Thành quả của hệ thống chính sách
Năm 2024 ghi dấu bước ngoặt trong hành trình xây dựng "Tỉnh hạnh phúc” khi "Chỉ số hạnh phúc” của người dân Yên Bái đạt mức 66,52%, tăng 13,22% so với năm 2020. Sự gia tăng này không chỉ là kết quả của những con số khô khan, mà là thành quả của một hệ thống chính sách được xây dựng trên nền tảng đặt con người là trung tâm của mọi quyết sách phát triển.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đã ban hành kế hoạch riêng về nâng cao Chỉ số hạnh phúc. Từ thị xã Nghĩa Lộ với mục tiêu hướng tới sự hài lòng toàn diện của người dân, đến huyện Mù Cang Chải - nơi Chỉ số hạnh phúc tăng vọt lên 56,53%, vượt 102,7% so với kế hoạch đề ra, hay huyện Văn Yên, với tỷ lệ hoàn thành trên 90% nhiệm vụ nâng cao Chỉ số hạnh phúc trong năm, tất cả cho thấy một quyết tâm chính trị mạnh mẽ, đồng bộ và toàn diện. Hạnh phúc không thể bền vững nếu thiếu đi sự vững chắc từ nền tảng kinh tế.
Mô hình trồng cà chua tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.
Nhận thức rõ điều đó, năm 2024, Yên Bái đã thực hiện 232 nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch 163-KH/TU về nâng cao Chỉ số hạnh phúc; trong đó, phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục giữ vai trò nhiệm vụ trọng tâm. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 7,91% - vượt kế hoạch đề ra; thu nhập bình quân đầu người đạt 56,3 triệu đồng, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên 21.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ngành du lịch bứt phá với hơn 2,27 triệu lượt khách, tăng 33,7% so với kế hoạch ban đầu. Những con số ấy không chỉ phản ánh sự tăng trưởng, mà là nền tảng hiện hữu để mỗi người dân có một đời sống sung túc hơn, an toàn hơn và kỳ vọng vào tương lai nhiều hơn.
Những thách thức
Yên Bái đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc nâng cao Chỉ số hạnh phúc cho người dân. Tuy nhiên, tỉnh cũng đang đối diện với không ít thách thức trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu này. Trước hết, việc cụ thể hóa và triển khai các giải pháp nâng cao Chỉ số hạnh phúc gặp nhiều khó khăn do đây là một lĩnh vực mới, chưa có tiền lệ.
Điều này cho thấy, Yên Bái đang đi tiên phong trong một lĩnh vực đòi hỏi tính sáng tạo cao và chưa có khuôn mẫu sẵn có. Thách thức tiếp theo đến từ nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức và người dân về Chỉ số hạnh phúc còn hạn chế; rồi công tác điều tra, khảo sát bởi việc thu thập và xử lý dữ liệu một cách chính xác và hiệu quả là vô cùng quan trọng để đánh giá đúng thực trạng và đưa ra những giải pháp phù hợp. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện đôi khi chưa chặt chẽ cũng là một trở ngại.
Để đạt được hiệu quả cao nhất, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các bên liên quan, tránh tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Cuối cùng, kinh phí cho các giải pháp nâng cao Chỉ số hạnh phúc còn hạn hẹp. Việc đầu tư nguồn lực tài chính một cách hợp lý và hiệu quả là yếu tố then chốt để bảo đảm triển khai thành công các giải pháp nâng cao Chỉ số hạnh phúc.
Đồng bộ giải pháp
Yên Bái xác định rõ mục tiêu đến năm 2025, Chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với đầu nhiệm kỳ. Với tầm nhìn xa và một khát vọng lớn, Yên Bái đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Trong dòng chảy ấy, việc nâng cao Chỉ số hạnh phúc của người dân không còn là khẩu hiệu mà đã và đang được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách nhất quán, hành động kiên trì và cam kết mạnh mẽ từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Theo đồng chí Trần Huy Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, hạnh phúc của người dân không chỉ là mục tiêu, mà còn là thước đo giá trị cho mọi chủ trương, chính sách của tỉnh. Phát triển kinh tế phải gắn với phát triển con người, văn hóa và công bằng xã hội. Với tinh thần ấy, Yên Bái xác định: để vượt qua những khó khăn đặc thù của một tỉnh miền núi, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp then chốt. Trước hết là thực thi tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt chú trọng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế.
Các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục là "trục xương sống” của chiến lược nâng cao chất lượng sống toàn diện. Song song đó, tỉnh đặt trọng tâm vào việc gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát huy giá trị con người, bảo đảm sự hài hòa giữa tiến bộ và công bằng xã hội.
Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả được đẩy mạnh - không chỉ để nâng cao năng lực phục vụ nhân dân, mà còn hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, gần dân và vì dân. Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh thời tiết diễn biến bất thường ngày càng gia tăng.
Thời gian tới, Yên Bái sẽ thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình triển khai, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, rút kinh nghiệm và điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt. Từ góc nhìn cơ sở, huyện Trạm Tấu - một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn nhưng cũng đưa ra những định hướng, giải pháp cụ thể để nâng cao Chỉ số hạnh phúc.
Phó Chủ tịch UBND huyện Khang A Chua cho biết: "Thời gian tới, huyện Trạm Tấu sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao Chỉ số hạnh phúc cho người dân. Trước hết, chúng tôi xác định rõ việc quán triệt sâu sắc mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ về Chỉ số hạnh phúc không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, mà phải trở thành kim chỉ nam trong hành động của cả hệ thống chính trị, từ đội ngũ cán bộ, đảng viên cho đến từng người dân. Chúng tôi sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng của Tỉnh ủy, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện chất lượng sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho bà con”.
Còn tại huyện Văn Yên, nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao Chỉ số hạnh phúc cũng đã và đang được triển khai thực hiện. Ông Lê Thành Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: "Năm 2025, huyện Văn Yên tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng sống cho người dân, phấn đấu đạt Chỉ số hạnh phúc đạt 71%, tăng 0,96% so với năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng bền vững, chú trọng vào các chính sách an sinh xã hội, cải thiện điều kiện sống và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tập trung tuyên truyền để huy động sự tham gia của toàn thể cộng đồng, tạo ra những hành động thiết thực như phát triển các mô hình nhà ở xã hội, cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo dựng các cơ hội việc làm cho người dân. Những giải pháp này không chỉ nâng cao Chỉ số hạnh phúc mà còn khơi dậy khát vọng phát triển mạnh mẽ trong mỗi người dân Văn Yên".
Hành trình vươn tới "Tỉnh hạnh phúc” không thể đo bằng năm, bằng nhiệm kỳ mà bằng từng đổi thay nhỏ nhất trong đời sống người dân. Những gì Yên Bái đã và đang làm chính là minh chứng rõ nét cho tư duy phát triển lấy con người làm gốc. Giấc mơ về một nơi "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra sẽ không còn xa vời. Hạnh phúc đang từng ngày hiện hữu trong từng con số tăng trưởng, từng nụ cười học sinh, từng ngôi nhà mới nơi vùng sâu, vùng xa, từng cán bộ tận tụy giữa bản làng… Con đường phía trước vẫn còn nhiều thử thách, nhưng với sự kiên định, đồng lòng và bền bỉ, Yên Bái chắc chắn sẽ tiếp tục vững bước không chỉ trên hành trình phát triển mà còn trên con đường hạnh phúc bền vững cho mọi người dân.
Hùng Cường