Về nơi “bậc nhất”... đói nghèo!

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/8/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ đầu năm 2009 đến nay, Trạm Tấu (Yên Bái) đã có 86 trường hợp sinh con thứ 3, trong đó xã Xà Hồ 18 trường hợp, xã Trạm Tấu 11 trường hợp, Bản Mù 20 trường hợp, Túc Đán 14 trường hợp...

Cảnh nheo nhóc ở gia đình Tráng A Su, thôn Mông Đơ, xã Bản Mù (Trạm Tấu).
Cảnh nheo nhóc ở gia đình Tráng A Su, thôn Mông Đơ, xã Bản Mù (Trạm Tấu).

 Mặc dù đã 5 giờ chiều, nhưng cơn mưa chiều chưa ngớt. Giàng A Mua - cán bộ chuyên trách dân số xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu) xem chừng còn bình tĩnh hơn. Chẳng là, anh hẹn chúng tôi xuống một số thôn, bản để tìm hiểu đời sống của người dân và việc sinh đẻ nhiều con nơi đây. “Giờ này có đi thì cũng chẳng gặp được đâu! họ đi nương hết rồi! Muốn gặp phải từ năm rưỡi chiều trở đi!” - anh Mua phân trần. Cơn mưa vừa ngớt, mặt trời đã ngả về tây, những ngôi nhà lụp xụp nằm chênh vênh bên các sườn núi cũng dần đen đặc. Từng tốp, từng tốp người lưng gùi củi, dắt trâu, địu con, gồng gánh nặng nhọc lục tục về nhà.

Trong căn nhà tối om, người vợ trẻ đang cho con bú, thằng nhỏ khoảng 10 tháng tuổi giãy rụa trên tay mẹ. Nó nấc lên vì sốt, tiêu chảy. Người mẹ à ơi theo làn điệu dân tộc mình để dỗ con. Đám trẻ con lít nhít, không quần áo, tóc đỏ hoe, mặt nhem nhuốc bủa quanh, chầu trực bên bếp lửa hồng với cái bụng lép kẹp và sôi òng ọc. Phía trước cửa nhà, phân trâu, phân bò be bét, cộng với con mưa vừa rồi, càng trở nên bẩn thỉu và lầy lội, mùi hôi thối xộc lên, nhưng chẳng ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình Tráng A Su.

- Anh đã cho con đến trạm xá khám chưa?

- Uống thuốc rồi!

- Cháu bị ốm lâu chưa?

- Từ hôm qua!

Khuôn mặt của người mẹ mới 18 tuổi xem chừng lo lắng lắm! Trong khi đó, người chồng vẫn thản nhiên thả khói thuốc lào, tay gảy củi vào bếp trả lời chóng vánh: “Rồi khắc khỏi!”. Đứa trẻ càng khóc to hơn. Mẹ nó hớt hải. Bố nó kéo thêm mồi thuốc, hất hàm tiếng địa phương: “Cho nó bú!”.

Đến với nhà Tráng A Tu, thôn Mông Đơ khi trời đã tốt mịt nhưng xem chừng còn sạch sẽ hơn, bởi lẽ chẳng có trâu, có bò. Tu mình trần đang nằm trên tấm phản bên cạnh đứa con gái nhỏ 3 tuổi trần truồng, đen nhẻm. Tu không đi làm vì bị ngã. Theo như lời anh Mua dịch thì hiện nay Tu có 3 đứa con trai và 1 con gái. Cả gia đình chỉ trông vào 5 tạ thóc/vụ nên đói ăn thường xuyên. Tu đau ốm nằm như vậy thì mọi việc lại đổ dồn lên vai người vợ. Đã gần bảy giờ tối mà chưa thấy vợ Tu về. Tôi hỏi: “Không đủ ăn sao còn đẻ nhiều thế?” Tu im lặng, anh Mua tiếp lời: “Tuyên truyền nhiều rồi! Rất nhiều các biện pháp tránh thai phổ biến cho dân xong không thực hiện. Có người đặt vòng về rồi lại tháo vứt đi! Bây giờ mới biết thế nào là đói ăn...”.

Gia đình ông Tráng A Tu ở thôn Mông Đơ, xã Bản Mù (Trạm Tấu) hàng năm đói ăn từ 5 - 6 tháng.

Có lẽ khổ cực hơn là gia đình bà Hờ Thị Rua, cùng thôn Mông Đơ. Mặc dù, đã ngoài 60 tuổi nhưng bà vẫn phải chăm sóc đứa con bị bệnh câm, điếc đã ngoài 40 tuổi và 5 đứa cháu nội. Chẳng là hoàn cảnh nghèo khó, bố của 5 đứa trẻ mất sớm, mẹ chúng đi lấy chồng và hiện nay cũng đã sinh thêm 2 đứa nên chẳng có thì giờ mà để ý đến chúng ra sao. Chúng lớn lên giữa khắc nghiệt nơi vùng sơn cước và vòng tay trìu mến yêu thương của người bà. Chúng nó đói. Thương bà, chúng nó không dám than, chỉ lẳng lặng theo bà lên nương làm rẫy kiếm ăn. Học hành đối với chúng như là một phần quà sa sỉ mà không bao giờ có được. May thay, Nhà nước đã tạo điều kiện cho 2 đứa nhỏ nhất được ra trường dành cho những đứa trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ngoài tỉnh. Mọi câu hỏi, xẻ chia chỉ là “chi pâu” (không biết) mà các em dành cho chúng tôi.

Trong màn đêm bao phủ một màu đen đặc quánh, chúng tôi đến nhà Giàng A Lồng. Sau một ngày làm việc cật lực, mọi người lại quây quần bên bếp lửa hồng. Anh Lồng có 6 người con, đứa nhỏ nhất năm nay 1 tuổi. Ruộng không có, chỉ có một ít nương rẫy nên cứ từ tháng 4 đến tháng 8 là đói ăn. Anh nói: “Có 5 cháu nhưng lại là 3 cháu trai, con gái chỉ có 2 nên phải đẻ thêm một đứa con gái nữa cho đủ cặp lạt”. Cái lý người Mông là vậy! Hỏi họ có biết về sinh con đông sẽ ảnh hưởng sức khoẻ và đói nghèo? Hỏi có sử dụng các biện pháp tranh thai? Tuy biết, nhưng cứ lắc đầu “chi pâu”.

Rất nhiều gia đình khác như: Mùa A Tống thôn Mông Si lấy hai vợ, trên 10 người con, đứa nhỏ nhất chừng 1 đến 2 tuổi; Mùa A Dình 8 người con, Tráng A Su thôn Mông Đơ trên 70 tuổi vẫn tiếp tục sinh con, trong khi con trai cả của ông đã có 5 đứa cháu nhỏ. Tổng cộng gia đình lên tới 12 người; Mùa A Lâu, thôn Mông Đơ cũng 2 vợ và có tới gần chục người con, đứa nhỏ nhất chừng 3 đến 4 tuổi; Hảng A Sắn thôn Mù Cao, 40 tuổi mà đã có trên chục đứa con, đứa nhỏ nhất chừng 2 tuổi; Giàng Páo Giang thôn Khấu Ly cũng hơn 10 người con, đứa nhỏ nhất 2 tuổi... Đây đều là những hộ nghèo khó do sinh đẻ nhiều. Có nhiều hộ đói từ 7/12 tháng, còn bình quân từ  4, đến 5/ 12 tháng... là chuyện bình thường.

Anh Mua tâm sự: “ Các anh đi thì biết! Khó vận động và tuyên truyền lắm! Mình cũng hết cách rồi?! Cũng đến tận nhà tư vấn chỉ ra đông con là nghèo khó và hỏi họ có sinh nữa không? Họ bảo: “Không đẻ nữa đâu, khổ lắm rồi! Biết rồi, cái bụng hiểu rồi!”. Thế mà tháng sau lên bụng vợ họ lại to đùng! Họ cười bảo là “nhỡ à”... Xã Bản Mù hiện nay có 594 hộ với 4.103 nhân khẩu, chia bình quân khẩu trên mỗi hộ thì khoảng 8 khẩu/ 1 hộ. Hết năm 2008, cả xã có 30 trường hợp sinh con thứ 3, trong đó cán bộ đảng viên 2 người ở thôn Khấu Ly và Mông Si. Từ đầu năm 2009 đến nay đã có 20 trường hợp sinh con thứ 3, trong đó có một trường hợp là cán bộ đảng viên ở thôn Khấu Ly. Toàn xã hiện còn khoảng 65% hộ nghèo.

Anh Hà Hữu Khoa - cán bộ Trung tâm Dân số huyện Trạm Tấu cho biết: “Mặc dù đã triển khai các chiến dịch xuống các xã, thôn, bản vùng cao, khó khăn song việc sinh con thứ 3 vẫn khồng hề giảm. Nguyên nhân một phần do sự thiếu hiểu biết của người dân và phụ nữ người Mông lại không muốn sử dụng các biện pháp tránh thai. Nhiều người sau khi đặt vòng, không hiểu họ bị đau thật hay giả vờ đau lăn đùng ra sân kêu gào, làm cho những người khác sợ không dám thực hiện. Nhưng nguyên nhân cơ bản, theo tôi vẫn là lãnh đạo, cán bộ cơ sở vẫn chưa thực sự nhiệt tình. Cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3, có người là chủ tịch xã, phó chủ tịch xã vi phạm. Như vậy, nói ai nghe!”. Từ đầu năm 2009 đến nay, Trạm Tấu đã có 86 trường hợp sinh con thứ 3, trong đó xã Xà Hồ 18 trường hợp, xã Trạm Tấu 11 trường hợp, Bản Mù 20 trường hợp, Túc Đán 14 trường hợp... 

Ngọc Sơn

Các tin khác
Chờ bữa cơm chiều...

YBĐT - Ton hon một lối mòn rộng vừa đủ bước chân người, vắt vẻo, ngoằn ngoèo trên lưng núi - con đường nhỏ nhoi, buồn, lạnh đưa chúng tôi đến thôn Giao Chu - buồn như nỗi lo cơm gạo của người Mông dưới những mái nhà thấp tè, thưa thớt ở cái thôn nghèo nhất của xã nghèo Pá Lau trên huyện vùng cao Trạm Tấu này.

Lên phố mất tên làng cũng là mất đi một phần bản sắc vốn có của thị xã miền Tây với hoa ban trắng, với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái.

YBĐT - Trong sâu thẳm tâm tư, bà con dân bản không muốn bản mình thay tên đổi họ, cho dù cái tên mới đầy mầu sắc phố thị, nhưng nó không đơn giản chỉ là một cái tên khi trong nó còn cả một phần văn hoá bản làng của người Thái Mường Lò.

Một nghi thức trong lễ cầu làng của người Dao Yên Thành.

YBĐT - Ồn ào phố thị rơi lại phía sau, miền đất yên ả đến thật nhẹ nhàng với những doi bãi như bát úp ven hồ Thác, những đàn trâu thoả thuê ngụp lặn trong nước hồ rười rượi. Trong ngút ngàn xanh là những làng những bản, xa vọng tiếng gà gáy buổi mai, thanh bình lạ!

Hàng năm, tỉnh vẫn thả hàng triệu cá giống bổ sung xuống hồ Thác Bà nhưng do không quản lý được phương thức khai thác thủy sản nên cá trên hồ vẫn cạn kiệt.

YBĐT - Không chỉ có tiềm năng về thuỷ điện và du lịch, hồ Thác Bà còn có tiềm năng rất lớn về thuỷ sản. Nhiều năm qua, nguồn thuỷ sản này đã nuôi sống hàng nghìn hộ dân ven hồ, nhưng thật đáng buồn là theo thời gian mà tiềm năng này giờ đang cạn kiệt!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục