KÝ SỰ VÙNG CHÈ

Kỳ II: Giấc mơ của người nông dân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nông dân thì có nhiều giấc mơ, nông dân làm chè chỉ mơ chè được giá, chè tốt, chè nhiều nhưng mấy vạn dân làm chè Yên Bái không thể tự làm cho mình sung sướng vì phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, doanh nghiệp.

Trên 2.300 ha chè giống mới đã được trồng thay thế chè trung du năng suất thấp nhưng chất lượng vùng nguyên liệu vẫn rất thấp. Ảnh Thanh Miền
Trên 2.300 ha chè giống mới đã được trồng thay thế chè trung du năng suất thấp nhưng chất lượng vùng nguyên liệu vẫn rất thấp. Ảnh Thanh Miền

>>> Kỳ I: 40 năm và câu chuyện mỗi ngày

Chỉ khi giải quyết tốt thị trường tiêu thụ và thực hiện đồng bộ các biện pháp, chính sách phát triển ngành chè như Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, chè Yên Bái có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đời sống ba vạn người làm chè mới khấm khá lên theo...

Ao nhà và biển cả

Sự ví von này là nói về câu chuyện thị trường mà các doanh nghiệp chè “đánh vật” kể từ khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Cho tới bây giờ, chè đen vẫn là sản phẩm chủ yếu của các doanh nghiệp chè Yên Bái, nhưng trước kia việc tiêu thụ đều qua tay Tổng công ty Chè Việt Nam thì nay các doanh nghiệp, ngay cả thành viên của “Tổng” cũng đang thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng một thời quyền uy ấy.

Công ty cổ phần Chè Trần Phú thời gian qua không bán chè qua Tổng, trên 700 tấn (tồn 2008 trên 400 tấn) chủ yếu bán cho Công ty Chè Thế Hệ Mới. Công ty cổ phần Chè Văn Hưng là doanh nghiệp địa phương đã dứt khỏi bóng “Tổng” để bôn ba tìm đối tác. Tới đầu tháng 7.2009, đã tiêu thụ 445 tấn chè các loại, chủ yếu là chè đen CTC.

Có thể nói, các doanh nghiệp chè Yên Bái đã mất quá nhiều thời gian để thoát ra khỏi cái bóng của “Tổng” chè, nhiều năm thị trường nội địa bị bỏ quên, thực chất các doanh nghiệp chè Yên Bái nói cách này hay cách khác vẫn làm chè sơ chế, cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp nắm được thị trường trong và ngoài nước.

Công ty cổ phần Chè Minh Thịnh sơ chế và mua chè sơ chế về làm chè hoàn thành phẩm bán cho một số doanh nghiệp chè Tuyên Quang, Hà Nội; chè đen Trần Phú bán cho Công ty Chè Thế Hệ Mới để được tinh chế xuất đi nước ngoài; Văn Hưng, Nghĩa Lộ, Liên Sơn... cũng vậy.

Dây chuyền vò chè công nghệ mới của Công ty cổ phần chè Trần Phú.

Trong tình hình đó, đòi hỏi nâng cao chất lượng sản phẩm chè phải thực hiện rất linh hoạt. Thời gian qua, sản phẩm chè đen cấp thấp lại tiêu thụ tốt hơn chè OP, B, FBOP, vậy các doanh nghiệp có cần làm chè cấp cao không? Giám đốc các công ty chè và doanh nghiệp tư nhân khẳng định thị trường “ăn” chè gì thì mình làm mạnh chè nấy.

“Tôi đã từng làm lô cấp cao, nhưng phập phù lắm vì liên quan tới chất lượng nguyên liệu đầu vào. Đem cho bạn hàng, ông biết thế nào không? Lại làm chuyện ngược đời là pha trộn với cấp thấp, vì nếu người ta “ăn” quen cấp cao thì ông có đáp ứng được khi nguyên liệu láo nháo thế này?” - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Trần Phú nói.

Phó giám đốc Chè Minh Thịnh Nguyễn Xuân Chiến thấy điều này đúng trong bối cảnh hiện nay. Anh cho biết, 240 tấn chè của doanh nghiệp bán ra thị trường đầu vụ tới nay đều là chè cấp thấp: “Chúng tôi thực ra không có thị trường, không có sản phẩm tinh. Bạn hàng lấy gì thì tôi làm hàng đấy. Tôi nghĩ cái nghĩa của nội địa là đây, chứ không hẳn nội là làm chè cho 80 triệu dân mình uống!”.

Công nghệ thiết bị là một cản trở khi tính ra biển lớn, Yên Bái chưa có doanh nghiệp nào đầu tư đồng bộ dây chuyền sản xuất hiện đại công nghệ cao, thiết bị, máy móc hiện rất lạc hậu, công nghệ sản xuất chè đen chiếm tới 90% cơ cấu sản phẩm. Một số doanh nghiệp như Văn Hưng, Trần Phú, Nghĩa Lộ đầu tư đổi mới thiết bị, dây chuyền sản xuất chè đen Liên Xô sang Xri-lan-ca, Ấn Độ nhưng mới là chuyển một bước, chưa đồng bộ tới mức hàng có thể tới thẳng người tiêu dùng...

Chiếm lĩnh “ao nhà”, các doanh nghiệp chè Yên Bái đẩy mạnh tìm kiếm bạn hàng, sản xuất mạnh chè sơ chế, bán thành phẩm cho các bạn hàng trong nước, nhờ đó, đã tự chủ được sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp chấp nhận được trong điều kiện năng lực và sức cạnh tranh yếu, về lâu dài, phải vươn ra “biển”, làm hàng xuất khẩu trực tiếp, tinh chế tại địa phương.

Để nông dân sung sướng

Nông dân thì có nhiều giấc mơ, nông dân làm chè chỉ mơ chè được giá, chè tốt, chè nhiều nhưng nông dân không thể tự làm cho mình sung sướng vì phụ thuộc vào thị trường, doanh nghiệp. Diện tích chè Yên Bái dự tính vài năm tới là 13.000 ha.

Bằng các chương trình hỗ trợ của tỉnh, đầu tư vốn của ngân hàng, trên 2.300 ha chè giống mới đã được trồng thay thế chè trung du năng suất thấp nhưng chất lượng vùng nguyên liệu vẫn rất thấp, nhiều nơi năng suất chỉ trên dưới 5 tấn/ha, nông dân làm chè những nơi này vẫn luẩn quẩn trong nghèo khó, chưa khấm khá lên được.

Nhìn tổng thể và thực tế, Yên Bái cần phải quy hoạch lại vùng chè, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng ở vùng chè độ dốc cao, đầu tư lớn nhưng năng suất thấp, trình độ sản xuất của nông dân và khả năng tự đầu tư thấp để tạo vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng, sản xuất ra sản phẩm có giá trị cao.

Từ sự nhốn nháo của vùng nguyên liệu, đã tới lúc phải quy hoạch lại công nghiệp chế biến chè trên cơ sở rà soát các cơ sở chế biến phù hợp với khả năng cung cấp nguyên liệu, chất lượng sản phẩm. Cho tới nay, chè Yên Bái chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nguyên nhân lớn là công nghệ, thiết bị sản xuất chế biến còn lạc hậu. Do vậy, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp chè có vốn đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, mục tiêu là sản xuất chè chất lượng, giá trị cao, loại bỏ dần sản xuất chè thô, tiến tới sản xuất chè tinh.

Trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp không phải là người quyết định đầu tư công nghệ, thiết bị, sản phẩm gì mà chính thị trường quyết định nhưng thị trường thì luôn bất ổn. Do vậy, việc khảo sát, thâm nhập thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu phải được doanh nghiệp coi trọng.

Đã tới lúc cần dứt bỏ tư tưởng cầu an, đủ sống, cần có tầm nhìn mới, tư duy mới để vươn ra thị trường quốc tế. Để ứng phó hiệu quả với sóng gió của kinh tế toàn cầu hoá, việc liên kết - liên doanh giữa các doanh nghiệp là rất cần thiết. Tình trạng hiện nay là các doanh nghiệp, cơ sở chế biến mạnh ai nấy làm, cạnh tranh thiếu lành mạnh dẫn tới khó khăn càng khó khăn hơn. Liên kết, liên doanh bao gồm cả việc liên kết với doanh nghiệp nước ngoài cùng đầu tư, cùng hưởng lợi.

Công ty cổ phần Chè Văn Hưng là doanh nghiệp đã đi theo hướng này. Nhờ liên kết với doanh nghiệp Ấn Độ, Công ty đã có thể đổi mới thiết bị công nghệ, tiêu thụ ổn định sản phẩm, trụ vững khi thị trường biến động. Cần thấy rằng khi nông dân quay lưng lại thì nhà máy có hiện đại tới đâu cũng khó bề phát đạt, chỉ có liên kết với nông dân, tổ chức thực hiện tốt Quyết định 80/QĐ-TTg thì doanh nghiệp mới có điểm tựa bền vững, doanh nghiệp không quá tốn kém tiền của, công sức xây dựng vùng nguyên liệu, chi phí rẻ hơn mà chủ động được đầu vào cho sản xuất.

Làm được như thế, lo gì sợi dây liên minh công nông không bền chặt, chè nguyên liệu sẽ lại chảy vào nhà máy và giấc mơ sung sướng của người dân làm chè hơn bốn chục năm qua lại sẽ thành hiện thực!...

Tuấn Anh

Các tin khác
Công nhân ở đội 2, Công ty cổ phần Chè Văn Hưng (Yên Bình) thu hái chè.

YBĐT - Đứng thứ ba cả nước với diện tích trên 12.500 ha, cây chè được Yên Bái xác định là cây công nghiệp thế mạnh. sản xuất kinh doanh chè có những bước đi khá vững chắc, sản phẩm chè Yên Bái được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả và chất lượng sản xuất, kinh doanh chè. Thế nhưng, phía sau đó là cả câu chuyện dài với bao cơ sự, biết mấy thăng trầm, hơn 40 năm - đời sống của mấy vạn người làm chè vẫn chưa thể khấm khá...

Gò cọ Đồng Yếng là một trong những địa điểm thuộc cụm di tích lịch sử cách mạng chiến khu Vần.  (Ảnh: Linh Chi)

YBĐT - Xe rẽ Việt Hồng chúng tôi tìm về chiến khu Vần – con đường nắng núi sau mưa, nắng oi nồng ngột ngạt, lòng đường núi sau mưa lớn bị khoét đi hàng mảng. Là ngày nghỉ nên UBND xã không có người trực. Tôi lững thững ra đầu đường gặp được một cụ già người Tày chừng 80 tuổi tay chống chiếc gậy song.

YBĐT - Nậm Có là xã có địa bàn rộng nhất huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) nhưng lại nhiều khó khăn, phức tạp. Chính vì vậy, việc lãnh đạo, chỉ đạo đang được Huyện uỷ, các cấp, ngành của tỉnh, huyện quan tâm sâu sát để xây dựng chính quyền cơ sở Nậm Có đủ mạnh cùng địa phương phát triển.

Những kỹ sư trẻ trên công trường thi công Thủy điện Văn Chấn.

YBĐT - Tháng Sáu, trời nắng như đổ lửa, mồ hôi đẫm ướt áo và túa ra trên mặt thợ. Bền bỉ, hăng say, những người thợ trên công trường thi công Thủy điện Văn Chấn đang viết lên bài ca ca ngợi sức sáng tạo và lòng nhiệt thành của con người chinh phục thiên nhiên, làm giàu cho quê hương đất nước...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục