Hành trình hiện thực hóa giấc mơ hạnh phúc

Bài 2: Kiến tạo hạnh phúc từ những “hạt nhân” hạnh phúc

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/3/2025 | 8:20:07 AM

YênBái - Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Yên Bái đã có một bước đi táo bạo khi trở thành địa phương đầu tiên đưa "Chỉ số hạnh phúc" vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Sau hơn 4 năm triển khai, từ những "hạt nhân” hạnh phúc ban đầu, tỉnh đã dần kiến tạo nên một bức tranh tổng thể về hạnh phúc, lan tỏa từ thành thị đến nông thôn, từ trường học đến cộng đồng dân cư. Giờ đây, ở Yên Bái, hạnh phúc không còn là một khái niệm xa vời mà đã trở thành những mô hình, cách làm cụ thể, đi vào cuộc sống của người dân.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh thăm mô hình cà chua được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh thăm mô hình cà chua được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.


Những mô hình hạnh phúc

Tiếng cười đùa vang vọng trong sân Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Mù Cang Chải. Những đứa trẻ người Mông đang hào hứng tham gia các hoạt động ngoại khóa. Thầy giáo Mùa Thế Quỳnh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Trước đây, học sinh của chúng tôi rất rụt rè, ít giao tiếp. Nhưng từ khi trường triển khai mô hình "Trường học hạnh phúc”, các em đã tự tin hơn, vui vẻ hơn và học tập cũng tiến bộ hơn". 

Qua đánh giá, mô hình "Trường học hạnh phúc” đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của cả thầy và trò. Học sinh đến trường không chỉ để học kiến thức, mà còn được phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và kỹ năng sống; 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được tuyên truyền, phổ biến về mô hình; môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, lành mạnh được xây dựng. Năm học 2023 - 2024, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng từ 65% lên 72%; tỷ lệ học sinh vi phạm nội quy giảm từ 5% xuống còn 2%. 

Theo bà Nguyễn Thùy Nhung - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải, tất cả các trường học trên địa bàn huyện đã triển khai mô hình với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường. Toàn huyện đã có 32/37 đơn vị trường trực thuộc được công nhận đơn vị đạt tiêu chuẩn "Trường học hạnh phúc”. Mô hình này đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong môi trường giáo dục. Học sinh được học tập trong không gian thân thiện, an toàn; giáo viên được tôn trọng và phát huy năng lực sáng tạo; phụ huynh hài lòng với chất lượng giáo dục. 

Mô hình "Trường học hạnh phúc" đã thực sự thổi một luồng gió mới vào ngành giáo dục Yên Bái. Học sinh không chỉ đến trường để tiếp thu kiến thức, mà còn để trải nghiệm niềm vui, sự an toàn và được phát triển toàn diện. Mối quan hệ giữa thầy và trò trở nên gần gũi, thân thiện, tạo ra một môi trường học tập lý tưởng, nơi học sinh cảm thấy được yêu thương, tôn trọng và khơi gợi được niềm đam mê học tập. Thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tỷ lệ học sinh có kết quả học tập khá, giỏi đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Số lượng học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia cũng có xu hướng tăng; tình trạng học sinh bỏ học và bạo lực học đường đã giảm đáng kể. 

Em Hoàng Thị Linh, học sinh lớp 11 Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành chia sẻ: "Em cảm thấy rất hạnh phúc khi được học tập trong một môi trường mà thầy cô luôn quan tâm, lắng nghe và tạo điều kiện tốt nhất cho chúng em phát triển. Các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ trong trường rất đa dạng và bổ ích, giúp chúng em có cơ hội phát triển toàn diện các kỹ năng và sở thích của mình". 


Mô hình "Trường học hạnh phúc” góp phần tạo môi trường học tập vui tươi, phấn khởi cho học sinh.

Song song với mô hình "Trường học hạnh phúc", nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng và triển khai mô hình thôn, bản hạnh phúc, xã hạnh phúc với các tiêu chí cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Ghi nhận tại thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, từ tháng 3/2022, khi được chọn làm mô hình điểm "Thôn hạnh phúc", nơi đây đã có những thay đổi ngoạn mục. 

Ánh sáng điện lưới quốc gia đã thắp sáng từng nếp nhà, con đường bê tông trải dài nối liền những mái nhà cuối xóm; thu nhập từ cây quế tăng vọt, nhiều hộ thu về từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn gần 4% và dự kiến năm nay giảm còn 1,83%. Môi trường sống cũng được chăm chút với những hố rác gia đình, nhiều cây số đường điện thắp sáng và đường hoa rực rỡ sắc màu đã tạo nên diện mạo mới ở vùng quê này…

Còn tại xã Mường Lai, huyện Lục Yên, địa phương này đã xây dựng kế hoạch nâng cao Chỉ số hạnh phúc với 5 nhóm giải pháp chính: phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; bảo đảm an sinh xã hội; phát triển văn hóa, giáo dục; bảo vệ môi trường; tăng cường quản trị tốt. 

Ông Triệu Văn Thuộc - Chủ tịch UBND xã Mường Lai chia sẻ: "Sau khi triển khai các giải pháp nâng cao Chỉ số hạnh phúc, thu nhập bình quân đầu người của xã đã tăng từ 28 triệu đồng/người/năm (đầu nhiệm kỳ) lên 43,5 triệu đồng/người/năm (năm 2024); hộ nghèo giảm từ 462 xuống còn 116; người dân hài lòng với các dịch vụ công". Tại xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, mô hình "Xã hạnh phúc" cũng đã được triển khai với trọng tâm là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. "Mô hình "Xã hạnh phúc” không chỉ giúp cải thiện đời sống vật chất mà còn nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Người dân giờ đây không chỉ có cái ăn, cái mặc, mà còn được hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần” - ông Hoàng Ngọc Du - Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi chia sẻ. 

Hiệu ứng lan tỏa

Với mục tiêu "hạnh phúc" làm trung tâm, Yên Bái đã tiến hành rà soát và điều chỉnh các chính sách hiện có; đồng thời, ban hành nhiều chính sách mới nhằm tác động tích cực đến các yếu tố, hạt nhân cấu thành Chỉ số hạnh phúc. Trong lĩnh vực kinh tế, tỉnh tập trung vào phát triển các ngành nghề có tiềm năng, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao với thu nhập ổn định cho người dân. Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại được triển khai rộng rãi, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Trong lĩnh vực giáo dục, Yên Bái đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của học sinh. Mô hình "Trường học hạnh phúc" được triển khai trên toàn tỉnh, tạo ra một môi trường học tập an toàn, thân thiện, tích cực - nơi học sinh cảm thấy được yêu thương, tôn trọng và phát huy được tiềm năng của mình. Lĩnh vực y tế cũng được đặc biệt quan tâm với việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và mở rộng các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 

Các chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách đã giúp giảm bớt gánh nặng chi phí y tế cho người dân, góp phần nâng cao sức khỏe và sự an tâm trong cuộc sống. Việc bảo vệ môi trường và phát triển văn hóa, các chương trình trồng cây xanh, bảo vệ rừng, xử lý chất thải được triển khai mạnh mẽ, hướng tới xây dựng một môi trường sống xanh, sạch và đẹp. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được khuyến khích phát triển, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Những "hạt nhân” hạnh phúc được xây dựng vững chắc ở cấp độ cá nhân, gia đình và cộng đồng đã tạo ra một hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội Yên Bái. Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tỉnh Yên Bái đã ghi nhận những bước tiến rõ nét. Hết năm 2024, Chỉ số hạnh phúc toàn tỉnh đạt 66,52%, tăng 13,22% so với năm 2020. Ba trụ cột chính của chỉ số này đều có chuyển biến tích cực: mức độ hài lòng về cuộc sống tăng từ 40,71% (2020) lên 57,71% (2024); tuổi thọ trung bình đánh giá cải thiện từ mức trung bình xấp xỉ 70 tuổi (với 41,6% đánh giá cao) lên 79,15%; mức độ hài lòng về môi trường sống tăng ngoạn mục từ 31,8% lên 68,67%. 

Cùng đó, nhiều chỉ tiêu xã hội nổi bật đã được hoàn thành và vượt kế hoạch: 88,7% trường học đạt "Trường học hạnh phúc”, trên 90% gia đình đạt tiêu chí "Gia đình hạnh phúc”, tỷ lệ hài lòng của người bệnh vượt 95%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,41%... Kết quả này cho thấy định hướng phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” của tỉnh đang từng bước cải thiện chất lượng sống cho người dân. Mỗi cá nhân hạnh phúc lan tỏa năng lượng tích cực đến những người xung quanh. 

Những gia đình hạnh phúc sẽ góp phần xây dựng nên những cộng đồng hạnh phúc. Và một cộng đồng hạnh phúc sẽ tạo ra một xã hội hạnh phúc. Chiến lược "kiến tạo hạnh phúc" của Yên Bái đang đi đúng hướng và mang lại những "trái ngọt" ngày càng rõ rệt. Câu chuyện về hành trình "kiến tạo hạnh phúc" của Yên Bái không chỉ là niềm tự hào của người dân nơi đây, mà còn là giá trị nhân văn sâu sắc, xứng đáng để lan tỏa đến các địa phương khác trong cả nước.

Hùng Cường
Bài cuối: Vững bước trên hành trình "Tỉnh hạnh phúc”

Tags Yên Bái kiến tạo mô hình trường học hạnh phúc

Các tin khác
Người Mông xã Hồng Ca thu hoạch măng tre Bát độ.

Trong cái lạnh cuối đông se sắt, mười năm sau lần đặt chân đầu tiên, tôi trở lại xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên. Khác với ký ức về những gương mặt khắc khổ, những nương ngô xác xơ, hình ảnh Hồng Ca hôm nay căng tràn nhựa sống hiện ra trước mắt như một bức tranh được tô vẽ bằng gam màu xanh của sự no ấm.

Bà con nhân dân vui tươi, phấn khởi tham dự các trò chơi tại Lễ hội Xo May, xã Mường Lai, huyện Lục Yên.

"Hạnh phúc là gì?" - Câu hỏi muôn thưở ấy, với Yên Bái, không chỉ là một khái niệm, mà đã trở thành mục tiêu, động lực phát triển. Từ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, "Chỉ số hạnh phúc" của người dân đã được xác định là thước đo quan trọng cho sự phát triển bền vững. Đây là một quyết định táo bạo, thể hiện tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh, đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong cách tiếp cận phát triển, lấy người dân làm trung tâm.

Đóng góp của đồng bào các dân tộc góp phần hoàn thành xây dựng tuyến đường Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh năm 2023 đã được Đảng bộ, chính quyền huyện Lục Yên trân trọng ghi công.

Mỗi nghị quyết Đảng ban hành là “ánh sáng” soi đường phát triển. Thể chế và cụ thể hóa nội dung nghị quyết của Đảng với mục tiêu, giải pháp cụ thể, sát thực tiễn để tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của cấp ủy, tổ chức Đảng. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng tỉnh, năng lực này của các cấp ủy, tổ chức Đảng cơ sở ở Lục Yên thể hiện như thế nào?

Niềm vui của cán bộ, nhân dân thôn Át Thượng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên trong ngày bàn giao nhà ở tái định cư cho các hộ dân bị thiệt hại sau hoàn lưu bão số 3.

Nâng cao năng lực lãnh đạo luôn là mục tiêu hàng đầu được xác định trong nghị quyết mỗi kỳ đại hội của Đảng. Không chỉ ở tầm nhìn, dự báo để hoạch định chủ trương, đường lối và ứng phó; không chỉ là thể chế hóa, cụ thể hóa nội dung nghị quyết của Đảng; năng lực lãnh đạo còn thể hiện ở hiệu quả công tác xây dựng đội ngũ cán bộ đủ sức, ngang tầm để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Vượt lên khó khăn nội tại, từng bước khắc phục những hạn chế của một địa phương miền núi, Đảng bộ huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cách làm khoa học, sáng tạo để nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức Đảng…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục