Xót xa cơm gạo Giao Chu!
- Cập nhật: Thứ ba, 11/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ton hon một lối mòn rộng vừa đủ bước chân người, vắt vẻo, ngoằn ngoèo trên lưng núi - con đường nhỏ nhoi, buồn, lạnh đưa chúng tôi đến thôn Giao Chu - buồn như nỗi lo cơm gạo của người Mông dưới những mái nhà thấp tè, thưa thớt ở cái thôn nghèo nhất của xã nghèo Pá Lau trên huyện vùng cao Trạm Tấu này.
Chờ bữa cơm chiều...
|
Giữa trưa, nắng hạ nồng oi. Không gian thôn tĩnh mịch. Người dân đang trong giấc ngủ trưa chăng? Nhưng trước cửa nhà Thào A Lử, người lớn và trẻ em ngồi đó, vật vờ và lặng lẽ. Háng A Lùng - cha dượng A Lử độ gần 50 nhưng hom hem và ốm yếu. A Lùng vân vê ít thuốc lào, lấy hơi rít, chưa dứt hơi thuốc đã sùng sục ho, cơn ho khiến ông ngả nghiêng như sắp ngã. Cạnh đó, vợ Lùng - Vàng Thị Lần đưa bàn tay thô ráp, đen đủi vấn lại mái tóc đỏ quạch, khê khét. Thào A Lử đứng dựa cửa nhìn vô định... Hai đứa trẻ ngồi phơi nắng, mân mê, đẽo gọt thứ quả rừng bằng con dao to uỵch so với chúng và một trong số chúng là Háng A Say - người em cùng mẹ khác cha với Lử.
- Nhà đã ăn cơm chưa? - câu hỏi của chúng tôi dường như không đủ phá tan sự thinh lặng nơi này. Chỉ có thằng bé ngẩng lên đáp lại bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ:
- Chưa nấu.
- Sao không nấu? Trưa lắm rồi...
- Không có gạo.
Nói câu gọn lỏn rồi thằng bé lại cúi xuống đẽo đẽo, gọt gọt thứ quả rừng trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi. Không có gạo - chẳng thế mà quá trưa, bếp kiềng vẫn lạnh tanh giữa căn nhà chẳng có một thứ tài sản nào đáng giá. Cả mấy con người cứ ngồi đó, không làm gì, không ăn gì. Tự nhiên, giữa nắng trưa hè mà thấy ở đây u ám không gian, ngưng trệ thời gian với những con người không có gì để làm, chẳng có gì để ăn ngoài việc ngồi đó, vạ vật chờ ngày hết. Không bữa trưa - cái điều bất thường chúng tôi được biết nhưng có lẽ với họ, nó đã thành quen, quen lắm. Chả nói gì, ba người lớn, hai đứa nhỏ vẫn cứ nhẩn nha chơi chứ chẳng có ý chờ cơm như bọn trẻ con đến giờ đói bụng. Hay cái dạ dày của chúng đã quen với những bữa trưa không có gì?
Nhà Thào A Lử bây giờ năm miệng ăn cả thảy nhưng không một tấc ruộng. Cũng bởi vài năm trước, khi cha A Lử mất, mẹ đã phải bán hết ruộng để làm ma. Gia đình có mượn được của anh em ít ruộng, gọi là mượn nhưng thực ra là thuê ruộng cấy nên thóc lúa thu về cũng phải trả lại một phần, còn lại chỉ đủ ăn vài tháng. Lử và người em gái kế cận giờ là lao động chính trong nhà. Ngoài làm ruộng, làm nương, hai anh em cũng đi làm thuê song chỉ quanh quanh trong xã mà thực ra để lấy công giả nợ - đấy là những món nợ gạo mà gia đình đã vay khi thiếu đói. Cứ thế, cái đói quẩn quanh vây lấy gia đình mà như Lử nói, mỗi năm đến vài ba tháng. Trưa nay cũng chỉ là thêm một bữa thôi...
Không riêng gì nhà Lử, cả thôn có đến bốn nhà không có ruộng cấy lúa, thiếu ăn. Nhưng ngay với cả những nhà được coi là nhiều ruộng trong thôn thì không phải lúc nào cũng được no. Bởi nhiều ở đây là nhiều so với nhà khác chứ tổng số 49 hộ toàn thôn cũng chỉ có độ 4 ha diện tích lúa nước hai vụ, trung bình mỗi hộ lại có từ 5 đến 8 khẩu, sao không thiếu ăn... Cái cậu bé phơi nắng, đẽo quả rừng nhẩn nha chơi cùng Háng A Say đấy là Vàng A Dính. Nhà Dính có nhiều ruộng, nương hơn nên không ngồi nhàn rỗi như nhà Say. Cha mẹ và hai anh Dính đi làm ruộng, làm nương và cơm thì để dành cho họ mang theo.
Còn Dính, ở nhà, chưa đi làm được thì bát cơm từ sáng cũng là phần của cả bữa trưa. “Làm nhiều thì ăn nhiều, làm ít thì ăn ít hơn thôi” - Háng A Lùng bảo vậy. Đấy cũng là thêm lời giải thích cho chuyện nhiều nhà có nhiều ruộng hơn mà vẫn có bữa thiếu đói trong năm. Nhưng làm ít có thể ăn ít hơn được chăng? Chẳng qua bởi không có gì để ăn nên đành nhịn vậy thôi. Năm nay, nhà A Lử đã đi vay đến hai tạ gạo của những nhà nhiều ruộng rồi nên giờ chẳng còn có thể vay thêm ai được nữa. Chứ nhu cầu “đầy cái bụng” - cái nhu cầu tất yếu thì chẳng thể giấu giếm trong mắt họ, nhất là hai đứa trẻ này khi nhận gói xôi từ chúng tôi. Trong ánh mắt trẻ thơ khờ dại là một niềm khao khát thật giản đơn mà chua xót - khao khát được ăn no, khao khát được ấm bụng...
Chỉ một bữa cơm mà nhiều hôm đã không lo nổi, nói gì đến chuyện nhớn trong nhà. Đứa em gái kế cận Thào A Lử đã bỏ học, Lử cũng thôi học từ vài năm trước, duy còn cậu bé út A Say đang học tiểu học là thành thạo chữ nghĩa nhất trong nhà. Không biết, bây giờ, Lử và em gái còn nhớ được bao nhiêu cái chữ nhưng dẫu sao vẫn hơn khối người dân Giao Chu mà theo Bí thư Đảng ủy xã Pá Lau cho hay, cả thôn có đến 80% số người mù chữ.
Ở tuổi 20, nhiều thanh niên Mông khác trong và ngoài xã đã lấy vợ, sinh con nhưng Lử vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Giả như lúc này có ưng cô gái nào, Lử cũng không biết lấy đâu ra tiền để cưới vợ. Mà giả như có cô gái nào ưng Lử thì cũng không biết có bằng lòng về làm dâu nhà Lử để chung cảnh thiếu đói với nhau... Dẫu sao, đấy cũng là chuyện nhớn, có thể gác lại về sau. Từng bữa cơm, bát gạo mới là chuyện phải đối mặt, phải lo ngay lúc này. Song ngoài ruộng, ngoài nương, ngoài những ngày công làm thuê thất thường, Lử chưa bao giờ nghĩ đến một cơ hội thoát nghèo nào khác như đi xuất khẩu lao động chẳng hạn. Chung tư tưởng với nhiều người dân khác, cha mẹ Lử sợ không còn ai làm nương rẫy, bản thân Lử sợ xa xôi, không dám vượt qua cái nương, cái rẫy mặc dù nó chẳng thể mang lại ấm no cho cái bụng. Vì thế, có tới 42/49 hộ dân ở Giao Chu này thuộc diện nghèo cũng đâu khó hiểu...
Quá trưa sang chiều, Vàng Thị Lần - người đàn bà Mông trong nhà kiếm đâu được ít ngọn rau bí mang về, xúc thêm bát măng ớt cho vào nồi, lục tục nhóm bếp. Ánh mắt của cậu bé Say háo hức nhìn người anh Thào A Lử cầm chút tiền mà chúng tôi vừa đưa cho men theo con đường nhỏ đi mua gạo và cũng ánh mắt ấy lại hau háu nhìn đốm lửa bắt đầu nhen nhóm cháy. Ánh mắt khát khao có bữa cơm no sao xót xa đến vậy...
Thu Hạnh - Nguyễn Tươi
Các tin khác
YBĐT - Trong sâu thẳm tâm tư, bà con dân bản không muốn bản mình thay tên đổi họ, cho dù cái tên mới đầy mầu sắc phố thị, nhưng nó không đơn giản chỉ là một cái tên khi trong nó còn cả một phần văn hoá bản làng của người Thái Mường Lò.
YBĐT - Ồn ào phố thị rơi lại phía sau, miền đất yên ả đến thật nhẹ nhàng với những doi bãi như bát úp ven hồ Thác, những đàn trâu thoả thuê ngụp lặn trong nước hồ rười rượi. Trong ngút ngàn xanh là những làng những bản, xa vọng tiếng gà gáy buổi mai, thanh bình lạ!
YBĐT - Không chỉ có tiềm năng về thuỷ điện và du lịch, hồ Thác Bà còn có tiềm năng rất lớn về thuỷ sản. Nhiều năm qua, nguồn thuỷ sản này đã nuôi sống hàng nghìn hộ dân ven hồ, nhưng thật đáng buồn là theo thời gian mà tiềm năng này giờ đang cạn kiệt!
YBĐT - Nông dân thì có nhiều giấc mơ, nông dân làm chè chỉ mơ chè được giá, chè tốt, chè nhiều nhưng mấy vạn dân làm chè Yên Bái không thể tự làm cho mình sung sướng vì phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, doanh nghiệp.