yêu thương” để hỗ trợ, hàn gắn cho các cặp vợ chồng. Đến nay, 3 cặp vợ chồng có nguy cơ ly hôn đã trở lại bình thường”. 

Việc vận động tham gia Câu lạc bộ không hề dễ dàng, nhất là đối với nam giới. Các thành viên Tổ phản ứng nhanh đã kiên trì gặp gỡ từng người. 

Ông Triệu Đức Quý khi đó là Chủ tịch UBND xã với thái độ chân thành, kiên nhẫn đã đề cập đến các thông điệp với nam giới: Mâu thuẫn vợ chồng là điều khó tránh khỏi, giáo dục con cái cũng là vấn đề khó khăn, chúng ta cần những kiến thức và kỹ năng để khắc phục những điều đó. Nhiều người đã bị thuyết phục bởi lý lẽ và sự chân tình của người cán bộ xã này.

Chị Trần Lệ Thu - Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khe Phưa, thành viên Tổ phản ứng nhanh xã Minh An chia sẻ: "Có khi nửa đêm, có lúc đang bữa cơm nhưng nhận được điện thoại hay thông tin về gia đình nào đó đang xảy ra bạo lực là tôi đến ngay. Không thiếu những lần tôi bị người chồng của nạn nhân  đe dọa, chửi bới không nể nang. Với kiến thức, kỹ năng từ tập huấn của Dự án và sự đồng cảm với nạn nhân, tôi đã trực tiếp can thiệp, trợ giúp thành công 5 cặp gia đình xảy ra bạo lực nặng. Ngôi nhà của tôi trở thành nhà tạm lánh cho 4 trường hợp nạn nhân”. 

Gần 3 năm qua, các thành viên tổ phản ứng nhanh của 2 xã đã thực hiện gần 400 lượt thăm hộ gia đình nạn nhân hoặc nắm thông tin qua điện thoại; hòa giải thành công 31 cuộc xung đột xảy ra tại địa bàn; lập kế hoạch đề xuất hỗ trợ cho 270 trường hợp nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới. 

Cộng đồng gia tăng nhận thức

Để nâng cao nhận thức và thái độ đối với bạo lực phụ nữ và trẻ em trong cộng đồng, các hình thức truyền thông đa dạng được triển khai. Hội thi truyền thông "Tìm hiểu kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc” gần đây nhất tại xã Minh An với hình thức sân khấu hóa qua các tiểu phẩm vừa sinh động, thu hút người xem vừa sâu lắng nhiều thông điệp. 

Câu chuyện về người vợ thường xuyên có thái độ dè bỉu, chê bai chồng với công việc thấp kém qua diễn xuất tự nhiên của các diễn viên quần chúng của xã Minh An giúp nhiều người nhận diện một thứ bạo lực gia đình mà họ ít khi nghe đến: Bạo lực tinh thần. 

Bà Đoàn Thị Thư - thôn Khe Phưa, xã Minh An cho biết: "Trước nay, cứ nghĩ chỉ có thượng cẳng chân, hạ cẳng tay mới là bạo lực. Mà trước nay cũng thường chỉ thấy có đàn ông bạo hành với vợ, giờ hiểu ra rằng cũng có những gia đình người bị bạo hành lại là người chồng. Ai là nạn nhân của bạo lực gia đình dù hình thức nào thì cũng thấy đều đáng thương cả”. 

Chuyện về người chồng lạc lối ma men, đánh đập vợ con hay người đàn ông nghiện ngập, bỏ bê gia đình… vẫn là những chuyện dễ thấy trong xã hội nhưng được hiện hữu trên một sân khấu xã bình dân vẫn cứ neo lại nơi tâm trí nhiều người về những hành vi chưa chuẩn mực, chưa đúng đắn. Có những kiến thức pháp luật được xem ghép dễ hiểu, dễ nhớ khiến không ít người nhận ra chính mình trong đó.

Chị Dương Thị Mai - thôn Đồng Quẻ, xã Minh An bộc bạch: "Xem mà thấy bạo lực gia đình thật đáng lên án. Mình cũng có thêm kiến thức hữu ích về phòng, chống bạo lực gia đình để có thể chia sẻ thêm với các thành viên gia đình, không cho bạo lực gia đình có cơ hội nảy sinh trong gia đình mình”.

Sáng tạo trong truyền thông cũng được Dự án thực hành cho mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bạo lực trẻ em dưới dạng xâm hại tình dục. Hội thi "Sáng kiến phòng, chống xâm hại tình dục học đường” đã được tổ chức cho các em học sinh Trường THCS Bình Thuận trở thành một trong những hội thi thành công nhất từng được tổ chức tại đây. 


Nhiều nam giới gây bạo lực đã thuận lòng tham gia Câu lạc bộ "Gia đình chung sức - Vun đắp yêu thương” nhờ sự kiên trì vận động của cán bộ xã. 

"Hội thi mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho cả người thi và người xem. Khán giả bị hút vào những kiến thức bổ ích, hình thành kỹ năng tự bảo vệ mình và người thân trước vấn nạn xâm hại tình dục luôn hiện hữu xung quanh” - ông Nguyễn Văn Khiển - Hiệu trưởng Trường THCS Bình Thuận nhận xét. 

Qua Hội thi, các em được viết, được vẽ, được hóa thân trong các vai diễn. Có em đã từng bị xâm hại không còn tự ti, mặc cảm mà dám nói, dám viết, dám xây dựng kịch bản, vẽ tranh từ những câu chuyện, tình huống đã trải qua. 

"Hội thi giúp thay đổi rất nhiều về nhận thức cho các em học sinh và giúp các em có kiến thức, có kỹ năng tự bảo vệ mình và người thân; đồng thời tự tin tuyên truyền để người thân, bạn bè có kiến thức, kỹ năng để phòng tránh trước các hành động, biểu hiện của xâm hại tình dục” - Hiệu trưởng Nguyễn Văn Khiển chia sẻ thêm.

10 cuộc truyền thông như thế đã được tổ chức ở hai xã địa bàn Dự án. Ở đó, những thông điệp được truyền tải, những kiến thức được sẻ chia theo cách gần gũi và tự nhiên, ghim lại trong nhận thức, trong tâm trí của nhiều người để bạo lực phụ nữ, trẻ em ít nhất cũng không hiện hữu, hình thành từ trong suy nghĩ của nhiều người hoặc việc từ bỏ hành vi bạo lực cũng được nhen nhóm thêm, thúc đẩy thêm từ trong nhận thức của thành viên gia đình dưới mỗi mái nhà. 

Ông Nguyễn Hải Bằng - cán bộ Tư pháp xã Bình Thuận thông tin: "Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, chỉ có 4 đơn thư liên quan đến bạo lực gia đình trên địa bàn, trong khi trước đây trung bình khoảng 20 đơn thư mỗi năm”. 

Bà Hoàng Phương Thúy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Dự án chia sẻ: Dự án đã có những đóng góp lớn đối với sự thay đổi của cộng đồng địa bàn Dự án, từ trách nhiệm, hành động của cán bộ cho đến nhận thức của người dân, đặc biệt là hội viên và phụ nữ được trực tiếp thụ hưởng Dự án. Đồng thời cũng mang lại sự lan tỏa đến hội viên và phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh về nhận thức, ý thức phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em. 

Yên Bái đang thực hiện nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân. Muốn vậy, cũng cần làm tốt công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có phòng, chống bạo lực phụ nữ, trẻ em. Hiệu ứng lan tỏa này là tiền đề tích cực và khẳng định sự tham gia của phụ nữ trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Hagar được thành lập vào năm 1994 là một tổ chức chăm sóc chuyên sâu về hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn tâm lý, hoạt động chủ yếu với phụ nữ và trẻ em bị sang chấn do buôn bán người, nô lệ và lạm dụng. Từ năm 2009, Hagar Quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng của mua bán người, xâm hại tình dục và bạo lực gia đình thông qua văn phòng đại diện ở Hà Nội và các dự án dựa vào cộng đồng cùng các khóa tập huấn.

Thu Hạnh

Tags bạo lực gia đình phụ nữ trẻ em trợ giúp pháp lý tư vấn sức khỏe hòa giải xử lý vi phạm Hội Liên hiệp Phụ nữ

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục