Chuyện về người thương binh, thầy thuốc ưu tú

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/7/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT – “Nếu Anh Đào là thứ hoa đẹp nhất thì Kiến Đào là người đã góp phần tô thắm thêm chiến thắng Tây Nguyên lừng lẫy nhất. Những năm tháng không thể nào quên. Những tháng ngày cùng chung chiến hào, Thắng không thể quên con người đã từng lặn lội với hơn 50 thương binh, mất ăn mất ngủ tại trận Con Rốc, Bắc Kom Tum. Rồi cùng hành quân trên đường 14, chọc đu đủ, chọc nước chuối rừng ăn qua ngày để truy kích địch...”.

Đó là những dòng nhật ký mà bàn bè cùng một thời “nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử” viết về ông - người chiến sỹ quân y năm xưa, người thương binh, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Kiến Đào, Phó giám đốc Bệnh viên đa khoa tỉnh Yên Bái hôm nay.

Tiếp chuyện tôi trong căn phòng làm việc giản dị, tạm gác công việc bộn bề của một người cán bộ quản lý,  Bác sỹ Nguyễn Kiến Đào trở về với đúng bản tính vui vẻ yêu đời của một người lính quân y năm nào mà bạn bè chiến đấu một thời vẫn gọi ông bằng cái tên trìu mến "cây hài" của đơn vị. Không nói nhiều về những thành tích công tác của mình, ông say sưa kể cho tôi nghe kỷ niệm về những trận đánh, những địa danh ông qua, những đồng đội mất, còn; về quãng đời hoa lửa 8 năm của người chiến sỹ quân y tại Tiểu đoàn bộ binh số 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 10 thuộc Quân đoàn 3.

Nhập ngũ năm 1971 với tấm bằng y sỹ, Nguyễn Kiến Đào lên đường vào Nam tham gia phục vụ chiến đấu. Trưởng thành và lớn lên trong khói lửa đạn bom, phục vụ chiến đấu và trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường ác liệt – chiến trường Tây Nguyên, 24 tuổi ông đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam. Cận kề với cái chết và sự sống mong manh, từng chứng kiến nỗi đau bom đạn và sự hy sinh anh dũng của đồng đội, hơn ai hết người chiến sỹ quân y trẻ Nguyễn Kiến Đào hiểu được trọng trách mà mình đảm nhiệm để rồi trong hoàn cảnh chiến trường gian khổ ông không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tích luỹ cho mình những hiểu biết chuyên môn từ kinh nghiệm trận mạc.

Chưa quên kỷ niệm của ngày đầu tham gia phục vụ chiến đấu, chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị thương binh sau trận đánh giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh của tỉnh Kon Tum tháng 4/1972, khi ấy tuổi đời còn rất trẻ, kiến thức chuyên môn chỉ là trên sách vở khó khăn vô cùng. Ông kể: "Trận đó, tôi được quân y Trung đoàn giao nhiệm vụ cùng 2 y tá quản lý chăm sóc và điều trị cho 160 thương binh. Điều kiện thuốc men thiếu, bộ đội ta bị thương nặng, những viết thương nhiễm trùng sinh bọ và nhiều chiến sỹ đã hy sinh. Gần 3 ngày lăn lộn chăm sóc chữa trị cho thương binh chờ đội điều trị đến tiếp quản, ông và đồng đội mình gần như kiệt sức vì thiếu ăn và mất ngủ…" Chiến trường là một trường học lớn, kinh nghiệm và những sáng kiến ngành y đã được chiến sỹ quân y Nguyễn Kiến Đào vận dụng vào ngay trong những trận đánh. Chính trong trận truy kích địch về Nha Trang tháng 3/1975, ông đã trực tiếp chỉ huy đơn vị dùng toàn bộ số huyết thanh lấy được của địch tẩm vào khăn mặt giải thoát thành công cho tiểu đội khi bị địch phản công bằng cối hoá học. Trận đánh thắng lợi, cá nhân ông đã được đơn vị biểu dương.

Lần giở những trang nhật ký mờ nhoè màu mực tím và ố vàng vì thời gian, giọng ông trầm xuống, "có lẽ sự hy sinh mất mát quá lớn của đồng đội đã giúp chúng tôi có được sức chịu đựng kỳ diệu đến vậy để vượt lên chính mình, vượt qua nỗi sợ hãi đạn bom, chết chóc, có một niềm tin chiến thắng và ý chí chiến đấu kiên cường".

8 năm phục vụ chiến trường niềm Nam và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả trên đất nước bạn Cam Pu Chia, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng quân y đơn vị cứu chữa hàng nghìn thương binh khi đơn vị đánh vào thị xã Kon Tum - Plây Cần năm 1972, giải phóng Buôn Mê Thuột, thành phố Nha Trang rồi quân cảng Cam Ranh, giải phóng Sài Gòn 1975 và bảo vệ biên giới Tây Nam, giải phóng Cam Pu Chia 1978 - 1979; khám chữa bệnh, cấp thuốc cho nhân dân vùng giải phóng và nhân dân nước bạn Cam Pu Chia.  Ghi lại những việc làm của ông và đồng đội, lịch sử Sư đoàn 10 viết: “Mỗi khi trong bản có người trở dạ, đồng bào lại đến tìm y sỹ Đào, y sỹ Kiến, các anh đỡ nhiều ca đẻ khó được “mẹ tròn con vuông”. Đồng bào Đức Xuyên, Kiến Đức, Gia Nghĩa... tin yêu bộ đội Trung đoàn 66 như con em của buôn làng mình...”

Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Kiến Đào nhận bằng khen tại hội nghị biểu dương người có công toàn quốc 2007.

Vẫn cho mình là người may mắn bởi lăn lộn nơi “hòn tên mũi đạn” nhưng chiến tranh vẫn trả ông về vẹn nguyên với cuộc sống dẫu một phần sức khoẻ đã giảm sút vì thương tật. Năm 1979 ông chuyển ngành về công tác tại Bệnh viện đa khoa Yên Bái, tiếp tục hoàn thiện trình độ chuyên môn bằng tấm bằng Bác sỹ chuyên khoa I. Đảm nhiệm và luân chuyển qua nhiều cương vị công tác từ bác sỹ trực tiếp điều trị khám chữa bệnh tại các khoa, phòng đến cương vị Phó giám đốc Bệnh viện đã khoa tỉnh Yên Bái, chưa khi nào thấy thuốc ưu tú Nguyễn Kiến Đào thôi tìm tòi nghiên cứu. Đề tài “Một số nhận xét về tình hình chấn thương tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Yên Bái năm 2000” của ông đã đem lại những giá trị nhất định trong việc tuyên truyền giáo dục cũng như chủ động phòng ngừa các tai nạn có thể xảy ra trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, tránh được hậu quả của chấn thương gây nên tàn phế. Tài năng và kinh nghiệm của bản thân đã giúp ông đạt được nhiều thành công trong việc chỉ định chính xác khi tham gia hội chẩn, giải quyết hậu quả cho những bệnh nhân khó, bệnh nhân hiểm nghèo. Bàn tay ông đã  góp phần cải tử hoàn sinh cho không ít người bệnh.

34 năm liên tục phục vụ trong ngành y, trong đó có những năm tháng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường, người thương binh khoác trên mình tấm áo blu trắng Nguyễn Kiến Đào vẫn luôn tự hào bởi đã sống đúng với câu “Lương y như từ mẫu” mà Bác Hồ kính yêu đã dạy. Sự hy sinh của đồng đội luôn nhắc nhớ, giúp ông vượt lên sự mưu cầu danh lợi, sống đúng với phẩm chất người chiến sỹ cộng sản.

Trở về từ Hội nghị tổng kết phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, biểu dương người có công toàn quốc năm 2007, trong đó bản thân ông vinh dự là một trong 5 tập thể và cá nhân tiêu biểu của tỉnh Yên Bái được tham dự. Gặp lại những đồng đội cũ, thăm lại nghĩa trang Trường Sơn ông càng thấm thía sự hy sinh cao cả của những đồng chí đồng đội, trong đó có cả máu và nước mắt mình đã đổ trên mảnh đất chiến trường miền Nam năm xưa. Tận tâm với sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở một tỉnh miền núi khó khăn như Yên Bái, người thương binh, thầy thuốc Nguyễn Kiến Đào luôn tâm niệm: Có được sự tin yêu, quý trọng của người bệnh đó cũng chính là niềm vui, niềm hạnh phúc sống và cống hiến.

Minh Thuý (Bài dự thi Đất và người Yên Bái)

Các tin khác

YBĐT - Một túp lều lụp xụp, rách rưới, chật chội nằm dưới chân đồi trong thôn 14 là nơi tá túc hàng ngày của 6 người trong gia đình anh Bàn Văn Điền, dân tộc Dao ở xã Động Quan, huyện Lục Yên. Chiếc quạt điện cũ kỹ và chiếc đài được nhà nước cấp theo chương trình hỗ trợ phương tiện nghe nhìn cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn là món đồ đáng tiền nhất trong lều.

Cánh đồng Tú Lệ vào vụ mới.

YBĐT - Đã lâu lắm, tôi mới có dịp trở lại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn. Kể từ khi quốc lộ 32 được nâng cấp chạy qua trung tâm xã, vùng có thứ nếp thơm nức tiếng đã thực sự khởi sắc. Ruộng đồng xanh hơn. Hai bên con đường nhựa láng bóng, những ngôi nhà mới xây, hàng quán mọc lên san sát. Nhưng trong bóng dáng thị tứ vùng cao này đang ấn chứa cả niềm vui lẫn nỗi lo…

Viên “Sư tử” của nhà Tùng - Oanh ở xã Suối Giàng trị giá trên 40 triệu đồng.

YBĐT - Từ tháng 3/2007 đến nay, người dân ở thôn 3 xã Sơn Thịnh và thôn Suối Lóp, Giàng Cao, xã Suối Giàng (Văn Chấn) đang xôn xao vì đá cảnh. Họ đua nhau lên hai thôn Suối Lóp và Giàng Cao để tìm kiếm, đào bới, khai thác trái phép hàng trăm tấn đá cảnh mang về bán cho các “đại gia” ở thị xã Nghĩa Lộvà một số thợ đá ở thành phố Yên Bái, Hà Giang và cả Hà Nội, khiến cho nguồn tài nguyên ở vùng cao Suối Giàng ngày càng cạn kiệt. Nhưng lạ thay, các cấp chính quyền ở đây vẫn làm thinh trước sự “chảy máu” của đá cảnh.

Nhà của 13 hộ dân chây ỳ ở tổ 36 phường Đồng Tâm.

YBĐT - Vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng vốn đã hết sức phức tạp, phát sinh nhiều vấn đề, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án, tổ chức thi công, gây tốn kém công sức, tiền bạc và biết bao vấn đề xã hội khác. Công trình đường Km 5 đi Yên Bình là một thí dụ điển hình. Suốt từ năm 2005, dự án được khởi động nhưng đến hôm nay (ngày 16/7/2007) công trình vẫn không thể khởi công bởi rất nhiều lý do, trong đó có việc người dân nhận tiền đền bù rồi nhưng không chịu di dời để bàn giao mặt bằng. Đúng là tiền đã trao nhưng “cháo” chưa “múc” - một diễn biến mới trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng mà tổ dân phố 36, phường Đồng Tâm (TP Yên Bái) là một ví dụ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục