“Bên kia Ngòi Cụ, bên này Ngòi Ri”

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/8/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ồn ào phố thị rơi lại phía sau, miền đất yên ả đến thật nhẹ nhàng với những doi bãi như bát úp ven hồ Thác, những đàn trâu thoả thuê ngụp lặn trong nước hồ rười rượi. Trong ngút ngàn xanh là những làng những bản, xa vọng tiếng gà gáy buổi mai, thanh bình lạ!

Một nghi thức trong lễ cầu làng của người Dao Yên Thành.
Một nghi thức trong lễ cầu làng của người Dao Yên Thành.

Bên kia hồ Thác, những làng văn hoá của người Dao Yên Thành (Yên Bình) nằm hút trong bạt ngàn xanh, hấp dẫn chúng tôi bởi những câu chuyện truyền kỳ trong thế giới tâm linh, những điều hay vẻ đẹp trong đời sống muôn màu của thời hiện đại mà vẫn thấm đẫm sắc màu văn hoá riêng có. Những làng văn hoá thực sự là môi trường nuôi dưỡng, bảo tồn những bản sắc ngàn năm của họ, là điểm tựa tinh thần để người Dao vươn lên vượt qua nghèo đói, xây dựng cuộc sống mới dưới ánh sáng dẫn đường của Đảng...

Ồn ào phố thị rơi lại phía sau, miền đất yên ả đến thật nhẹ nhàng với những doi bãi như bát úp ven hồ Thác, những đàn trâu thoả thuê ngụp lặn trong nước hồ rười rượi. Trong ngút ngàn xanh là những làng những bản, xa vọng tiếng gà gáy buổi mai, thanh bình lạ!

Không hẹn mà gặp, anh cán bộ văn hoá xã xuýt xoa: “Các anh tới đúng ngày Cầu Làng, mời xuống dự với bà con!”. Tôi ngạc nhiên: “Mồng 6 tháng 6 âm, sao lại Cầu Làng?”. Phó chủ tịch UBND xã Lý Văn Bảo rành rọt: “Cầu Làng có hai lễ chính là mồng 2/2 và mồng 2/12 âm lịch. Hiểu tạm là đầu năm cầu, cuối năm báo cáo. Còn mồng 6/6, người Dao làm lễ, ý nghĩa như là “công bố quyết định” của thần linh vậy!”.

Vừa hay, tôi và các anh Bảo, Hạnh ở UBND xã, anh Tứ - Phó trưởng phòng Văn hoá -Thông tin huyện Yên Bình kéo nhau vào Ngòi Cụ. Tên thôn nghe già nhưng toàn người trẻ. Những sơn nữ và trẻ nhỏ xúng xính trong áo chàm, vòng bạc; thanh niên thì chân tay luôn việc, người già vẻ mãn nguyện. Ngòi Cụ là một trong bốn làng văn hoá của Yên Thành, trên 100 hộ, tất là người Dao quần trắng.

Ông Hoàng Hữu Định cho hay: “Cầu Làng là một trong những nghi lễ của người Dao được khôi phục và phát huy trong những năm gần đây. Trong hương ước, quy ước của làng quy định rõ trách nhiệm của mỗi người là thực hiện nếp sống văn hoá, bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hoá dân tộc”. Phó chủ tịch UBND xã Lý Văn Bảo nói thêm: “Cái hay là nó gắn liền với đời sống sản xuất, đời sống tinh thần của bà con. Ngòi Cụ không có đạo lạ xâm nhập, không có người nghiện ma tuý, không tranh chấp, kiện cáo, bà con cần mẫn làm ăn cho sớm thoát nghèo thôi!”.

Rồi thì lễ cũng bắt đầu. Ông thầy cúng mà mãi tôi mới nhận ra là Hoàng Hữu Định ban nãy giờ đầu mang mũ ngũ sắc, mình vận áo dài đỏ viền vàng trang nghiêm hành lễ. Đèn nhang, cây nêu cắm cờ ngũ sắc, kiếm trừ tà, rượu, nước, xôi, thủ lợn, chảo gio và đồ mã tượng trưng cho 12 con giáp sẵn sàng. “Cám nhắn cám đi chánh toòng úi đài thai thối ký cháu niên, ăn lai thì kếu thay thú thay bồ păng thăng đây khí nam tang dêu sóng...” – ông Định bắt đầu khấn với những tiếng như ngân mà tôi có chép cũng không thể biết phẩy chấm thế nào cho thành câu nhưng nghĩa thì đại thể là: “Ngày này là ngày 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu, từ ngày này trở đi con chính thức chứng kiến thầy bố, thầy cha đỡ con cúng lễ, chính thức gọi 12 con giáp về che chở, cầu xin cho đầu làng bình phúc, cuối làng bình an, nhà nhà hạnh phúc...”.

Tâm linh là cõi vô biên, huyền bí nhưng vốn có trong mỗi người, không khí linh thiêng ngập tràn nơi hành lễ khiến tôi cũng nhẩm khấn cho làng quê, đất nước thêm giàu mạnh, người người thương yêu nhau... Chuyện lễ, chuyện cầu thế rồi cũng vận vào chuyện làng chuyện bản. Bà Lục Thị Vọng, 89 tuổi móm mém chuyện: “Mình Cầu Làng như thế là bảo ban con cháu đấy. Ai chưa chịu làm ăn thì phải vươn lên, ai gặp điều không may thì bà con nâng đỡ, con trẻ phải kính trên nhường dưới, học hành, không nghe kẻ xấu làm điều buồn bực!”.

Xem ra những ý nghĩa của Cầu Làng thấm sâu trong mỗi người và cả làng văn hoá trẻ này. Kiểm lại cuối năm trong lễ cúng mồng 2/12 năm ngoái, thôn có nhà Hoàng Đức Vượng, Hoàng Cảnh, Hoàng Văn Lượng, Hoàng Văn Khuyên làm ăn khấm khá hẳn lên. Nhà Lục Văn Bảo làm nhà to, mua thêm 2 trâu; nhà Bàn Văn Lịnh mua thêm 3 trâu, đóng đồ gỗ, có rừng keo lai 2 ha đến kỳ thu hoạch; nhà Hoàng Ngọc Bảo có con vào đại học.

Nhiều chuyện ở Ngòi Cụ tôi nghe cảm động lắm! Ví như cơn bão số 4 năm ngoái làm  đổ nhà anh Hoàng Văn Thịnh, ông Hoàng Hữu Định đã nhường trên 400 m2 đất cho ông Thịnh làm nhà ở; bà con đóng góp mỗi người 5 kg gạo, lúa giống, cây con cho những hộ bị thiên tai trong thôn, không để ai bị đói rét trong bão lũ. Ngòi Cụ hôm nay người nghèo đã bớt nghèo, người thiếu ăn đã đủ ăn, ruộng trồng giống lúa mới, rừng trồng keo lai, bạch đàn mô, lợn - gà - trâu - bò nhà nào cũng có, trẻ con tất cả được tới trường, người ốm được khám chữa bệnh, làng không có ma tuý, tranh chấp, đánh cãi nhau, thanh bình yên ấm...

Bốn làng văn hoá của Yên Thành là Ngòi Cụ, Ngòi Ri, Ngòi Ké, Máy Đựng, Chủ tịch UBND xã Bàn Văn Thắng hồ hởi: “Từ khi ra mắt các làng văn hoá, công việc của làng của bản “chạy” hẳn lên. Anh biết đấy, 4.200 khẩu nhưng Yên Thành chỉ có 35 ha ruộng, còn lại là đất lâm nghiệp và đất ven hồ, 93,6% là dân tộc Dao, rất khó khăn. Những làng văn hoá là hạt nhân của chúng tôi, kinh tế cũng đấy, văn hoá xã hội cũng đấy, cái đáng quý là bà con đã có môi trường tốt để lưu giữ những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình. Các anh đi Ngòi Cụ rồi, bây giờ đi Ngòi Ri?”.

Chúng tôi quay ngược đường Vĩnh Kiên-Yên Thế ra Ngòi Ri. Trưởng làng cũng chính là ông Phó chủ tịch UBND xã ngồi với tôi ban nãy. Sôi nổi chuyện múa hát, đàn ca, ông rằng: Làng có “kho” văn hoá cổ Lý Văn Minh, có đội văn nghệ trẻ kế già 12 người cả thảy, có hát đối trong những lễ cưới hỏi, 70% biết đọc chữ Nho (Dao)... nghĩa là những gì tốt đẹp của dân tộc ông còn nguyên vẹn lắm! Ngòi Ri ra mắt làng văn hoá năm 2006, mối quan tâm và cũng là mục tiêu của 115 hộ người Dao ở đây là nhanh chóng thoát nghèo, làm giàu nhưng không để mất những gì riêng có của dân tộc.

Anh Bàn Văn Cương cho biết, trồng rừng và phát triển chăn nuôi là phương kế làm  ăn chính của bà con. Cương không tính cụ thể cho tôi có bao nhiêu hộ làm ăn khấm khá từ rừng, từ chăn nuôi nhưng thông tin là chỉ còn 25 hộ nghèo, chủ yếu do thiếu tư liệu sản xuất, ốm đau, gặp rủi ro. Phó trưởng phòng Văn hoá-Thông tin Yên Bình nói thêm: “Ngòi Ri so với trước đã khá hơn nhiều lần rồi. Cái quý ở đây là bà con rất có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc. Một cách làm mới của huyện là tổ chức các hội diễn dân tộc để khơi dậy những vốn có đó. Tiết mục múa “12 con giáp” trong lễ Cầu Làng của Ngòi Ri đã được Phòng chọn tham gia hội diễn toàn huyện sắp tới”.

Lý Văn Minh được coi là “kho” vốn cổ của dân Ngòi Ri. Chữ Nôm (Dao) được ông truyền cho lớp trẻ, những bài khấn, những bài hát dân ca, những nhạc cụ chế từ nứa lá ông đều thông cả. Nói chuyện dạy chữ Nôm (Dao), tôi nhớ tới chồng giấy điều trắng chi chít chữ mực mà Hoàng Hữu Định ở Ngòi Cụ cho xem. “Toàn các cháu nó học viết đấy, mồng 2, mồng 3 tết đã tới viết chữ rồi, có biết chữ thì mới hiểu được những cái hay, cái đẹp văn hoá dân tộc mình, học chữ làm người, học ở trường ở nhà như Bác Hồ dạy vậy!”...

Yên Thành hôm nay có 10 lớp mầm non, 2 trường tiểu học, 1 trường THCS, 100% trẻ em trong độ tuổi tới trường, nhiều con em người Dao đã học lên đại học, cao đẳng, trung cấp về phục vụ quê hương. Trong lễ hội của người Dao Yên Thành, lớn nhất là Cầu Làng, bao giờ cũng có những tiết mục múa hát của trẻ nhỏ. Hôm nay cũng vậy, những em nhỏ trong trang phục Dao, xúng xúng khăn vòng múa hát trong lễ Cầu Làng mồng sáu tháng sáu.

Đảng cho em học chữ làm người/ Theo Đảng người Dao không du canh cu cư/ Về đây lập bản lập làng, trồng lúa, trồng rừng/ Làng trên bản dưới không còn đói khổ/ Người Dao ơn Đảng, ơn Bác Hồ...” – những lời ca trong trẻo như suối nguồn ngân mãi. Trong đời sống muôn màu của thời hiện đại, những làng Dao Yên Thành vẫn thấm đẫm sắc màu văn hoá riêng có. Những làng văn hoá thực sự là môi trường nuôi dưỡng, bảo tồn những bản sắc của họ, là điểm tựa tinh thần để người dân vươn lên vượt qua nghèo đói, xây dựng cuộc sống mới.

Hôm nay, ai say câu hát, ai mộ Cầu Làng thì về Yên Thành “bên kia Ngòi Cụ bên này Ngòi Ri...”.

Tuấn Anh - Đức Thành

Các tin khác
Hàng năm, tỉnh vẫn thả hàng triệu cá giống bổ sung xuống hồ Thác Bà nhưng do không quản lý được phương thức khai thác thủy sản nên cá trên hồ vẫn cạn kiệt.

YBĐT - Không chỉ có tiềm năng về thuỷ điện và du lịch, hồ Thác Bà còn có tiềm năng rất lớn về thuỷ sản. Nhiều năm qua, nguồn thuỷ sản này đã nuôi sống hàng nghìn hộ dân ven hồ, nhưng thật đáng buồn là theo thời gian mà tiềm năng này giờ đang cạn kiệt!

Trên 2.300 ha chè giống mới đã được trồng thay thế chè trung du năng suất thấp nhưng chất lượng vùng nguyên liệu vẫn rất thấp. Ảnh Thanh Miền

YBĐT - Nông dân thì có nhiều giấc mơ, nông dân làm chè chỉ mơ chè được giá, chè tốt, chè nhiều nhưng mấy vạn dân làm chè Yên Bái không thể tự làm cho mình sung sướng vì phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, doanh nghiệp.

Công nhân ở đội 2, Công ty cổ phần Chè Văn Hưng (Yên Bình) thu hái chè.

YBĐT - Đứng thứ ba cả nước với diện tích trên 12.500 ha, cây chè được Yên Bái xác định là cây công nghiệp thế mạnh. sản xuất kinh doanh chè có những bước đi khá vững chắc, sản phẩm chè Yên Bái được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả và chất lượng sản xuất, kinh doanh chè. Thế nhưng, phía sau đó là cả câu chuyện dài với bao cơ sự, biết mấy thăng trầm, hơn 40 năm - đời sống của mấy vạn người làm chè vẫn chưa thể khấm khá...

Gò cọ Đồng Yếng là một trong những địa điểm thuộc cụm di tích lịch sử cách mạng chiến khu Vần.  (Ảnh: Linh Chi)

YBĐT - Xe rẽ Việt Hồng chúng tôi tìm về chiến khu Vần – con đường nắng núi sau mưa, nắng oi nồng ngột ngạt, lòng đường núi sau mưa lớn bị khoét đi hàng mảng. Là ngày nghỉ nên UBND xã không có người trực. Tôi lững thững ra đầu đường gặp được một cụ già người Tày chừng 80 tuổi tay chống chiếc gậy song.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục