Nước mắt làng ung thư

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/6/2007 | 12:00:00 AM

Tôi đến làng Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), nơi trong vòng 6 năm đã có tới 50 người chết vì ung thư. Trong những ngôi nhà bên mép dòng sông Lam, tôi thấy những bàn thờ nguyên mùi nhang khói trong những ngôi nhà vắng chủ...

6 năm 50 người chết

 

Hiếu, cô nhân viên văn phòng trẻ của UBND xã Xuân Mỹ đưa chúng tôi về xóm 10 thăm người chú họ của mình, anh Lê Văn Trúc. Tôi đến đúng lúc anh Trúc vừa mới đi khám bệnh về, khuôn mặt gầy guộc xanh xao, nước da mai mái đầy mụn nhọt.

 

Anh Trúc kể, tháng 11/2006, sau mấy cơn ho kéo dài, anh đi khám bệnh và biết tin mình bị ung thư phổi di căn. Từ đó đến nay, anh đã ra viện K (Hà Nội) đốt laze nhiều lần nhưng sức khỏe cứ xuống dốc không phanh. Ngước nhìn gian nhà cấp 4, anh Trúc thẫn thờ: “Tui sống đây mà không còn cần thiết gì trên cuộc đời ni nữa, tui biết một ngày không xa nữa tui cũng phải xa vợ con”.

 

Ngoài anh Trúc, chúng tôi còn gặp những mảnh đời bất hạnh hơn. Ngôi nhà 3 gian của ông Phan Thuyết và bà Phan Thị Mày ở xóm 7 mấy năm qua cửa đóng im lìm. Cả hai người đều đã từ giã cõi đời vì bệnh ung thư. Ông bà mất chưa lâu thì anh con trai cả Phan Văn Tiến cũng mất vì ung thư gan. Trên bàn thờ, ba di ảnh lạnh lẽo.

 

Không xa nhà ông Thuyết, anh Nguyễn Văn Phương vừa qua đời vì ung thư phổi khi bước vào tuổi 45. Gần đó có ông Phan Văn Tấn và ông Phan Tuyến cũng trở thành người thiên cổ vì ung thư gan. Chỉ 2 tháng đầu năm 2007, trên địa bàn thôn 8 đã có 3 người chết vì ung thư gan và dạ dày.

 

“Từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn toàn xã có hơn 50 trường hợp tử vong và hàng chục người hiện đang chịu nỗi đau đớn về thể xác bởi căn bệnh quái ác này” - vị trạm trưởng Trạm Y tế xã Xuân Mỹ thống kê.

 

Nỗi đau mang tên 666?

 

Ông Phan Thanh Tùng, công an viên xóm 7, là người đã chứng kiến mảnh đất này bị bom Mỹ cày xéo. Ông khẳng định người trong làng chết nhiều là do đất làng bị ô nhiễm bởi kho thuốc trừ sâu. Ông dẫn tôi đi xem những nơi được coi là đang chứa nhiều thuốc trừ sâu, người dân ở đây gọi là thuốc 666.

 

Khu vực vườn nhà chị Phan Thị Lương xóm 7 là điểm đến đầu tiên. Trước đây vườn nhà chị là nơi sơ tán của Bệnh viện Nghi Xuân. Hiện ngay cạnh bức tường nhà chị vẫn còn khá nhiều thứ bột màu trắng ngà đã vón cục, bốc mùi nồng nặc. Mỗi khi thời tiết thay đổi, không khí lại ngột ngạt mùi thuốc trừ sâu. Trên mảnh đất ấy, chị trồng khoai, mỗi khi thu hoạch, những củ khoai có hình thù dị dạng và bốc mùi khó chịu. Trước nỗi ám ảnh về thuốc độc, mẹ con chị Lương bỏ đi nơi khác sinh sống.

 

“Mấy hộ hàng xóm cạnh nhà chị Lương người nào chưa bị ung thư thì cũng mắc chứng thần kinh hay các loại  bệnh khác”, ông Tùng cho biết thêm.

 

Một câu chuyện khác: Đầu thập niên 80, huyện Nghi Xuân phát động phong trào trồng cây kê. Để ngăn sâu bệnh, Công ty vật tư nông nghiệp huyện Nghi Xuân xây dựng 2 kho thuốc trừ sâu, chứa các loại hóa chất DDT và 666 tại khu vực xóm 7, 8.

 

Vào thời kỳ ấy, người dân Xuân Mỹ vô tư dùng thuốc DDT và 666 bón cây, không hề trang bị bảo hộ. Họ dùng tay bốc thuốc, dùng miệng hút hóa chất 666. Thời gian sau đó là những hệ lụy đau lòng: biết bao người chết trẻ vì ung thư gan.

 

Về sau, tuy các kho thuốc trừ sâu đã được chuyển đi nơi khác nhưng dư lượng thuốc sâu đã ngấm sâu vào lòng đất, thẩm thấu vào nguồn nước, ảnh hưởng đến bao đời con đời cháu của làng.

 

Cồn Trường cũng từng có một kho thuốc trừ sâu, rộng hơn 70ha. Giờ ở đó có một vườn phi lao, bạch đàn xanh tốt. Anh Phan Văn Lưu sống gần Cồn Trường đã tử vong cách đây 10 năm do ung thư. Người dân thôn 7 kể, mỗi khi trời mưa to, trên những ruộng lúa cận kề các kho thuốc trừ sâu, cá chết nổi lên rất nhiều nhưng không ai dám ăn bởi nặng mùi loại hóa chất.

 

Rời Xuân Mỹ, tôi canh cánh nỗi lo rằng những nỗi đau, những cái chết, những giọt nước mắt ở làng Xuân Mỹ còn tiếp diễn đến bao giờ.

 

(Theo Dân Trí)

Các tin khác
Ông Lò Văn Biến đang dịch sách Thái cổ.

YBĐT - Nhìn chồng sách cổ, ông Lò Văn Biến lắc đầu cố nén tiếng thở dài. Thời gian trôi đi quá nhanh trong khi ông chưa làm tròn tâm nguyện của mình. Ông sinh năm 1933, năm nay đã 75 tuổi rồi. Chưa bao giờ ông thấm thía câu châm ngôn của ông bà như lúc này: "Không tự nhìn thấy gáy mình/Ngày chết không ai biết trước".

Trung tâm xã La Pán Tẩn.

YBĐT - Lần này trở lại La Pán Tẩn - một xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải, cảm giác đầu tiên của tôi là sự ngạc nhiên. Chưa đầy 5 năm mà đã có biết bao đổi thay đến không ngờ. Trước tiên là con đường phẳng phiu từ thành phố Yên Bái lên tận trung tâm xã nên hành trình của chúng tôi chỉ mất khoảng 4 tiếng đồng hồ, thay vì trước đây phải mất ít nhất 8- 9 tiếng. Đón tiếp chúng tôi, cùng với đội ngũ cán bộ xã vẫn nổi bật nhất là gương mặt anh Giàng Chứ Ly- Chủ tịch UBND xã, một cán bộ cơ sở người Mông nhiệt tình, thông minh và đầy ấn tượng...

Vợ chồng ông Sày đang làm cỏ nương.

Trong chuyến công tác tại huyện Tiên Yên-huyện miền núi nghèo Quảng Ninh, tôi được Lý Văn Quan người làm nghề xe ôm mặc cả; nếu thuê xe, anh ta sẽ đưa tới gặp một kỳ nhân mà nghe nói có đôi mắt mọc ở chân…

Cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra mẫu nước khu vực bị ô nhiễm.

YBĐT - Hơn một tuần nay, kho chứa hàng của Trạm Vật tư nông nghiệp huyện Trấn Yên ở khu 4, thị trấn Cổ Phúc nhập kho 9,8 tấn thuốc trừ sâu đã quá hạn sử dụng đến hàng chục năm. Điều kinh khủng là một lượng lớn thuốc trừ sâu đã thoát chảy ra ngoài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục