Thi hành án dân sự: Nhiều việc khó thực thi

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/4/2010 | 7:02:38 PM

YBĐT - Khi các vụ việc được cơ quan chức năng tiến hành tố tụng, xét xử, giải quyết án hoàn thành, ngay sau đó là cả một quá trình gian nan trong công tác thi hành án dân sự...

Chấp hành viên nghiên cứu kỹ hồ sơ được giao thụ lý bảo đảm thi hành án dân sự.
Chấp hành viên nghiên cứu kỹ hồ sơ được giao thụ lý bảo đảm thi hành án dân sự.

Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Yên Bái là đơn vị có số lượng án thụ lý đưa ra thi hành chiếm khoảng 50% lượng án phải thi hành của toàn tỉnh. Hầu hết các vụ việc phức tạp, dẫn đến việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn, số án không có điều kiện thi hành, án tồn đọng tương đối cao. Trong khi đó, nghị quyết của HĐND thành phố đề ra nhiệm vụ hàng năm phải giải quyết 100% các việc có điều kiện thi hành.

Những ách tắc, cản trở

Vụ phân chia tài sản (đất) sau ly hôn tại thôn 4, xã Hợp Minh giữa anh Vũ Ngọc Hân và chị Phạm Thị Huệ là một trong những vụ việc phức tạp, kéo dài. Cơ quan THADS huyện Trấn Yên đã tổ chức thi hành nhiều năm và tổ chức cưỡng chế thi hành nhiều lần không thành. Sau khi được bàn giao về Chi cục THADS thành phố, việc THA cũng gặp nhiều trở ngại do đương sự chống đối, cản trở việc thi hành khiến cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý.

Thậm chí, khi cán bộ THADS cùng các đơn vị của thành phố tiến hành cưỡng chế đương sự vẫn dùng mọi thủ đoạn, hành vi cản trở, lăng mạ, chống lại lực lượng thực thi nhiệm vụ. Trong vụ tranh chấp dân sự giữa anh Hoàng Anh Tân với anh Đàm Duy Đức cũng cho thấy để thực thi nhiệm vụ là rất khó khăn. Vụ việc kéo dài từ nhiều năm nhưng chưa có cơ sở để cơ quan THADS giải quyết. Anh Tân được bố đẻ (ông Đăng) cho mảnh đất diện tích 64m2, ở tổ 74, phường Nguyễn Thái Học.

Năm 2001, anh Tân bán đất cho anh Đức với số tiền 127 triệu đồng, giấy tờ chuyển nhượng chỉ 2 người với nhau, không được cấp có thẩm quyền chứng nhận và anh Đức đã tiến hành xây nhà kiên cố trên mảnh đất này. Trong vụ việc này, anh Tân đã nhận số tiền bán đất 100 triệu đồng, bằng 81,6% giá trị hợp đồng, nhưng anh Tân không có giấy tờ chứng minh được quyền sở hữu lô đất này. Vì ông Đăng chỉ nói cho con trai chứ chưa làm thủ tục sang tên cho anh Tân. Theo chấp hành viên thụ lý giải quyết vụ việc thì người phải THADS - anh Hoàng Anh Tân về mặt pháp lý không chứng minh được là người có tài sản để bảo đảm THADS nhưng trước đó lại đứng ra nhận số tiền bán đất trên. Vấn đề trở nên vòng vo và ách tắc...

Vướng mắc mà các chấp hành viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ vấp phải là rất nhiều. Trong quá trình xác minh nơi cư trú của đối tượng phải THADS, nhiều trường hợp đương sự lại không cư trú tại địa chỉ ghi trong hồ sơ. Có đối tượng ở tỉnh khác nhưng khi bị bắt lại khai ở thành phố Yên Bái mặc dù chỉ thuê nhà ở nơi đó có vài ngày. Nhiều đối tượng trong hồ sơ chỉ ghi tên bố mẹ nhưng không ghi địa chỉ ở đâu... khiến cán bộ đi xác minh gặp nhiều khó khăn, thời gian giải quyết bị kéo dài. Ông Đỗ Tuấn Hải – người nhiều năm đảm nhiệm nhiệm vụ chấp hành viên tâm sự: “Người làm công tác THADS đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhanh nhạy, biết kiên trì thuyết phục và cần cả bản lĩnh nữa!”. Thực tế, có chấp hành viên từng bị đương sự bắn tin dọa huỷ hoại tài sản cá nhân, thậm chí đe dọa đến tính mạng người thân. Không những thế, quá trình giải quyết tranh chấp, thực hiện cưỡng chế, cán bộ thực thi nhiệm vụ có thể bị tấn công bất cứ lúc nào!

Những nguyên nhân sâu xa

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến án còn tồn chưa giải quyết được. Đối với những vụ việc cơ quan THADS xác định có điều kiện thi hành, khi cơ quan THADS thụ lý và tổ chức thi hành các bên đương sự đã thoả thuận với nhau về phương thức thanh toán, nên vụ việc giải quyết bị kéo dài. Những vụ án chia tài sản sau ly hôn, khi thụ lý hồ sơ giải quyết cơ quan THADS xác định thuộc diện có điều kiện thi hành nhưng tài sản của họ là bất động sản (nhà, đất ở) không thể chia đôi, lúc đó chỉ giải quyết bằng thoả thuận thanh toán chênh lệnh tài sản (trả bằng tiền).

Việc giải quyết phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế của các bên đương sự, nên những vụ án chia tài sản sau ly hôn thường bị kéo dài. Nhiều tranh chấp, nhất là liên quan đến đất đai, nhà cửa không thể thi hành được vì nhiều nguyên do, trong đó sâu xa là cơ chế quản lý đất đai, đô thị bị buông lỏng, người mua, người bán không tuân thủ các quy định chung về chuyển nhượng đất đai, xây dựng nhà ở, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Đối với những vụ án xác định chưa có điều kiện thi hành, việc dân sự trong án hình sự chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số án mà Chi cục THADS thành phố thụ lý. Hầu hết các đối tượng THA phải qua thời gian chấp hành hình phạt tù, nhiều đối tượng còn trẻ, mắc vào tệ nạn xã hội, không có tài sản, nguồn thu nhập, không có việc làm ổn định, lang thang, trộm cắp, nhiều đối tượng nhiễm HIV... nên việc THADS là không thể. Nhiều đối tượng phải THA nhưng khi mãn hạn tù không trở về địa phương, cơ quan THADS không xác định được địa chỉ, tài sản và nơi cư trú. Hiện nay, Luật THADS chỉ qui định thời hạn yêu cầu THADS là 5 năm kể từ ngày bản án quyết định có hiệu lực thi hành, không qui định thời hạn kết thúc THA, do vậy nhiều vụ việc không thi hành được và đành phải chuyển giao qua nhiều năm.

Có những đối tượng phải thi hành một lúc nhiều bản án, vừa hết hạn tù trở về địa phương lại tiếp tục phạm tội, nên rất khó khăn cho việc THADS. Loại án khó THA chủ yếu liên quan đến ma tuý và các vụ án tranh chấp dân sự (vay nợ) không có khả năng thanh toán. Bên cạnh đó, Luật THADS có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2009 nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành luật chậm ban hành. Đến nay, Chính phủ mới ban hành 2 nghị định về trình tự, thủ tục và hệ thống tổ chức cơ quan THADS. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp chưa ban hành thông tư hướng dẫn cũng như thông tư liên bộ giữa các ngành liên quan như: Bảo hiểm xã hội, ngân hàng, do đó các cơ quan liên quan chưa thể “chụm đầu” phối hợp tạo điều kiện giải quyết.

Cần động thái tích cực

Năm 2009, Chi cục THADS thành phố phải thụ lý giải quyết 1726 việc. Trong đó: số án thụ lý mới là 522 việc, số chuyển từ năm trước sang 1204 việc. Số án có điều kiện thi hành chiếm gần 1/3 tổng số án thụ lý (545 việc).

Chi cục THADS đã giải quyết xong 521/545 việc trên số án có điều kiện thi hành, đạt 95,5%. Đơn vị đã giải quyết thi hành xong 2,34 tỷ đồng, đạt 93%, trong đó: thu cho ngân sách Nhà nước 304 triệu đồng, thu cho công dân và tổ chức xã hội trên 435 triệu đồng, giải quyết theo luật định gồm đình chỉ, uỷ thác, trả đơn số tiền trên 1,5 tỷ đồng.

Năm 2010, Chi cục THADS thành phố phải thi hành 950 việc tồn đọng với số tiền phải giải quyết trên 7,38 tỷ đồng, trong đó: án hình sự các loại tội danh là 772 việc, chiếm 80%; án tranh chấp dân sự 114 việc, chiếm 12%; án hôn nhân gia đình 64 việc chiếm 8%...

Ông Nguyễn Huy Toán - Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố cho biết: Để công tác THADS đạt hiệu quả, cơ quan THADS sẽ tăng cường xác minh phân loại án, lập kế hoạch thực hiện cụ thể từng tháng, từng quí để giải quyết dứt điểm những vụ việc xác định có điệu kiện thi hành. Đồng thời áp dụng các biện pháp cưỡng chế THADS đối với các việc có điều kiện thi hành nhưng đương sự cố tình chống đối, chây ỳ.

Để bảo đảm giải quyết 100% số việc xác định có điều kiện thi hành như nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố đã đề ra, cũng như giảm 10 - 15% án tồn đọng không có điều kiện thi hành là nhiệm vụ khó khăn mà lực lượng THADS cần nỗ lực phấn đấu. Thời gian tới, Chi cục THADS thành phố sẽ chỉ đạo chấp hành viên thường xuyên rà soát, xác minh, thực thi triệt để các vụ việc có điều kiện thi hành, cùng với lập hồ sơ đề nghị viện kiểm sát, tòa án xét miễn giảm án theo Nghị quyết 24/2008/QH12 của Quốc hội thông qua, các việc thi hành có giá trị không quá 500.000 đồng mà thời gian tổ chức thi hành đã quá 5 năm.

Công tác THADS  có đạt hiệu quả hay không ngoài sự nỗ lực của cơ quan THADS, đòi hỏi các bộ, ngành liên quan, các cấp chính quyền địa phương có những động thái tích cực. Nhất là các bộ liên quan cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện theo Luật THADS, có qui chế phối hợp chặt chẽ giải quyết các vướng mắc. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất trang bị, kể cả công cụ hỗ trợ giúp cơ quan THADS, ngăn chặn các trường hợp đương sự chống đối, tẩu tán tài sản. Các cấp chính quyền địa phương cần xây dựng cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, thắt chặt công tác cấp phép, quản lý đất đai, tạo cơ sở giải quyết các vụ việc THADS nhanh chóng, thuận lợi, đạt kết quả cao.

Huy Văn

Các tin khác
Thanh niên tình nguyện tham gia làm thủy lợi tại xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải). (Ảnh: Thu Hạnh)

YBĐT - Được coi là nơi bắt đầu của phong trào thanh niên tình nguyện ở Yên Bái, từ năm 2003 - năm đầu tiên phát động đến nay, phong trào thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ Lục Yên đã từng bước lớn mạnh, trở thành môi trường rèn luyện kỹ năng sống và là nơi tập hợp, phát huy tinh thần, sức mạnh của tuổi trẻ các dân tộc huyện Lục Yên.

Đò trôi trên dòng sông Thạch Hãn. (Ảnh: Internet)

YBĐT - Vào đầu những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cựu chiến binh chúng tôi thật may mắn có cuộc hành trình dọc chiều dài đất nước. Khởi hành từ thành phố Yên Bái, đi theo con đường dọc sông Hồng, qua đền Âu Cơ, thờ Mẹ của người lập nước Văn Lang, tiền thân của nước Việt Nam ngày nay.

Hoa xuân.

YBĐT - Tôi đã có dịp đi nhiều nơi trên khắp các nẻo đường Tây Bắc, đắm mình trong những lễ hội của mùa xuân, hòa mình vào những sắc màu rực rỡ của đất trời, của mây núi và của tình người đằm thắm và mãi không thể quên được những sắc hoa bình dị lẫn trong làn khói lam tỏa ra từ những mái nhà sàn ấm áp của đồng bào người Tày, người Thái, rồi cùng rộn ràng trong những điệu xòe xốn xang, đắm mình trong những câu hát giao duyên giữa đêm hội làng.

Trâu được chẩn đoán mang vi rút lở mồm long móng với các biểu hiện ủ rũ, mệt mỏi và các triệu chứng tiêu biểu của bệnh.

YBĐT - Yên Bái đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi phát triển, tỷ trọng chăn nuôi liên tục tăng từ 4-5%/năm nhưng chưa xứng với tiềm năng của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục