"Săn cá" trên hồ Thác
- Cập nhật: Thứ năm, 13/5/2010 | 9:04:17 AM
YBĐT - Vài năm trở lại đây, cứ vào mùa nước cạn, người dân ở nhiều nơi lại đổ về hồ Thác Bà đánh bắt cá, đặc biệt nghiêm trọng là họ sử dụng các phương tiện hủy diệt nguồn thủy sản trên hồ. Những người dân sống ở khu vực quanh hồ Thác Bà nói rằng, chỉ vài năm nữa nguồn thủy sản vùng hồ sẽ cạn kiệt...
Yên Bình nơi tập kết của nhiều thuyền chài, có sử dụng
nhiều kích điện bằng đầu “nổ”.
|
Kích điện, vó đèn...
hủy diệt hồ Thác
Bến Km 11 thị trấn Yên Bình và bến Mông Sơn Thượng, Mông Sơn Hạ, xã Mông Sơn (Yên Bình) là nơi tập kết của rất nhiều thuyền chài. Bắt đầu từ 14h chiều trở đi, các bến này đông người đến lạ thường, từng tốp người tay xách ắc quy, cùng những thùng đá to mang đi để ướp cá, rau, gạo chuẩn bị cho cuộc săn bắt cá. Mất một ngày lân la qua những người quen chúng tôi mới thuyết phục được anh Đ.V.K, người dân xã Mông Sơn cho đi xem cách đánh cá về đêm. Khi màn đêm buông xuống phủ kín mặt hồ, những chiếc thuyền máy, thuyền đạp chân phủ đầy lưới, mang theo ắc quy, kích điện bắt đầu xuất hiện. K. chống sào nổ máy, chiếc xuống máy lao vút vào màn đêm.
Mấy hôm nay nước đục nên dân "cá" bằng kích điện cũng đi ít hơn mọi ngày. Cũng do ít cá nên nhiều "thợ săn" cá bằng kích điện từ bến Km 11 đã tạm nghỉ. Nhiều hôm trước, từ đoạn này ngược lên bến Km11, ánh đèn nhộn nhịp trên mặt hồ không khác gì thành phố nổi. Trời đã tối hẳn, điểm sáng duy nhất còn trên mặt hồ chỉ là những tàn lửa lập lòe như đom đóm của đám "thợ săn" hút thuốc và ánh đèn pin nơi mũi thuyền của "ngư tặc" lúc chớp, lúc tắt.
Chạy được 20 phút, K tắt máy thả neo ngồi chờ, lúc này đèn của đám "thợ săn" đêm cũng đã loang loáng tiến về. Tiếng động cơ mỗi lúc một nhiều, hai bên bờ là tiếng gõ vào mạn thuyền dồn cá của dân chài lưới. Chiếc thuyền của K, áp sát vào một chiếc thuyền đang nổ máy sình sịch. Trên thuyền có hai thanh niên, một người lái thuyền một người gí cần điện xuống dòng nước rồi kích điện. Những con cá bất ngờ bị một nguồn điện cực mạnh lao lên mặt nước, người dùng vợt hất con cá nặng hàng kg văng lên thuyền.
Người dẫn đường cho biết, trước đây dân chài chủ yếu dùng "kích tay" lấy nguồn điện từ bình ắc quy, vài năm trở lại đây, tôm, cá thưa dần bình ắc quy công suất nhỏ đánh được ít cá, họ chuyển sang dùng các "đầu nổ". Loại này có đủ sức truyền dòng điện lan xa, sâu từ 6 - 7 mét, cá lớn bị "dính" điện cũng đờ người nổi lên mặt nước, con nhỏ thì chạy đâu cho thoát. Vậy là, khi màn đêm buông xuống, hồ Thác Bà bị vài chục chiếc thuyền kích điện càn quét. Dân chài dùng kích chủ yếu vẫn là đám thanh niên vì có sức khỏe thức được đêm. K. cho biết thêm, người dân sống quanh hồ đánh bắt cá quanh năm nhưng kích thường được người dân sử dụng nhiều vào mùa nước cạn và đầu mùa mưa, cá vượt lên thượng nguồn để đẻ trứng. Những tay săn cá theo kiểu tàn sát này sẽ khua được rất nhiều cá mang về.
Đang say sưa kể chuyện kích cá thì bỗng mặt hồ được chiếu sáng bởi những chiếc đèn cao áp, K. cho biết, dùng vó bè để đánh bắt cá con là hình thức tận diệt ghê gớm nhất. Những người này dùng máy phát điện thắp sáng bóng cao áp công suất 500 w để dụ cá, sau đó họ dùng loại vó có mắt lưới nhỏ li ti để cất. Vài năm trước, khi cá tiểu bạc xuất hiện nhiều các loại vó đèn kiểu này có đến hàng trăm cái, nhưng từ năm 2009 cá tiểu bạc biến mất, cùng sự truy đuổi của cơ quan chức năng, loại vó đèn giảm hẳn. Nhưng từ đầu năm nay nhiều hộ dân lại bắt được cá tiểu bạc nên vó đèn đã sử dụng nhiều hơn. Những chiếc vó đèn này thường dụ những loài cá ưa sáng, với mắt lưới nhỏ, sau mỗi lần tung vó các loại cá nhỏ như tép dầu, thiểu, ngão, tiểu bạc... không có cơ hội chạy thoát. Đảo quanh một vòng chúng tôi đếm sơ sơ cũng có gần 20 chiếc vó đèn như vậy. K nói thêm: "Một đêm một vó có thể cất được hàng chục kg cá bột, trên mặt hồ có hàng trăm vó, sau một đêm hồ Thác Bà bị đánh biết bao nhiêu cá bột. Bên cạnh vó đèn, kích điện thì các loại lưới vét với đủ loại mắt lưới, đấy là chưa kể đến mìn vẫn “tung hoành” trên mặt hồ".
Đồng hồ đã qua 23h, thuyền chúng tôi ngoặt lái trở về, phía sau những ngư dân vẫn miệt mài “săn cá”. Nhưng có một điều dù đánh bắt như thế nhưng chẳng ngư dân nào khấm khá lên được. Hàng nghìn ngư dân ở 32 xã ven hồ vẫn vậy, nhiều người đã phải bỏ nghề vì cá, tôm ngày càng cạn kiệt.
Kích điện hoành hành trên mặt hồ
(Ảnh chụp chiều 12/5 gần bến Km11, thị trấn Yên Bình).
Dù lênh đênh trên mặt hồ cả ngày nhưng đời sống dân chài không khá lên được do nguồn cá cạn kiệt. (Trong ảnh: Gia đình bà Hữu Liên kéo lưới úp).
Thủy sản cạn kiệt, ngư dân về đâu?
Với trên 19.000 ha mặt nước, với nhiều loại cá quý hiếm đây sẽ là tiềm năng nếu biết khai thác hợp lý. Thế nhưng, thực tế nguồn thủy sản hồ Thác Bà đang bị tận diệt, với những kiểu đánh bắt mang tính hủy diệt. Ông Quyền một người sống lâu năm ở Mông Sơn cho biết: "Vài năm trở lại đây nguồn thủy sản hồ Thác Bà cũng cạn dần. Dân "săn" cá cũng thu nhập kém hẳn. Ông kể lại vào những năm trước, cứ vào tháng 6, tháng 7, những cơn mưa rào đầu mùa trong các khe lạch nhất là ở thượng nguồn cá vào vật đẻ quẫy suốt đêm, hồi đấy bắt được cá vài chục cân là chuyện thường".
Gia đình bà Hữu Liên, ở thị trấn Yên Bình - người đã sống cảnh lênh đênh trên hồ hàng chục năm. Với bà đánh hàng tạ cá mỗi ngày chỉ còn là ký ức, bà than vãn: "Dạo này kém lắm, có ngày tiền bán cá chỉ được 100.000 đồng. Mai chúng tôi di chuyển đến nơi khác xem sao". Hỏi mua cá to về ăn, bà giơ túi cá lên được khoảng gần chục con, con to nhất lên cũng chỉ được nửa cân.
Trước đây, dân chài chủ yếu dùng "kích tay" lấy nguồn điện từ bình ắc quy, vài năm trở lại đây, tôm, cá thưa dần, bình ắc quy công suất nhỏ đánh được ít cá, họ chuyển sang dùng các "đầu nổ". Loại này có đủ sức truyền dòng điện lan xa, sâu đến 6 - 7 mét, cá lớn bị "dính" điện cũng đờ người nổi lên mặt nước, còn nhỏ thì chạy đâu cho thoát.
Ông Vũ Hồng Đức, ngoài 50 tuổi ở thị trấn Yên Bình, với trên hai chục năm sống nghề chài lưới cho biết: "Nếu cứ đánh bắt bình thường thì hồ Thác Bà không bao giờ cạn kiệt. Nhưng từ khi xuất hiện các loại kích điện, đặc biệt, dân chài dùng máy giàn thì cá, tôm cũng hết. Đã lâu lắm rồi tôi chưa bắt được con cá to nào. Ngày trước chỉ cần thả vài mẻ lưới là thu về mấy tạ cá mà toàn cá mè nặng 20 đến 30 kg". Chính sự cạn kiệt nguồn lợi thủy sản của hồ Thác Bà mà nhiều người dân đã phải chuyển nghề khác. Xã Mông Sơn, có 923 hộ dân, với 4.160 nhân khẩu. Trước đây, khoảng 30% số hộ dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên hồ nhưng nay chỉ còn khoảng 10 - 12%.
Ông Đinh Hùng Vĩ - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Do sản lượng cá, tôm giảm, người dân chuyển nghề sang làm công nhân khai thác tại các mỏ đá. Xã Mông Sơn được giao bảo vệ 2.900 ha mặt nước, trước kia người dân thường dùng mìn đánh cá nhưng giờ họ không dùng mìn nữa mà chủ yếu là người dân ở các xã lân cận. Để bảo vệ nguồn thủy sản, xã thành lập Đội bảo vệ tự quản ở địa phương. Các thôn giao cho mỗi gia đình quản lý một diện tích mặt hồ nhất định, khi có dấu hiệu đánh bắt bằng mìn, kích điện thì báo cho đội tự quản và chính quyền địa phương để xử lý!
Hồ Thác Bà chịu sự quản lý của Trung tâm Thủy sản Yên Bái, nay là Chi cục Thủy sản. Thế nhưng, công tác quản lý, bảo vệ thủy sản còn gặp nhiều khó khăn bởi lực lượng tuần tra, kiểm soát còn ít, chưa mạnh về chế tài xử phạt, các cấp chính quyền địa phương nhiều xã chưa vào cuộc bảo vệ nguồn thủy sản… Điều đó cho thấy sự bất lực của cơ quan chức năng trong việc quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà. Được biết, mỗi năm từ tiền ngân sách của tỉnh, đơn vị này thả bổ sung nguồn lợi thủy sản xuống lòng hồ với lượng cá không nhỏ trị giá từ 300 đến 500 triệu đồng. Với kiểu đánh bắt hủy diệt như hiện nay thì cá, tôm thả xuống chẳng khác nào như muối bỏ bể.
Rời vùng hồ chúng tôi mang theo hình ảnh những lão ngư ngồi trên thuyền chài từ sáng đến trưa mà khoang trống trơn không một con cá, những người dân chài với khuôn mặt khắc khổ, ánh mắt trũng sâu vì thức đêm, vì sương gió. Tôi mang theo cả câu hỏi của những công dân gắn bó với lòng hồ, mai đây hồ Thác Bà sẽ còn lại gì? Không lẽ bó tay khi nhìn hồ thác đang trên đà tận diệt.
Văn Thông - Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT- Một con đèo nổi tiếng góp phần dệt nên huyền thoại Điện Biên Phủ mà chỉ được ghi danh qua những tấm biển chỉ đường thì quả là không xứng với tầm vóc lịch sử của nó! Chợt nghĩ, nếu ở đoạn bằng phẳng, rộng rãi nơi ngã ba gần đỉnh đèo có một tượng đài hay một tấm biển lớn “trích ngang” lịch sử đèo Lũng Lô để mọi người qua đây nghỉ chân chiêm ngưỡng sẽ thật ý nghĩa biết bao...
YBĐT - Những năm 90 của thế kỷ trước, vùng chè Văn Hưng - Yên Bình được ví như là “biểu tượng” của vùng chè Yên Bái, bởi những nương chè được trồng bài bản và đạt năng suất cao. Cũng tại nơi đây có nhà máy chè được đón nhận danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”. Ấy vậy mà hôm nay, đến vùng chè này man mác một nỗi xót xa, hàng chục ha chè bỏ hoang, người làm chè không còn mặn mà với chè nữa.
YBĐT - Là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Yên Bái, cái tên Mù Cang Chải đã phần nào gợi cảm giác điệp trùng, chon von như mây núi và gập ghềnh như qua mỗi con suối, dòng khe...
YBĐT - Khi các vụ việc được cơ quan chức năng tiến hành tố tụng, xét xử, giải quyết án hoàn thành, ngay sau đó là cả một quá trình gian nan trong công tác thi hành án dân sự...