Chuyện quanh con cá rô phi đơn tính
- Cập nhật: Thứ hai, 11/6/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sau chưa đầy 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình chuyển ruộng một vụ sang đào ao nuôi thả cá rô phi đơn tính ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên đã rơi vào thất bại khi mà hiệu quả kinh tế của con cá nuôi trong thực tế không giống như những gì người ta tính toán, khiến cho không ít nông dân thôn Ninh Đức lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Xuất bán cá rô phi đơn tính ở Trại cá giống Đông Lý (Yên Bình).
|
Như nhiều chương trình kinh tế khác, chương trình chuyển ruộng một vụ sang đào ao nuôi thả cá rô phi đơn tính ở Minh Quân cũng nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài hỗ trợ cá giống, các hộ tham gia chương trình còn được hỗ trợ tiền đào ao với mức 5 triệu đồng/ha, đồng thời được phủ lãi vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trong 6 tháng nuôi đầu. Khỏi phải nói người nông dân ở Ninh Đức - thôn quanh năm người dân chỉ tròng trọc trông vào một vụ lúa đã vui như thế nào khi chương trình kinh tế mới này được triển khai tại đây. Sẵn có tiền hỗ trợ, nhiều hộ đã sẵn sàng chuyển đổi toàn bộ diện tích ruộng 1 vụ của gia đình, rồi thầu ruộng, mua thêm ruộng làm ao nuôi cá. Cuối năm 2004, năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi ruộng một vụ đã có 11 hộ trong thôn tham gia thực hiện với diện tích gần 4ha. Cái máu làm giàu của nông dân ở đây không phải là không có cơ sở. Tiền kiến thiết xây dựng ao nuôi và con giống đã có Nhà nước hỗ trợ một phần, vốn đầu tư có các ngân hàng của huyện cho vay, cám cá được ứng trước theo phương thức trả chậm, còn kỹ thuật đã có cán bộ khuyến nông huyện nằm vùng thường xuyên hướng dẫn.
Thuận lợi là thế nên người dân hồ hởi mở rộng diện tích chuyển đổi, mạnh tay vay tiền Nhà nước đầu tư ồ ạt làm ao nuôi mà không lường hết được sức mình và những rủi ro có thể xảy ra. Trong 2 năm 2004-2005, cả xã Minh Quân có hơn 20 hộ tham gia chương trình chuyển đổi với diện tích 18,5 ha, tập trung chủ yếu ở thôn Ninh Đức. Theo đó, số dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng lên tới gần 260 triệu đồng (trung bình 25 triệu/hộ), thế nhưng có tới già nửa số hộ từ hơn một năm nay không còn đủ lực để trả lãi và khả năng trả nợ gốc khi tới hạn là rất khó khăn. Kiểu tính toán “ăn xổi ở thì” khi đem vốn liếng vay mượn ném cả vào tậu ruộng, thuê mướn mở rộng diện tích làm ăn lớn đã khiến khẩu phần đầu tư cho con cá rô phi đơn tính nuôi theo đúng yêu cầu kỹ thuật ở hầu hết các hộ bị cắt xén. Cá biệt có những hộ đem tiền vay được về kiến thiết nhà cửa, hay thiết thực hơn là mua ngay một chiếc xe máy đi cho "bằng anh bằng em"... Hệ quả là con cá rô phi đơn tính chậm lớn, hiệu quả kinh tế không được như mong đợi, người dân thì è vai gánh số nợ ngân hàng đang đến ngày phải trả.
Chúng tôi trở lại Ninh Đức khi những thửa ruộng lồi lõm bởi dấu tích của các ao nuôi cá rô phi đơn tính ngày nào. Lúa chiêm xuân đã vào độ cho thu hoạch. Đã qua cái đận ăn đong như một hai năm đầu chuyển hết 3.500 m2 ruộng một vụ và ruộng tăng vụ sang làm ao nuôi cá, quyết định bỏ hẳn con cá rô phi đơn tính trở về với phương thức thâm canh một vụ lúa kết hợp với nuôi cá ruộng truyền thống, từ năm 2006 trở về đây gia đình anh Đặng Văn Sang đã không còn phải lo hạt gạo ăn cho 6 nhân khẩu trong nhà. Tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà không có gì đáng giá, anh Sang bắt đầu câu chuyện bằng tiếng thở dài và giọng nói đầy vẻ chua xót: “Chết nỗi là mình lao vào đầu tư chuyển đổi ao nuôi với diện tích lớn quá, gần 10 nghìn m2 kể cả ruộng cấy của nhà lẫn ruộng mua thêm và ruộng thầu lại của các hộ. Cũng quyết chí làm giàu nhưng ai ngờ cá nuôi chậm lớn, vốn tự có mỏng mà chủ yếu là vốn đi vay ngân hàng để đầu tư (tổng cộng 31 triệu đồng) nên ruộng vườn, nhà đất phải đem đi thế chấp tất, giờ thành ra tay trắng. Như gần 20 hộ tham gia chương trình chuyển đổi trong thôn, vợ chồng anh Sang đã dồn cả 13 triệu đồng - vốn liếng sau bao năm cóp nhặt được để đầu tư vào nuôi cá theo kiểu "công nghiệp". Vụ cá đầu tiên với 7 nghìn cá giống nuôi trên diện tích 3.500 m2 vợ chồng anh thu về 13 triệu đồng, tính ra vừa đủ trả tiền cám mua thức ăn cho cá.
Theo đúng quy trình đầu tư, cá nuôi sau 6 tháng phải đạt trọng lượng 3 - 4 con/kg. Thế nhưng trên thực tế, cá chọn tại nhiều hộ nuôi cũng mới chỉ đạt trọng lượng 2 đến 3 lạng/con, số còn lại đa phần đều không đạt yêu cầu nên giá cá bán ra thị trường chỉ đạt 10 đến 12 nghìn đồng/kg. Kể như công chăm bẵm trong vòng 6 tháng nuôi, phần khấu hao vốn đầu tư và cả hạt thóc ăn coi như không có. Chị Hồi, vợ anh Sang kể, nếu như trước, chỉ làm một vụ lúa và thả “xười” con cá xuống ruộng gia đình ăn vẫn có đủ cái ăn cái tiêu và chút vốn tích luỹ, còn nợ nần thì không bao giờ phải lo. Trưởng thôn Lê Công Luân - người tiên phong tham gia chương trình này cũng cho hay, hầu hết các hộ thực hiện chuyển đổi ruộng một vụ nuôi rô phi đơn tính trong 2 năm đầu ở Ninh Đức đều lâm vào tình cảnh chung này. Hiện số nợ mà gia đình anh Luân phải thế chấp sổ đỏ vay từ hai ngân hàng huyện Trấn Yên cũng đã lên tới hơn 30 triệu đồng. Trăn trở với gánh nặng của dân, ông Trần Văn Hẹ – Chủ tịch xã Minh Quân cho rằng: Chương trình chuyển đổi ruộng một vụ là một chủ trương đúng, tuy nhiên đưa con cá rô phi đơn tính, loại cá nuôi hoàn toàn bằng cám công nghiệp là chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, bởi lẽ trước nay bà con đã quen với suy nghĩ thả cá mà chưa có ý thức nuôi cá theo đúng nghĩa là phải có đầu tư. Nguyên nhân thất bại của chương trình nuôi cá rô phi đơn tính ở Ninh Đức có nhiều, song điều mà chính các hộ nuôi đều thừa nhận là do chi phí cho kiến thiết ao nuôi và cám ăn quá lớn. Số tiền đầu tư này lại hoàn toàn dựa vào vốn vay của ngân hàng nên thua lỗ và phá sản là điều khó tránh khỏi. Khả năng này đã được cán bộ kỹ thuật cảnh báo trong quá trình triển khai chương trình thế nhưng do "say" kiếm tiền nên không mấy hộ quan tâm.
Những chiếc ao sâu này nông dân chỉ còn biết thả cá, được mất nhờ trời.
Cuộc sống của người dân thực hiện chương trình này hiện rất khó khăn và có tới trên 60 - 70% số hộ tham gia rơi vào tình trạng khó có khả năng hoàn trả nợ ngân hàng. Cũng như nhiều hộ, anh Luân, anh Sang không mong được xoá nợ ngân hàng. Điều mà họ mong nhất là tỉnh, huyện và các ngành chức năng sớm có một cơ chế phù hợp để tạm thời khoanh nợ cho dân trong một thời gian nhất định. Có như vậy người dân mới có cơ hội hoàn trả được những khoản nợ vay ngân hàng mà họ đã phải thế chấp bằng cả gia sản của mình.
Bàn lại chuyện nuôi cá rô phi đơn tính ở Ninh Đức theo phương thức đầu tư mới, tháng 5/2007, xã Minh Quân đã triển khai "Đề tài nuôi cá rô phi đơn tính xen ếch lồng" với diện tích 2 ha, kinh phí do tỉnh cấp. Hiện xã đã cấp 21.000 con cá giống cho 5 hộ nuôi trên diện tích 1,4 ha và 26 lồng ếch, trong đó tỉnh sẽ cấp không con giống và hỗ trợ 60% thức ăn. Anh Lê Công Luân, trưởng thôn Ninh Đức lại là hộ tiên phong tham gia vào đề án này. Sẽ là còn quá sớm để khẳng định hiệu quả của con cá rô phi đơn tính nuôi theo phương thức đầu tư mới. Song câu hỏi mà nhiều người đặt ra sau những thất bại của chương trình là vai trò, trách nhiệm của đội ngũ khuyến nông viên, của cả chính quyền địa phương và nhất là không thể bỏ lửng người dân, bỏ lửng một chương trình kinh tế theo kiểu như thế này.
Minh Anh
Các tin khác
Tôi đến làng Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), nơi trong vòng 6 năm đã có tới 50 người chết vì ung thư. Trong những ngôi nhà bên mép dòng sông Lam, tôi thấy những bàn thờ nguyên mùi nhang khói trong những ngôi nhà vắng chủ...
YBĐT - Nhìn chồng sách cổ, ông Lò Văn Biến lắc đầu cố nén tiếng thở dài. Thời gian trôi đi quá nhanh trong khi ông chưa làm tròn tâm nguyện của mình. Ông sinh năm 1933, năm nay đã 75 tuổi rồi. Chưa bao giờ ông thấm thía câu châm ngôn của ông bà như lúc này: "Không tự nhìn thấy gáy mình/Ngày chết không ai biết trước".
YBĐT - Lần này trở lại La Pán Tẩn - một xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải, cảm giác đầu tiên của tôi là sự ngạc nhiên. Chưa đầy 5 năm mà đã có biết bao đổi thay đến không ngờ. Trước tiên là con đường phẳng phiu từ thành phố Yên Bái lên tận trung tâm xã nên hành trình của chúng tôi chỉ mất khoảng 4 tiếng đồng hồ, thay vì trước đây phải mất ít nhất 8- 9 tiếng. Đón tiếp chúng tôi, cùng với đội ngũ cán bộ xã vẫn nổi bật nhất là gương mặt anh Giàng Chứ Ly- Chủ tịch UBND xã, một cán bộ cơ sở người Mông nhiệt tình, thông minh và đầy ấn tượng...
Trong chuyến công tác tại huyện Tiên Yên-huyện miền núi nghèo Quảng Ninh, tôi được Lý Văn Quan người làm nghề xe ôm mặc cả; nếu thuê xe, anh ta sẽ đưa tới gặp một kỳ nhân mà nghe nói có đôi mắt mọc ở chân…